Những dấu ấn lịch sử của lực lượng Cảnh sát nhân dân

CSND phục vụ đắc lực công cuộc đổi mới của đất nước

Thứ Bảy, 07/07/2012, 20:29
Sau Đại thắng Mùa xuân năm 1975, đất nước ta được hòa bình, thống nhất, cả nước đi lên Chủ nghĩa xã hội với hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 30, lực lượng Cảnh sát nhân dân (CSND) ở miền Bắc tiếp tục tăng cường hàng ngàn cán bộ, chiến sỹ cho Công an các sở, ty ở miền Nam, tích cực tham gia xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng, giữ gìn an ninh, trật tự ở vùng mới giải phóng.
>> Cảnh sát nhân dân “vì miền Nam ruột thịt”

Tháng 12/1986, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng mở ra thời kỳ đổi mới toàn diện và sâu sắc, nhằm đưa nước ta vượt qua khó khăn, khủng hoảng, tiếp tục đi lên theo định hướng XHCN. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo chặt chẽ, trực tiếp của Đảng ủy Công an TW và lãnh đạo Bộ Công an, lực lượng Cảnh sát đã đổi mới toàn diện các mặt công tác, xây dựng lực lượng CSND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại, theo hướng tập trung thống nhất, chuyên sâu, tăng cường nghiệp vụ cơ bản; kiện toàn tổ chức bộ máy, bố trí cán bộ theo chức danh tiêu chuẩn nghiệp vụ; đổi mới công tác giáo dục chính trị tư tưởng, chấn chỉnh tác phong, phương pháp làm việc, kiên quyết thanh loại những cán bộ sa sút ý chí chiến đấu, năng lực kém và vi phạm phẩm chất đạo đức… Tập trung tấn công liên tục bọn tội phạm hình sự; đấu tranh ngăn chặn và tiến tới đẩy lùi tham nhũng, buôn lậu; củng cố, nâng cao chất lượng các biện pháp nghiệp vụ trinh sát, điều tra, công tác khoa học hình sự, hồ sơ nghiệp vụ và các biện pháp quản lý hành chính về TTATXH…

Công tác xây dựng lực lượng CSND thời kỳ này luôn được Đảng, Nhà nước và Bộ Công an quan tâm xây dựng, củng cố và phát triển: Năm 1989, Hội đồng Bộ trưởng có Nghị quyết quy định tổ chức, bộ máy của Bộ Nội vụ, trong đó có Tổng cục CSND. Đến 15/9/2009, Chính phủ có Nghị định số 77/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu, tổ chức của Bộ Công an. Theo Nghị định này, hệ thống tổ chức, bộ máy của lực lượng CSND được bố trí theo hướng tập trung, chuyên sâu, nhằm mang lại hiệu quả thiết thực trong đấu tranh phòng chống tội phạm (PCTP) bảo đảm TTATXH. Từ năm 2010, lực lượng CSND đã tập trung triển khai quyết liệt có hiệu quả các mặt công tác theo mô hình tổ chức mới với 3 Tổng cục và 1 Bộ tư lệnh: Tổng cục Cảnh sát PCTP; Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về TTATXH; Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp; Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động. 

Sinh viên Cảnh sát nỗ lực rèn luyện, học tập.

Với chức năng, nhiệm vụ của mình, lực lượng CSND đã tham mưu giúp Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền các cấp tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình quốc gia PCTP, Chương trình quốc gia phòng, chống ma tuý; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng nghiệp vụ bảo vệ an toàn tuyệt đối các sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội trọng đại của đất nước; chủ động phòng ngừa và liên tục tấn công, truy quét tội phạm, đặc biệt là tội phạm có tổ chức, tội phạm có yếu tố nước ngoài, tội phạm công nghệ cao…; ngăn chặn và đẩy lùi tệ nạn xã hội, từng bước thiết lập lại trật tự an toàn giao thông, làm tốt công tác phòng chống cháy nổ, cứu hộ, cứu nạn; đẩy mạnh công tác đấu tranh chống tham nhũng, buôn lậu, gian lận thương mại… góp phần tạo môi trường chính trị, xã hội ổn định, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và quá trình hội nhập kinh tế thế giới.

Lực lượng CSND đã triển khai quyết liệt, có hiệu quả nhiều vấn đề cơ bản, chiến lược nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị trong đấu tranh PCTP; liên tục triển khai các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm trên phạm vi toàn quốc, qua đó đã kiểm soát và kiềm chế được tình hình phức tạp, tạo được chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực công tác; nhiều chuyên án, vụ án lớn về hình sự, kinh tế, ma túy được khám phá, để lại dấu ấn đẹp trong nhân dân, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước đánh giá cao

PV
.
.