Những chia sẻ thú vị của nhóm sinh viên Cảnh sát giành giải nhất Tài năng khoa học trẻ

Thứ Ba, 20/01/2015, 08:49
Dư âm của giải thưởng Tài năng khoa học trẻ năm 2014 vừa được Bộ GD & ĐT tổ chức đến nay vẫn còn nguyên vẹn trong nhóm sinh viên của Học viện Cảnh sát nhân dân (CSND) - nhóm tác giả giành giải nhất với một đề tài mang tính thời sự nóng bỏng: “Đặc điểm tội phạm học sử dụng Internet để chiếm đoạt tài sản và một số khuyến nghị trong phòng ngừa xã hội”. 10 năm qua, Học viện CSND mới có một công trình khoa học giành giải nhất tại sân chơi trí tuệ này.

Theo đánh giá của Ban Giám khảo, đề tài của nhóm sinh viên Học viện CSND độc đáo, mới lạ, nhận diện được tương đối đầy đủ loại tội phạm “ảo”, phương pháp nghiên cứu phong phú, tỉ mỉ, đã đưa ra được giải pháp nhiều chiều để ngăn chặn phòng ngừa…

Nhóm sinh viên Cảnh sát nhân dân giành giải nhất và thầy hướng dẫn tại lễ trao giải Tài năng khoa học trẻ 2014.

Trong năm học 2013-2014, cả 3 bạn trong nhóm là Đỗ Thị Thủy, Nguyễn Trọng Nghĩa và Trần Phương Thảo đều đạt danh hiệu học viên giỏi. Đặc biệt, bạn Nguyễn Trọng Nghĩa và Trần Phương Thảo là 1 trong 20 gương mặt tiêu biểu điển hình tiên tiến của Học viện CSND. Riêng sinh viên Nguyễn Trọng Nghĩa vừa hoàn thành khóa học tại Đại học Cảnh sát quốc gia Hàn Quốc và đạt được nhiều học bổng của học viện.

Nhắc đến công trình khoa học mà các em đã dồn sức, nỗ lực nghiên cứu, Trần Phương Thảo đã chia sẻ: “Từ lúc bắt tay nghiên cứu đề tài này, chúng em đều xác định phải làm việc say mê và nghiêm túc để có thể trình ra sân chơi tài năng khoa học trẻ một sản phẩm chất lượng. Sau những giờ học trên lớp, chúng em đã tranh thủ lên thư viện của nhà trường để bàn bạc trao đổi, tìm tài liệu có liên quan đến đề tài. Ngoài giờ,  chúng em phải tranh thủ đến các đơn vị thực tiễn xin tài liệu, số liệu và khảo sát thực tế, gặp gỡ một số phạm nhân trong trại giam và nhiều nạn nhân khác để hiểu thêm về phương thức, thủ đoạn của loại tội phạm này. Có những vướng mắc không hiểu nhóm lại lên trao đổi, nhờ sự hướng dẫn của thầy Nguyễn Minh Đức, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và Điều tra tội phạm. Nhưng có khó khăn là tội phạm sử dụng mạng Internet để chiếm đoạt tài sản là loại tội phạm rất mới, chưa có nhiều tài liệu và số liệu được thống kê”.

Đại tá, PGS.TS Nguyễn Minh Đức chia sẻ với chúng tôi: Tội phạm công nghệ cao, cụ thể là tội phạm sử dụng mạng Internet để chiếm đoạt tài sản là loại tội phạm mới, có nhiều diễn biễn phức tạp và phương thức thủ đoạn tinh vi xảo quyệt. Bắt tay vào nghiên cứu, nhóm mới phát hiện ra rất nhiều người trở thành nạn nhân bởi họ quá thiếu kiến thức về công nghệ, trong khi hệ thống pháp luật, phòng ngừa của chúng ta chưa hoàn thiện, còn nhiều khoảng trống, lỗ hổng trong thương mại điện tử; thêm nữa, công tác tuyên truyền cũng chưa tốt...

Sinh viên Đỗ Thị Thủy thì cho hay, điều tâm đắc nhất của nhóm là họ đã đưa ra được đặc điểm mang tính đặc trưng của loại tội phạm này dưới góc độ tội phạm học, cũng như những dự báo, phòng ngừa xã hội để mọi người dân biết cách phòng tránh, không trở thành nạn nhân của chúng.

Giá trị thực tiễn của công trình này được nhóm sinh viên CSND thể hiện xuất sắc trong phần khuyến nghị, đề xuất giải pháp thực tế: Đó là các cơ quan chức năng cần có chính sách phối hợp từ nhà trường, xã hội, gia đình nắm được đối tượng trẻ có trình độ công nghệ thông tin, giáo dục ý thức chính trị, ý thức công dân của họ để họ làm những việc có ích. Không để những người trẻ có trình độ lại trở thành một tội phạm.

Mặt khác, nghiên cứu còn đưa ra nhiều lời cảnh báo sâu sắc cho doanh nghiệp trong các giao dịch thương mại điện tử. Các cơ quan quản trị mạng phải thường xuyên cập nhật thông tin; người sử dụng Internet phải tỉnh táo, rèn thêm nhiều kỹ năng khi bước vào thế giới internet, có thể nhận diện được dấu hiệu lừa đảo khi sử dụng hộp thư điện tử.

Chia sẻ về những ngày tháng miệt mài nghiên cứu đề tài, cả ba bạn sinh viên đều cho rằng, họ đã trưởng thành hơn rất nhiều. Khi sắp trở thành những chiến sỹ Cảnh sát tương lai, phải đấu tranh với nhiều loại tội phạm nguy hiểm, việc nghiên cứu khoa học đối với học viên CSND là rất cần thiết, giúp gắn lý luận và thực tiễn một cách chặt chẽ để sau này khi ra ngoài thực tiễn chiến đấu, họ không bỡ ngỡ, có thể làm tốt nhiệm vụ đấu tranh phòng chống tội phạm một cách xuất sắc nhất.

Tuấn Dũng
.
.
.