Chàng sinh viên Công an giàu hoài bão với công trình đạt giải nhì cấp Nhà nước

Chủ Nhật, 14/04/2013, 17:24
Ba năm liền là Bí thư chi đoàn, hiện đang đảm nhiệm vai trò Trung đội trưởng, có lẽ vì thế mà ngay những phút đầu trò chuyện, tôi đã cảm nhận được phong thái hoạt bát, sự chân thành và cởi mở từ chàng sinh viên chuyên ngành Bảo vệ an ninh nội bộ (Học viện ANND) Hoàng Văn Đông - một sinh viên xuất sắc vừa nhận giải nhì cấp Nhà nước và nhận Bằng khen của Bộ Công an trong cuộc thi “Tìm hiểu lịch sử quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam” do Ban Tuyên giáo TW tổ chức với công trình “Nhật ký Lao Khô”.

Hoàng Văn Đông sinh ra và lớn lên ở thị trấn Sông Mã, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La. Huyện Sông Mã, quê hương Đông là nơi giáp với 2 tỉnh Hủa Phăn và Luông Pha Băng của Lào. Việc sinh sống bên cạnh đất nước Lào và thường xuyên gặp gỡ bà con người Lào nơi đây khiến Đông có một tình cảm đặc biệt với đất nước, người dân Lào. Cũng chính điều này đã thôi thúc Đông quay trở lại quê hương, viết nên tác phẩm “Nhật ký Lao Khô” trong một tuần “lao động nghĩa vụ” tại bản Lao Khô.

“Nhật ký Lao Khô” là những dòng cảm xúc đặc biệt kể lại hành trình Hoàng Văn Đông hai lần vượt qua những cánh rừng già, những đoạn đèo dốc quanh co, hiểm trở để đến với Lao Khô, một bản miền núi ở phía Tây xã Phiêng Khoài, thuộc huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La.

Nơi đây vào những năm 1948 đến năm 1950, đồng chí Kayson Phomvihane (sau này trở thành Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Chủ tịch nước CHDCND Lào), cùng Ban xung phong Lào - Bắc được bà con nhân dân bản Lao Khô cưu mang, giúp đỡ hoạt động xây dựng căn cứ cách mạng và thành lập quân It-sa-la, tiền thân của Quân đội nhân dân Lào ngày nay.

Hoàng Văn Đông và già Tráng Lao Lử (con trai cụ Tráng Lao Khô).

Cũng trong chuyến đi ấy, Đông đã đến thăm gia đình già Tráng Lao Lử, con trai cụ Tráng Lao Khô - người đã có công nuôi dưỡng, giúp đỡ đồng chí Kayson Phomvihane và cán bộ trong Ban xung phong Lào - Bắc hoạt động cách mạng. Câu chuyện của 63 năm về trước từ việc cụ Tráng Lao Khô nhận Chủ tịch Kayson làm con nuôi, hai bên làm lễ cắt máu ăn thề: “Nhau xi lu, tùa xí nho” (tạm dịch là: Thương cùng nhau, chết cùng nhau) đến việc cụ giúp nuôi cán bộ, giấu tài liệu mật, tặng 50 đồng bạc cho đồng chí Kayson và Ban xung phong Lào - Bắc trang bị vũ khí, qua lời kể của chính già Lử rõ mồn một.

Khu di tích Lao Khô với cây đa nơi thành lập quân It-xa-la, hang Thẩm Mế là những di tích lịch sử hiện vẫn được nhân dân hai nước bảo tồn, gìn giữ và phát triển, cùng cột mốc biên giới Việt – Lào, câu chuyện của 2 chiến sĩ Cộng sản Khăm Nhọt và Nguyễn Tín đã hiến dâng trọn cuộc đời và tuổi thanh xuân cho sự nghiệp cách mạng, ngã xuống trên đất bạn, nằm lại nơi rừng núi thiêng liêng, cũng là những nội dung được tác giả Hoàng Văn Đông chia sẻ sau chuyến đi đầy ý nghĩa này.

Với sự giúp đỡ nhiệt tình của gia đình già Lử, cùng lãnh đạo và chiến sĩ Đồn Biên phòng 461 trong những ngày ở bản Lao Khô, một tháng sau khi trở về trường, Đông đã hoàn thành tác phẩm của mình. Bản thân Đông cũng không ngờ rằng tác phẩm của mình đạt giải nhì cuộc thi. Rất vui mừng và xúc động, đó là những cảm xúc của Đông khi được sang Lào nhận giải thưởng này.

Chuyến đi Lào ấy để lại trong Đông ấn tượng về đất nước tươi đẹp, những con người nước bạn sống chân tình và mến khách. Người dân ở đó nói được tiếng Việt, hát được tiếng Việt, hát dân ca Lào bằng tiếng Việt. Đông tâm sự với tôi, Lao Khô là một di tích mới được công bố, ở đấy không chỉ đơn thuần tồn tại tình hữu nghị giữa hai nước mà còn là máu của hai dân tộc Việt – Lào hòa quyện với nhau. Tuy nhiên, số người biết và hiểu về lịch sử nơi đây còn rất ít.

“Nhật ký Lao Khô” là tác phẩm thiết thực hưởng ứng “Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam – Lào 2012”, chào mừng kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 35 năm ngày ký Hiệp ước hữu nghị hợp tác giữa hai nước. Bên cạnh đó cũng góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, nhất là cho thế hệ trẻ của hai nước về tình hữu nghị đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở mỗi nước. Công trình còn giúp vun đắp tình hữu nghị thủy chung giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước...

Được biết, chàng sinh viên Hoàng Văn Đông còn giành được nhiều giải thưởng quan trọng khác như: Giải đặc biệt cuộc thi “Tìm hiểu chính sách pháp luật bình đẳng giới”; Giải đặc biệt của Thành ủy Hà Nội cuộc thi “40 năm Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không oanh liệt và tự hào”; Giải ba cuộc thi “Pháp luật biên giới Quốc gia”...

Hoàng Văn Đông là một minh chứng điển hình trong phong trào “Sinh viên nghiên cứu khoa học”, phong trào “CAND học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy”, là niềm tự hào của Học viện ANND, đơn vị luôn đi đầu trong các công tác đào tạo, học tập của lực lượng Công an

Bích Diệp
.
.