Những dấu ấn lịch sử của lực lượng Cảnh sát nhân dân

CSND cùng cả nước những ngày đầu toàn quốc kháng chiến

Thứ Ba, 03/07/2012, 19:52
Sau ngày Toàn quốc kháng chiến, nhiệm vụ của lực lượng Công an nhân dân nói chung, Cảnh sát xung phong và Công an trật tự nói riêng là bảo vệ Đảng, Nhà nước, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân; tham gia chiến đấu; đồng thời tăng cường công tác nắm tình hình hoạt động quân sự của địch, chuẩn bị đưa người trở về vùng địch tạm chiếm để hoạt động.
>> Lực lượng Cảnh sát nhân dân những ngày đầu thành lập

Ngày 18 và 19/12/1946, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp Hội nghị tại làng Vạn Phúc (Hà Nội), quyết định phát động cả nước kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Căn cứ vào tương quan lực lượng địch - ta, Hội nghị khẳng định: “Cuộc kháng chiến của nhân dân ta trường kỳ nhưng nhất định thắng lợi”.

Đúng 20h ngày 19/12/1946, mệnh lệnh chiến đấu đã được phát ra qua Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”. Nhiệm vụ của lực lượng Công an nhân dân nói chung, Cảnh sát xung phong và Công an trật tự nói riêng là di chuyển hồ sơ, tài liệu, di chuyển trại giam; bảo vệ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bảo vệ các cơ quan, kho tàng của Nhà nước, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân; theo dõi và đẩy đuổi các đối tượng nghi vấn ra khỏi khu vực chiến sự; bảo vệ bí mật quân sự và tham gia chiến đấu tiêu hao sinh lực địch; đồng thời tăng cường công tác nắm tình hình hoạt động quân sự của địch, hoạt động của bọn phản cách mạng, chuẩn bị đưa người trở về vùng địch tạm chiếm để hoạt động.

Ngày 19/1/1948, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị “Phá hội tề”. Trong phong trào phá tề trừ gian đã xuất hiện nhiều gương chiến đấu mưu trí, dũng cảm của cán bộ, chiến sĩ Công an trong lòng địch. Cùng với các hoạt động bao vây kinh tế địch, lực lượng Trị an hành chính đã đẩy mạnh đấu tranh chống tội phạm kinh tế… Những chiến công đó lúc này có ý nghĩa hết sức quan trọng, hạn chế hao hụt ngân khố quốc gia để tập trung cho kháng chiến, góp phần cô lập địch để tiêu diệt địch.

Một đơn vị Quốc gia Tự vệ cuộc tại Nam bộ trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp. Ảnh tư liệu.

Vào đầu năm 1950, tình thế ở chiến trường lúc này đang có lợi cho ta. Chính vì vậy, ngày 5/5/1950 Ban Chấp hành Trung ương Đảng có Chỉ thị số 10/CT-TW về “Đảng lãnh đạo Công an” nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác Công an. Thực hiện chỉ thị này, các cấp ủy Đảng từ Trung ương đến địa phương đều quan tâm lãnh đạo công tác Công an; chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an, cử một số cán bộ Đảng có năng lực tăng cường cho ngành Công an.

Tiếp đó, ngày 12/5/1951, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 05-CT/TW quy định nhiệm vụ và tổ chức Nha Công an Việt Nam - Đây là Chỉ thị quan trọng để xây dựng ngành Công an phục vụ công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, làm nền tảng xây dựng ngành Công an sau này. Được tăng thêm sức mạnh tinh thần, nhiều cán bộ, chiến sĩ Công an đã nêu cao tinh thần mưu trí, dũng cảm, kiên cường, giữ vững khí tiết của người Công an cách mạng, không hề khai báo khi bị địch bắt, tra tấn vô cùng dã man; tiêu biểu như Anh hùng liệt sỹ Trần Thành Ngọ (Hải Phòng), Nguyễn Văn Dưỡng (Lạng Sơn), Bửu Đóa (Khánh Hòa), Bùi Thị Cúc (đội viên Công an xung phong Hưng Yên)… Những gương sáng đó đã tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của Công an nhân dân nói chung và lực lượng Cảnh sát nhân dân nói riêng qua những chặng đường lịch sử

PV
.
.