Gặp mặt thương binh, thân nhân liệt sĩ cán bộ Công an chi viện chiến trường miền Nam thời kỳ chống Mỹ:

Dù thương tật vẫn sống gương mẫu

Thứ Bảy, 14/07/2012, 22:35
Nhân Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7, các thương binh, thân nhân liệt sĩ cán bộ Công an chi viện chiến trường miền Nam thời kỳ chống Mỹ, cứu nước lại tề tựu, cùng nhau ôn lại những kỷ niệm một thuở hào hùng. Ngày 10/7, nhiều thương binh và thân nhân liệt sĩ đã có cuộc họp mặt tại Thủ đô Hà Nội, cùng nhau tri ân những người đã không tiếc máu xương vì An ninh Tổ quốc.

Thiếu tướng Phan Văn Lai, Trưởng Ban liên lạc cho biết, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, với tấm lòng “Vì miền Nam ruột thịt”, “Vì thống nhất Tổ quốc” đã có hơn một vạn cán bộ Công an chi viện An ninh miền Nam. Trong cuộc đấu tranh sinh tử với kẻ thù, nhiều đồng chí đã trở thành dũng sĩ, một số đồng chí được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 46 đồng chí bị địch bắt tra tấn dã man trong các nhà tù “địa ngục trần gian”, gần một ngàn đồng chí đã hy sinh, hàng trăm đồng chí mang thương tật và nhiều người mang trong người các di chứng bệnh hiểm nghèo, bị nhiễm chất độc da cam… Cuộc gặp mặt các thương binh, thân nhân gia đình liệt sĩ là hoạt động đền ơn đáp nghĩa với những người đã hy sinh xương máu vì Tổ quốc.

Được gặp lại nhau khi đất nước đã 37 năm giải phóng, dù đã để lại một phần thân thể nơi chiến trường, được trở về với gia đình quê hương khi đất nước thanh bình, các đồng chí thương binh đều bùi ngùi xúc động khi nhớ về những đồng đội đã hy sinh. Bác Nguyễn Thanh Mai, một thương binh nặng tâm sự: “Được gặp lại nhau chúng tôi mừng lắm. Chuẩn bị từ nhiều ngày nay từ sức khỏe cho tới trang phục và cả phương tiện nữa…”.

Các đại biểu dự buổi gặp mặt.

Bác Mai cùng ông bạn già là cụ Nguyễn Văn Ràng (cán bộ Công an chi viện miền Nam, là bố của liệt sĩ) nay đã ngót 90 tuổi, ở cùng khu tập thể Thành Công (Ba Đình, Hà Nội), được các con đưa tới hội trường nơi gặp mặt ở quận Thanh Xuân. Bác Nguyễn Thành Mai lên đường chi viện cho An ninh miền Nam năm 1964, sau khi kết thúc kỳ học ở trường C500.

Cùng với 22 đồng đội vào “Ông Già” (Ban An ninh Trung ương cục Miền Nam), trong một trận chiến đấu quyết liệt với địch ở Ái Nghĩa (Quảng Ngãi), bác Mai đã bị thương ở chân, không đi được. Đó là ngày mồng 2 Tết, bác Mai nằm ở một ruộng ngô ven đường suốt đêm. Sáng hôm sau các mẹ đi chợ phát hiện đã vội đưa đi cấp cứu.

Lần thứ 2 bị thương ở Đà Nẵng trong một trận đánh, một mảnh pháo đã găm vào đầu bác làm chấn thương sọ não. “Bây giờ được trở về, được sống với gia đình, vợ con là hạnh phúc lắm”, bác Mai chia sẻ. Người bác cứ nổi đầy mụn, đó là do nhiễm chất độc da cam ở chiến trường năm xưa, đầu đau nhức như búa bổ mỗi khi trái gió trở trời nhưng bác vẫn tích cực tham gia công tác tại địa phương, 10 năm là bí thư chi bộ.

Đó là câu chuyện cảm động của thương binh, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Văn Điền (Mười Thương) ở Tây Ninh. Khi Ban liên lạc đến thăm, bác Mười Thương tâm tình kể lại chuyến đi công tác từ căn cứ về Sài Gòn năm 1969, bị địch bắt, tra tấn dã man.

Chúng vặn gẫy mười ngón chân, dập nát bàn chân, cứ 15 ngày lại cưa một đoạn chân cho đến khi tàn phế nhưng đồng chí vẫn giữ vững khí tiết của người cán bộ An ninh. Nay đã ở tuổi xưa nay hiếm, đồng chí Mười Thương lại làm bổn phận chăm sóc người vợ yêu thương, người đồng chí kiên cường đã tiếp sức cho Mười Thương trên suốt cả chặng đường hoạt động cách mạng trong lòng địch.

Nay bà phải nằm bất động trên giường bệnh và mọi sinh hoạt phải có người giúp đỡ. Thấy mọi người tới thăm, vợ đồng chí Mười Thương quá xúc động, nước mắt giàn giụa. Bác Mười Thương dịu dàng hát ngay bài hát mà vợ yêu thích nhất làm vợ bật nở nụ cười. Bác Mười Thương nói, đó là cách động viên dỗ dành vợ mỗi khi bà buồn…

Và thật xúc động, cảm phục sức chịu đựng phi thường của thương binh Bùi Ngọc Thuận, một cán bộ Công an chi viện vào chiến trường Thừa Thiên-Huế kể lại, chuyến đi công tác từ căn cứ về đồng bằng để liên lạc với cơ sở. Trên đường đi, bị lọt vào ổ phục kích và trúng mìn của địch, trong đoàn đã có đồng chí hy sinh, có đồng chí bị thương. Riêng đồng chí Thuận bị thương rất nặng, ruột lòi ra ngoài. Trong lúc quá đau đớn, quyết không để sa vào tay bọn địch, đồng chí đã cởi áo bó chặt ruột vào trong bụng, chạy khỏi vùng địch phục kích. Và ngay trong đêm tối, dù đã kiệt sức vẫn quyết chí tìm về căn cứ, được đồng đội đưa đến bệnh xá cứu chữa. Nay đồng chí Thuận đã nghỉ hưu, sức khỏe hạn chế, vẫn hăng hái tham gia công tác xã hội, làm trưởng ban liên lạc thanh niên xung phong tỉnh Hòa Bình.

Những câu chuyện cảm động về những đồng chí thương binh như ngọn lửa hun đúc những trái tim đầy nhiệt huyết. Được sự quan tâm của Bộ Công an và Tổng cục XDLL CAND, đã tuyển dụng nhiều con cháu liệt sĩ vào lực lượng CAND để tiếp nối truyền thống gia đình.

Một số gia đình liệt sĩ có hoàn cảnh khó khăn đã được giúp đỡ xây nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm. Một số liệt sĩ đã tìm được hài cốt đưa về an táng ở nghĩa trang liệt sĩ quê hương. Song, tâm tư của các gia đình liệt sĩ còn ẩn chứa nỗi niềm thiếu vắng người thân, mất đi trụ cột gia đình. Có gia đình con cháu học hành dang dở kém thành đạt đang phải lam lũ bươn trải với cuộc sống…

Và không ít liệt sĩ chưa tìm được hài cốt, đang còn yên nghỉ nơi chiến trường xa… Trong ngày kỷ niệm, các thương binh, thân nhân liệt sĩ gặp lại nhau với một tâm niệm, dù có hy sinh máu xương vẫn sống gương mẫu, yêu đời để con cháu noi theo

Kim Quý
.
.