Bệnh viện 30-4 Bộ Công an: Những nỗ lực vì người bệnh
Đã có những ca phẫu thuật đầu tiên về chấn thương sọ não, những bệnh nhân bị chấn thương khớp gối hay gẫy xương nặng nề, những ca phẫu thuật nối dây thần kinh phức tạp,… và có cả những bệnh nhân duy trì sự sống nhiều ngày bằng máy thở mà trước đây chỉ có thể ra nước ngoài chữa trị. Những tưởng khi mắc phải những căn bệnh hiểm nghèo ấy sẽ phải tìm tới nơi trung tâm chữa bệnh hơn nhưng giờ đây họ đã có thể yên tâm ở lại trong vòng tay chăm sóc yêu thương hết mực của những bác sĩ Bệnh viện (BV) 30-4 - Bộ Công an. Những cán bộ, chiến sỹ BV 30-4 đã có những nỗ lực to lớn để vượt qua "giới hạn" về quan niệm thông thường ấy như thế nào.
Bắt đầu từ chuyên môn
"Là một đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhưng lại mang nhiệm vụ trong chuyên ngành Y tế. Vậy có nói gì chăng nữa anh cũng phải đạt được thành quả về chuyên môn", tiếp xúc với chúng tôi sáng 25/2, Thượng tá Dương Thị Kim Nhung - Trưởng phòng Chính trị BV nói. Thế nhưng, do việc tuyển dụng cán bộ biên chế vào BV 30-4 vốn rất khó, nhất là cán bộ có tay nghề. Nhu cầu khám chữa bệnh phục vụ cho cán bộ, chiến sĩ trong ngành đã chiếm trên 60%, thêm một số lượng không nhỏ là người dân quanh khu vực. Bởi vậy để phục vụ cho 700 bệnh nhân/ngày, không chỉ cán bộ, chiến sỹ mà cả lãnh đạo BV cũng phải vắt óc mà suy nghĩ, tìm tòi các phương pháp làm việc sao cho phù hợp. Nhân sự thiếu, việc điều trị vẫn phải 24/24h. Bệnh nhân nặng tới chẳng lẽ cứ chuyển đi.
Đại tá - bác sỹ Chuyên khoa II Tống Mạnh Chinh - Giám đốc BV 30-4 trăn trở. Anh cùng các Trưởng khoa bàn bạc và lên kế hoạch. Vấn đề con người và tay nghề chuyên môn được đặc biệt chú trọng. Các đợt bồi dưỡng, nâng cao tay nghề chuyên môn cả ngắn hạn và dài hạn cho các bác sỹ đã được thực hiện liên tục.
Điều phấn khởi là những bác sỹ của một BV xưa nay vốn "khiêm tốn" nay "ra ngoài" học hỏi, lĩnh hội kiến thức cùng thao tác thực hành nghề bên các thầy, các đồng nghiệp tại các BV lớn như: ĐH Y dược, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, BV Chợ Rẫy, kể cả với các BV như Quốc Thái - Đài Loan… đều đạt kết quả rất cao trong nhiều chuyên khoa được coi là "khó nhằn" của y khoa như: mổ chấn thương sọ não, mổ khớp gối, phẫu thuật nội soi có can thiệp hệ niệu, phẫu thuật chỉnh hình trật khớp vai, kết hợp xương gẫy nát, mổ thoát vị đĩa đệm.
Những chương trình hợp tác liên kết được thực hiện thường xuyên với các BV "đàn anh" trong ngành Y: Chợ Rẫy, Chấn thương chỉnh hình, ĐH Y dược. Trong 2 năm qua, các chuyên gia từ những BV lớn sẽ có mặt thực hiện hội chẩn bất kể giờ giấc nào tại BV 30-4. Nhờ đó những ca mổ phức tạp đã được thực hiện giữa các ê kíp BV 30-4 và các bác sỹ BV ĐH Y dược, BV Chợ Rẫy.
Bệnh viện 30-4 liên kết với Bệnh viện Quốc Thái khám, chữa bệnh cho cán bộ Công an phía Nam. |
Nâng vị thế trong "làng" y
Đại tá Tống Mạnh Chinh cho biết, năm 2009, BV 30-4 đã thực hiện khám chữa bệnh cho 113.370 cán bộ, chiến sỹ Công an, công suất sử dụng giường nội trú đạt 100,1%, thực hiện được 65.954 ca chẩn đoán hình ảnh, trên 26.000 ca siêu âm, trên 4.000 ca nội soi, có trên 1.400 bệnh nhân được thực hiện chạy thận nhân tạo; phẫu thuật được 3.708 ca gồm 929 ca đại phẫu, và trên 2.700 ca trung phẫu… Tiếp tục những thành công mới, ngay đầu tháng 3-2010, BV sẽ bắt tay vào chương trình liên kết với BV Chợ Rẫy trong lĩnh vực ngoại khoa - tiêu hóa - gan mật và tim mạch can thiệp - một trong những lĩnh vực rất khó trong y khoa mà họ quyết tâm thực hiện cho kỳ được.
Nói về những thành công từ những dự án liên kết với các BV lớn trong TP, hầu hết không chỉ các bác sỹ trong BV 30-4 mà ngay cả lực lượng cán bộ, chiến sỹ Công an ở phía Nam đều không thể nào quên những ca xử trí rất "có nghề" mà anh em bác sỹ BV 30-4 đã làm được. Những ca điển hình gắn liền tính mạng của các cán bộ, chiến sỹ Công an đã được cứu sống.
Điển hình như ca phẫu thuật cho đồng chí Trương Tấn Hải (Công an thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước). Đồng chí Hải được đồng đội đưa vào BV 30-4 vào ngày 17-3-2009 trong tình trạng đa chấn thương rất nặng do mìn nổ trong quá trình làm nhiệm vụ. Đôi mắt của bệnh nhân Hải bị tổn thương bởi nhiều dị vật cắm sâu bên trong mắt. Ngay khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sỹ liên chuyên khoa BV đã thực hiện hội chẩn gấp với những bác sỹ giỏi nhất của BV Mắt TP HCM. Nếu để quá trễ, nguy cơ nhiễm trùng lan tỏa và khó lòng giữ lại đôi mắt cho đồng đội của mình. Những kiến thức học được từ đồng nghiệp qua những khóa học ngắn hạn tại BV Mắt TP HCM lúc này với họ thật quý giá.
Qua 2 tháng liên tục được chăm sóc, đồng chí Hải đã được các bác sỹ 30-4 mổ 7 lần. Mỗi lần đưa bệnh nhân lên bàn mổ là cả sự căng thẳng và biết bao những giọt mồ hôi. Nụ cười đã trở lại trên gương mặt đồng chí Hải là phần thưởng vô giá với họ, dù thị lực của anh chỉ còn 6/10.
Hay như với trường hợp đồng chí Đinh Trọng Tài (47 tuổi, Cảnh sát phòng chống ma túy Công an quận 9) TP Hồ Chí Minh nhập viện ngày 10-11-2009. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng bị một đợt cấp viêm tụy mạn. Bình thường với tình trạng này bệnh nhân chỉ cần được uống thuốc nhưng linh cảm nghề nghiệp mách bảo khi thấy đồng đội mình có nhiều dấu hiệu sức khỏe bất thường, ê kíp trực cùng hội chẩn với Khoa tiêu hóa, nội soi đại tràng phát hiện bệnh nhân có thêm tình trạng nhồi máu lách dò vào đại tràng gây xuất huyết trầm trọng. Nguy cơ tử vong rất lớn nếu không được mổ. Ca mổ phải thực hiện bóc tách từng bụm phần nội tạng đã hoại tử rất công phu. Bệnh nhân tỉnh lại vào ngày hôm sau trong niềm vui khôn xiết của cả BV, thân nhân…