Cảnh sát Bảo vệ mục tiêu: Lặng thầm những chiến công

Thứ Ba, 04/03/2014, 09:32
Đêm lạnh thấu xương, gió lại cứ hun hút thổi. Những con sóng Hồ Tây (Hà Nội) vỗ mãi vào bờ kè không biết mỏi. Những chiến sỹ làm nhiệm vụ bảo vệ các mục tiêu kinh tế, ngoại giao, khoa học kỹ thuật… nằm trên trục đường ven Hồ Tây quá đỗi quen cảnh sắc này. Mà đâu chỉ riêng các anh, giờ này hàng trăm đồng đội cũng đang thức canh những mục tiêu trọng yếu ở Thủ đô, lặng thầm góp sức vào việc giữ an toàn trật tự xã hội.

Người dân, đặc biệt là người dân Hà Nội rất quen với hình ảnh các chiến sỹ Cảnh sát bồng súng đứng nghiêm trước cổng các đại sứ quán, các cơ quan Chính phủ, các trung tâm nghiên cứu khoa học, các cơ sở văn hóa… Trời nắng cũng như mưa, nóng cũng như lạnh, đêm hôm khuya khoắt hay sáng tinh mơ, họ đều đứng ở ví trí đã được phân công. Công việc tưởng chừng như giản đơn là… đứng nhưng đâu phải như vậy. Họ đang làm nhiệm vụ của một chiến sỹ bảo vệ những mục tiêu quan trọng trong ngoại giao, chính trị, văn hóa. Vì thế, đòi hỏi người chiến sỹ phải được rèn luyện tốt về thể lực, trí lực, lẫn sự nhạy bén. Chỉ riêng việc 2 giờ liên tục đứng nghiêm bồng súng cũng đủ thấy, phải được rèn luyện kỹ càng người chiến sỹ mới có thể giữ nghiêm tư thế, tác phong theo yêu cầu. Ngoài ra, người chiến sỹ phải chú ý quan sát người ra, người vào và đôi khi phải thực hiện luôn việc kiểm tra, kiểm soát. Bởi thế, trong hai giờ làm việc mỗi ca, người chiến sỹ phải tập trung cao vào công việc.

Thủ đô Hà Nội vốn là nơi tập trung nhiều cơ quan TW, ngoại giao, khoa học kỹ thuật, văn hóa… nên cần có lực lượng chuyên trách bảo vệ các mục tiêu. Vì thế, Cục Cảnh sát bảo vệ tái thành lập Trung đoàn Cảnh sát bảo vệ mục tiêu vào năm 1999. Hiện nay, Trung đoàn Cảnh sát bảo vệ được bố trí đóng quân rải rác trên các địa bàn Hà Nội. Dưới sự điều hành của Ban chỉ huy Trung đoàn, việc đảm nhận nhiệm vụ bảo vệ mục tiêu được thực hiện một cách nghiêm túc, 24/24h và luôn đảm bảo an toàn.

Thượng tá Vũ Tiến Triển, Trung đoàn trưởng Trung đoàn Cảnh sát bảo vệ mục tiêu cho biết, mỗi cán bộ, chiến sỹ của đơn vị đều ý thức được trọng trách của việc canh gác vũ trang và tuần tra kiểm soát tại các mục tiêu. Việc học tập, rèn luyện luôn được chỉ huy Trung đoàn, cán bộ, chiến sỹ thực hiện nghiêm túc. Cũng bởi là những người trực tiếp, tiếp xúc với khách, với nhân dân nên các chiến sỹ phải có tư thế tác phong nghiêm ngắn, giao tiếp lịch sự, ứng xử có văn hóa. Với bề dày 40 năm của lực lượng Cảnh sát bảo vệ, các thế hệ chiến sỹ của đơn vị luôn trau dồi rèn luyện, nâng cao năng lực. Khi Bộ Công an mở cuộc vận động “CAND thực hiện nghiêm điều lệnh, xây dựng nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ”, Trung đoàn Cảnh sát bảo vệ mục tiêu hưởng ứng nhiệt thành qua các chương trình như: tập điều lệnh đội ngũ, xây dựng nếp sống văn hóa trong công tác, ứng xử… Hiện nay, việc này vẫn được duy trì và đang phát huy hiệu quả tốt.

Các chiến sỹ Cảnh sát bảo vệ mục tiêu chuẩn bị lên đường làm nhiệm vụ.

Bảy năm liên tục là Đơn vị quyết thắng, Trung đoàn Cảnh sát bảo vệ đã có những đóng góp đáng ghi nhận trong việc đảm bảo an toàn tại các mục tiêu. Khách tham quan khi đến Bảo tàng Lịch sử Quốc gia hẳn không thể không chú ý đến các chiến sỹ Cảnh sát bảo vệ làm nhiệm vụ tại đây. Ngày cũng như đêm, họ làm nhiệm vụ bảo vệ sự an toàn cho điểm tham quan mà bất kỳ khách du lịch quốc tế nào cũng muốn đến và những hiện vật có giá trị lịch sử, văn hóa của quốc gia.

Bước vào bên trong bảo tàng, khách tham quan được nhìn thấy những hiện vật vô giá như tượng Phật bà nghìn tay nghìn mắt, những quả chuông đồng cổ, những chiếc trống đồng Đông Sơn cả nghìn tuổi hay những đồ trang sức bằng vàng của các bậc vua chúa. Đây là những bảo vật vô giá của quốc gia, dân tộc. Để những hiện vật này được đảm bảo an toàn trong khi mỗi ngày có hàng trăm lượt khách tham quan, ngoài công tác đảm bảo tốt an ninh của bảo tàng, còn có công không nhỏ của Cảnh sát bảo vệ mục tiêu. Thượng tá Nguyễn Sỹ Hùng, Trung đoàn phó cho chúng tôi biết, hiện tại có hai trung đội làm nhiệm vụ tại đây. Các chiến sỹ ý thức được tầm quan trọng, sự quý giá của các hiện vật nên luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, làm tốt việc tuần tra kiểm soát.

Không có chiến công nào không có sự hy sinh, với lực lượng chuyên trách bảo vệ an toàn mục tiêu cũng vậy.  Người dân Thủ đô hẳn còn nhớ sự ra đi mãi mãi của đồng chí Kim Anh khi đang trong ca làm việc từ 1 đến 3h ngày 16/1/2011 ở mục tiêu Đại sứ quán Thái Lan. Một chiếc xe điên đã đâm thẳng vào vọng gác, cướp đi sinh mạng của người chiến sỹ trẻ đang làm nhiệm vụ. Nhận được tin cấp báo giữa đêm khuya, đồng chí Vũ Tiến Triển khi đó đang là Trung đoàn phó vội vã đến nơi. Cầm vào bàn tay vẫn còn nóng ấm của người chiến sỹ mới ngoài 20 tuổi, người chỉ huy không cầm được nước mắt. Ngay trong đêm, tin dữ được báo đi khắp đơn vị. Những người đồng đội của đồng chí Kim Anh đang làm nhiệm vụ tại các vọng gác khác đành nuốt những giọt nước mắt mặn chát vào lòng và tiếp tục công việc. Do những bất cập trong chế độ chính sách, đồng chí Kim Anh chưa được công nhận là liệt sỹ. Điều này đã để lại trong lòng đồng chí, đồng đội và cả những người thân của anh những khắc khoải. Bản thân chúng tôi, những người thực hiện các bài viết về những bất cập trong chế độ chính sách khiến một số chiến sỹ Công an hy sinh khi đang làm nhiệm vụ chưa được công nhận liệt sỹ cũng đầy trăn trở.

Mỗi giờ, có hàng trăm chiến sỹ cùng làm nhiệm vụ tại hàng trăm các mục tiêu chính trị, ngoại giao… Bất chấp sự khắc nghiệt của thời tiết, “bỏ qua” ngày lễ, ngày Tết, các anh luôn đứng ở những mục tiêu trong danh mục phải được bảo vệ. Công việc của các anh rất lặng lẽ nhưng cũng đầy tự hào, bởi họ đã góp công sức của mình trong việc để Việt Nam là điểm đến an toàn, để Thủ đô Hà Nội là thành phố “Vì hòa bình”

Xuân Hồng - Nguyễn Hương
.
.