Vị Giám đốc Công an khu XII và kỉ vật bức thư lịch sử

Chủ Nhật, 11/03/2018, 13:25

Với lực lượng CAND, Sáu điều Bác Hồ dạy về tư cách người Công an cách mạng là một di sản vô giá. Đó vừa là tiêu chí, vừa là yêu cầu đối với mỗi cán bộ, chiến sỹ trong quá trình công tác, rèn luyện nhằm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Người có vinh dự được Bác Hồ gửi thư và nêu huấn thị “Tư cách người Công an cách mệnh” là đồng chí Hoàng Mai, Giám đốc Công an khu XII thời kì kháng chiến chống Pháp. Thiếu tướng Hoàng Mai đã về cõi vĩnh hằng hơn 10 năm nhưng bức thư và những lời dạy của Bác Hồ gửi gắm lực lượng CAND sẽ còn mãi với thời gian…

Bức thư đi vào lịch sử

Cận Rằm tháng Giêng năm Mậu Tuất 2018, tôi tìm đến một căn hộ ở khu tập thể Hoàng Cầu (quận Đống Đa, Hà Nội) thăm gia đình bác Hoàng Mai. Gọi là bác vì ông hơn tuổi bố tôi và hai gia đình từng là hàng xóm.

Trời lây rây mưa bụi tiết xuân phân càng khiến nao lòng người khi nhớ về một thời đã qua. Ngày đó, nhà tôi ở tầng 5, nhà bác Hoàng Mai ở tầng 1 khu tập thể Thanh Xuân Bắc (Hà Nội). Trong kí ức của tôi, bác Hoàng Mai là một ông lão đôn hậu.

Vợ chồng Thiếu tướng Hoàng Mai thời trẻ.

Trong căn hộ của bác cơ man là sách khiến tôi cứ nghĩ đó là một cái thư viện. Lũ trẻ chúng tôi rất hiếu động, thi thoảng lại bấm chuông cửa nhà bác rồi ù té chạy và phá lên cười. Có lần, tôi đang bấm chuông và gan lì chờ tiếng dép chủ nhà đi ra thì mới bỏ chạy nhưng không kịp; bác Hoàng Mai bất thần xuất hiện ngay trước cửa nhưng bác chỉ nhìn chúng tôi bằng ánh mắt độ lượng rồi trở vào nhà…

Tôi xin phép chị Hoàng Thị Hạnh, trưởng nữ của bác Hoàng Mai, thắp nén nhang lên bàn thờ hai bác và hồi tưởng lại những kí ức xa ngái một thời. Tôi kể với chị Hạnh chuyện hồi bé tôi hay bấm chuông cửa nhà chị rồi bỏ chạy, khiến chị phì cười và chiêm nghiệm: “Thời gian trôi đi nhanh thế!”.

Thiếu tướng Hoàng Mai sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống yêu nước tại Đình Bảng (Từ Sơn, Bắc Ninh). Năm 1948, ông là Giám đốc Công an khu XII (đóng trụ sở tại xã Nhã Nam, nay thuộc huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang); gồm 7 tỉnh: Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Yên, Hồng Gai và Hải Ninh.

Thời kì đầu kháng chiến chống Pháp, báo chí giữ vai trò to lớn trong việc nâng cao trình độ mọi mặt cho cán bộ, chiến sĩ. Do vậy, ở Việt Nam Công an vụ (tổ chức tiền thân của Bộ Công an) xuất bản tờ Công An mới, về sau Nha Công an Trung ương xuất bản tờ Rèn Luyện. Công an các khu cũng xuất bản báo, như Công an khu XII xuất bản tờ Bạn Dân do Giám đốc Hoàng Mai vừa là chủ báo, vừa là chủ bút…

Tháng 2-2003, trong lần tháp tùng Thiếu tướng Phạm Văn Dần, Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng CAND (nay là Tổng cục Chính trị CAND) đến thăm bác Hoàng Mai, tôi đã được nghe bác kể lại những kỉ niệm làm báo Bạn Dân và sự kiện nhận được bức thư của Bác Hồ trả lời về cách làm báo, đặc biệt trong thư, Bác đã nêu “Sáu điều tư cách người Công an cách mệnh”.

Theo hồi ức của bác Hoàng Mai, đầu xuân năm Mậu Tý 1948, Công an khu XII xuất bản số báo Xuân đặc biệt Bạn Dân. Thời kì này, báo còn in ti-pô. Chọn tờ báo đẹp nhất, Giám đốc Hoàng Mai gửi biếu Bác Hồ kèm một lá thư xin ý kiến về cách làm báo.

Thấp thỏm chờ đợi một thời gian, sau chuyến công tác từ Nha Công an Trung ương (đóng tại huyện Sơn Dương, Tuyên Quang) trở về Nhã Nam, Giám đốc Hoàng Mai nhận được thư của Bác Hồ. Lặng đi vì xúc động, bác thận trọng dùng kéo cắt sát mép bao bì để lấy lá thư.

Thư đề ngày 11 tháng 3 năm 1948. Chỉ khoảng 350 chữ vừa trong khổ giấy A4 đánh máy ngay ngắn, nội dung giản dị nhưng chứa đựng những giá trị to lớn...

Kể từ đây, lá thư đã theo bác Hoàng Mai trên khắp chặng đường kháng chiến, là một kỉ vật mà bác luôn trân trọng, nâng niu. Nội dung thư sau đó được phổ biến tới toàn lực lượng CAND. Công an khu XII, Ty Công an Thanh Hóa rồi Sở Công an Nam bộ… là những đơn vị đầu tiên tổ chức quán triệt, phát động thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy CAND.

Kí ức về vị tướng được Bác Hồ gửi thư

Với Báo CAND, Thiếu tướng Hoàng Mai là một bậc “tiên chỉ” bởi tên ông xuất hiện rất nhiều trong kỉ yếu các giai đoạn phát triển của tờ báo, từ sau Cách mạng Tháng Tám và qua 2 cuộc kháng chiến. Sau ngày thống nhất đất nước, với cương vị Viện trưởng Viện Khoa học Công an, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng CAND, Thiếu tướng Hoàng Mai cũng có nhiều dấu ấn với sự phát triển của Báo Công an nhân dân…

Trong buổi sáng mùa xuân, câu chuyện giữa tôi và chị Hạnh đan xen, lan man giữa quá khứ và hiện tại. Chị Hạnh kể: “Ngày bé, tôi ít có dịp được gần bố mẹ lắm. Mới 8-9 tuổi, tôi và em trai Hoàng Quốc Hùng đã phải đi sơ tán, tránh bom Mỹ hủy diệt Hà Nội. Bố tôi rất bận công tác.

Mẹ tôi thì hằng tối lại gửi tôi cho ông bà ngoại để đi học thêm, đến năm tôi học lớp 8 thì mẹ cũng tốt nghiệp Đại học Thương mại… Có lần, tôi bị sốt phải đi viện cấp cứu. Một hôm có cuộc họp ở Bộ, một chú lãnh đạo Công an nơi tôi sơ tán gặp và hỏi “Cháu ra viện chưa anh?”. Bố tôi cứ ngớ người ra, lúc đó mới biết con gái suýt mất mạng, vẫn còn đang nằm viện”…

Do ít có thời gian gần cha mẹ nên chị Hạnh thành thực: “Tôi biết rất ít về công việc của cha mẹ, vì bé thì đi sơ tán liên miên, lớn thì ra nước ngoài du học. Ngay cả chuyện lá thư Bác Hồ gửi, mãi sau này tôi mới biết. Giờ bố tôi mất rồi, nhưng mọi người vẫn còn nhớ, đến thăm gia đình, thắp hương cho cụ; tôi cũng thấy ấm lòng”.

Chị Hoàng Thị Hạnh trước bàn thờ cha mẹ.

Chị Hạnh kể, ngày chị chuẩn bị đi du học Liên Xô, mẹ chị bảo, hay con đừng đi, học trong nước cũng được để mẹ con có thời gian gần nhau? Nhưng rồi bà cũng đồng ý cho con đi du học.

Khi về nước, chị Hạnh lập gia đình riêng và bận bịu chuyện con cái, cơm áo gạo tiền nên cũng không dành được nhiều thời gian cho cha mẹ. Về sau, chị mua căn nhà cùng khu tập thể Hoàng Cầu với bố mẹ, để tiện việc chăm sóc ông bà.

“Mấy lần vợ chồng tôi định bán căn nhà đang ở, mua chỗ khác cho rộng rãi nhưng nghĩ đến cảnh ông bà già yếu, cần con cái ở gần nên không đành lòng. Cậu Hùng không may mất sớm, ông bà ở với con dâu và các cháu nên vợ chồng tôi ở gần thì sẽ có điều kiện hơn để chăm sóc”.

Nhớ về người cha thân yêu, chị Hạnh kể: “Khi tôi lớn, thường thấy bố tôi làm việc đến khuya, hết đọc tài liệu lại duyệt công văn, duyệt bản thảo của Báo CAND. Hồi còn trẻ, ông từng bị bọn Quốc dân đảng bắt, tra tấn rất dã man. Khi có tuổi rồi lại làm việc nhiều nên sức khỏe của ông sa sút. Đi khám bệnh, bác sỹ biết lịch làm việc của bố tôi thì cảnh báo: Bác muốn sống lâu hơn thì phải bớt làm việc, đi ngủ sớm…

Bố tôi rất có nghị lực và tính tự lập, không muốn phiền đến con cháu. Một lần, bố tôi bị ốm nặng phải nhập viện. Tôi vào chăm sóc, ông nằm thiêm thiếp trên giường bệnh, nét mặt đau đớn nhưng không hề kêu ca. Tôi bảo, nếu bố thấy đau trong người, bố cứ nắm thật chặt tay con; và ông đã nắm tay tôi rất chặt, khiến tôi bật khóc…”.

Đến giờ chị Hạnh đi đón cháu nội, tôi ý nhị từ biệt. Chị Hạnh bảo: “Chị và hội bạn thời tiểu học đang định sang tháng vào Nam du lịch một chuyến. Chị đặt vé rồi nhưng ngày khởi hành lại đúng ngày diễn ra Lễ kỉ niệm 70 năm Bác Hồ gửi thư cho bố chị, tổ chức ở Nhã Nam. Chị sẽ hoãn chuyến đi để đại diện gia đình lên dự buổi lễ”.

Trần Duy Hiển
.
.