Phép nhiệm màu có thật

Thứ Tư, 10/02/2016, 08:46
Tôi muốn được kể lại câu chuyện đời và phép nhiệm màu có thật đã đến với mẹ con tôi trong một niềm hân hoan vô cùng tận. Tôi muốn hét lên với cả thế giới biết rằng tôi, một bà mẹ cả cuộc đời bất hạnh và đau khổ nay đang tột cùng của hạnh phúc. 


Kính thưa các anh các chị trong tòa soạn Báo An ninh thế giới!

Mùa xuân đang chầm chậm về trước ngõ. Thành phố nơi tôi ở đã thay đổi diện mạo để đón xuân. Cờ hoa trên từng con đường đã được treo lên, các cửa hiệu hàng hóa người ta trang trí những chuỗi đèn nháy lấp lánh với đủ sắc màu xanh đỏ tím hồng như những cung điện. Phố xá đông đúc nhộn nhịp vào dịp mua sắm cuối năm. Tết cổ truyền đang đến gần với bao niềm hân hoan ấm áp. 

Vào thời khắc bận rộn này, tôi quyết định đóng cửa gánh chè cho phép mình được nghỉ ngơi. Đây có lẽ là lần đầu tiên trong cuộc đời, tôi cho phép mình được nghỉ ngơi, không chạy theo guồng quay điên đảo của cuộc sống mưu sinh vất vả. Tôi cho phép mình không làm việc một ngày, chỉ một ngày thôi và ngồi vào góc bàn nhỏ chỗ hằng ngày con gái của tôi vẫn ngồi miệt mài viết lách và làm việc chăm chỉ bên chiếc máy tính. 

Tôi cho phép mình được làm một việc gì đó thật ý nghĩa để tổng kết lại chuỗi tháng ngày mình đã đi qua, giống như là thỏa nguyện một ước mơ nhỏ nhoi mà dẫu khát khao lắm thì tôi cũng chưa bao giờ dám thử sức thực hiện. Tôi muốn được kể lại câu chuyện đời và phép nhiệm màu có thật đã đến với mẹ con tôi trong một niềm hân hoan vô cùng tận. Tôi muốn hét lên với cả thế giới biết rằng tôi, một bà mẹ cả cuộc đời bất hạnh và đau khổ nay đang tột cùng của hạnh phúc. Tôi muốn chia sẻ nó, tặng nó cho chuyên mục “Những câu chuyện khó tin nhưng có thật” để động viên những ai đã và đang đắm chìm trong đáy bể khổ của đời mình, hãy sống và vươn lên với một niềm tin rằng phía trước hạnh phúc là điều có thực đang thử thách lòng kiên nhẫn của chúng ta.

Thưa các anh các chị!

Tôi sinh ra không biết cha mẹ mình là ai. Từ bé tí, tôi đã ở cũng với mõ già trong một ngôi chùa ở làng. Mọi người vẫn quen gọi nơi đây là chùa làng, nhưng nó bé lắm, do làng xây dựng từ thời xa xưa để cho bà con dân làng thờ Phật. Phía ngoài chùa có một am nhỏ mõ nói là thờ Thành Hoàng làng, và một cái chái phía bên cạnh am để cho mõ già và tôi ở. Chùa làng không có sư, chỉ có mõ già được làng cắt cử ra trông coi chùa. Có việc lễ cúng gì thì người làng gọi mõ, sai mõ sửa soạn để các cụ trong làng ra cúng. Mõ không phải làm nghề đi thông báo công việc của làng xã, nhưng không hiểu sao người làng lại gọi là mõ.

Mõ già kể mõ nhặt được tôi trước cổng chùa. Người mẹ nào đó nhẫn tâm bỏ tôi lại trước cửa chùa không một mảnh vải che thân, dây rốn còn dài lòng thòng chưa kịp cắt. Thân thể mình mẩy tôi dính đầy máu, gọi kiến đen kiến đỏ kéo nhau đến bu kín. Lúc ấy là canh ba, tôi khóc như xé vải, mõ già nghễnh ngãng, tai đực tai lành, chẳng nghe thấy tiếng trẻ con khóc trước cửa chùa đâu. 

Mõ nói, như có trời xui đất khiến, đêm ấy mõ không ngủ được nên lần ra cửa chùa. Nhìn thấy một bọc máu đỏ hỏn, ngo ngoe dưới chân, kiến bu đen bu đỏ, mõ giật mình. Bế tôi lên, mõ xót xa chửi rủa quân vô lương, phường chó sói, hổ dữ còn không ăn thịt con thế mà có đứa nó dám đẻ con rồi vứt cho kiến ăn.

Tôi thành con của mõ già, sống cùng mõ trong ngôi chùa làng. Mõ dạy tôi trồng lúa, trồng rau, nuôi gà để lấy cái ăn. Ngày rằm mồng một, trong làng có ai cúng nải chuối, đĩa xôi thì hôm đó hai mõ con có chút thức ăn tươi tỉnh. Tôi lớn lên tự biết thân phận bất hạnh của mình, một mắt tôi bị mù do kiến đục sâu vào thủy tinh thể hồi lọt lòng. Tôi lại bị khèo một tay nên mõ thương tôi lắm. Mõ già chăm bẵm tôi, mỗi lần tắm cho tôi, mõ lại than thở, chắc khi đẻ ra nó biết mày mù mắt khoèo tay nên nó sợ nuôi mày sẽ vất vả, cho mày làm người lớn lên sẽ tủi nhục con ạ, nên con mẹ mày mới ngậm đắng nuốt cay bỏ mày đi để hóa kiếp cho mày. Ai ngờ số mày không làm ma được mà phải làm người con ạ. Thôi gắng sống cho nên người. Con người ta có số cả, ông trời không lấy của ai hết tất cả đâu mà lo!

Đó là câu cửa miệng mõ già luôn nói với tôi: “Ông trời không lấy của ai hết tất cả mọi thứ đâu con” để động viên tôi ráng vượt lên hoàn cảnh. Tôi dứt khoát không đi học, vì mặc cảm thân phận. Mõ thương tôi, không nỡ ép. Mõ già dạy tôi biết tính nhẩm cộng trừ con số đủ để đi chợ bán rau không bị nhầm tiền. Mõ dạy tôi biết đọc và biết mỗi việc ký tên tôi nếu phải dùng đến chữ ký trong trường hợp nào đó mà không phải điểm chỉ như những người mù chữ thực sự. Mõ nói, mõ chỉ có thể dạy tôi được đến thế, và đó cũng là tất cả những vốn liếng văn hóa mà mõ có được thời bình dân học vụ. Mõ trút lại hết cho đứa bé côi cút tội nghiệp là tôi.

Mõ già lắm rồi, đau yếu quanh năm nên mọi việc trông nom trong chùa và công việc đồng áng một mình tôi gánh vác. Mõ không có chồng, không có con. Mãi sau này, khi giờ phút lâm chung, mõ mới nói cho tôi biết rằng, mõ có chồng nhưng hai người cưới nhau chưa kịp có con, chồng mõ đi bộ đội rồi hy sinh ở chiến trường. Mõ ngã quỵ vì buồn đau, ốm một trận thập tử nhất sinh. Nhà chồng đưa mõ ra ngôi chùa làng để sư thầy trông coi chùa có nghề thuốc nam, thuốc thang cứu mõ. 

Khỏi bệnh, mõ xin phép nhà chồng và nhà mẹ đẻ được ở lại chùa hầu hạ công việc tâm linh cho sư thầy. Vậy là mõ rời nhà đến chùa làng ở, coi như xuống tóc đi tu. Thật ra mõ chỉ nhận mình là mõ, chưa bao giờ mõ nhận mình là sư, vì mõ biết con đường tu tập phải học nhiều mà mõ thì chẳng có kiến thức. Mõ chỉ ở đây giúp đỡ sư thầy thôi. Nhưng từ khi có mõ ở chùa làng, sư thầy ra đi vì đã có mõ để gửi gắm công việc ở làng. 

Nghe nói sư thầy ra tỉnh để nhận trụ trì ở một ngôi chùa to hơn. Từ đó đến nay, chùa làng không có sư, chỉ có mõ sống thui thủi một mình ở chùa cho đến ngày nhặt được tôi. Mõ chỉ lên bát hương đặt sau ban thờ Thành Hoàng làng và nói với tôi, hăm hai tháng chạp là ngày giỗ của chồng mõ, sau này mõ khuất núi, con nhớ thắp hương cho linh hồn ông ấy khỏi tủi phận. 

Mỗi lần mõ ốm là tôi lại khóc vì sợ mõ chết, bỏ tôi lại một mình. Mõ thương tôi, nước mắt đục rỉ ra từ hai khóe mắt nhăn nheo. Mõ thều thào: “Ông trời không lấy đi của ai tất cả. Con cố gắng sống và kiếm đứa con mà nuôi. Người như con lấy chồng chắc là khó, không ai người ta thương mình tàn tật đâu con. Kiếm lấy mụn con, sau này nương tựa lúc tuổi già”. 

Mõ ốm nằm liệt giường 2 năm rồi mới mất. Có lẽ mõ thương tôi, đi không dứt nên cứ leo lắt sống để mỗi ngày lại bày dạy cho tôi thêm một việc quan trọng ở đời mà lúc sinh thời có thể mõ đã dại dột mà đánh mất. Cứ mỗi lần mõ định đi, mõ lại kêu tôi đến bên giường, thều thào cái điệp khúc ông trời không lấy đi của ai tất cả, cố gắng kiếm lấy đứa con để nương tựa, đừng sống một mình thui thủi như mõ…

Nhưng không ai cưỡng được sinh lão bệnh tử. Cuối cùng mõ cũng rời bỏ ngôi chùa làng và tôi để trở về cõi âm trong một ngày mùa đông hửng nắng. Tôi buồn đau đến nỗi không thể gắng gượng được để lo tang ma cho mõ. Hội người cao tuổi trong xã lo đưa mõ ra đồng an nghỉ ngàn thu.

Cuộc sống trong ngôi chùa hẻo lánh những ngày không có mõ buồn hiu hắt. Năm đó tôi bước sang tuổi 18. Một mình trong ngôi chùa làng tôi vào ra thơ thẩn vì nhớ mõ. Tôi khóc nhiều lắm, khóc vì mất một người thân duy nhất để nương tựa trên đời. Mõ vừa là mẹ, vừa là cha, chăm sóc tôi từ khi tôi đỏ hỏn. Thế nên mất mõ, tôi thấm thía thế nào là mồ côi, là cô độc. 

Năm đó, có thể là phép nhiệm màu đầu tiên của đời tôi đã xảy ra. Tôi vẫn chua chát nghĩ vậy mỗi lần nhớ đến sự kiện đó. Sau này càng ngẫm, tôi càng tin rằng mõ đã xui khiến cho tôi có sự gặp gỡ như vậy. Linh hồn mõ đã không bỏ rơi đứa con côi cút của mõ nhặt về. Sau này, trong tận cùng của cơn bĩ cực, tôi vẫn không một lần nào oán hận người đàn ông đã cho tôi một đứa con, dù đứa con đó đau ốm và bệnh tật từ trong trứng nước. Tôi không một lần oán hận số phận, dù cuộc sống của tôi toàn những bất hạnh và buồn đau. Tôi tin lời mõ và luôn tâm niệm một điều, ông trời sẽ không lấy đi của ai tất cả.

Những ngày tháng sau cái chết của mõ, tôi rất buồn. Trong làng, các bậc cao niên sau cái chết của mõ già cũng đã họp và bàn bạc cử người ra trông chùa. Không thể để cho một đứa con hoang, lại là con gái, tàn tật như tôi không rõ gốc gác ở đâu, do mõ già nhặt về, giờ lại thay mõ coi sóc chùa làng được. Sớm muộn gì thì tôi cũng phải ra đi. Nếu tôi có ở lại thì cũng phải có người chính để coi chùa làng, tôi mới chỉ là một đứa con gái 18 tuổi, không thể đảm đương công việc soạn sửa ở chùa của làng. Nếu có thì tôi chỉ là làm những việc phụ giúp ở chùa làng thôi chứ không thể đứng ra thay mõ được. Điều đó khiến tôi càng buồn bã, mất phương hướng hơn. 

Trong làng có một ông giáo già đã về hưu thường hay ra lễ chùa và cứ ngày rằm mồng một lại viết chữ nho cho dân làng ra xin sớ về dâng lễ ở gia tiên. Ông giáo dạy tôi chữ quốc ngữ để cho tôi biết đọc biết viết. Và điều gì đến đã đến. Tôi chưa kịp nghĩ đến việc sẽ xin ai đó một đứa con bầu bạn sớm hôm lúc tuổi già thì tôi đã bị chính ông giáo già cưỡng hiếp. Tôi cam phận và nhớ lời mõ dặn, thôi thì đây cũng là cơ hội cho tôi kiếm đứa con mà không phải mất công mất sức đi xin ở đâu xa, mà xin chắc gì thân phận tàn tật như tôi người ta đã cho. 

Sau mấy lần cưỡng hiếp tôi, ông giáo già nói với tôi: “Ông được người làng cử ra trông chùa làng thay mõ. Ông thương mày côi cút, cho mày đứa con để bầu bạn lúc tuổi già. Mày có chửa thì đừng ở lại đây nữa mang tiếng cho cả ông và mày. Ông già rồi, có gia đình, con cháu đã phương trưởng ông không thể cưu mang mày được. Mày còn trẻ, ông cho mày ít tiền, ông dạy mày biết đọc biết viết rồi, mày ráng lên thành phố mà tìm cơ hội để làm việc sinh con làm lại cuộc sống, đừng có ở đây, mà chết già. Mày đi đi, đừng bao giờ trở về làng nữa mà tủi nhục con ạ”. Đau đớn và tủi nhục, tôi khăn gói quần áo và cầm ít tiền ông giáo chuẩn bị cho rồi ra đi.

Chưa một lần được hưởng lạc thú giữa đàn ông và đàn bà, hay được hưởng niềm hạnh phúc bình thường của một người con gái, một người đàn bà có một người đàn ông chăn gối cho đúng nghĩa, tôi đã mang thai và có con trong hoàn cảnh trớ trêu và bi kịch như vậy. Cắn răng lên thành phố, tôi xin việc ở một gánh chè trong ngõ. Ngày đi làm, tối về ngủ ở gầm cầu xó chợ. Khi cái bụng chửa đã vượt mặt, tôi đến cửa chùa xin được nương tựa để sinh con. 

Nhưng chưa thấy ông trời thương tình ở đâu, chỉ thấy ông trời luôn tàn nhẫn với tôi, một số phận quá bất hạnh. Tôi sinh con trong thiếu thốn, bản thân thiếu hiểu biết, thiếu kỹ năng nên tôi đã không biết để tiêm phòng cho con. Con gái tôi lên 5 tuổi bị ốm một trận, hai chân teo tóp lại không đứng vững được nữa. Tôi đưa con đi khám mới biết con bị bại liệt do sơ sinh không được chủng ngừa đầy đủ. Nước mắt tuôn rơi, tôi ôm con mà chỉ muốn được đi ra cây cầu, đứng trên đó mà gieo mình xuống lòng sông để dòng nước cuốn mẹ con tôi trôi đi mãi, để tôi không phải sống kiếp người đau khổ... (còn tiếp)

NTMN (Đà Nẵng)

Lời người biên tập

Bạn đọc thân mến! Vào một buổi chiều cuối năm, Ban biên tập chuyên mục: “Chuyện khó tin nhưng có thật” đã nhận được một phong thư dày cộp qua đường bưu điện, phía bên ngoài ghi rõ: Gửi chuyên mục “Chuyện khó tin nhưng có thật câu chuyện cuộc đời của tôi. Và tôi khẳng định: “PHÉP NHIÊåM MÀU TRONG ĐỜI TÔI LÀ CÓ THẬT”.  Nhìn thấy phong bì ghi khá lạ như vậy, chúng tôi đã rất hồi hộp khi mở phong thư ra. Có 20 trang giấy A4 viết tay, nét chữ nguệch ngoạc của một người không quen cầm bút, và không quen kể chuyện bằng ngôn ngữ. Nhưng rõ ràng, chủ nhân của bức thư đã viết tất cả những trang thư này trong cơn xúc động. Trên trang giấy viết tay chi chít chữ, có những chỗ nhòe nét mực, và chúng tôi hiểu rằng, tác giả của bức thư đã viết nó trong nước mắt, cả xúc động, đau khổ, lẫn hạnh phúc. Chúng tôi đã đọc một mạch. Trên cơ sở những gì mà tác giả đã kể lại và chia sẻ, chúng tôi đã biên tập lại và đặt bút viết lại hộ chị câu chuyện này. Trên đây chỉ là một nửa phần câu chuyện đời của chị NTMN. Và nửa phần câu chuyện ấy nằm trong phần bĩ cực nhất. Còn nhiều tình tiết hấp dẫn và đặc biệt cái kết thúc có hậu, phép nhiệm màu có thật đã đến và ban phước lành cho hai mẹ con chị NTMN như thế nào hẳn là những gì độc giả quan tâm và chờ đợi. Vì thư quá dài, câu chuyện đời còn quá nhiều những biến cố mà trong khuôn khổ một trang báo chưa thể chia sẻ hết ngay được. Chúng tôi trân trọng kính mời độc giả đón đọc ở số tiếp theo, số tất niên trên tờ báo của chúng tôi. Ban biên tập xin gửi đến quý độc giả lời chúc năm mới hạnh phúc, an khang và thịnh vượng.

.
.
.