Bước phát triển của lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH và những vấn đề đặt ra trong tình hình mới
Theo thống kê của Cục Cảnh sát PCCC&CNCH, trung bình mỗi năm ở nước ta xảy ra trên 2.000 vụ cháy, làm chết gần 100 người, bị thương gần 200 người, thiệt hại về tài sản gần 500 tỷ đồng và hàng nghìn hécta rừng. Do đó, Đảng, Nhà nước ta, đặc biệt là Bộ Công an rất quan tâm chỉ đạo việc xây dựng lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác PCCC trong từng giai đoạn cách mạng.
Ngay từ năm 1955, Đảng, Nhà nước ta đã chỉ đạo Bộ Công an xây dựng, ban hành Chỉ thị xây dựng lực lượng cứu hoả miền Bắc (Chỉ thị số 1175/V2 ngày 2/6/1955 của Bộ Công an). Chỉ thị đã quy định nhiệm vụ của lực lượng cứu hoả chuyên nghiệp, tổ chức, tính chất của các đơn vị cứu hoả này. Theo đó, nhiệm vụ của lực lượng cứu hoả chuyên nghiệp bao gồm: Giáo dục, hướng dẫn, tổ chức nhân dân phòng hoả, cứu hoả; sẵn sàng chữa cháy; khi có chiến tranh xảy ra phải hướng dẫn nhân dân phòng không, sơ tán, phòng độc. Tổ chức của các đơn vị cứu hoả mang tính chất bán quân sự, chia thành tiểu đội, trung đội, đại đội. Về mặt tổ chức, các Đội Phòng hoả, cứu hoả Hà Nội, Hải Phòng trực thuộc Giám đốc Sở Công an; 9 Đội Phòng hoả, cứu hoả khác (Nam Định, Hồng Quảng, Nghệ An, Thanh Hoá, Hà Nam, Hải Dương, Lạng Sơn, Phú Thọ và Thái Nguyên) trực thuộc Ban hoặc Phòng Trị an dân cảnh của các Sở, Ty Công an. Về mặt nhân sự, Bộ Công an cho phép các Sở, Ty Công an được tuyển thêm nhân viên cứu hoả, cứ mỗi xe chữa cháy được tuyển từ 6 đến 8 người; độ tuổi từ 18 đến 32, có sức khoẻ tốt, can đảm, lý lịch rõ ràng, có trình độ văn hoá biết đọc, biết viết. Đồng thời, Bộ Công an đã mở một lớp huấn luyện nghiệp vụ phòng hoả, cứu hoả đầu tiên cho nhân viên các đội này. Ngoài ra, để tăng cường trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, chiến sỹ làm công tác phòng hoả, cứu hoả, Bộ cũng đã mời các chuyên gia PCCC của Liên Xô (cũ) sang giảng dạy, huấn luyện nghiệp vụ PCCC; cử đoàn cán bộ đi học Trường Trung cấp PCCC Lêningrat từ năm 1959.
Ngày 27/9/1961, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thông qua Pháp lệnh Quy định việc quản lý của Nhà nước đối với công tác PC&CC. Ngày 4/10/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Lệnh công bố Pháp lệnh này. Pháp lệnh gồm 10 Điều, trong đó có Điều 3 quy định cụ thể vị trí, nhiệm vụ, quyền hạn của Cục PC&CC. Theo đó, Cục PC&CC được tổ chức trong Bộ Nội vụ (cũ). Ở các khu tự trị, thành phố trực thuộc trung ương và tỉnh sẽ tuỳ theo nhu cầu mà tổ chức Sở, Ty PC&CC trực thuộc Ủy ban hành chính cấp tỉnh.
Lực lượng Cảnh sát PCCC diễn tập tại một khu chung cư. |
Ngày 28/12/1961, Hội đồng Chính phủ đã ra Nghị định số 220/CP về việc thi hành Pháp lệnh quy định việc quản lý của Nhà nước đối với công tác PC&CC, trong đó quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của các Đội PCCC chuyên nghiệp.
Việc xây dựng và ban hành Pháp lệnh Quy định việc quản lý của Nhà nước đối với công tác PCCC và Nghị định 220/CP có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đặt nền móng pháp lý cho toàn bộ công tác PCCC ở nước ta, trong đó có quan điểm, tư tưởng chỉ đạo về xây dựng lực lượng PCCC chuyên nghiệp.
Sau 40 năm thực hiện Pháp lệnh Quy định việc quản lý của Nhà nước đối với công tác PCCC, ngày 29/6/2001, Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ 9 đã thông qua Luật PCCC. Luật có hiệu lực kể từ ngày 4/10/2001, quy định nhiều vấn đề quan trọng như: phòng cháy, chữa cháy, xây dựng lực lượng, trang bị phương tiện và chính sách cho hoạt động PCCC.
Quan điểm về xây dựng lực lượng Cảnh sát PCCC được thể hiện trong các Điều 47, 48, 49, 51 và 55 của Luật PCCC. Theo đó, lực lượng Cảnh sát PCCC là một bộ phận của lực lượng vũ trang, được tổ chức thống nhất từ trung ương đến địa phương do Bộ trưởng Bộ Công an quản lý, chỉ đạo. Nhà nước xây dựng lực lượng Cảnh sát PCCC chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Để cụ thể hoá quan điểm của Nhà nước ta về xây dựng lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH, theo đề nghị của Bộ Công an, ngày 15/5/2006, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 719/QĐ-TTg về việc thí điểm thành lập Sở Cảnh sát PC&CC TP Hồ Chí Minh trực thuộc Bộ Công an. Sau 5 năm hoạt động, mô hình này đã phát huy hiệu quả rất tốt trong công tác PCCC. Vì vậy, theo đề nghị của Bộ Công an, ngày 30/12/2010, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ký Quyết định số 2434/QĐ-TTg thành lập thêm 7 Sở Cảnh sát PC&CC tại: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Vĩnh Phúc, Bình Dương và Đồng Nai. Thực hiện Quyết định số 1110/QĐ-TTg của Chính phủ, trong tháng 9 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công an đã ký các quyết định thành lập 5 đơn vị Cảnh sát PC&CC trên cơ sở nâng cấp Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH thuộc Công an 5 tỉnh: Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Đắk Lắk, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác PCCC&CNCH trong tình hình mới, ngày 25/3/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 21/2014/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 3, Nghị định số 77/2009/NĐ-CP ngày 15/9/2009 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an. Theo đó, Cục Cảnh sát PCCC&CNCH được nâng cấp từ Cục trực thuộc Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội lên thành Cục trực thuộc Bộ Công an.
Như vậy, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH nói chung và Cục Cảnh sát PCCC&CNCH nói riêng đã không ngừng lớn mạnh, phát triển. Đến nay, cả nước đã có 13 đơn vị Cảnh sát PC&CC tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 50 Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH trực thuộc Công an tỉnh và theo lộ trình đã được Chính phủ phê duyệt, đến năm 2015, cả nước sẽ có 20 đơn vị Cảnh sát PC&CC tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Hiện nay, nước ta đang đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, trong bối cảnh thế giới đang thay đổi rất nhanh, phức tạp và khó lường; kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển mạnh kèm theo đó là những biến đổi khó lường về thời tiết, khí hậu, tình hình cháy, nổ được dự báo sẽ còn rất phức tạp. Nếu chúng ta chủ quan, không thực hiện tốt công tác phòng ngừa thì nguy cơ cháy, nổ ngày càng cao, thiệt hại do cháy, nổ gây ra ngày càng lớn.
Đứng trước tình hình trên, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH cần có những định hướng phát triển phù hợp, nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác PCCC&CNCH trong tình hình mới. Trước mắt, trong thời gian tới, cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ cơ bản, quan trọng sau đây:
Một là: Nghiêm túc triển khai thực hiện Luật PCCC; nhanh chóng ổn định tổ chức, triển khai có hiệu quả các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; các Nghị quyết, Chỉ thị, chương trình, kế hoạch công tác của Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an; hoàn thiện hệ thống hành lang pháp lý về PCCC&CNCH. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về PCCC cả bề rộng và chiều sâu tới mọi tầng lớp nhân dân.
Hai là: Tiếp tục tập trung xây dựng quy hoạch về tổ chức, biên chế quân số, trang bị phương tiện và các điều kiện đảm bảo hoạt động toàn lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH theo Quyết định số 1110/QĐ-TTg của Chính phủ. Trong đó, cần chú trọng việc tiếp tục thành lập thêm các đơn vị Cảnh sát PC&CC ở các tỉnh trọng điểm về kinh tế, an ninh, trật tự; thành lập các trung tâm ứng cứu khẩn cấp quốc gia tại 3 khu vực Bắc, Trung, Nam và các đội chữa cháy, CNCH tại các địa phương, hình thành mạng lưới các đội chữa cháy, CNCH trên toàn quốc.
Ba là: Tập trung triển khai mạnh mẽ việc thực hiện nhiệm vụ CNCH theo Quyết định số 44/2012/QĐ-TTg ngày 15/10/2012 của Chính phủ quy định về công tác CNCH của lực lượng PCCC, đảm bảo công tác thường trực ứng cứu, đảm bảo an toàn dân sự. Tích cực chuẩn bị lực lượng, phương tiện và luyện tập chiến thuật CNCH theo 6 nhóm tình huống điển hình trong công tác CNCH.
Bốn là: Cảnh sát PC&CC tỉnh, thành phố, các Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH thuộc Công an tỉnh cần nghiên cứu, tham mưu cho UBND các tỉnh trong việc xây dựng mạng lưới các đội chữa cháy và CNCH trung tâm, vệ tinh. Theo đó, mỗi huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh cần có 1 đội chữa cháy và CNCH trung tâm và một số đội chữa cháy và CNCH vệ tinh. Chức năng của các đội này là vừa làm công tác chữa cháy, vừa làm công tác CNCH. Căn cứ để tính toán số lượng đội chữa cháy và CNCH là dựa trên tiêu chí thời gian đến đám cháy hợp lý và nhanh nhất có thể, đồng thời lực lượng, phương tiện đến đám cháy phải đáp ứng hiệu quả, kinh tế. Đây là tiêu chí mà các nước trên thế giới đang áp dụng.
Năm là: Lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai quyết liệt và đồng bộ các giải pháp, biện pháp nghiệp vụ nhằm đấu tranh ngăn chặn cháy lớn, kiềm chế được sự gia tăng về số vụ và thiệt hại do cháy gây ra, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện các biện pháp nghiệp vụ của lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH như: kiểm tra, xử lý vi phạm về PCCC; thẩm duyệt, thiết kế về PCCC; xây dựng và thực tập phương án chữa cháy; điều tra nguyên nhân vụ cháy; nghiên cứu nâng cao hiệu quả chiến thuật chữa cháy; triển khai thực hiện tốt công tác thanh tra chuyên ngành về PCCC.
Sáu là: Chú trọng phát triển, mở rộng cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực của lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH trong ngành Công an; xây dựng mạng lưới các trung tâm huấn luyện nghiệp vụ PCCC&CNCH tại các tỉnh, thành phố trên cả nước. Tăng quy mô, mở rộng các loại hình đào tạo đối với Trường Đại học PCCC; tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp để nâng cao chất lượng đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH và nhu cầu của xã hội.
Bảy là: Tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế đa phương và song phương trong lĩnh vực PCCC&CNCH, tích cực hội nhập vào tổ chức PCCC&CNCH quốc tế và khu vực. Chọn lọc cử các đoàn và cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn, dài hạn tại các nước có công nghệ PCCC&CNCH phát triển. Tăng cường đầu tư cho công tác PCCC&CNCH từ các nguồn ngân sách Nhà nước, ngân sách địa phương, nguồn vốn ODA, nguồn thu từ bảo hiểm cháy nổ, nguồn hỗ trợ đóng góp của các bộ, ngành, đơn vị kinh tế, các nguồn viện trợ của nước ngoài