Cảnh sát Việt Nam ghi dấu ấn qua 5 năm “tầm nã” tội phạm có yếu tố nước ngoài

Thứ Tư, 18/06/2014, 10:00
Hiện Việt Nam có hơn 700 đối tượng truy nã (ĐTTN) bỏ trốn ra nước ngoài, trong đó có 465 ĐTTN nguy hiểm, đặc biệt nguy hiểm. Hơn 40% trong số các ĐTTN nêu trên đã lợi dụng các đường biên giới trên đất liền để bỏ trốn sang các nước có đường biên giới chung với Việt Nam như Trung Quốc, Lào, Campuchia. Một số đối tượng dùng giấy tờ giả để trốn sang nước ngoài bằng đường biển, đường hàng không thông qua con đường hợp pháp như thăm thân, du lịch, làm ăn.

Cùng với quá trình phát triển hội nhập, tội phạm ngoại cũng chọn Việt Nam làm nơi lẩn trốn. Qua kênh hợp tác Interpol, từ năm 2009 đến nay, Cảnh sát nước ngoài đã đề nghị Công an Việt Nam truy bắt 394 đối tượng.

Trốn ra nước ngoài vẫn không thoát 

Nhắc đến chuyện bắt ĐTTN người Việt trốn sang nước ngoài, các trinh sát đã kể cho chúng tôi nghe về nhưng chiến công đã ghi dấu ấn trong trang sử của lực lượng Cảnh sát truy nã tội phạm (CSTNTP). Đó là chuyện xuất quân sang Singapore truy bắt trùm cờ bạc Hạnh “sự”; hành trình gian khổ suốt 41 giờ bay sang Bờ Biển Ngà dẫn độ ĐTTN, rồi chuyện xuất ngoại sang Thái Lan, Liên bang Nga, Trung Quốc… đã đánh dấu bước tiến mới trong công tác truy bắt ĐTTN có yếu tố nước ngoài. Bị Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an ra Lệnh truy nã số 01 ngày 6/2/2009, về tội đánh bạc và tổ chức đánh bạc, Nguyễn Thị Hạnh, tức trùm cờ bạc Hạnh “sự”, 56 tuổi, trú tại phường Kim Mã, quận Ba Đình, Hà Nội đã trốn chạy sang Lào. Tại đây, Hạnh đổi tên thành Phommalath Ketsana. Hạnh đã dùng giấy tờ giả mạo để nhập cảnh vào Singapore. Sau đó Hạnh “sự” bị Tòa án Singapore xét xử. Chiều 7/6/2012, khi Cục Xuất nhập cảnh Singapore áp giải Nguyễn Thị Hạnh ra sân bay Changi - Singapore để tiến hành trục xuất đối tượng về Việt Nam thì tổ công tác Cục CSTNTP, Văn phòng Interpol. Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã có kế hoạch bắt giữ đối tượng bí mật, an toàn và bất ngờ.

Trên chuyến bay chở Hạnh về nước có khoảng 40 người là đàn em, bạn bè của Hạnh ở sân bay Nội Bài cũng có lực lượng giải cứu cho Hạnh. Nhằm tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng, Hạnh thường xuyên đổi chỗ ngồi và thay nhiều bộ quần áo. Hạnh không hề biết, đã có 4 sỹ quan Cảnh sát Việt Nam ngồi cùng trên chuyến bay. Khi máy bay chuẩn bị hạ cánh, khoảng 50 cán bộ, chiến sỹ thuộc các lực lượng C52, C44, Cục Xuất Nhập cảnh, Cảnh sát Cơ động Công an TP Hà Nội, An ninh hàng không… đã tập kết tại địa điểm được phân công, đón lõng Hạnh “sự” và đưa vào trại giam an toàn …

Cảnh sát Việt Nam trao trả đối tượng truy nã Seo CheolJae (X) cho Cảnh sát Hàn Quốc.

Đó chỉ là một trong rất nhiều vụ bắt ĐTTN người Việt Nam trốn sang nước ngoài. Theo Văn phòng Interpol Việt Nam, hầu hết các đối tượng phạm tội bỏ trốn của Việt Nam đều có sự liên hệ trước với người nhà hoặc đồng bọn ở nước ngoài trước khi bỏ trốn. Nhiều đối tượng chọn các nước như Mỹ, Canada, Liên bang Nga, Cộng hòa Séc... làm địa bàn lẩn trốn vì một số nước có chính sách tị nạn và đông người Việt Nam làm ăn, sinh sống, gây khó khăn cho các cơ quan thi hành pháp luật của Việt Nam trong việc truy bắt. Thế nhưng, với sự phối hợp chặt chẽ của Cảnh sát Việt Nam và Cảnh sát các nước, nhiều ĐTTN đã sa lưới dù ở cách Việt Nam hàng nghìn dặm.

1001 chuyện truy bắt tội phạm ngoại

Không cần giở tập hồ sơ dày trên bàn, các trinh sát Cục CSTNTP vẫn có thể kể cho chúng tôi nghe về chuyện bắt giữ đối tượng LeJohn bởi đây là một trong những vụ bắt giữ đầy khó khăn. Trong vòng chưa đầy 2 tháng, LeJohn – tên tội phạm nguy hiểm người Mỹ gốc Việt đã gây ra 2 vụ cướp ngân hàng tại Houston, bang Texas, Hoa Kỳ, sau đó bị Interpol ra lệnh truy nã đỏ quốc tế. Trong thời gian được bảo lãnh tại ngoại, LeJohn đã xuất cảnh sang Đài Loan bằng con đường du lịch, sau đó nhập cảnh vào Việt Nam và biến mất. Bằng các biện pháp nghiệp vụ lực lượng CSTNTP phối hợp với Công an Kiên Giang và các đơn vị chức năng phát hiện, từ tháng 3/2009, đối tượng đã thuê nhà ở đường 3 tháng 2, phường Vĩnh Thanh Vân, TP Rạch Giá và  thuê mặt bằng ở bãi biển của Công ty du lịch Kiên Giang mở quán cà phê “Dumonde” buôn bán nước giải khát.

Ngày 14/4/2010, LeJohn đã bị Công an Việt Nam bắt giữ tại Kiên Giang. Ngày 14/5/2010, tại sân bay Tân Sơn Nhất, TP Hồ Chí Minh, Công an Việt Nam đã trao trả đối tượng LeJohn cho Cảnh sát Mỹ với sự chứng kiến của đại diện Đại sứ quán Mỹ, sau đó, LeJohn đã bị dẫn độ về Mỹ theo đúng luật pháp. Ở một vụ án khác, qua kênh hợp tác Interpol, Cảnh sát Hàn Quốc gửi Văn phòng Interpol Việt Nam đề nghị truy bắt đối tượng Yoon Haeng Joon, SN 1959, quốc tịch Hàn Quốc, bị Cảnh sát Hàn Quốc ra lệnh truy nã về tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo tài liệu do cơ quan chức năng Hàn Quốc cung cấp, Yoon Haeng Joon đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản số tiền 300.000.000KRW - tiền Hàn Quốc, tương đương 300.000 USD. Sau khi lẩn trốn tại Việt Nam, đối tượng đã tạo vỏ bọc làm ca sỹ lưu động tại các phòng trà phục vụ người nước ngoài. Dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm, Văn phòng Interpol phối hợp với Cục CSTNTP phối hợp với các đơn vị thuộc Tổng cục An ninh I, Tổng cục An ninh II và Công an TP Hà Nội đã bắt giữ đối tượng vào chiều 13/7/2011 tại địa bàn Hà Nội…

Để công tác truy bắt ĐTTN của nước ngoài lẩn trốn tại Việt Nam đạt hiệu quả cao, Văn phòng Interpol Việt Nam đã ban hành Hướng dẫn 2454/C41-C55 về công tác truy nã quốc tế trong khuôn khổ hợp tác Interpol, qua đó tạo điều kiện thuận lợi trong công tác phối hợp, xác minh, truy bắt các ĐTTN quốc tế. Kể từ khi ban hành hướng dẫn nêu trên việc truy bắt ĐTTN đã bài bản hơn. Tất cả các yêu cầu truy bắt của Cảnh sát nước ngoài đều được Văn phòng Interpol Việt Nam và Cục CSTNTP thống nhất báo cáo với cấp trên và tổ chức phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ, Công an các đơn vị địa phương và các ngành có liên quan truy bắt đối tượng phù hợp với luật pháp Việt Nam và quốc tế.

Hầu hết các yêu cầu truy bắt các ĐTTN người nước ngoài đều được gửi qua kênh Interpol với đầu mối là Văn phòng Interpol Việt Nam, một phần nhỏ được gửi qua kênh hợp tác giữa Công an các tỉnh biên giới. Trong 5 năm qua, thông qua kênh hợp tác Interpol, các đơn vị nghiệp vụ, Công an các địa phương đã bắt giữ, bàn giao 54 ĐTTN bỏ trốn từ nước ngoài và Việt Nam cho các cơ quan chức năng nước ngoài. Trong đó có 27 đối tượng phạm tội hình sự nguy hiểm, 18 đối tượng phạm tội về kinh tế và 9 đối tượng phạm tội về ma túy. Tập trung chủ yếu vẫn là ĐTTN mang quốc tịch Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, Ấn Độ… Cảnh sát nước ngoài đánh giá cao sự phối hợp của Cảnh sát Việt Nam trong truy bắt các ĐTTN có lệnh truy nã quốc tế. Bên cạnh kết quả nêu trên, thông qua kênh hợp tác song phương với các tỉnh giáp biên giới của các nước láng giềng, Công an các địa phương cũng bắt giữ và bàn giao 33 ĐTTN cho các nước.

Theo đánh giá của Ban chỉ đạo 327/BCA Bộ Công an, về cơ bản, việc bắt giữ, bàn giao đều được thực hiện đúng quy trình, đảm bảo an toàn. Nhiều ĐTTN nguy hiểm đã được dẫn giải về Việt Nam, lực lượng Công an Việt Nam cũng bắt giữ và bàn giao nhiều ĐTTN cho Cảnh sát nước ngoài được Cảnh sát nước ngoài gửi thư khen ngợi. Qua 5 năm thực hiện Hướng dẫn 2454/C41-C55, số ĐTTN của Việt Nam trốn ra nước ngoài bị bắt giữ được đưa về Việt Nam xử lý đã tăng hơn 28% so với giai đoạn cùng kỳ 5 năm trước

Hiếu Quỳnh
.
.