Cảnh sát truy nã tội phạm góp phần giữ bình yên cuộc sống của nhân dân

Thứ Năm, 23/07/2015, 08:35
LTS: Nhân dịp Bộ Công an tổ chức Hội nghị Tổng kết 10 năm công tác truy nã tội phạm (giai đoạn 2004-2014), Thượng tướng Lê Quý Vương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đã trả lời phỏng vấn Báo CAND, đánh giá về kết quả truy nã tội phạm 10 năm qua đã đóng góp quan trọng trong công tác phòng, chống tội phạm, vì một xã hội bình yên. Báo CAND trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc nội dung cuộc phỏng vấn.

PV: Thưa Thứ trưởng, được biết Bộ Công an đang chỉ đạo việc Tổng kết 10 năm công tác truy nã tội phạm phục vụ xây dựng Dự án Luật Truy nã tội phạm, đề nghị đồng chí khái quát đôi nét về tình hình, đặc điểm liên quan đến công tác truy nã tội phạm?

Thứ trưởng Lê Quý Vương: Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, đất nước ta đã thu được nhiều thành tựu quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng cao. Tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế đã tạo ra cơ hội thuận lợi để phát triển mọi mặt kinh tế, xã hội của đất nước nhưng cũng có rất nhiều nguyên nhân, điều kiện dễ nảy sinh phức tạp của trật tự xã hội, nhất là tình hình tội phạm.

Hiện nay, hoạt động của tội phạm hình sự vẫn có chiều hướng gia tăng và có sự đan xen, nhất là tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm hình sự hoạt động có tổ chức, tội phạm ma túy, tội phạm có yếu tố nước ngoài, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm kinh tế... với nhiều thủ đoạn phạm tội nguy hiểm, tinh vi, phức tạp, khó phòng ngừa và phát hiện. Đặc biệt là ngay sau khi gây án, đối tượng đã trốn chạy, xóa dấu vết để tránh bị bắt giữ.

Theo số liệu thống kê, trong 10 năm (2004-2014), cơ quan điều tra các cấp đã ra quyết định truy nã đối với 73.156 đối tượng (chiếm hơn 7% số bị can khởi tố), trong đó có 16.702 đối tượng truy nã nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm. Chính vì vậy, nhiệm vụ tổ chức xác minh, truy bắt, vận động đối tượng truy nã ra đầu thú của lực lượng điều tra và Cảnh sát truy nã tội phạm rất nặng nề, nhất là đối với những đối tượng phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, lẩn trốn ở nhiều địa phương, thay tên, đổi họ, thậm chí trốn ra nước ngoài, thì công tác truy nã đòi hỏi phải tập trung cao độ mới có hiệu quả.

Cảnh sát Việt Nam bàn giao hồ sơ và đối tượng truy nã quốc tế (đối tượng mặc áo tím) cho Cảnh sát Trung Quốc tại sân bay quốc tế Nội Bài.

PV: Thưa Thứ trưởng, Thứ trưởng đánh giá vai trò của lực lượng Cảnh sát truy nã tội phạm như thế nào trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm?

Thứ trưởng Lê Quý Vương:  Công tác truy nã tội phạm là một trong những hoạt động đấu tranh phòng, chống tội phạm của lực lượng Công an nhân dân, giữ một vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự. Để đạt được yêu cầu nhiệm vụ truy nã đối tượng thì các lực lượng chức năng phải áp dụng tổng hợp các biện pháp nghiệp vụ nhằm phát hiện, bắt giữ bị can, bị cáo, người bị kết án phạt tù hoặc người bị kết án tử hình, phạm nhân bỏ trốn, phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự, góp phần đảm bảo an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội.

Trước yêu cầu đòi hỏi của công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, năm 2009, Bộ Công an đã đề xuất Chính phủ thành lập lực lượng Cảnh sát truy nã tội phạm có hệ thống từ Trung ương đến địa phương. Đây là lực lượng chuyên trách trong công tác truy bắt đối tượng truy nã, nhất là đối tượng thực hiện tội phạm bỏ trốn trong nước hoặc có tin trốn ra nước ngoài (kể cả đối tượng bị cơ quan pháp luật các nước truy nã quốc tế có tài liệu lẩn trốn ở Việt Nam), hoặc truy tìm tung tích nạn nhân, người mất tích, vật chứng liên quan đến vụ án hình sự theo quy định của pháp luật.

Từ khi thành lập đến nay, hoạt động của lực lượng Cảnh sát truy nã tội phạm ngày càng hiệu quả, số đối tượng truy nã bị bắt giữ năm sau đều cao hơn năm trước. Chỉ tính từ năm 2010 đến cuối năm 2014, toàn quốc đã bắt, vận động đầu thú và thanh loại 41.277 đối tượng, góp phần làm giảm số đối tượng truy nã (ĐTTN) từ 17.828 (năm 2004) còn 14.580 (năm 2014). Trong đó có nhiều đối tượng truy nã phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, lẩn trốn lâu năm, có đối tượng thậm chí đã làm giả lý lịch và được tuyển dụng vào làm việc trong cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội.

Có thể đánh giá rằng, từ khi thành lập lực lượng Cảnh sát truy nã tội phạm chuyên trách, công tác truy nã tội phạm đã đạt hiệu quả cao hơn trước, góp phần quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm hiện nay.

PV: Thứ trưởng có thể cho biết, những khó khăn trong quá trình thực hiện công tác truy nã tội phạm hiện nay?

Thứ trưởng Lê Quý Vương: Đến cuối năm 2004, toàn quốc còn 17.828 ĐTTN, trong đó có 4.863 ĐTTN nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm. Do những năm gần đây, giao lưu và hội nhập kinh tế phát triển không ngừng, hệ thống giao thông và thông tin liên lạc rất thuận tiện. Vì vậy, ngay sau khi gây án, đối tượng phạm tội thường tìm cách trốn đi xa và trốn rất nhanh, với nhiều thủ đoạn lẩn trốn, che giấu tung tích rất tinh vi nhằm đối phó với sự phát hiện của cơ quan chức năng và quần chúng như: sử dụng giấy tờ giả, thẩm mỹ viện để thay đổi đặc điểm nhận dạng, liên tục thay đổi nơi lẩn trốn, thay đổi cách thức liên lạc với người thân, đồng bọn, cá biệt có đối tượng bỏ trốn đến những quốc gia mà hành vi của đối tượng không quy định là tội phạm hoặc nước đó chưa có quan hệ hợp tác về tư pháp hình sự với nước ta, đã gây không ít khó khăn cho công tác xác minh, truy bắt của lực lượng chức năng.

Quá trình lẩn trốn nhiều đối tượng tiếp tục câu kết thành băng, nhóm tội phạm để hoạt động; một số đối tượng đã tự trang bị các loại vũ khí để sẵn sàng chống trả khi bị phát hiện, bắt giữ, gây tổn thất lớn cho lực lượng tham gia truy bắt. Trong những năm qua đã có 7 cán bộ, chiến sỹ Công an hy sinh và hàng trăm cán bộ, chiến sỹ bị thương trong quá trình xác minh, truy bắt ĐTTN.

Điển hình như: Ngày 5/2/2010, Vàng A Khua, sinh năm 1956, trú tại xã Hang Kia, Mai Châu, Hòa Bình, đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm về tội mua, bán trái phép chất ma túy, đã sử dụng súng quân dụng chống trả khi bị vây bắt làm 3 cán bộ, chiến sỹ Công an hy sinh. Thực trạng trên cho thấy, công tác truy nã tội phạm cũng hết sức cam go, nguy hiểm, khó lường và cũng khẳng định tinh thần chiến đấu dũng cảm quên mình của cán bộ, chiến sỹ Công an trong thực thi nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự.

PV: Thứ trưởng có thể cho biết, lực lượng Cảnh sát truy nã tội phạm đã phát huy vai trò nòng cốt trong công tác truy nã tội phạm như thế nào?

Thứ trưởng Lê Quý Vương:  Bộ Công an đã thành lập Ban Chỉ đạo về công tác truy nã tội phạm (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 327). Giao cho Cục Cảnh sát truy nã tội phạm là cơ quan Thường trực, đồng thời đã chỉ đạo chặt chẽ công tác này đối với Công an các đơn vị, địa phương, phát huy vai trò là bộ phận nòng cốt, chủ công lực lượng Cảnh sát truy nã tội phạm đã làm tốt công tác tham mưu, hướng dẫn nghiệp vụ, kiểm tra công tác truy nã của lực lượng Công an trên phạm vi toàn quốc và hợp tác quốc tế; là lực lượng chính, chuyên trách trong xác minh, vận động, truy bắt ĐTTN, đồng thời là đầu mối trao đổi, cung cấp thông tin, hỗ trợ, phối hợp Công an các đơn vị, địa phương trong công tác truy nã tội phạm. Đã trực tiếp xác minh, truy bắt, vận động đầu thú 13.959 đối tượng (riêng Cục Cảnh sát truy nã tội phạm đã bắt, vận động đầu thú 2.094 đối tượng, trong đó số đối tượng truy nã nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm chiếm tỷ lệ cao). Đã xây dựng quy chế phối hợp với các đơn vị trong và ngoài lực lượng Công an, nhất là Văn phòng cơ quan Cảnh sát điều tra, Cục Cảnh sát hình sự, Cục Hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Cục An ninh điều tra, Cục Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng, Cục Hàng không Việt Nam và Công an các địa phương...

Đến nay, công tác truy nã tội phạm của lực lượng Công an ngày càng đi vào nề nếp, thực hiện đúng quy định của pháp luật, tôn trọng và bảo đảm quyền công dân. Lực lượng Cảnh sát truy nã tội phạm đã ổn định về tổ chức và con người, nguồn lực và chất lượng, hiệu quả công tác ngày một nâng cao.

PV: Trong điều kiện hội nhập, vấn đề hợp tác quốc tế trong công tác truy nã tội phạm được thực hiện thế nào, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Lê Quý Vương: Nhằm đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong công tác truy nã tội phạm, Bộ Công an đã chỉ đạo triển khai thực hiện tốt các hiệp định về tương trợ tư pháp hình sự và dẫn độ tội phạm song phương, đa phương mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia, đồng thời tham mưu đề xuất với cấp có thẩm quyền đẩy nhanh tiến độ xây dựng và ký kết mới một số hiệp định trong lĩnh vực này với một số quốc gia khác, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho công tác phối hợp xác minh, truy bắt, dẫn giải đối tượng truy nã của Việt Nam trốn ra nước ngoài và ngược lại. Đã tổ chức trao đổi kinh nghiệm về công tác truy nã tội phạm với lực lượng chức năng của một số nước. Đặc biệt lần đầu tiên Bộ Công an Việt Nam và Bộ Công an Trung Quốc đã phối hợp mở đợt cao điểm, xác minh truy bắt đối tượng truy nã chung (từ tháng 11/2014 đến tháng 7/2015), bước đầu đã đạt được kết quả tích cực, hai bên đã bắt được gần 50 đối tượng.

Công an các đơn vị, địa phương đã phối hợp với Văn phòng Interpol Việt Nam và các lực lượng chức năng tổ chức xác minh, bắt giữ được 216 đối tượng truy nã của Việt Nam trốn ra nước ngoài. Trong đó, thông qua kênh Interpol bắt giữ 86 đối tượng; thông qua kênh hợp tác khác bắt giữ trên 100 đối tượng; phối hợp với cơ quan xuất nhập cảnh, lực lượng Biên phòng bắt giữ 30 đối tượng tại các khu vực biên giới, cửa khẩu. Ngoài ra, Công an các đơn vị, địa phương đã bắt giữ và bàn giao cho nước ngoài 160 đối tượng truy nã do cơ quan pháp luật nước ngoài ra quyết định truy nã có thông báo trốn vào Việt Nam, trong đó có nhiều đối tượng có lệnh truy nã quốc tế của Interpol.

PV: Bộ Công an đã có định hướng, mục tiêu gì đối với công tác truy nã tội phạm trong thời gian tới, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Lê Quý Vương: Để thực hiện tuân thủ pháp luật, nhất là trong lĩnh vực điều tra, Bộ Công an đặt ra yêu cầu là hạn chế đến mức thấp nhất phát sinh đối tượng truy nã, nhưng không làm gia tăng tỷ lệ số bị can, bị cáo phải áp dụng biện pháp tạm giữ, tạm giam. Đây là vấn đề lớn, đặt ra không phải chỉ riêng của lực lượng Cảnh sát truy nã tội phạm, mà là yêu cầu, nhiệm vụ chung của lực lượng Công an, trong đó có vai trò quan trọng của cơ quan điều tra các cấp và lực lượng Cảnh sát truy nã tội phạm trong đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác xác minh, truy bắt và vận động đối tượng truy nã ra đầu thú.

Đồng thời huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phong trào bảo vệ an ninh tổ quốc, phát hiện và tố giác tội phạm, tăng cường và đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền về công tác truy nã tội phạm, phổ biến kịp thời để nâng cao ý thức cảnh giác của người dân; làm cho đối tượng truy nã dù lẩn trốn ở đâu cũng không thể an toàn, sẽ bị phát hiện, bắt giữ bất kỳ lúc nào và sớm lựa chọn con đường đầu thú để được hưởng lượng khoan hồng của pháp luật; phấn đấu đề ra chỉ tiêu vận động đầu thú, làm giảm số đối tượng truy nã hằng năm. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các văn bản pháp luật có liên quan đến công tác truy nã tội phạm, đặc biệt là Luật Truy nã tội phạm.

Qua Hội nghị Tổng kết 10 năm công tác truy nã tội phạm, chúng ta sẽ có thêm nhiều bài học kinh nghiệm và giải pháp cụ thể về công tác truy nã tội phạm để góp phần quan trọng vào phòng, chống tội phạm, vì một xã hội bình yên, hạnh phúc.

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí Thứ trưởng!

Anh Hiếu (thực hiện)
.
.