Cán bộ trại giam kể chuyện quy phục các sát thủ

Thứ Năm, 22/04/2021, 07:45
Từng là những “sát thủ”, giết người, thậm chí giết nhiều người, từng là nỗi hoang mang, lo sợ của không ít gia đình, khi bị bắt, phải thi hành án ở Trại giam nhưng bản tính côn đồ của các đối tượng vẫn không thay đổi, vẫn quậy phá, thậm chí “xưng hùng, xưng bá”. Với sự kiên quyết nhưng nhân văn, các cán bộ Trại giam đã dần giúp cho những phạm nhân này thay đổi, bởi họ hiểu, quay đầu là bờ, chỉ có lao động thực sự mới giúp mình thoát khỏi những lỗi lầm đã gây ra.


Trùm giang hồ Tộ “tích” với những vụ giết người chấn động đất Cảng

Mai Đức Vượng (tức Tộ “tích”), SN 1981, ở phố Nguyễn Hữu Tuệ, quận Ngô Quyền, Hải Phòng – là ông trùm trong thế giới ngầm ở Hải Phòng. Tộ “tích” nổi danh với bảng “thành tích” dài dằng dặc những vụ bắn, giết. Luật bất thành văn của giang hồ đất Cảng là muốn tồn tại được phải "có số". Muốn “có số” thì phải tham gia đánh chém để “đóng số”.

Tộ “tích” nổi danh từ khi mới 17 tuổi. Chỉ trong 1 thời gian ngắn, anh ta gây dựng được một "gia tài" khá lớn: Chủ một số hiệu cầm đồ, hệ thống cá độ bóng đá trên đất Cảng với bộ sậu đàn em dưới trướng hàng trăm tên. Đặc biệt, từ năm 2008 đến 2011, Tộ "tích" nổi lên là một tay giang hồ trẻ tuổi nhưng tàn bạo, ranh ma và dưới trướng anh ta có nhiều đàn em máu mặt, sẵn sàng xả súng.

Các phạm nhân lao động tại Trại giam.

Mâu thuẫn trong việc góp vốn và bảo kê quán karaoke VT tại số nhà 280 đường Đà Nẵng (quận Ngô Quyền), nhóm Tộ "tích" đã bắn trọng thương 2 đàn em của Lê Anh Tuấn (SN 1988, ở phường Phương Lưu, quận Hải An). Cũng mâu thuẫn tiền bạc với anh Nguyễn Thế Mạnh (SN 1984, ở phường Đông Hải 1, quận Hải An), Tộ “tích” chỉ đạo 2 đàn em mang súng bắn đạn hoa cải đi “thanh toán”. Hậu quả, anh Mạnh bị giảm 70% sức khỏe...

Bị phát lệnh truy nã, Tộ “tích” lẩn trốn khắp nơi từ TP Hồ Chí Minh sang Campuchia rồi Trung Quốc. Nhóm đàn em của Tộ “tích” chưa bị bắt tiếp tục các hoạt động bảo kê, cho vay nặng lãi, cá độ bóng đá lấy tiền nuôi “đại ca”.

Trước khi bỏ trốn khỏi Hải Phòng, Tộ “tích” xảy ra mâu thuẫn với Nguyễn Chí Kiên, tức Kiên “lợn” (SN 1978, ở phường An Biên, quận Lê Chân). Nhân cơ hội Tộ “tích” trốn lệnh truy nã, nhóm Kiên “lợn” lấn tới, đòi tranh giành quyền bảo kê. Hay tin, Tộ “tích” lệnh cho đàn em phải tiêu diệt đối thủ và hậu quả đàn em của Tộ “tích” đã chĩa thẳng súng bắn liền năm phát đạn khiến Kiên “lợn” tổn thất đến 67% sức khỏe.

Sau khi gây án, Tộ “tích” trốn sang Trung Quốc, bị Công an Trung Quốc bắt và trao trả cho phía Việt Nam, bị Công an Hải Phòng điều tra. Tuy nhiên, do Tộ “tích” có bệnh án tâm thần, được cơ quan giám định xác định rối loạn tâm thần nên cơ quan chức năng bắt buộc phải chuyển đối tượng sang Viện Pháp y tâm thần Trung ương để điều trị bệnh. Dù điều trị bệnh, nhưng Tộ “tích” vẫn ra ngoài chỉ đạo đàn em gây án, bị Công an Hải Phòng bắt quả tang cùng bốn người khác trong khách sạn Monte Carlo ở Hải Phòng, có tàng trữ súng quân dụng. Trong khi bốn tên bị khởi tố tội danh Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng, Tộ “tích” được “trả về” Viện Pháp y tâm thần Trung ương chữa trị.

Vài tháng sau, Tộ “tích” lại xuất hiện trong một vũ trường ở Hải Phòng, cùng đàn em đòi nợ… Công an Hải Phòng đã dày công thu thập tài liệu, chứng cứ, yêu cầu giám định tư pháp lại đối với trường hợp này. Sau nhiều nỗ lực vượt bậc, Công an Hải Phòng đã chứng minh được trong thời gian gây án, Tộ “tích” ổn định tâm thần. Nhờ đó, Công an Hải Phòng đã bắt giữ được đối tượng này.

Ngày 27/2/2014, tại Hải Phòng, Tòa phúc thẩm đã tuyên Tộ “tích” 19 năm tù giam với 2 tội danh “Giết người” và “Cố ý gây thương tích”.

Thi hành án ở Trại giam số 5, lúc đầu, Tộ “tích” cũng vẫn giữ thói “đàn anh, đàn chị” bên ngoài, không chịu cải tạo. Nghiên cứu kỹ hồ sơ đối tượng, Đại tá Lê Văn Cứu, Giám thị đã cùng đồng đội tìm phương pháp giáo dục. Trực tiếp Giám thị, Phó Giám thị phụ trách phân trại đã gặp gỡ Tộ “tích”, động viên, phân tích đúng sai. Các cán bộ quản giáo, giáo dục cũng quan tâm đặc biệt trường hợp này, kịp thời “nắn chỉnh” những biểu hiện vi phạm, phân tích cho Tộ “tích” thấy chỉ có cố gắng cải tạọ, mới có thể sớm làm lại cuộc đời.

Dần dà, Tộ “tích” hiểu ra, chấp hành nghiêm quy định trại giam, yên tâm cải tạo. Anh ta cho biết: “Lúc đầu mới bị bắt, môi trường gò bó nên em thấy khó chịu, nhưng các cán bộ động viên, phân tích để em thấy rằng, chỉ có cải tạo tốt mới có thể sớm trở về. Dù em hư hỏng nhưng em thương mẹ em lắm. Các cán bộ cũng nhắc rằng, nếu em không cải tạo tốt, không nhanh về, thì có khi không được gặp mẹ nữa. Điều đó đã thôi thúc em rất nhiều…”.

Thực sự, nhìn anh ta, không ai nghĩ, đây từng là giang hồ khét tiếng đất Cảng, từng là nỗi ám ảnh của không ít người dân nơi đây. Quy phục được Tộ “tích” bởi các cán bộ Trại giam số 5 hiểu rằng, trong mỗi con người, phần thiện vẫn luôn ẩn sâu trong tâm trí họ. Điều quan trọng là khơi dậy được để họ tự biết vươn lên.

Quy phục “sát thủ” trong băng nhóm con trai vũ trường

“Sát thủ” từng làm dậy sóng xứ Thanh với vụ thanh toán bằng súng làm 1 người chết, 4 người bị thương trong đêm, đó là Lê Thanh Hợp, ở Thạch Thành, Thanh Hoá. Hợp là “cấp phó” trong băng nhóm tội phạm do Lê Khắc Cường (Cường trưởng), SN 1982, ở Đông Hương, TP Thanh Hoá cầm đầu. Cường là con trai của chủ vũ trường Bầu Trời Xanh nổi danh ở TP Thanh Hoá. Trong băng nhóm của Cường thì Hợp vừa là “quân sư” vừa là “đao phủ”.

Vụ án dùng súng thanh toán lẫn nhau giữa các băng nhóm vào năm 2008 gây xôn xao dư luận ở tỉnh Thanh Hoá, Hợp là người trực tiếp cầm súng bắn chết người nhưng khi bị bắt, Hợp nhất quyết không khai báo mà còn thách thức cơ quan điều tra, có lúc đập đầu vào tường để doạ tự sát. Nghiên cứu hoàn cảnh của Hợp, cán bộ Công an  biết hắn rất có hiếu với bố mẹ, lại thương con nên đã “đánh” trúng tâm lý này, phân tích cho hắn về sự thiệt thòi, mất mát của bố mẹ và con hắn nếu hắn bị tử hình. Biết hoàn cảnh Hợp khó khăn, Công an tỉnh Thanh Hóa đã đề nghị cho vợ Hợp được tha tù trước thời hạn gần 1 năm để chăm sóc con. Bị đánh trúng tâm lí thương bố mẹ và 2 đứa con, Hợp khai nhận tội lỗi của mình.

Tôi gặp Hợp ở Trại giam Ninh Khánh, khi Hợp đã "yên vị" với án tù chung thân nhưng anh ta vẫn luôn cảm ơn Công an tỉnh Thanh Hoá và các thầy ở Trại giam Ninh Khánh đã cứu giúp cuộc đời anh ta.

Kẻ "thủ ác" từng nổi danh một thời bây giờ đã hiểu rõ được rằng "quay đầu là bờ". Hợp cúi đầu "em trót gây tội rồi, giờ chỉ có hoàn lương may ra có đường quay về”... "Lúc đầu em nghĩ là nếu không khai thì Công an chả làm gì được, tạm giữ mấy ngày sẽ phải thả. Nhưng sau biết rằng, không khai các chú Công an vẫn đủ tài liệu để kết tội. Lúc đó, tội nặng hơn, có khi bị "đòm" cũng nên. Mà các chú ấy tốt lắm, tội phạm giết người như em mà vẫn đối xử tử tế, cho ăn uống đầy đủ, cho vợ em ra tù sớm...".

Hợp cho biết, sau khi bị bắt, anh ta không khai vì sợ bị tử hình, nhưng sau được các cán bộ Công an động viên, rằng chỉ có khai báo thành khẩn mới được khoan hồng, mới hi vọng thoát được án tử. Vì thế, sau 3 ngày đêm “thi gan”, Hợp đã xin khai nhận hành vi của mình. “May các chú Công an thương em, đề xuất cho em được khoan hồng nên em mới có ngày hôm nay" – Hợp nói.

Không chỉ Lê Thanh Hợp, Mai Đức Vượng mà hàng trăm, hàng nghìn phạm nhân khác,  khi vào trại giam, được các cán bộ giáo dục, động viên, họ đã hiểu rằng, chỉ có cải tạo tốt mới có cơ hội làm lại cuộc đời.

Phương Thuỷ
.
.