Phát hiện giá trị về "câu lạc bộ tỷ dân" từ các nhà khoa học

Thứ Ba, 18/05/2021, 11:48
Các nhà khoa học trực thuộc Đại học New South Wales mới đây đã công bố một nghiên cứu về loài vật có số lượng cá thể "khủng", nhiều gấp sáu lần con người và được ví là "câu lạc bộ tỷ dân". 
Loài chim được ví là "câu lạc bộ tỷ dân". Ảnh: iStock.

"Thế giới là nhà của khoảng 50 tỷ cá thể chim". Đây là số liệu ước tính được các nhà khoa học tại Đại học New South Wales (Australia) thu thập và công bố trong một nghiên cứu về loài vật này. Cụ thể, nghiên cứu chỉ rõ, với gần 10.000 loài, trên thế giới có trung bình khoảng 50 tỷ cá thể chim, nhiều gấp sáu lần dân số toàn cầu. 

Tuy nhiên, có những loài phổ biến với hàng tỉ con, thì có những loài lại rất hiếm. Bốn loài chim có số lượng cá thể hơn 1 tỷ bao gồm: chim sẻ nhà (được tìm thấy nhiều nơi trên thế giới), chim sáo châu Âu, mòng biển mỏ nhẫn và chim én. 

Trên thế giới tồn tại trung bình 50 tỷ cá thể chim. Ảnh: The Guardian.

Theo The Guardian, nghiên cứu này được phát triển dựa trên sự kết hợp của hàng trăm triệu quan sát chuyên nghiệp về loài chim của giới học giả và dữ liệu khoa học cộng đồng cung cấp bởi người dân, thông qua một ứng dụng đa dạng sinh học lớn nhất thế giới eBird. 

Tiến sĩ Will Cornwell thuộc nhóm nghiên cứu cho hay, một số loài hiếm ít ghi nhận được có thể là vì lý do tự nhiên như chúng chỉ sống trên đảo và đỉnh núi, hoặc cũng có thể do yếu tố con người tác động.

"Số liệu thu thập được theo thời gian sẽ là cơ sở để chúng tôi lập ra biểu đồ sinh tồn, loài nào đang suy giảm và cần thúc đẩy nỗ lực bảo vệ. Ngoài ra, chúng tôi còn có thêm cơ hội nghiên cứu những loài chim chưa từng được biết đến", Tiến sĩ Will Cornwell nhấn mạnh. 

Sean Dooley, nhà quản lý các vấn đề công cộng quốc gia tại BirdLife (Australia) đánh giá: "Nghiên cứu cho thấy giá trị của sức mạnh cộng đồng. Mọi người đều có thể đóng góp hữu ích cho những nghiên cứu thực tiễn. Trong bối cảnh chúng ta đang chứng kiến những mất mát lớn về động vật hoang dã, nghiên cứu sẽ giúp hoạch định những giải pháp kịp thời nhằm bảo tồn đa dạng sinh học toàn cầu". 

Linh Đan
.
.
.