Thượng tướng Tô Lâm, ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an:

Báo chí là kênh thông tin quan trọng, hữu ích

Thứ Tư, 20/06/2018, 08:01
Cho dù công việc thường ngày rất bận rộn nhưng Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an chia sẻ: “Với tôi, báo chí luôn là kênh thông tin quan trọng, hữu ích, tôi vẫn thường dành thời gian cần thiết đọc, xem, nghe, nắm bắt các thông tin từ báo chí”…

Theo Bộ trưởng, để phục vụ công tác điều hành, chỉ đạo được kịp thời, người lãnh đạo cần tích hợp nhiều kênh thông tin khác nhau, từ các đơn vị tham mưu, nghiệp vụ, các chuyên gia, nhà khoa học, đơn vị tư vấn, thông tin phản ánh của người dân đến thông tin từ báo chí, truyền thông. Điều quan trọng là cần có những thông tin chính xác, kịp thời, đáp ứng từng yêu cầu, lĩnh vực cụ thể.

Cầu nối giúp nhân dân thêm hiểu, tin Công an

Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, Bộ trưởng thường quan tâm thông tin trên báo chí như thế nào?

Bộ trưởng Tô Lâm: Báo chí trong điều kiện nền kinh tế mở, hội nhập rất năng động, thích ứng, bắt nhịp với xu thế vận động mới. Một mặt, bám sát tôn chỉ, mục đích, định hướng tuyên truyền, mặt khác đổi mới hình thức, nội dung, nhất là xu thế phát triển báo điện tử, báo hình đòi hỏi sự kịp thời, nhạy bén trong thông tin…

Còn nói về các tờ báo thường quan tâm? Sáng sớm, nếu không bận việc phải đi ngay, tôi điểm qua một số báo, tạp chí của Đảng, của lực lượng CAND, các báo bộ, ngành, đoàn, hội… Di chuyển trên ôtô, tôi cũng nghe các bản tin thời sự, các chương trình của VOV. Buổi tối, tôi thường xem các bản tin thời sự và một số chương trình truyền hình… Khi có thời gian, tôi sẽ đọc, nghiên cứu kỹ hơn những vấn đề mình quan tâm.

Nhiều trường hợp, qua nắm bắt thông tin báo chí hoặc phản ánh của người dân, tôi chỉ đạo cơ quan chức năng trong CAND nhanh chóng xác minh, làm rõ, báo cáo lãnh đạo Bộ để có biện pháp xử lý phù hợp, kịp thời.  

Bộ trưởng Tô Lâm với lãnh đạo các cơ quan báo chí tại cuộc gặp mặt nhân kỷ niệm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam (tháng 6-2016).

Phóng viên: Bộ trưởng có thể nói rõ hơn về báo chí trong CAND hiện nay?

Bộ trưởng Tô Lâm: Cùng với báo chí cách mạng Việt Nam, báo chí trong lực lượng CAND đã phát triển ngày càng lớn mạnh về mọi mặt, đồng hành cùng sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự và xây dựng lực lượng CAND trong sạch, vững mạnh, thật sự là phương tiện quan trọng, hữu ích giúp Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an tuyên truyền các mặt công tác; là diễn đàn trao đổi, học tập, nâng cao trình độ về lý luận chính trị, nghiệp vụ, pháp luật của cán bộ, chiến sĩ; là cầu nối giữa lực lượng Công an với các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân trong cuộc đấu tranh bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội…

Phóng viên: Nhìn lại truyền thống, Báo CAND là một trong những tờ báo vinh dự được Bác Hồ giáo dục, huấn thị, đó chính là di sản quý giá để báo chí lực lượng CAND luôn nỗ lực hoàn thành tốt các yêu cầu, nhiệm vụ thông tin tuyên truyền trong từng giai đoạn cách mạng. Bộ trưởng có chia sẻ gì về điều này? 

Bộ trưởng Tô Lâm: Ngày 11-3-1948, trong thư gửi đồng chí Hoàng Mai, Giám đốc Công an Khu 12 kiêm chủ bút tờ Bạn Dân, Bác Hồ đã căn dặn cán bộ, chiến sĩ Công an về công tác làm báo, về quan điểm quần chúng trong công tác Công an và về tư cách của người Công an cách mệnh.

Trong lá thư này, sau khi nêu Sáu điều về tư cách người Công an cách mệnh, Người đã có những lời căn dặn sâu sắc đối với đội ngũ những người làm báo Công an: “Nói tóm lại, là những đạo đức và tư cách mà người Công an cách mệnh phải có, phải giữ cho đúng. Những điều đó chẳng những luôn luôn nêu trên báo mà lại nên viết thành ca dao cho mọi người học thuộc, nên viết thành khẩu hiệu tại những nơi anh em Công an thường đến (bàn giấy, nhà ăn, phòng ngủ)…”.

“Bên cạnh Đề án “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” thì báo chí trong lực lượng CAND cũng đồng thời thực hiện Đề án quy hoạch, sắp xếp lại hệ thống cơ quan báo chí... Nhưng thực hiện theo cách nào thì cũng nhằm đảm bảo tính đồng bộ, tính thống nhất, phát huy hiệu lực, hiệu quả tuyên truyền, không làm giảm đi vai trò, vị thế cơ quan báo chí, truyền thông CAND”.

Bộ trưởng Tô Lâm

Trải qua các thời kỳ cách mạng, toàn lực lượng CAND đã thường xuyên đẩy mạnh phong trào “Học tập và làm theo Sáu điều Bác Hồ dạy CAND”. Báo CAND nói riêng, báo chí trong CAND nói chung bằng nhiều hình thức, thể loại khác nhau đã tuyên truyền sâu đậm, đa dạng và có hiệu quả, góp phần lan tỏa phong trào cả về bề rộng và chiều sâu, góp phần động viên, cổ vũ cán bộ, chiến sĩ CAND hoàn thành tốt nhiệm vụ, là cầu nối giúp nhân dân thêm hiểu, tin và yêu Công an, tô đậm mối quan hệ gắn bó giữa nhân dân và lực lượng Công an.

Phóng viên: Còn đối với bộ phận tổng hợp, báo cáo thông tin của Văn phòng Bộ và Cổng thông tin điện tử, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Tô Lâm: Văn phòng Bộ có bộ phận chuyên trách tổng hợp, báo cáo thông tin công tác đảm bảo an ninh, trật tự trong toàn quốc cũng như thông tin từ các kênh báo chí. Hiện, việc tổng hợp, cập nhật các kênh thông tin này được triển khai rất kịp thời, đầy đủ, bằng nhiều hình thức. Hiện, Bộ Công an đang chỉ đạo đổi mới nội dung, hình thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Cổng thông tin điện tử Bộ Công an, để cổng thông tin thực sự là kênh thông tin chính thống, thiết thực, gần gũi với tổ chức, doanh nghiệp và người dân. 

Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, các cơ quan báo chí trong CAND đang nghiên cứu, sắp xếp lại bộ máy tổ chức, hoạt động. Việc sắp xếp này có ảnh hưởng gì tới vai trò, vị trí các cơ quan báo chí?

Bộ trưởng Tô Lâm: Bên cạnh Đề án “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” thì báo chí trong lực lượng CAND cũng đồng thời thực hiện Đề án quy hoạch, sắp xếp lại hệ thống cơ quan báo chí. Như vậy là cùng lúc thực hiện hai đề án. Nhưng thực hiện theo cách nào thì cũng nhằm đảm bảo tính đồng bộ, tính thống nhất, phát huy hiệu lực, hiệu quả tuyên truyền, không làm giảm đi vai trò, vị thế cơ quan báo chí, truyền thông CAND.

Người lãnh đạo cần những thông tin chính xác, kịp thời

Phóng viên: Bộ trưởng có sử dụng facebook?

Bộ trưởng Tô Lâm: Facebook thì tôi không sử dụng và cũng rất ít xem. Tôi không sử dụng facebook vì rất bận việc.

Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, nhưng hiện nhiều thông tin nóng, dư luận quan tâm được chia sẻ trên facebook, mạng xã hội?

Bộ trưởng Tô Lâm: Tuy không sử dụng nhưng tôi có các bộ phận chức năng để nắm bắt kịp thời thông tin trên facebook, blog, mạng xã hội, nhất là những vấn đề dư luận quan tâm. Tôi thấy, đây là mạng xã hội khá phổ biến trên thế giới và ở Việt Nam, số lượng người sử dụng tăng rất nhanh. Facebook giúp mọi người chia sẻ, trao đổi thông tin, bày tỏ quan điểm, suy nghĩ với tính kết nối, lan truyền cao. Hữu ích từ các mạng xã hội này mang lại là rất rõ ràng, trong đó có việc trao đổi, kinh doanh, mua bán…

Facebook, blog là kênh thông tin phản ánh các quan điểm, suy nghĩ cá nhân. Bên cạnh những hữu ích do nó mang lại thì hiện nay, nhiều vấn đề được dẫn dắt trên facebook, blog, mạng xã hội dẫn tới lệch lạc, gây ra nhiều lệ lụy; nhiều trường hợp sử dụng kênh thông tin này để bôi nhọ, vu cáo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm cá nhân, tổ chức, thậm chí tuyên truyền, xuyên tạc, phỉ báng Nhà nước, chế độ.

Những hành vi lừa đảo, mạo danh, đánh cắp thông tin, dữ liệu... cũng xảy ra rất phức tạp. Một sự kiện, vấn đề xảy ra, có thể có nhiều ý kiến, nhiều quan điểm khác nhau trên facebook, đòi hỏi người sử dụng cần có sự chắt lọc thông tin, không để bị dẫn dắt bởi những ý kiến, quan điểm sai trái, lệch lạc.

Phóng viên: Tiếp nhận thông tin và chỉ đạo xử lý kịp thời là yêu cầu khách quan hiện nay trong chỉ đạo, điều hành. Như vụ 5 hiệp sĩ và người dân TP Hồ Chí Minh dũng cảm truy bắt đối tượng trộm, cướp khiến 2 người chết, 3 người bị thương, Bộ trưởng đã kịp thời có thư chia sẻ, động viên nạn nhân và gia đình nạn nhân cũng như chỉ đạo lực lượng chức năng điều tra, truy bắt hung thủ gây án. Bộ trưởng tiếp nhận thông tin đó trong hoàn cảnh nào?  

Bộ trưởng Tô Lâm: Tôi nắm thông tin này qua báo cáo của cấp dưới và qua hệ thống điểm thông tin báo chí của Bộ Công an. Nhận được tin, cảm giác của tôi rất xót xa, đau lòng trước sự mất mát, hi sinh của các hiệp sĩ và người dân tham gia truy bắt đối tượng trộm cướp. Đây là hành động dũng cảm, nghĩa hiệp, sẵn sàng hy sinh trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn bình yên cuộc sống của nhân dân, là nhân tố tiêu biểu trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, góp phần cùng lực lượng CAND bảo đảm an ninh chính trị, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.

Công an phải trong sạch, phải vững vàng người dân mới tin. Còn nếu người dân chưa thực sự tin tưởng thì chúng ta phải chấn chỉnh, phải chỉnh đốn, phải tự xem lại mình. Việc chấn chỉnh đó không phải là ý thích của một ai mà là Nghị quyết của Đảng, là nguyện vọng của quần chúng nhân dân, là yêu cầu tất yếu phải làm...

Bộ trưởng Tô Lâm

Tôi chỉ đạo Cục Xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc chủ trì, phối hợp Tổng cục Chính trị CAND và Công an TP Hồ Chí Minh tổ chức thăm hỏi, động viên, giúp đỡ gia đình những người đã hy sinh, phối hợp chính quyền địa phương và gia đình tổ chức tang lễ chu đáo; phối hợp ngành y tế tổ chức cứu chữa, chăm sóc tận tình những người bị thương; chỉ đạo lực lượng chức năng nhanh chóng truy bắt, điều tra, xử lý nghiêm đối tượng phạm tội.

Đồng thời, chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương chủ động rà soát, triển khai các giải pháp, biện pháp đấu tranh, trấn áp tội phạm, không để xảy ra các vụ việc tương tự.

Trước những vụ việc như vậy, xã hội rất quan tâm, đòi hỏi mọi việc xử lý phải rất nhạy bén, kịp thời, nếu để chậm trễ thì việc quan tâm, chỉ đạo không còn nhiều ý nghĩa. Bên cạnh việc quan tâm tới những vấn đề cơ bản, chiến lược thì tính kịp thời, nhạy bén và sâu sát cũng là một yêu cầu quan trọng của công tác lãnh đạo, chỉ huy hiện nay. 

Công an phải trong sạch, phải vững vàng người dân mới tin

Phóng viên: Những công việc cán bộ, chiến sĩ CAND thực hiện thường ngày không thể tính hết bằng chiến công, thành tích. Trong khi đó, thông tin báo chí, dư luận về một số vụ sai phạm, tiêu cực xảy ra có khi lại lấn át những việc tốt thường ngày… Bộ trưởng suy nghĩ gì về thực tế này?

Bộ trưởng Tô Lâm: Đóng góp của lực lượng Công an rất lớn, sự hi sinh cũng rất lớn, nhiều tấm gương hi sinh tính mạng, hi sinh quyền lợi của cá nhân mình vì bình yên, hạnh phúc của nhân dân. Tuy nhiên, thông tin để người dân hiểu, chia sẻ với những khó khăn, vất vả, những mất mát, hi sinh nhiều khi chưa được đầy đủ. Hàng ngày, có biết bao công việc, biết bao việc tốt mà cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhưng những việc như vậy vì đặc thù mà ít được nêu lên hay cả khi được nêu lên trên báo chí thì liều lượng, mức độ cũng khiêm tốn và người dân cũng chưa thực sự chú ý đến. Cán bộ, chiến sĩ Công an coi việc hi sinh đó là trách nhiệm, là bổn phận, không ca thán gì. 

Trong khi tuyệt đại đa số cán bộ, chiến sĩ quên mình vì nhiệm vụ thì một số người thiếu tu dưỡng, không giữ được phẩm chất đạo đức, vi phạm pháp luật, phạm tội, làm giảm lòng tin của người dân. Tâm trạng chung trước những sự việc như vậy, tôi rất buồn và trăn trở. Đây cũng là một dạng tổn thất của lực lượng Công an trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm hết sức phức tạp hiện nay, có trường hợp sa ngã, bị mua chuộc, thậm chí phản bội lại sự hi sinh của đồng chí, đồng đội.

Thực tế đó đòi hỏi người cán bộ, chiến sĩ CAND phải luôn ý thức được hình ảnh của mình để tu dưỡng, rèn luyện. Đừng nghĩ rằng việc rèn luyện, tu dưỡng chỉ dành cho những người ít kinh nghiệm, ít va chạm thực tiễn mà ngay cả người giàu kinh nghiệm công tác, chiến đấu, giàu bản lĩnh, nghiệp vụ cũng phải luôn tôi luyện, phải luôn ý thức trách nhiệm, nghề nghiệp của mình, nếu không sẽ bị sa ngã, bị tội phạm lôi kéo, mua chuộc. Chỉ một phút lơ là hay lung lay trước cám dỗ, anh có thể đánh mất tất cả.

Còn công tác truyền thông? Tôi mong muốn các cơ quan báo chí, truyền thông, các nhà báo cần thông tin khách quan, chính xác, kịp thời về công tác bảo đảm an ninh, trật tự và xây dựng lực lượng CAND. Vai trò của báo chí trong đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực là rất quan trọng song để đẩy lùi tiêu cực, loại trừ cái xấu, cái ác cần tăng cường việc tôn vinh, biểu dương mặt tích cực, những nhân tố mới, cá nhân, tập thể điển hình, vì sự ổn định, phát triển đất nước, sự bình yên cuộc sống của nhân dân.

Bộ trưởng Tô Lâm cùng các đại biểu bấm nút khai trương giao diện mới Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an.

Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, việc xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm, kể cả những người giữ chức vụ cao trong CAND cho thấy Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ nỗ lực làm trong sạch nội bộ, xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII. Tuy nhiên, một số thông tin báo chí nước ngoài và mạng xã hội đã phản ánh sai lệch mục tiêu, quan điểm này. Bộ trưởng có thể chia sẻ sâu hơn về vấn đề này?

Bộ trưởng Tô Lâm: Đây là Nghị quyết của Đảng đang được triển khai với tinh thần kiên quyết, triệt để. Đảng ta đã chỉ rõ “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái, biến chất”. Nhiệm vụ của Công an phải cùng với cơ quan chức năng tìm ra trong Đảng, trong bộ máy Nhà nước “bộ phận không nhỏ” đó là ai, ở đâu, phải làm rõ để xử lý, làm trong sạch nội bộ. Cho nên, việc chúng ta kiên quyết làm rõ, xử lý nghiêm minh là nguyên tắc, là yêu cầu phải làm.

Công an là “thanh bảo kiếm” của Đảng, là lực lượng nòng cốt trong phòng, chống tội phạm, bảo vệ pháp luật. Muốn làm tốt nhiệm vụ đó đòi hỏi phải trong sạch, tự thân mình phải mạnh, phải vững vàng như một nhà lãnh đạo ngành an ninh của Liên Xô trước đây đã nói: Cán bộ công an, cán bộ an ninh phải là những người có trái tim nóng, cái đầu lạnh và bàn tay sạch sẽ! Nếu cán bộ Công an mà không vững vàng, không trong sạch, bị tội phạm mua chuộc, thậm chí bị chúng khống chế lại để bảo kê, tiếp tay, dung dưỡng cho tội phạm thì vô cùng nguy hiểm.

Công an phải trong sạch, phải vững vàng người dân mới tin. Còn nếu người dân chưa thực sự tin tưởng thì chúng ta phải chấn chỉnh, phải chỉnh đốn, phải tự xem lại mình. Việc chấn chỉnh đó không phải là ý thích của một ai mà là Nghị quyết của Đảng, là nguyện vọng của quần chúng nhân dân, là yêu cầu tất yếu phải làm.

Đương nhiên, kẻ xấu luôn tìm cách xuyên tạc, chia rẽ, dựa vào những vụ việc, hiện tượng sai phạm của một số cán bộ, chiến sĩ để đánh đồng đó là bản chất của Công an, cái đó là hành vi chống phá, bôi nhọ. Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII của Đảng đã xác định rõ nhiệm vụ phải đấu tranh, ngăn chặn đẩy lùi suy thoái nhưng chúng ta cũng phải cảnh giác trước các âm mưu phá hoại của các thế lực xấu. 

Phóng viên: Một điều mà đời thường người bảo vệ pháp luật thường gặp: phân tâm giữa cái lý và tình. Trên cương vị Bộ trưởng hay trước đây từng đảm nhận những vị trí quan trọng khác, hẳn Bộ trưởng cũng có những lúc nhận được sự nhờ vả của người thân, gia đình hay đồng chí, anh em...

Bộ trưởng Tô Lâm: Nguyên tắc chung là phải chấp hành các nguyên tắc, quy định của Đảng, quy định của pháp luật. Cái đó là nhất quán. Tất nhiên, là con người, ai cũng có những mối quan hệ gia đình, xã hội, có những tình cảm đồng chí, anh em, bè bạn. Nhưng mọi việc phải hợp lý, phải phù hợp với các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, không thể vì cái tình mà vi phạm các quy định đó.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Đăng Trường (thực hiện)
.
.