Sẽ điều chỉnh thuế xăng dầu cho dân được lợi
Theo cam kết tại Hiệp định thương mại tự do trong nội khối ASEAN (Hiệp định ATIGA), Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN-Trung Quốc (Hiệp định ACFTA) và Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN-Hàn Quốc (Hiệp định AKFTA), Việt Nam phải thực hiện lộ trình cắt giảm mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt đối với các mặt hàng xăng dầu.
Với lộ trình cắt giảm mức thuế nhập khẩu xăng dầu ưu đãi đặc biệt theo Hiệp định ATIGA, Hiệp định ACFTA và Hiệp định AKFTA thì chênh lệch giữa mức thuế nhập khẩu tối huệ quốc (mức thuế MFN) hiện hành với mức thuế nhập khẩu theo các Hiệp định nêu trên là từ 5-35% tuỳ chủng loại và khoảng cách này ngày càng tăng vào các năm tiếp theo. Như vậy, cùng một mặt hàng (xăng dầu) sẽ có nhiều mức thuế nhập khẩu khác nhau (MFN, ATIGA, ACFTA, AKFTA), dẫn đến rủi ro về ngân sách Nhà nước, cũng như rủi ro cho cả kinh tế trong nước khi các nước xuất khẩu tăng giá bán xăng dầu.
Để thống nhất mức thuế nhập khẩu đối với xăng dầu thì cần phải điều chỉnh mức thuế MFN bằng mức thuế ưu đãi nhất theo các cam kết quốc tế (mức thuế ATIGA).
Điều này chắc chắn sẽ tác động làm giảm thu ngân sách Nhà nước. Mặt khác, kể từ quý III/2014 đến nay, giá dầu liên tục giảm mạnh và duy trì ở mức thấp. Để ứng phó với tình hình giá dầu giảm và duy trì ở mức thấp, nhiều nước đã nghiên cứu điều chỉnh chính sách thuế theo hướng tăng và mở rộng đối tượng để đảm bảo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.
Như vậy, cùng với việc giảm thuế nhập khẩu xăng dầu, để ứng phó với tình hình giá dầu giảm và duy trì ở mức thấp; đồng thời để tạo chênh lệch giữa giá bán xăng E5 và xăng khoáng, từ đó khuyến khích người dân sử dụng nhiên liệu sinh học, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua biểu thuế bảo vệ môi trường như trên.
“Trên cơ sở mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, Bộ Tài chính sẽ thực hiện điều hành chính sách thuế nhập khẩu xăng dầu phù hợp để người dân được hưởng lợi khi giá xăng dầu thế giới giảm”, Bộ Tài chính cho biết.
Hơn nữa, nếu cộng thêm cả thuế bảo vệ môi trường đối với xăng tăng thêm (2.000 đồng/lít) thì giá xăng Ron 92 của Việt Nam vẫn thấp hơn giá xăng Ron 92 của một số nước trong khu vực (thấp hơn Campuchia: 4.198 đồng/lít; Lào: 5.290 đồng/lít; Trung Quốc: 918 đồng/lít; thấp hơn Thái Lan: 2.045 đồng/lít tại thời điểm ngày 10/3/2015.