Bám bản trên những đỉnh núi mù sương

Thứ Ba, 15/01/2013, 01:49
Ăn trong sương, ngủ trong sương, đi trong sương, nhảy múa hát ca trong sương… Đó là những gì chúng tôi thấy khi đến những bản làng ở lưng chừng núi, bên những con suối của huyện vùng cao, vùng xa Văn Bàn (tỉnh Lào Cai). Tiếp xúc với những cán bộ Cảnh sát là Công an phụ trách xã, cùng với họ “ba cùng” với bà con các dân tộc Mông, Dao, Tày… chúng tôi càng thấy tình yêu tha thiết của họ với vùng đất quanh năm sương trắng này.

Gần dân

Đại úy Ba cùng Vàng A Chay, người dân tộc Mông sinh ra ở xã Nậm Chay, huyện Văn Bàn. 18 tuổi, Chay học hết cấp II và được tuyển dụng vào lực lượng CAND. Ngay sau khi trở thành chiến sỹ Cảnh sát, Chay được đào tạo trong trường Công an.

Ra trường, anh được phân công công tác tại Công an huyện Văn Bàn. Tại đây, anh được phân công vào Đội Công an phụ trách xã. Anh vui mừng lắm khi được trở về với các bản làng, nơi anh đã sinh ra, lớn lên. Làm Công an phụ trách xã nên Chay gắn bó với người dân. Anh cùng làm việc, cùng trò chuyện và cả cùng uống với những người bạn Mông, người Dao, người Tày. Anh còn cho chúng tôi biết, cùng là người Mông sống trên một địa bàn nhưng lại có tiếng nói, trang phục khác nhau. Đó là người Mông xanh và Mông trắng. “Xanh” và “trắng” là thể hiện ở trang phục.

Đồng chí Nguyễn Viết Báu trò chuyện với bà con ở xã Nậm Xé.

Người Mông xanh, trên áo gam màu chàm là chủ đạo. Người Mông trắng thì áo có nhiều màu sắc sặc sỡ hơn. Mặc dù có một số đặc điểm khác nhau nhưng người Mông thường ăn Tết chung. Tết đến thường giết lợn, tổ chức quay, ném còn, thổi kèn lá, khèn môi…

Nhắc đến tập quán người Mông, tôi liền nghĩ ngay đến thói quen ăn mèn mén của họ. Khi nghe tôi nói ra điều này, anh Vàng A Chính, Trưởng ban Công an xã Nậm Xé cho biết, đấy là món ăn truyền thống của người Mông. Với bà con sinh sống ở những vùng núi cao, không trồng được lúa thì đây là món ăn quanh năm. Tuy nhiên, với bà con vùng này nhờ ở gần suối và có nhiều ruộng bậc thang nên lúa gạo đủ ăn quanh năm, mèn mén chỉ là món ăn chơi cho khỏi nhớ.

Vàng A Chay nói với chúng tôi rằng, bà con các dân tộc ở vùng núi này sống rất hòa thuận. Người Tày sống xen kẽ với người Mông. Người Mông sống kế bên người Dao. Nhờ đó, bà con các dân tộc có sự giao thoa văn hóa. Con trai, con gái các dân tộc có thể yêu và cưới nhau…

Là chiến sỹ Cảnh sát bám bản, lại ở nơi có sự giao thoa văn hóa của vùng Nậm Xé, Minh Lương… nên ngoài tiếng Mông là tiếng mẹ đẻ, Chay có thể dùng tiếng Dao, tiếng Tày để giao tiếp. Công việc đòi hỏi Chay phải thường xuyên bám đất, bám bản nên bà con ở xã Nậm Xé đều quen biết anh. Anh em Công an viên thì coi anh như người nhà. Chay tâm sự rằng, hầu như cả tuần anh ở dưới xã, chỉ khi có việc ở đơn vị mới về Công an huyện. Vợ con anh ở xã Nậm Chay, thi thoảng anh mới về thăm.

Trong đợt về công tác tại huyện vùng cao Văn Bàn, chúng tôi có may mắn được tham gia buổi đốt lửa trại tại nhà máy thủy điện Nậm Khóa. Tại đây, chúng tôi đã tham gia vui chơi với những người dân tộc Mông, Dao, cán bộ, kỹ sư của nhà máy, các thầy cô giáo vùng cao và cả những chiến sỹ Công an bám bản. Họ cầm tay nhau nhảy quanh đống lửa, cùng hết mình cho điệu múa sạp… Trong ngọn lửa bập bùng, trong giai điệu “sòn đô sòn…”, chúng tôi đã được sống trong không gian đậm chất thiên nhiên và tình người ấm nồng.

Vàng A Chay tâm sự rằng, công việc của người Công an bám bản là phải gần dân. Khi vui cũng có mặt, khi buồn cũng không thể thiếu, còn lúc bình lặng nhất thì mình cũng không được rời vị trí. Yêu bản làng, người dân quê mình nên Vàng A Chay hiểu và hết lòng cho công việc. Anh luôn cố gắng để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ của người chiến sỹ Công an bám bản bằng những công việc bình dị nhất.

Giữ an ninh ở địa bàn phức tạp

Không trẻ trung, sôi động như Vàng A Chay, nhưng Thiếu tá Nguyễn Viết Báu lại có chất trầm lắng của một người Công an bám bản dày dạn kinh nghiệm. Anh là Tổ trưởng của Tổ Công an phụ trách cụm xã Minh Lương, Nậm Xây, Nậm Xé của huyện Văn Bàn. Xã Minh Lương với hàng trăm ngọn núi chẳng nơi nào thiếu dấu chân anh.

Thôn Dom Khén - nơi có 39 hộ dân tộc Dao sinh sống là khu vực xa nhất của xã Minh Lương, địa bàn giáp ranh tỉnh Lai Châu. Từ thôn đến trụ sở xã, bà con phải vượt qua 8km đường men theo các sườn núi. 4 dân tộc anh em: Kinh, Dao, Tày, Mông cùng sinh sống ở những bản làng vùng cao này. Sự giao thoa văn hóa các dân tộc giúp cho đời sống tinh thần của nhân dân thêm phong phú.

Để hòa mình vào cuộc sống người dân trên địa bàn, hoàn thành tốt nhiệm vụ, Thiếu tá Nguyễn Viết Báu phải thường xuyên học hỏi các ngôn ngữ khác nhau, tìm hiểu phong tục tập quán… Ngoài tiếng Kinh, anh còn có thể nói được 3 thứ tiếng khác nhau là tiếng Tày, tiếng Thái và tiếng Mông. Đó chính là thế mạnh để Thiếu tá Báu trở thành người con thân yêu của bà con dân bản.

Xã Minh Lương là nơi gánh chịu tàn dư của nạn khai thác vàng một thời. Bởi vậy, việc bám địa bàn, giữ gìn ổn định an ninh trật tự tại đây cũng mang tính đặc thù hơn nơi khác. Từ năm 2002, khi biết trên địa bàn xã có mỏ vàng “nẹp” (còn gọi là vàng gốc), nhiều người từ các tỉnh xa tìm đến khai thác như Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thái Nguyên… Họ chủ yếu khai thác quặng “mồ côi” (loại quặng lộ thiên). Những người khai thác vàng thuộc thành phần phức tạp, cộng với việc ăn ở, sinh hoạt ở tại địa phương đã gây ra một môi trường mất ổn định về an ninh trật tự.

Tại đây bắt đầu xuất hiện người nghiện ma túy, số người nghiện tăng dần lên, ảnh hưởng tới cả những thanh niên địa phương. Cùng với đó là nạn buôn bán ma túy. Công an tỉnh, Công an huyện và địa phương đã nỗ lực cố gắng để giữ gìn an ninh trật tự. Sau đó, bãi vàng đã được Nhà nước quản lý, giao cho Công ty Vàng bạc đá quý Lào Cai quản lý và khai thác.

Mỏ vàng có diện tích rộng, khoảng 127ha, kéo dài suốt từ thôn Minh Thượng I đến Minh Hạ I. Bởi vậy, việc quản lý cả một khu vực rộng lớn như thế là rất khó khăn. Không ít đối tượng vẫn lén lút tìm đến khai thác trộm. Bởi vậy, cán bộ Công an cắm bản phải chịu áp lực công việc khá lớn. Thậm chí, hậu quả từ bãi vàng còn để lại cho cả thế hệ sau. Ví như trường hợp của Lục Văn Thơn, 21 tuổi.

Thiếu tá Nguyễn Viết Báu kể, bố Thơn đã bị mất vì bị sập lò vàng trong khu vực bãi đá xã Nậm Xây. Thơn sống hoang dã như cây cỏ, không có sự giáo dục, rèn giũa của bố. Nhà nghèo, cậu ta lại không chịu lao động mà sa đà vào rượu chè. Khi say rượu, Thơn sinh ra gây gổ, đánh nhau. Ngày 16/12/2012, Thơn uống rượu rồi dùng hung khí là kiếm tự tạo, đánh người cùng thôn.

Dù tâm huyết và nhiệt tình đến mấy thì người chiến sỹ Công an bám bản cũng gặp phải khó khăn ở địa bàn phức tạp lại là vùng núi cao. Minh Lương có tới 160 đối tượng nghiện (gồm cả người địa phương và tạm trú). Các đối tượng nghiện ma túy khi bị lùng bắt đều chạy vào trong rừng sâu, vào bãi vàng. Để đưa họ đi cai nghiện là cả một sự vất vả. Thế nhưng, năm vừa qua, Thiếu tá Báu cùng Công an xã đã phối hợp với Công an huyện và các tỉnh bạn triệt phá 11 vụ buôn bán ma túy, xã trực tiếp bắt 2 vụ buôn bán ma túy nhỏ lẻ, đưa 29 đối tượng đi cai nghiện.

Người dân ở 4 thôn Minh Chiềng của xã Minh Lương ở theo nhóm dân. Nhóm đông nhất có 20 hộ dân. Mỗi ngôi nhà trên những sườn đồi, ngọn núi đều in dấu ấn của người Công an cắm bản. Mùa đông ở đây đêm xuống nhanh hơn ở vùng đồng bằng. 20h tối, các ngôi nhà đã đóng cửa im ỉm. Đó cũng là lúc những đối tượng xấu đi rình trộm trâu, đi làm những việc bất minh. Thiếu tá Báu lại cùng tổ Công an xã đi bộ tuần tra. Có khi các anh phải đi cả đêm mới hết khu vực phải tuần tra.

Trong mây mù, giữa làn sương trắng giá rét đêm đông, những bước chân không biết mỏi của người chiến sỹ Công an vẫn âm thầm, lặng lẽ giữ cho mỗi bản làng bình yên

Cao Hồng - Việt Hà
.
.