Người chiến sỹ an ninh hai lần ghép thuyền vượt ngục:

Kế hoạch hoàn hảo tiêu diệt tên mật thám Pắc kê

Thứ Hai, 24/08/2015, 08:23
Căn nhà của ông - người chiến sĩ an ninh lặng thầm đi qua hai cuộc chiến – nằm nép mình trong ngõ nhỏ thuộc phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai (Hà Nội). Tròn chín mươi tuổi, sức khỏe đã suy yếu, nhưng trí tuệ của người chiến sỹ 2 lần cùng đồng đội ghép thuyền, thoát ngục vượt trùng dương mênh mông vẫn minh mẫn…
Ông say sưa kể với chúng tôi về những lần vào sinh, ra tử ở những nơi từng được gọi là địa ngục trần gian là Hoả Lò và Côn Đảo; những tháng ngày cùng đồng đội sôi nổi hoạt động trong nhà tù Côn Đảo… Năm 1954, khi Hiệp định Geneva về hoà bình Đông Dương ký kết, ông được trả tự do trở về hàng ngũ, vẫn tiếp tục hoạt động. Người chiến sỹ an ninh đó là ông Nguyễn Văn Hoạch.

Vào những ngày cả nước Kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, chúng tôi tìm gặp người chiến sỹ an ninh kiên trung, ông Nguyễn Văn Hoạch. Sau bao năm dâng trọn trái tim cho Đảng, ông về sống cùng người con trai út, trong căn nhà nhỏ ở phường Giáp Bát, tận tưởng cuộc sống yên bình. Đôi tai giờ đã nặng nên câu chuyện của tôi với ông, phải nhờ đến sự giúp đỡ của bà, người phụ nữ đã cùng ông chia sẻ suốt bao năm tháng cuộc đời.

“Tôi tham gia Đội Thanh Việt, tức là Thanh trừ Việt gian, từ tháng 3/1947” ông Nguyễn Văn Hoạch mở đầu câu chuyện với chúng tôi. Thời gian đó, Đội Thanh Việt thuộc Công an quận 6, Liên khu II do đồng chí Hồng Hà và Lê Hữu Qua phụ trách. Từ giữa năm 1947, ông Hoạch cùng một số đồng đội vào hoạt động trong nội thành với nhiệm vụ lấy tin tức, nắm tình hình. Pắc kê, một tên Việt gian bán nước rất lợi hại, nắm được nhiều cơ sở bí mật của ta… yêu cầu đặt ra lúc đó là phải trừ khử bằng được tên này, nếu không sẽ gây rất nhiều thiệt hại cho lực lượng của ta. Khoảng cuối năm 1947, Đội Thanh Việt được giao nhiệm vụ thi hành bản án tử hình tên mật thám Pắc kê. Ông Nguyễn Văn Hoạch và ông Hoàng Xuân Tuế được lãnh đạo Đội Thanh Việt giao nhiệm vụ trực tiếp thi hành bản án này.

Ông Hoạch kể lại câu chuyện về hai lần ghép thuyền vượt ngục.

Ông Nguyễn Văn Hoạch nhớ lại: Tên mật thám Pắc kê sống cùng một nhóm 8 tên tại một căn nhà nhỏ, khoảng hai chục mét vuông trên phố Triệu Việt Vương, cách nhà của đối tượng này không xa là một đồn lính Pháp. Việc tiêu diệt Pắc kê vì thế không dễ dàng. Để thực hiện thành công, ông Nguyễn Văn Hoạch và Hoàng Xuân Tuế phải xây dựng kế hoạch đến lần thứ 3.

Ông Hoạch nhớ lại: “Lần đầu, chúng tôi tính toán đột nhập vào nhà đối tượng qua hàng rào vào bên trong... Theo kế hoạch này, chúng tôi sẽ đi qua lối cánh đồng, đột nhập vào nhà đối tượng”. Song khi tiếp cận thực địa, ông Hoạch và ông Tuế phát hiện hàng rào có chăng dây thép gai, trên có treo rất nhiều ống bơ.

Kế hoạch này, dù đã chuẩn bị kỹ lưỡng cũng đành phải dừng lại, do lo sợ khi leo qua rào vô tình chạm vào ống bơ gây tiếng động,  ảnh hưởng đến sự an toàn. Lần thứ hai, ông Hoạch và ông Hoàng Xuân Tuế lựa chọn thời điểm hoạt động vào ban đêm. Thực hiện kế hoạch này, các ông đã chuẩn bị sẵn hai quả lựu đạn, với ý định sẽ ném lựu đạn qua lỗ thông hơi vào phòng tên mật thám Pắc kê và đồng bọn đang ở.

Hai ông tính toán rằng với diện tích căn phòng khoảng 20 mét vuông, sức công phá của 2 trái lựu đạn sẽ đủ áp lực để  Pắc kê bị chết. Kế hoạch chuẩn bị chu đáo là thế song khi tiếp cận nơi Pắc kê đang ở, các ông mới nghĩ đến một chi tiết rất quan trọng, có thể ảnh hưởng đến việc tiêu diệt tên Việt gian này. Thời điểm đó đang là mùa đông, Pắc kê và đồng bọn thường đắp chăn dày để chống rét. Vì thế, sức công phá của lựu đạn có thể không đủ để gây sát thương, Pắc kê sẽ không bị tiêu diệt như tính toán của các anh. Lần thứ hai, kế hoạch xử tử tên mật thám Pắc kê bất thành.

“Quá tam ba bận”, sau hai lần xây dựng kế hoạch không thành, ông Hoạch và ông Tuế đều cảm thấy nôn nóng, quyết tâm hành động, tiêu diệt tên Việt gian Pắc kê trong thời gian sớm nhất. Bàn đi, tính lại lần này ông Hoạch và ông Tuế quyết định hành động vào ban ngày. Ông Hoạch nhớ lại: Đó là một ngày mùa Đông năm 1947, cái lạnh cắt da, cắt thịt. Sẩm tối hôm đó, hai ông quyết định hành động nên đã chuẩn bị sẵn một con dao, một khẩu súng đã lên đạn cùng một quả lựu đạn.

Thời đó quả lựu đạn này rất hiếm. Trước khi đi, ông Hoạch rút chốt quả lựu đạn, bọc vào một chiếc khăn tay, còn khẩu súng đã lên đạn, giấu trong cạp quần. Theo kế hoạch đã bàn bạc từ trước, ông Hoàng Xuân Tuế biết mặt Pắc kê (trước đây, cả hai vốn là bạn bè quen biết) sẽ gõ cửa. Khi nào ông Tuế giới thiệu đây là Pắc kê thì ông Hoạch sẽ hành động.

Đúng theo kế hoạch của ông Tuế và ông Hoạch, sau tiếng gõ cửa, Pắc kê bước ra… Nhận đúng ám hiệu đã thống nhất trước đó, ông Hoạch liền rút súng bắn Pắc kê. Hai tiếng súng nổ, Pắc kê loạng choạng ngã xuống đất, cùng lúc đó ông Tuế bồi thêm một phát súng nữa... khiến tên mật thám Việt gian bán nước tử vong. Kế hoạch lần này đã thành công.

Ngay sau khi hạ sát Pắc kê, ông Hoạch và ông Tuế vội rút khỏi hiện trường, theo đường Phố Huế. Khi ấy, trên tay ông Hoạch vẫn giữ khư khư trái lựu đạn đã rút chốt sẵn. Khi đến khu vực cánh đồng, ông mới cắm chốt lại an toàn rồi về căn cứ. Ông Hoạch nói với chúng tôi: “Biết là lựu đạn đã rút kíp rất nguy hiểm… nhưng nhìn trái lựu đạn, tôi tiếc quá. Khi đó, cách mạng còn cần nhiều vũ khí để giết thù”.

Kể lại con đường đến với cách mạng, ông Hoạch bùi ngùi: “Tôi sinh ra trong một gia đình Công giáo thuộc loại cùng đinh nhất tại Làng Tám (Liên khu II ngày xưa, nay là phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai, Hà Nội). Tuổi thơ khốn khó, tôi đau xót khi lần lượt chứng kiến sự ra đi của những người thân yêu nhất trong gia đình. Bố và anh trai chết đói còn mẹ và em cũng lần lượt qua đời vì bệnh tật"… Cho đến bây giờ, ông Hoạch vẫn luôn cảm thấy không an lòng, vì không tìm được nơi chôn cất của những bậc sinh thành.

Sống trong hoàn cảnh đó, ông Hoạch thấu hiểu hơn hết thân phận người dân mất nước bị đế quốc thực dân bóc lột, chà đạp. Cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám nổ ra như một cơn lốc thời đại cuốn theo biết bao khát vọng cống hiến trí lực của bao người dân Việt yêu nước. Cũng như bao thanh niên trai tráng lúc bấy giờ, ông nô nức gia nhập vào đội quân cách mạng, đấu tranh giành chính quyền về tay nhân dân.

Năm 1948, ông bị thực dân Pháp bắt giam, xử tù chung thân do kế hoạch ám sát tên Tôn Thất Quân, trợ lý của Nguyễn Trường Tam (thủ lĩnh tổ chức phản động Quốc Dân Đảng) không thành.

Xuân Mai - Đoàn Phương
.
.