CA huyện Trần Văn Thời (Cà Mau): Quản lý đối tượng sau khi tái hòa nhập cộng đồng

Thứ Bảy, 26/12/2009, 10:25
Theo số liệu thống kê mới nhất, năm 2009, huyện Trần Văn Thời có 115 đối tượng trong diện quản lý sau khi tái hòa nhập cộng đồng, trong đó số đặc xá, tha tù và mãn hạn tù là 73 đối tượng, các đối tượng trở về từ cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng, cơ sở chữa bệnh là 42 đối tượng.

Phần lớn các đối tượng này đều là dân tạm trú, hoặc sống lang thang, không nghề nghiệp ổn định, tập trung nhiều nhất ở hai thị trấn Sông Đốc và thị trấn Trần Văn Thời, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Chính vì vậy mà sau khi tái hòa nhập, họ không được gia đình, người thân quan tâm đúng mức; trong khi đó lại có rất nhiều bạn bè xấu bên ngoài xúi giục, lôi kéo và dẫn đến con đường tái phạm.

Điển hình như trường hợp Lâm Tấn Lợi, 46 tuổi, tạm trú ở thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời. Vào năm 1994, Lợi bị kết án 20 năm tù giam về tội "Cướp tài sản" và "Trốn khỏi nơi giam", đã chấp hành án tại Trại K2 T345 huyện Xuyên Mộc, tỉnh Đồng Nai. Sau khi chấp hành án được 14 năm 6 tháng, thì Lâm Tấn Lợi được đặc xá trước thời hạn ngày 23/9/2009, giảm 5 năm 4 tháng tù. Những tưởng Lợi đã giác ngộ và ý thức được trách nhiệm của mình, để sống có ích cho cộng đồng và xã hội, nhưng sau khi được tái hoà nhập, Lợi vẫn "chứng nào tật ấy", y đã nhanh chóng liên lạc với các đối tượng khác và bắt đầu hoạt động phi pháp.

Chỉ chưa đầy 2 tháng sau khi tái hòa nhập cộng đồng, Lợi đã tái phạm đến 7 lần với các hành vi: trộm cắp, gây rối đánh người, xúc phạm danh dự người khác… Mặc dù Công an thị trấn Sông Đốc luôn kềm cặp và theo sát hành vi của Lợi. Tuy nhiên, cứ mỗi lần vi phạm, thì Lợi khóc nức nở và tỏ thái độ ăn năn, hối hận về những việc y làm trước cơ quan Công an. Sau khi được mọi người đồng cảm, thì Lợi lại quay ngoắt 180 độ không coi ai ra gì và thế là tiếp tục vi phạm. Hiện Công an thị trấn Sông Đốc đã củng cố hồ sơ đề nghị đưa Lâm Tấn Lợi đi cơ sở giáo dục thời hạn 24 tháng.

Một trường hợp điển hình khác là Lâm Văn Voi, 19 tuổi, ở khóm 7, thị trấn Trần Văn Thời, huyện Trần Văn Thời, đã bị kết án tù về tội "Hủy hoại tài sản". Sau khi mãn hạn tù được 19 ngày, thì ngày 3/9/2009, Voi đã bị quần chúng nhân dân khóm 7, thị trấn Trần Văn Thời bắt quả tang về hành vi "Cướp tài sản" của người đi đường. Tang vật thu được gồm 1 sợi dây chuyền vàng 18K nặng 6 chỉ. Hiện Voi đang được tạm giam tại Công an huyện Trần Văn Thời chờ xử lý.

Công an thị trấn Sông Đốc xuống tận nơi làm để thăm hỏi anh Nguyễn Việt Quân sau khi tái hòa nhập cộng đồng.

Mới đây vào ngày 17/12/2009, Công an huyện Trần Văn Thời đã bắt giữ được 2 đối tượng "Hiếp dâm" và "Cướp tài sản" chỉ chưa đầy 15 tiếng đồng hồ là Giang Chí Hiếu, 20 tuổi, ở khóm 1, thị trấn Trần Văn Thời và Nguyễn Minh Duyên, 23 tuổi, ở ấp Bữu Tân, xã Tân Hưng, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau. Bản thân Hiếu vừa mới chấp hành xong bản án phạt tù ngày 2/9/2009 về tội "Cướp tài sản". Trước đó, Hiếu đã từng bị đưa vào trường giáo dưỡng năm 2005. Duyên cũng là đối tượng từng đi tù về tội "Trộm cắp tài sản".

Theo lời khai ban đầu của Hiếu và Duyên: Vào rạng sáng 17/12/2009, Hiếu và Duyên đi xe môtô cùng với 7 người bạn khác đến quán nhậu của chị Thái Thị Chung, ở ấp Lung Bạ, xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời để nhậu. Sau khi bị chủ quán từ chối tiếp vì "hết đồ nhậu", Hiếu và Duyên xông vào quán đập phá đồ đạc, sau đó thay nhau thực hiện hành vi hiếp dâm chị P. (nhân viên quán) rồi bỏ đi.

Khi ra đến khóm 1, thị trấn Trần Văn Thời, huyện Trần Văn Thời, thì 2 tên này phát hiện chị Lê Mỹ Ngọc, 52 tuổi (thường trú địa chỉ trên) đang đi bộ tập thể dục trên đường, chị Ngọc có đeo sợi dây chuyền vàng 24K 2,2 chỉ trên cổ. Chúng liền ra tay cướp, rồi chạy thẳng lên xã Tắc Vân - thuộc TP Cà Mau bán tài sản cướp được và thuê khách sạn nghỉ, nhưng chưa được bao lâu đã bị Công an huyện Trần Văn Thời bắt giữ

Bên cạnh những đối tượng sau khi tái hoà nhập vi phạm trở lại, thì cũng có không ít người đã vượt qua mặc cảm, phấn đấu trở thành người tốt sống có ích cho gia đình và xã hội như anh Nguyễn Việt Quân (thường gọi "Quân đại bàng"), trú khóm 2, thị trấn Sông Đốc, bị kết án 7 năm tù giam về tội "Cướp tài sản". Tuy nhiên, trong quá trình lao động cải tạo, anh Quân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nên được biểu dương nhiều lần. Ngày 2/9/2009, anh Quân được đặc xá trước thời hạn 18 tháng. Sau khi trở về địa phương, anh Quân luôn đùm bọc vợ con, tu chí làm ăn và điều quan trọng là anh Quân nhất quyết đoạn tuyệt với đám bạn xấu. Anh Quân đi làm thuê để nuôi sống gia đình, mặc cho công việc có khó khăn vất vả mấy anh Quân cũng không câu nệ.

Hôm gặp chúng tôi, cũng là lúc anh Quân đang miệt mài với công việc sửa chữa tàu đánh bắt thủy sản cho một người bạn tại khóm 4, thị trấn Sông Đốc. Anh Quân vui vẻ cho biết: Mỗi ngày anh kiếm được từ 70 đến 100 nghìn đồng. Dù cuộc sống gia đình không đầy đủ như trước đây, nhưng anh Quân cảm thấy hãnh diện vì đồng tiền này do chính công sức của mình làm ra để nuôi vợ con.

Trở lại với những bất cập trong công tác quản lý đối tượng tái hoà nhập cộng đồng, Thượng tá Huỳnh Tấn Lực cho biết: có rất nhiều yếu tố dẫn đến tái vi phạm của các đối tượng kể trên; nên muốn công tác quản lý đối tượng sau khi tái hòa nhập đạt kết quả cao, điều quan trọng, nhất là bản thân của đối tượng đó phải có tư tưởng và quyết chí hoàn lương, đồng thời cũng cần phải có sự ủng hộ, động viên, khuyến khích từ phía người thân và gia đình để đối tượng vượt qua mặc cảm, tái hòa nhập cộng đồng; sự tác động về tinh thần của chính quyền địa phương, cơ quan chủ quản, các ban, ngành, đoàn thể mà lực lượng Công an là chủ công, đồng thời phải có sự hỗ trợ, giúp đỡ, tạo điều kiện của các ngành chức năng cho đối tượng có công việc, có nguồn vốn, tạo công ăn việc làm giúp cho đối tượng ổn định cuộc sống.

Đây là một trong những biện pháp thiết thực nhất ngăn ngừa sự tái phạm đối với các đối tượng sau khi tái hòa nhập cộng đồng. Bởi nếu chưa xóa được mặc cảm với người thân, bạn bè, gia đình và xã hội, thì các đối tượng rất dễ bị lôi kéo để quay trở lại con đường phạm pháp

Ngọc Thúy
.
.