CSHS An Giang xóa sổ 2 băng tội phạm nguy hiểm

Chủ Nhật, 16/08/2009, 17:13
Những năm vừa qua, Phòng CSĐT tội phạm về TTXH (PC14) Công an An Giang liên tiếp lập công, triệt phá hàng loạt vụ án. Nhân dịp kỷ niệm 64 năm Ngày thành lập lực lượng Công an nhân dân, PV Báo CAND xin điểm lại một số chiến công xuất sắc của Phòng PC14 Công an An Giang thời gian vừa qua…

1. Xóa sổ băng trộm thiết bị trường học lớn nhất ở đồng bằng sông Cửu Long. Ngày 28/7/2008, Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) đã tổ chức tổng kết và khen thưởng các cán bộ, chiến sĩ tham gia chuyên án 2H508 triệt phá băng trộm cắp thiết bị giảng dạy lớn nhất xảy ra tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Việc mất hàng trăm máy tính ở các trường học khắp 11 tỉnh không chỉ khiến các trường không có thiết bị dạy học mà dữ liệu quản lý cũng mất sạch, gây hoang mang trong dư luận vì rõ ràng đây là băng trộm chuyên nghiệp và liều lĩnh, bởi có vụ chỉ trong 1 đêm chúng đã "dọn" sạch sẽ cả 1 phòng máy vi tính với 23 chiếc. Để vận chuyển hết số hàng này, chắc chắn bọn chúng phải dùng tới ghe máy hoặc xe tải…

Không thể để băng trộm này hoành hành, ngày 16/5/2008, Tổng cục Cảnh sát đã quyết định lập Ban chỉ đạo chuyên án do Thiếu tướng Lâm Minh Chiến - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, làm Trưởng ban.

Hai ngày sau, ngày 18/5, Ban chỉ đạo đã có kế hoạch chỉ đạo Công an tỉnh Kiên Giang lập chuyên án do Thượng tá Nguyễn Thanh Bảnh, Phó giám đốc Công an Kiên Giang làm Trưởng ban; Trưởng phòng PC14 làm phó Ban thường trực; 2 lãnh đạo cấp phòng của Cục C14B làm phó ban; 11 Trưởng phòng PC14 các tỉnh: An Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu, Hậu Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh và TP Cần Thơ làm thành viên…

2h30' sáng ngày 10/6/2008, anh Nguyễn Tấn Tài, dân phòng xã Hòa Bình (huyện Chợ Mới, An Giang) khi làm nhiệm vụ chốt chặn tại bến phà An Hoà đã phát hiện 3 đối tượng khả nghi đi trên 2 xe môtô đang chở 5 đầu CPU và 1 máy in chờ qua phà. Lập tức anh Tài điện báo Công an xã Hòa Bình tăng cường lực lượng ra kiểm tra và tạm giữ 3 đối tượng.

Một số đối tượng trong vụ án trộm CPU bị Phòng PC14 Công an An Giang triệt phá.

Khi kiểm tra 3 đối tượng này, Công an xã Hòa Bình phát hiện ngoài 5 chiếc CPU, 1 máy in, bọn chúng còn 1 giỏ "đồ nghề" là 2 cây kìm, 1  mỏ lết, 2 tuốc-nơ-vít và một số danh thiếp của cửa hàng kinh doanh máy tính…

Nhận được tin báo của Công an huyện Chợ Mới, Công an An Giang xuống ngay địa bàn để đấu tranh. Qua khai thác, các điều tra viên đã xác định 3 đối tượng này nằm trong băng nhóm tội phạm hoạt động lưu động, có nhiều tiền án, tiền sự về tội "Trộm cắp tài sản", vì vậy lãnh đạo Phòng PC14 An Giang quyết định bắt khẩn cấp 3 đối tượng này để điều tra.

Đó là Lê Văn Mười, 32 tuổi; Lê Văn Năm, 42 tuổi (anh ruột Mười), cùng ngụ tại ấp Trường Thọ, xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành (Hậu Giang) và Nguyễn Văn Quyền, 38 tuổi (anh vợ của Mười) ngụ tại ấp Kinh 10A, xã Thạnh Đông B, huyện Tân Hiệp (Kiên Giang).

Cùng với đấu tranh khai thác, PC14 Công an An Giang đã tiến hành xác minh mối quan hệ của 3 đối tượng trên và xác định đây chính là băng nhóm tội phạm có tổ chức, chuyên trộm cắp thiết bị giảng dạy của các trường học ở ĐBSCL. Trước bằng chứng không thể chối cãi, cuối cùng 3 tên phải khai nhận ngoài vụ bị bắt quả tang chúng còn cấu kết với 5 tên khác là: Lê Văn Tám (36 tuổi); Lê Văn Chính (33 tuổi), cùng là 2 anh ruột của Mười (ngụ ấp Trường Thọ, xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành, Hậu Giang); Trần Văn Huỳnh (40 tuổi, anh vợ Mười); Trần Minh Phụng (28 tuổi, con đẻ Huỳnh, cùng trú tại 194/25 CMT8, phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thuỷ, TP Cần Thơ) và Trần Văn Dũng (36 tuổi, ngụ tại xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang) thực hiện hàng loạt vụ trộm cắp thiết bị tại nhiều trường học.     

Tại cơ quan điều tra, 8 đối tượng đã khai nhận tổng cộng chúng đã thực hiện trót lọt tới 99 vụ trộm tại các trường học ở 11 tỉnh ĐBSCL bao gồm: 382 CPU, 141 đàn Organ, 30 máy in, 13 màn hình vi tính, 7 đầu đĩa, 9 âmli, 3 bàn phím, 3 tích điện và 2 tivi. Tổng trị giá số tài sản này trên 2 tỷ đồng.

2. Ngăn chặn đường dây mua bán hàng nóng. Vào năm 2001, khi đi du học ở Australia về Việt Nam, Tôn Lợi Hưng (ngụ ở phường An Nghiệp, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) đã bỏ ra 600 đô la Australia để mua 3 cây kiếm Nhật, đưa lên máy bay đem về trót lọt, cho em trai là Tôn Thạnh Hưng 1 cây còn y cất giữ 2 cây.

Tôn Lợi Hưng và Lê Minh Quang (ngụ ở phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) là bạn với nhau, Quang đã có 1 tiền án và 3 tiền sự về tội trộm cắp. Khoảng tháng 7/2008, Hưng nhờ Quang tìm mua hộ mấy khẩu súng, Quang nhớ đến người dì bên vợ tên Đoàn Thị Duyên Anh có thời kỳ sống ở Campuchia có thể có nguồn hàng. Quang mò đến gặp Duyên Anh đặt vấn đề, được Duyên Anh giới thiệu cho một người tên là Nguyễn Thị Xuân Trâm (ngụ ở quận 6, TP Hồ Chí Minh) mới ở Campuchia về có thể giúp được.

Ngay sau đó, Lợi Hưng, Quang, Duyên Anh móc ráp để gặp Trâm. Thật nhanh chóng Trâm nhận lời và hứa sẽ quay trở lại Campuchia để "dọ mối". Sau khi sang Campuchia, Trâm nhờ Khel (người Campuchia), mua hộ.

Như đã hẹn, đêm  1/8/2008, Trâm giấu 1 khẩu súng K54 và 3 cây roi điện vào giỏ xách và theo một đường dây bất hợp pháp đưa về Việt Nam và không quên điện cho Lợi Hưng đi đón, Lợi Hưng và Quang đi chung một xe môtô đến khu vực Bưu điện thị xã Châu Đốc chờ.

Khoảng 4h sáng Trâm về tới nơi, Hưng lấy xe môtô chở Trâm về Cần Thơ, còn Quang đi xe đò về sau. Nhận được súng, đạn và roi điện, Hưng lại đặt Trâm mua thêm một số súng nữa, Trâm đồng ý và điện thoại cho tên Khel thì được biết có 3 khẩu súng đẹp, nhỏ gọn giá 2.100 USD, Trâm liền cho Hưng biết và Hưng đồng ý ngay, hẹn gặp Trâm để giao 2.100 USD. Cũng như lần trước, Hưng và Quang lại chạy xe từ Cần Thơ lên Châu Đốc đón Trâm và đưa số súng này về Cần Thơ cất giấu. Nhưng, khi đem súng ra thử, Hưng thấy có một khẩu bị hư không sử dụng được nên kêu Trâm đem trở lại Campuchia để đổi.

Trâm đồng ý quay lên đổi khẩu súng hư và nhận nốt khẩu còn lại, lần này được người bán tặng thêm 2 cây roi điện và khi quay trở về đến thị xã Châu Đốc thì bị bắt quả tang cùng với Quang.

Ngày 3/8/2008, Lợi Hưng đã ra đầu thú trước cơ quan Công an. Sau nhiều lần quanh co, tên Hưng phải khai ra là còn 2 khẩu súng K54 và 28 viên đạn, 2 roi điện do sợ lộ nên đã giao cho em ruột là Tôn Thạnh Hưng cất giấu giùm. Lời khai trên được báo cáo lên lãnh đạo và lệnh bắt khám xét khẩn cấp đối với Tôn Thạnh Hưng được thực hiện. Khi bắt, khám xét Hưng không thu được tang vật, xét hỏi y khai là đã đem toàn bộ số tang vật về nhà mẹ vợ ở xã Tân Thành, thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang cất giấu.

Tổ công tác của Phòng PC14 Công an An Giang lập tức lên đường phối hợp Công an tỉnh Hậu Giang khám xét nhà mẹ vợ của Hưng. Kết quả đã thu giữ toàn bộ số súng, đạn đúng như lời khai của Lợi Hưng. Tiếp tục khai thác mở rộng v ụ án bằng nhiều biện pháp và chiến thuật khéo léo, các điều tra viên đã buộc chúng khai ra thêm một số tang vật nguy hiểm còn đang cất giấu…

Kết thúc vụ án mua bán trái phép vũ khí quân dụng từ Campuchia về Việt Nam, Phòng PC14 và một số phòng nghiệp vụ Công an tỉnh An Giang phối hợp với Công an TP Cần Thơ, Công an tỉnh Hậu Giang đã triệt phá thành công băng nhóm buôn hàng "nóng" này. Tổng cộng lực lượng Công an thu được: 2 súng K59, 16 viên đạn; 2 súng K54, 28 viên đạn, 5 cây roi điện; 3 cây kiếm Nhật, 1 còng số 8; 4 điện thoại di động; 1 xe Yamaha Nouvo…

Sau khi triệt phá thành công 2 vụ án trên, tập thể và nhiều cá nhân Phòng PC14 Công an An Giang đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng 3, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ…

Văn Đức
.
.