Cảnh sát truy nã kể chuyện vận động đầu thú

Thứ Ba, 05/05/2015, 08:03
Trong căn nhà nhỏ yên bình nằm nép mình dưới chân những quả đồi, quanh năm cây cối tốt tươi, Nông Hoài Nam (trú tại huyện Bảo Thắng, Lào Cai) đang sống những ngày ung dung, tự tại. Những chuỗi ngày phải trốn chui, trốn lủi, sống trong nơm nớp lo sợ với Nam giờ đã lùi xa.

Bài 1: Ba mươi ngày ngồi bờ biển… đưa con trai về đầu thú 

1. Khi thực hiện hành vi phạm tội, Nông Hoài Nam chỉ là thanh niên mới lớn. Do tò mò rồi lại đua đòi chúng bạn, Nam đã làm một việc mà đến bây giờ nghĩ lại, anh ta vẫn cảm thấy vô cùng xấu hổ… Khi sự việc bị bại lộ, cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an tỉnh Lào Cai vào cuộc điều tra, Nam sợ hãi bỏ trốn sang Trung Quốc ẩn náu.

Cũng từ ngày đó, cậu thanh niên ấy không biết đến một giấc ngủ yên bình… Có lẽ chỉ những người đã từng rơi vào cảnh ngộ của Nam mới hiểu rõ và cảm nhận sâu sắc cảm giác Nam đã từng trải nghiệm. Sau những giờ lao động quần quật nơi đất khách quê người, Nam lại lặng lẽ ra bờ sông ngóng về quê hương, nước mắt tuôn trào vì nỗi nhớ gia đình, người thân và sự tuyệt vọng đến cùng cực, cô đơn nơi đất khách…

Thời gian Nam bỏ đi biệt xứ, căn nhà của anh ta cũng trở nên trống trải. Mẹ Nam khóc ngất vì nỗi nhớ thương con, còn người cha hiền lành thì chỉ biết  lặng im như một cái bóng. Có lẽ còn vì thiếu hiểu biết về pháp luật khiến bố mẹ Nam chưa có một định hướng đúng cho Nam, ngay từ ban đầu. Ngày Thượng tá Đỗ Mạnh Tiến, Phó trưởng Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm (PC52) Công an tỉnh Lào Cai tìm đến, họ e dè, sau đó là bất hợp tác…

Năm năm, một chặng đường đủ dài đối với việc vận động một đối tượng trốn truy nã ra đầu thú, Thượng tá Tiến chưa một lần cảm thấy nản lòng. Tranh thủ những lúc rảnh rỗi, anh tìm gặp bố, mẹ đẻ của Nam… Ngần ấy thời gian xa con, gia đình Nam cũng phần nào thấu hiểu nỗi đau xa con. Mưa dầm thấm lâu, những lời lẽ thấu tình đạt lý của Thượng tá Tiến, khiến bố, mẹ Nam cùng những người thân trong gia đình dần hiểu ra.

Sau 5 năm kiên trì đi lại, Thượng tá Tiến đã thuyết phục được bố, mẹ Nam đồng ý hợp tác với cơ quan điều tra, vận động con trai đến cơ quan Công an đầu thú. Hoàn cảnh kinh tế chẳng khá giả gì để có tiền đi tìm con, bố mẹ Nam phải bán đi con trâu là đầu cơ nghiệp lấy 3 triệu đồng khăn gói vào miền Nam tìm con. Ba mươi ngày ở Bình Thuận, ngày nào người cha ấy cũng ra bờ biển mòn mỏi chờ con…

Bùi Phú Toản đến cơ quan Công an đầu thú.

Với Nam, sau lần bị Công an tỉnh Lào Cai bắt hụt khi đang lẩn trốn ở Trung Quốc, đối tượng cũng sợ hãi bỏ trốn vào miền Nam. Để tránh bị phát hiện, Nam theo các thuyền đánh cá lênh đênh trên biển. Suốt 5 năm xa quê, anh ta không một lần đặt chân về quê, nơi có những người thân. Vào những ngày Tết đến xuân về, nỗi nhớ thương cha, thương mẹ, quê hương bản quán ngày càng da diết hơn. Sau bao năm lẩn trốn, cha con Nam gặp lại nhau.

Nhìn người cha già cạn khô nước mắt vì thương nhớ con, lại được nghe những lời khuyên giải của cha, Nam đồng ý về đầu thú sau 5 năm trốn chạy. Án phạt của Nam 10 năm tù nhưng nhờ sự khoan hồng của pháp luật, nhờ sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của bản thân, Nam được ra trại sau 5 năm thụ án. Trải qua bao thăng trầm, biến cố Nam càng biết trân trọng hơn giá trị của hai chữ tự do và gia đình. Sau khi ra trại, Nam quyết tâm làm lại từ đầu…

Cảm thông với hoàn cảnh của Nam, một người phụ nữ đã đem lòng yêu thương rồi cả hai nên vợ, nên chồng. Trong căn nhà nhỏ còn đơn sơ nhưng đầy ắp tiếng cười, Nam cùng vợ con và bố, mẹ đang sống những ngày thanh bình, yên ả. “Nếu ngày đó, không nghe theo cán bộ Tiến ra đầu thú thì chẳng biết giờ này tôi đang lưu lạc ở nơi đâu”, Nam đã tâm sự như vậy mỗi khi gặp cán bộ Tiến.

2. Trong quá trình viết bài báo này, chúng tôi đã gặp không ít những người thân trong gia đình các đối tượng trốn lệnh truy nã… Chính họ là những tuyên truyền viên tích cực, phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra trong quá trình vận động đối tượng truy nã ra đầu thú. Một trong số các phụ huynh đã chia sẻ với chúng tôi: “Nếu không được nghe các cán bộ Công an giải thích, chúng tôi vẫn u u, mê mê… chẳng biết lúc nào có cơ hội được gặp lại đứa con đã dứt ruột sinh ra”.

Bùi Phú Toản là con trưởng trong một gia đình thuần nông tại huyện Gia Viễn, Ninh Bình. Toản bị cơ quan CSĐT Công an tỉnh Lào Cai ra lệnh truy nã về tội cố ý gây thương  tích. Trong thời gian ở Bảo Yên (Lào Cai), giữa Toản và một nhóm thanh niên mới lớn gây ra một vụ cố ý gây thương tích, làm tổn hại 45 % sức khỏe của người bị hại. Sau khi gây án, gia đình Toản đã đền bù một phần tiền cho người bị hại… Với suy nghĩ vậy, bố mẹ Toản cùng anh ta đều cho rằng họ đã giải quyết xong vụ việc này nên bất hợp tác với cơ quan điều tra…

Chỉ đến khi được cán bộ Công an giải thích, cha đẻ của Toản mới hiểu rằng, không phải cứ chém người là mang tiền đến đền bù để giải quyết hậu quả. Người cha ấy từ sự bất hợp tác đã hiểu ra và tự ông đã thuyết phục và đưa con trai ra đầu thú vào những ngày sau Tết Nguyên đán Ất Mùi… để hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật.        

Xuân Mai
.
.