Về ngôi trường mang tên 19-8

Thứ Tư, 19/08/2020, 09:23
Trong cuộc chiến tranh đầy cam go và khốc liệt, xã Trà Tân, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam, được chọn làm căn cứ hoạt động của cơ quan Khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu V, cùng các Ban, ngành khu V; trong đó có Ban An ninh khu V.

Ngày ấy, đồng bào các dân tộc thiểu số ở miền núi Trà My và xã Trà Tân nói riêng, dù chịu cảnh đói cơm, nhạt muối song vẫn hăng hái đóng góp nuôi quân; ăn củ rừng để dành lương thực cho bộ đội đánh giặc, bảo vệ vững chắc căn cứ địa cách mạng.

Sau ngày đất nước thống nhất, để tri ân các cán bộ, chiến sĩ đã chiến đấu và hy sinh trên mảnh đất khu V anh hùng, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, lãnh đạo Bộ Công an quyết định đầu tư xây dựng Khu di tích An ninh khu V. Và, tiếp theo đó, lãnh đạo Bộ Công an cũng quyết định đầu tư kinh phí xây dựng ngôi trường để giúp con em đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng căn cứ cách mạng năm xưa theo đuổi ước mơ con chữ…

Đại diện Báo CAND và lãnh đạo Công an tỉnh Quảng Nam tặng sổ tiết kiệm cho học sinh mồ côi Trường THCS 19-8.

Tháng Bảy tri ân, cùng đi trong chuyến về nguồn của Báo CAND tại Khu di tích An ninh khu V, trở lại thăm Trường Trung học cơ sở (THCS) 19-8, Trung tướng Lê Ngọc Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị CAND – Bộ Công an không nén được những bồi hồi, xúc động khi kể cho chúng tôi biết rõ hơn về lịch sử ra đời ngôi trường này.

Đó là khi xây dựng Khu di tích An ninh khu V, nhận thấy đồng bào Trà My còn quá nhiều khó khăn; đặc biệt trường học cho con trẻ còn ít; có trường học nhưng rất tạm bợ, điều kiện dạy và học còn vô vàn khó khăn, thiếu thốn, các đồng chí lãnh đạo Bộ Công an lúc bấy giờ quyết định trích gần 10 tỷ đồng từ Quỹ phòng, chống thiên tai; đền ơn đáp nghĩa và xóa đói giảm nghèo của lực lượng Công an, xây dựng ngôi trường tại xã Trà Tân.

Trường có quy mô 2 tầng, 18 phòng học, được mang tên Ngày truyền thống của lực lượng CAND; có ý nghĩa thiết thực, thể hiện tinh thần đền ơn đáp nghĩa của cán bộ, chiến sĩ lực lượng Công an đối với đồng bào xã Trà Tân đã từng giúp đỡ, cưu mang các chiến sĩ An ninh một thời kháng chiến đánh giặc cứu nước…

Trò chuyện cùng chúng tôi, cô giáo Bùi Thị Tố Nga, Hiệu trưởng Trường THCS 19-8 phấn khởi cho hay, từ khi ngôi trường được khánh thành đưa vào hoạt động dạy và học cho đến nay, các cơ quan ban ngành Trung ương và địa phương đã hỗ trợ cho nhà trường rất nhiều, nhất là lực lượng Công an.

Hiện tại, nhà trường đã có 24 bộ máy vi tính để bàn dành cho học sinh học Tin học; 9 tivi 49 inch lắp đặt trong các phòng học và phòng thực hành phục vụ cho dạy ứng dụng công nghệ thông tin. Ngoài ra, trường còn được trang bị hệ thống lọc nước sạch; bể bơi cho các em học sinh…

“Hằng năm, lãnh đạo Bộ Công an và các hội, đoàn thể Công an các địa phương trong cả nước về thăm tặng quà cho các em học sinh; hỗ trợ kinh phí, vật chất cho nhà trường. Như mới đây, vào dịp 30-4-2020, đồng chí Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an đến thăm trường, đã trao tặng cho nhà trường một số quà như sữa cho học sinh, xà phòng rửa tay, khẩu trang y tế, cồn sát khuẩn, mũ chống tia bắn để phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19 khi học sinh đi học trở lại. Bên cạnh đó, đồng chí Thứ trưởng cũng đã trao tặng 50 triệu đồng tiền mặt cho Quỹ khuyến học của nhà trường…”, cô Nga tâm sự.

Hỏi về hoạt động dạy và học của Trường THCS 19 tháng 8, cô Nga cho hay,  trong 7 năm qua, kể từ khi khánh thành đưa vào dạy và học cho đến thời điểm này, mỗi năm học số lượng học sinh trong toàn trường dao động từ 170 đến 200 em. Trong đó, số lượng học sinh người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 70% đến 75%, dao động từ 125 em đến 140 em, chủ yếu là con em đồng bào dân tộc Cadong. Đặc biệt, từ ngôi trường này đã có 16 em thi đỗ vào Đại học, Cao đẳng…

Mặc dù được sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước cùng chính quyền địa phương, song đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số ở Trà My vẫn còn không ít khó khăn. Để góp phần trong việc nâng cao dân trí tại địa phương, nhất là hỗ trợ người dân hiểu biết, thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và những quy định của địa phương, hằng năm vào tháng 8 và đầu tháng 9, nhà trường phối hợp với các bậc học Mẫu giáo và Tiểu học trên địa bàn xã Trà Tân thực hiện công tác điều tra phổ cập giáo dục, xóa mù chữ.

Trong công tác này, nhà trường phân công giáo viên đứng điểm các thôn thực hiện công tác điều tra và tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và những quy định của địa phương được quy định trong từng năm học đến tất cả cha, mẹ học sinh để họ hiểu biết và nắm rõ, thuận tiện trong việc đưa các em đến trường học tập.

“Đời sống còn khó khăn nên có không ít gia đình cho con em mình ở nhà đi làm nương rẫy phụ giúp cha mẹ, vì thế việc vận động phụ huynh cho các em ra lớp đầy đủ cũng không phải dễ dàng. Hằng ngày đa số bà con đều đi làm nương rẫy trên núi cao, trong rừng sâu nên đêm đêm các giáo viên phân công nhau đi đến từng thôn, bản; gõ cửa từng nhà để vận động, tuyên truyền; thậm chí phải trèo núi lên tận nương rẫy để gặp cha mẹ và các em phân tích lẽ thiệt hơn cho bà con hiểu và đưa các em trở lại trường tiếp tục học chữ. Khó khăn là vậy, nhưng công tác này vẫn luôn được duy trì hiệu quả trong suốt các năm học vừa qua”...

Cô giáo Lê Thị Miên là một trong những tấm gương sáng về “người thầy gieo chữ” của Trường THCS 19-8 cho biết. Khi trao đổi với chúng tôi, cô Miên nói rằng, cô là con út của một gia đình đồng bào dân tộc ở xã Trà Tân. Từ nhỏ, cô phải theo cha mẹ đi làm nương, làm rẫy nên rất khát khao học chữ và mơ ước trở thành giáo viên để dạy lại con chữ cho con em đồng bào mình đang còn phải vất vả, khó khăn.

Vì thế cô cùng các đồng nghiệp của mình luôn nỗ lực vượt qua những trở ngại, thiếu thốn để “gieo chữ” cho học sinh và đều mong muốn các em được thành đạt. Cô Miên xúc động trải lòng: “Có tri thức thì sẽ làm được nhiều việc để xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế gia đình. Mình cứ nung nấu mãi suy nghĩ đó và cuối cùng đã biến ước mơ thành hiện thực, trở thành giáo viên dạy chữ cho con em đồng bào mình. Hạnh phúc hơn là được dạy học trong một ngôi trường được xây dựng ngay trên quê hương mình, cũng là vùng chiến khu xưa”… 

Đưa chúng tôi đi thăm từng phòng học, công trình của trường, lãnh đạo nhà trường cũng bày tỏ, Trường THCS 19-8 được xây dựng trên vùng chiến khu xưa nên nhà trường cũng rất quan tâm về công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho học sinh. Hằng năm vào các dịp lễ, Tết, nhà trường thường tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho học sinh đến tham quan các di tích lịch sử cách mạng, dâng hương các anh hùng, liệt sĩ, tìm hiểu về lịch sử Khu di tích An ninh Khu V, tổ chức hội trại về nguồn tại khu sinh hoạt truyền thống thanh thiếu niên Nước Oa; Khu di tích căn cứ Nước Oa…

Đặc biệt, từ đầu các năm học, đón học sinh tựu trường, nhà trường đã tổ chức tuyên truyền cho các em hiểu được ý nghĩa của tên Trường 19-8, ngôi trường mà mình được vào học. Điều đó cũng giúp cho học sinh cố gắng học hành để không phụ lòng các lãnh đạo, cán bộ, chiến sĩ Công an đã đóng góp xây dựng nên ngôi trường kiên cố, khang trang giữa chốn núi rừng Trường Sơn hùng vỹ này… 

Vào cuối tháng 4-2020, khi về thăm và tặng quà cho thầy cô giáo cùng các em học sinh Trường THCS 19-8, nghe lãnh đạo nhà trường báo cáo, trường có 9 học sinh mồ côi cả cha lẫn mẹ, đời sống rất khó khăn, nguy cơ bỏ học giữa chừng, Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an đã giao nhiệm vụ cho Văn phòng Thường trú Báo CAND tại miền Trung phối hợp vận động hỗ trợ, giúp đỡ số học sinh này. Thực hiện chỉ đạo của đồng chí Thứ trưởng, ngay sau đó Văn phòng Thường trú Báo CAND tại miền Trung đã triển khai vận động và được Công ty Cổ phần Tập đoàn Đất Quảng đồng hành, hỗ trợ 9 sổ tiết kiệm, với tổng giá trị 90 triệu đồng tặng cho các em học sinh mồ côi Trường THCS 19-8. Dịp kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2020), hướng đến kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống lực lượng CAND (19/8/1945-19/8/2020), Văn phòng Thường trú Báo CAND tại miền Trung đã phối hợp với Công an tỉnh Quảng Nam trở lại Trường THCS 19-8 trao những cuốn sổ tiết kiệm nghĩa tình đến tận tay các em học sinh mồ côi.
Long Vân
.
.