Gặp các cựu Công an chi viện chiến trường miền Nam:

Bài 1: “Khi Tổ quốc cần, họ biết sống xa nhau”

Chủ Nhật, 21/04/2013, 10:08
Từ năm 1960 cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Bộ Công an đã chi viện cho miền Nam hơn 10.000 cán bộ Công an, sát cánh cùng lực lượng An ninh tại chỗ. Trong cuộc chiến đấu đầy gian khổ ấy, các chiến sỹ Công an chi viện đã nêu cao tinh thần dũng cảm, nhiệt tình cách mạng, góp phần không nhỏ vào chiến thắng lịch sử 30-4. Nhiều cán bộ, chiến sỹ Công an đã hy sinh xương máu để xây dựng nền hòa bình cho nhân dân.

Có những trận đánh mãi mãi trở thành ký ức hào hùng, có những con người trở thành nhân chứng lịch sử. Nhân kỷ niệm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, chúng tôi đã tìm gặp một số nhân chứng lịch sử ấy – những con người đã lăn lộn trên chiến trường miền Nam theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc.

Hừng hực khí thế lên đường

Ngôi nhà của Đại tá Đỗ Văn Kỳ (tên hoạt động là Đỗ Hồng Kỳ) có cây thiết mộc lan quanh năm tỏa hương thơm ngát. Những cánh hoa li ti màu trắng vàng khiêm nhường ẩn mình dưới lớp lá xanh. Ở tuổi 80, ông và người bạn đời luôn chăm sóc và nâng niu hạnh phúc quý giá của mình. Họ bù đắp cho nhau những tháng ngày xa cách vì chiến tranh. Được gặp ông bà, được nghe câu chuyện về quãng thời gian xa gia đình đi chiến đấu, tôi càng thấy hiểu hơn câu thơ nổi tiếng của nhà thơ Nguyễn Mỹ: “Khi Tổ quốc cần, họ biết sống xa nhau”.

Đại tá Đỗ Văn Kỳ.

Năm 16 tuổi, Đỗ Văn Kỳ nhập ngũ, chiến đấu ở Liên khu 3, Trung đoàn chủ lực 46. Trở về Thủ đô tiếp quản năm 1954, một thời gian sau ông gặp cô giáo Hằng dạy học cấp 1 ở Hà Đông và đem lòng cảm mến. Năm 1962, họ lập gia đình. Người vợ tiếp tục công việc dạy học, còn người chồng là Công an vũ trang. Sau Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968, ông lên đường vào Nam chiến đấu, để lại người vợ trẻ và ba đứa con, Đỗ Tuyết Mai 5 tuổi, con gái thứ hai 3 tuổi và cậu con trai Đỗ Đăng Khoa mới được hơn 1 tháng tuổi. Bà Hằng tâm sự: “Khí thế đang lên, ông nhà tôi ở nhà nóng ruột lắm. Anh em đi cùng đợt còn giục nhau đi nhanh kẻo hết giặc, không còn giặc để đánh”.

Sau 3 tháng hành quân, tới tháng 5/1968, ông vào đến Khu 10 (3 tỉnh Bình Long, Phước Long, Quảng Đức). Ông làm Trưởng phòng An ninh vũ trang Khu 10, sau này là Ủy viên Ban An ninh tỉnh Bình Phước. Chiến trường Khu 10 miền Đông Nam Bộ nơi ông ở có đồng bào dân tộc STiêng, Mạ, MNông. Nhiệm vụ của ông cùng đồng đội là làm công tác phong trào, bám dân, diệt ác, phá kìm, phối hợp với bộ đội đánh địch. Khi lực lượng bộ đội tổ chức một trận đánh, lực lượng Công an tại chỗ là người dẫn đường. Khi kết thúc một trận đánh, rút quân thì Công an phải có nhiệm vụ bám trụ lại, vận động nhân dân tiếp tục ủng hộ cách mạng, bổ sung lực lượng cho ta.

Sống trong lòng dân

Tại chiến trường, ông Đỗ Văn Kỳ cùng đồng đội chủ yếu sống trong lòng dân để làm cách mạng. Lực lượng Công an của ta đóng quân ở căn cứ. Khi hoạt động thì chia ra các tổ, đội công tác, mỗi tổ hơn 10 người, hành quân xuống các ấp chiến lược. Ban đêm, các tổ công tác luồn vào dân, xây dựng cơ sở cách mạng và tuyên truyền, vận động nhân dân đóng góp nhu yếu phẩm cho lực lượng mình.

Bên cạnh đó, các tổ đội hoạt động này còn tổ chức trấn áp địch, tuyên truyền, cảnh cáo những đối tượng đi ngược lại với cách mạng. Nói về kinh nghiệm làm công tác tuyên truyền trong đồng bào, Đại tá Đỗ Văn Kỳ cho rằng, điều quan trọng nhất là phải tạo được lòng tin. Khi có được lòng tin thì đồng bào sẽ cung cấp thông tin, cho con theo cách mạng. Và điều quan trọng hơn cả, cán bộ Công an chính là người dạy chữ cho con em đồng bào dân tộc để xây dựng lực lượng cán bộ tại chỗ.

Ông Đỗ Văn Kỳ (đội mũ) cùng cán bộ Công an chi viện miền Nam ở huyện Bù Đốp sau ngày đất nước thống nhất (ảnh chụp năm 1976).

Đầu năm 1971, ông và một đồng đội là Ba Thọ người miền Nam được giao nhiệm vụ đặc biệt, dẫn đầu một đoàn hơn 30 người (gồm một tiểu đội Công an vũ trang, thanh niên, phụ nữ và 3 trẻ em không có gia đình được cách mạng nuôi dưỡng) từ biên giới phía Bắc, qua sông Đồng Nai để lập một căn cứ, sản xuất nuôi quân. Đại tá Đỗ Văn Kỳ cho rằng, đây là một cuộc hành quân vô cùng đặc biệt và gian nan. Rừng núi hiểm trở, không người dẫn đường, đứa trẻ mới 6 tuổi không băng rừng lội suối được mà người lớn phải thay nhau cõng trên lưng.

Trước khi hành quân, mỗi người được phát một lon gạo và một lon muối. Đoàn tìm những lối mòn của người dân bản địa, rồi theo hướng mặt trời, dòng chảy của những con suối để xuôi xuống phía Nam. Khi vượt sông, đứa trẻ được bọc trong bọc nilon rồi kéo dây. 26 ngày cắt rừng, tự kiếm cái ăn, tối đâu ngủ đấy, lại vừa tránh địch, cả đoàn đã tìm được nhánh sông Đồng Nai, vào buôn sóc của đồng bào và lập cứ, cùng đồng bào phát nương rẫy, sản xuất. Hơn một năm sau, khi quân miền Bắc chi viện vào nhiều, Đại tá Đỗ Văn Kỳ cùng đoàn được gọi về tiếp tục chiến đấu. Ông bảo, những cuộc hành quân như thế còn gian nan hơn cả những trận đánh.

Cuối năm 1972, Trung ương cục Miền Nam quyết định đề bạt ông là Ủy viên Ban An ninh Bình Phước. Đầu năm 1975, ông Đỗ Văn Kỳ và đồng đội tham gia cùng bộ đội đánh giải phóng tỉnh Phước Long, giải phóng tỉnh Phước Long đầu tiên. Đất nước thống nhất, nhưng nhiệm vụ của người chiến sỹ Công an cách mạng khi đó còn bộn bề khó khăn. Hoàn cảnh đó đã níu giữ những người con đất Bắc ở lại miền Nam giải quyết hậu chiến tranh. Khi bộ đội đánh xong, lực lượng Công an tiếp thu địa bàn, sàng lọc đối tượng phản cách mạng trốn trong dân để xử lý.

Sau giải phóng miền Nam, ông làm Chỉ huy trưởng Công an vũ trang tỉnh Sông Bé (nay là bộ đội biên phòng), tổ chức hoạt động 7 đồn biên phòng, từ huyện Bù Gia Mập cho đến Tà Vát (Tây Ninh) với hơn 240km đường biên giới.

Kể về lần trở về đầu tiên gặp lại gia đình ở Hà Nội đầu năm 1976, Đại tá Đỗ Văn Kỳ rưng rưng xúc động. Xe ôtô dừng ở ga Hàng Cỏ, ông lên xích lô về phố Thái Phiên. Lúc đó là chập choạng tối, cả gia đình đang quây quần ở nhà. Những đứa con nhìn thấy bố nghiêm nghiêm, là lạ. Người vợ gầy guộc vì trải qua tháng năm vất vả chăm sóc con cái và bố mẹ chồng thì cảm động rớt nước mắt. Về thăm gia đình tròn một tháng, ông lại trở vào Nam tiếp tục làm công việc đang dở dang.

Khi chiến tranh đã hoàn toàn kết thúc, nhân dân đã thực sự sống trong hòa bình và thống nhất, năm 1980 ông mới trở ra Hà Nội sum họp cùng gia đình. Sau những tháng điều trị sốt rét ở Hà Nội, ông về làm Hiệu trưởng Trường Trung học An ninh cửa khẩu, Cục phó Cục Ngoại tuyến, Tổng cục An ninh nhân dân 1 rồi nghỉ hưu năm 1993.

Năm nay, Đại tá Đỗ Văn Kỳ đã bước sang tuổi 80 với 61 năm tuổi Đảng. Các con ông cũng đã thành đạt, một người con cũng theo bước chân của cha, là Thượng tá An ninh; cậu con út ra đời sau hòa bình mang tên Đỗ Chiến Thắng đang sinh sống ở Đức. Hằng ngày, trong ngôi nhà ấm áp trên phố Hoàng Cầu, ông và người bạn đời vẫn ôn lại quãng thời gian lịch sử đầy gian khổ của đất nước

Việt Hà
.
.