Hướng tới kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn (23-1-1916 - 23-1-2016):

Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn với công tác thông tin liên lạc và chi viện an ninh miền Nam

Thứ Năm, 14/01/2016, 08:14
Là một cán bộ làm công tác thông tin liên lạc, có nhiều năm làm công tác thông tin liên lạc, phục vụ đồng chí Bộ trưởng, tôi thấy đồng chí có tầm nhìn chiến lược rất sâu sắc, đặc biệt với nghiệp vụ an ninh nói chung và công tác thông tin liên lạc nói riêng.


Năm 1959, đế quốc Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm lê máy chém đi khắp miền Nam, chúng đã tàn sát biết bao nhiêu đồng chí và đồng bào ta. Mặt khác, chúng luôn hô hào Bắc tiến hòng ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc đối với cách mạng miền Nam. Đồng chí Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đã có nhận định, thế nào đế quốc Mỹ và ngụy quyền Ngô Đình Diệm chúng cũng sẽ tung gián điệp biệt kích ra phá hoại miền Bắc.                   

Đồng chí Bộ trưởng giao nhiệm vụ cho đồng chí Nguyễn Hữu Nhân thừa ủy quyền của Bộ trưởng phụ trách cơ quan 703 điều động cán bộ kỹ thuật lắp ráp ngay hệ thống máy thu phát vô tuyến điện tại cơ quan Bộ số 15 Trần Bình Trọng. Cùng lúc đó, đồng chí đã có văn bản sang QĐND Việt Nam xin 50 đồng chí hiệu thính viên, gồm đảng viên và quần chúng ưu tú, vừa tốt nghiệp đạt loại giỏi xuất sắc về phục vụ cho đấu tranh chống gián điệp biệt kích và chi viện cho an ninh miền Nam.

Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn với đại biểu dự Hội nghị tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang An ninh miền Nam, tháng 6/1976.

Đúng như Bộ trưởng đã nhận định, hồi 22h5 ngày 27-5-1961, chúng đã thả toán gián điệp biệt kích tên gọi Castor xuống điểm cao 828 Châu Phù Yên, tỉnh Nghĩa Lộ (nay thuộc tỉnh Sơn La). Đồng chí Bộ trưởng đã chỉ đạo chúng tôi: Đây là toán gián điệp biệt kích, chứ không phải biệt kích thông thường. Nhiệm vụ của chúng là phá hoại và hoạt động lâu dài trên đất nước ta. Nhiệm vụ của các đồng chí là phải bắt gọn, khai thác đầy đủ, bắt nó phải hợp tác với ta, dùng trò chơi nghiệp vụ câu nhử với phương châm: “Quét sạch nhà để đón khách không mời mà đến”, để đánh lại trung tâm chỉ huy của chúng tại Sài Gòn.

Với phương châm chiến lược này từ tháng 5-1961 đến tháng 5-1970 ta đã câu nhử và bắt được tất cả 53 toán với số lượng gần 600 tên cùng với phương tiện gồm: Máy thu phát vô tuyến điện, súng đạn, mìn, thuốc nổ và mọi trang bị khác. Các thứ ta thu được, tiếp tục chi viện cho an ninh miền Nam chống Mỹ cứu nước. Nhân viên tình báo thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ Tounyson đã dành 10 năm viết quyển “Cuộc chiến bí mật, hành động bí mật”. Vũ Đình Hiếu cũng là biệt kích quân sau giải phóng miền Nam được cho phép sang định cư tại Mỹ, học tập trở thành giáo sư tiến sĩ, là dịch giả cuốn “Cuộc chiến bí mật, hành động bí mật” đã thừa nhận thua cộng sản trên lĩnh vực này.

Ngay từ đầu năm 1961 đến ngày hoàn toàn giải phóng miền Nam đồng chí Bộ trưởng luôn chỉ đạo rất sát sao với an ninh miền Nam, với khẩu hiệu “Tất cả vì miền Nam ruột thịt” đã chi viện đầy đủ cho an ninh các khu ở tỉnh về người và phương tiện, đã phục vụ kịp thời cho an ninh các cấp, thể hiện rất rõ: Đồng chí Bộ trưởng rất quan tâm đến miền Nam, quan tâm đến cán bộ chiến sĩ chi viện cho chiến trường miền Nam.

Tháng 12-1972, gia đình tôi bị máy bay Mỹ oanh kích tại Hà Nội, ông ngoại, chị dâu và hai con duy nhất của tôi đều bị bom Mỹ sát hại. Đồng chí Bộ trưởng đã điện vào hai lần yêu cầu cho tôi trở ra Bắc, nhưng không sao ra được. Mãi đến 26-3-1974 tôi mới ra được. Được lãnh đạo Bộ động viên an ủi, kết hợp với sự giúp đỡ của cơ quan vợ tôi, cho tôi được nghỉ phép một tháng. Ngày 20-3-1975, tôi sinh lại được con trai, ngày 30-6-1976 tôi sinh thêm được cô con gái. Hạnh phúc lại mỉm cười. Nay hai cháu đã trưởng thành, học hành đến nơi đến chốn. Tôi đã có hai cháu ngoại, cháu gái học lớp 9, cháu trai học lớp 3. Một cháu nội mới được hơn 1 tuổi.

Nếu không được sự quan tâm của Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn và lãnh đạo Bộ thì tôi đâu có được hạnh phúc như ngày hôm nay. Công ơn này mãi mãi tôi không bao giờ quên. Và tôi luôn nghĩ rằng, tài năng, tình cảm và đạo đức của Bộ trưởng thật vẹn toàn.

Hồ Thanh Can (Nguyên cán bộ phản gián kỹ thuật – chi viện chiến trường miền Nam)
.
.