Địa danh Nhã Nam và dấu ấn lịch sử

Chủ Nhật, 11/03/2018, 08:14
Chúng tôi trở lại Nhã Nam (huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) đúng dịp công trình Khu lưu niệm Sáu điều Bác Hồ dạy CAND đang gấp rút hoàn thành.


Trước đó 5 năm, chúng tôi cũng có dịp đến đây để thu thập thông tin, tư liệu, gặp gỡ nhân chứng khi biết tin, đây là nơi đóng quân của Công an Khu XII – nơi đồng chí Hoàng Mai đã nhận bức thư của Bác, trong đó có Sáu điều Bác dạy CAND. Những dấu tích xưa, những chứng nhân ở vùng đất Nhã Nam đã được gìn giữ, bảo tồn, là căn cứ để công trình giàu ý nghĩa này được xây dựng tại nơi đây.

Dấu tích lịch sử ở chùa Đại Phúc (Tứ Giáp)

Chùa Đại Phúc (thôn Nguộn, xã Nhã Nam) ngày đầu xuân rợp trong bóng râm của cây cổ thụ xen lẫn sắc thắm của màu hoa đào, sắc cam của cây quất. Ngôi chùa cổ có niên đại mấy trăm năm mang trong mình vẻ trầm mặc của thời gian. Trải qua nhiều biến cố, thăng trầm, ngôi chùa mang trong mình nhiều dấu tích của lịch sử. Vì thế mà chùa Đại Phúc càng trở nên đặc biệt.

Bước qua cổng chùa, khách tham quan sẽ gặp những cây cổ thụ, thân xù xì và mốc thếch. Đó là cây gạo, với những mắt to xung quanh gốc. Ngước nhìn lên những cành cây có lớp da đậm màu thời gian đang vươn ra khắp khu vực cổng chùa, tôi thấy những chồi non. Mưa phùn cùng tiết trời xuân đã “đánh thức” những mắt trên cành đâm chồi nảy lộc.

Cụ Nguyễn Đức Khuê kể lại ký ức về những lần đồng chí Hoàng Mai lưu trú tại nhà mình thời kỳ 1946 – 1948.

Và rồi chẳng mấy chốc, khi tháng Ba đến, trên những cành gạo sẽ lại rực rỡ sắc lửa. Những bông, những chùm, những tán hoa gạo đỏ chót nơi cổng chùa hẳn là một cảnh sắc vô cùng nổi bật. Bên cạnh cây gạo cổ thụ, là 3 cây nhãn có tuổi đời bằng với ngôi chùa. Những cây cổ thụ này chính là hồn, cốt của ngôi chùa cổ, là những “nhân chứng” đặc biệt đối với địa điểm tâm linh, văn hóa, lịch sử này.

Chùa được xây dựng từ thời hậu Lê, cùng với thời điểm xây dựng ngôi đình tại trấn Đồi Phủ thuộc đất làng Cầu vào khoảng năm 1771-1772. Trải qua nhiều cuộc binh đao, đặc biệt là thời kỳ thực dân Pháp chiếm đóng, ngôi chùa bị tàn phá.

Theo lịch sử chùa Đại Phúc, năm 1885 giặc Pháp chiếm Đồi Phủ, chúng xây dựng đồn binh để trấn áp cuộc nổi dậy của nông dân Yên Thế, trong đó có nhân dân Nhã Nam.

Sau khi vấp phải sự phản kháng quyết liệt của nhân dân, giặc Pháp tăng viện. Chúng dùng đại bác bắn hàng trăm quả phá hủy hoàn toàn ngôi đình, ngôi chùa. Năm 1886, người dân xây dựng lại ngôi đình và ngôi chùa. Lần này, địa điểm xây dựng được chọn là mảnh đất cao giáp làng Nguộn. Đình ở phía trước, chùa ở phía sau. Đến năm 1890 thì xây dựng xong.

Ngôi đình có tên Ba Xã thể hiện sự đoàn kết của nhân dân 3 xã Nhã Nam, Dương Lâm, Lam Cốt. Ngôi chùa được xây dựng hoàn chỉnh với 3 gian hậu cung, 7 gian ngoài, các hệ thống nhà Tổ, nhà Khánh, tam quan, gác chuông… và vẫn lấy tên là chùa Đại Phúc.

Sau này, chùa còn có tên là Tứ Giáp, ý nói đến sự đoàn kết của nhân dân 4 giáp đã cùng nhau xây dựng lại ngôi chùa này. Đến nay, ngôi chùa vẫn giữ được vẻ thâm nghiêm vốn có, là nơi tụ hội của người dân trong vùng. Rằm tháng Giêng hằng năm, lễ hội chùa Đại Phúc lại tưng bừng đón chào hàng vạn du khách…

Trước, trong và sau Cách mạng Tháng Tám, chùa Đại Phúc là trụ sở, nơi đóng quân của nhiều cơ quan, ban, ngành của Trung ương và tỉnh Bắc Giang. Từ tháng 3-1945, chùa Đại Phúc đã đón một bộ phận của Báo Cứu quốc (nay là Báo Đại đoàn kết) đến đây làm việc, in ấn. Từ ngôi chùa cổ, nhiều bản báo, tài liệu, truyền đơn… được chuyển đến các cơ sở cách mạng.

Đầu tháng 4-1945, một bộ phận quân du kích Bắc Sơn về Yên Thế hoạt động, về chùa họp bàn kế hoạch đánh vào phủ đồn Yên Thế. Cách mạng Tháng Tám thành công, rồi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, chùa Đại Phúc lại tiếp tục thực hiện sứ mệnh của cơ sở cách mạng khi liên tục đón tiếp các cơ quan từ cấp xã, huyện, quân khu… Nơi đây trở thành trụ sở, đại bản doanh của nhiều đơn vị, cơ quan và được người dân Nhã Nam bao bọc, bảo vệ.

Cuối năm 1945, đầu năm 1946 có Ty Bưu điện Bắc Giang đến đóng và làm việc tại chùa Đại Phúc một thời gian. Khi Ty Bưu điện chuyển đi, cơ quan Khu XII (tên chính xác là Công an Khu XII) đến đóng quân… Đây là thời kỳ đồng chí Hoàng Mai làm Giám đốc Khu Công an XII.

Và đây cũng là lúc tờ báo “Bạn dân” của Công an Khu XII tiếp tục xuất bản những số báo mới, trong đó có số báo Tết. Đồng chí Hoàng Mai đã gửi biếu Bác Hồ một số báo Xuân, sau đó Bác đã gửi thư cho đồng chí Hoàng Mai, trong đó có Sáu điều dạy CAND. Như vậy, khởi nguồn Sáu điều Bác Hồ dạy CAND xuất phát từ ngôi chùa cổ này.

Ký ức của các nhân chứng

Chùa Đại Phúc không có sư. Giữ chùa là các ông từ. Ông từ Nguyễn Đức Cư năm nay ngoại 80 tuổi cho biết, ông đã ở chùa được 30 năm. Ông bỏ nhiều công sức thu thập thông tin, lịch sử về ngôi chùa. Khi chúng tôi hỏi về thời kỳ Công an Khu XII đóng ở chùa, ông cho biết lúc đó là cậu bé 14 tuổi. Ký ức của ông về thời kỳ này không nhiều, nhưng ông vẫn nhớ là người cán bộ chỉ huy thường ăn cơm và có thời gian ngắn ở nhà “ông cụ nhà tôi”.

Cụ Nguyễn Đức Cư trò chuyện với phóng viên Báo CAND trong khuôn viên chùa Đại Phúc.

Nghe ông Cư nói điều này, tôi và người đồng nghiệp cùng giật mình. Bởi trước khi đến chùa, chúng tôi vừa gặp ông Nguyễn Đức Khuê, 90 tuổi và ông cụ này cũng nói như vậy. Ngay lập tức, tôi thắc mắc và ông Cư cười. Ông đủng đỉnh bảo: “Ông Khuê là anh trai tôi”.

Tuy đã ở tuổi 90 nhưng khi hỏi về thời kỳ Công an Khu XII đóng quân ở Nhã Nam, ông Khuê vẫn kể lại rất rành rọt. Ông còn nhớ, đó là ngày 12-5 âm lịch, năm 1946, có đoàn công tác đến Nhã Nam và ở nhờ nhà bố ông. Sau này, đoàn công tác khoảng 30 người đến ở chùa Đại Phúc.

Có một người tên thường gọi là ông Hoàng vẫn thường hay ăn cơm và ở nhà bố ông trong thời kỳ đầu. Lúc đó, ông 17 tuổi, lại làm dân quân nên cũng phần nào ý thức được công việc của các cán bộ. Được bố dặn phải thực hiện “3 không” (không hỏi, không nói, không tiếp xúc) nên cũng chỉ biết đấy là đoàn công tác, mãi sau này ông mới biết đó là các cán bộ Công an.

Năm 1947, 1948, giặc Pháp liên tục cho máy bay ném bom xuống Nhã Nam. Theo ông Khuê, những ngôi nhà gianh hồi đó đều bị cháy hết. Còn ông Cư thì chỉ cho chúng tôi xem những vết đạn trên thân cột của chùa Đại Phúc và bảo rằng, đó là vết tích của đạn giặc Pháp nã vào chùa.

Trước đó, chúng tôi từng được ông Nguyễn Tấn Thanh ngoài 80 tuổi ở thôn Nguộn hồi tưởng lại thứ âm thanh đặc trưng của máy liên lạc khi đó: “Tôi thấy các chú, các anh Công an đeo tai nghe, đánh máy “tạch tè, tạch tè”...”.

Còn ông Lương Tam Thanh, năm 1948 mới là cậu bé 14 tuổi, nhà ở sát chùa Đại Phúc  nên thường xuyên lân la đến chùa. Phong trào cách mạng ở địa phương hồi đó rất mạnh, cậu bé Thanh tham gia vào Đội thiếu niên Cành Sung. “Chiều Mạc Tư Khoa”, “Anh Kim Đồng”… là những bài hát mà ông và một số người khác cùng thế hệ được các chú Công an dạy cho.

Khi Công an Khu XII đóng quân ở Nhã Nam, những nhân chứng chúng tôi vừa nêu ở trên còn là những thanh thiếu niên. Nay, họ đều đã ở tuổi “xưa nay hiếm” nhưng trong ký ức vẫn còn lưu giữ về một thời lịch sử.

Ông Hoàng Ngọc  Hải, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Nhã Nam (năm 2013 là Trưởng Công an xã) là người đã giúp chúng tôi đi gặp các nhân chứng này cách đây 5 năm. Hôm nay gặp lại, ông Hải chia sẻ: Sau khi được giao nhiệm vụ tìm tư liệu, nhân chứng về việc Công an Khu XII đóng quân ở địa phương, ông đã để tâm tìm kiếm.

Trong cuốn lịch sử Đảng bộ xã Nhã Nam có ghi, thời kỳ 1946 -1948, Công an Khu XII đóng quân tại đây nên ông càng có thêm niềm tin sẽ tìm được nhân chứng. Từ tư liệu bằng văn bản và lời kể của các nhân chứng, đủ cơ sở để khẳng định, đây là địa điểm lưu dấu những chứng tích lịch sử của lực lượng CAND.

Những lời dạy của Bác 70 năm qua luôn được cán bộ, chiến sỹ Công an noi theo. Hôm nay, trên mảnh đất mà đồng chí Hoàng Mai nhận được thư Bác, công trình Khu lưu niệm Sáu điều Bác dạy CAND được dựng lên. Cùng với đất và người Nhã Nam, khu lưu niệm này sẽ luôn là địa chỉ để các thế hệ cán bộ, chiến sỹ Công an lui tới ôn lại truyền thống và để tự răn bản thân sao cho xứng đáng với tên gọi: Người Công an cách mệnh.

Hồng Hà
.
.