Kỳ 2: Mẹ đã sống một cuộc đời lộng lẫy

Thứ Ba, 11/12/2018, 11:23
Trước sự chân thành và tha thiết của cha, ông bà ngoại đã bị thuyết phục bởi những tình cảm mãnh liệt của cha đối với mẹ. Ông bà ngoại đã mừng tủi ơn trời bởi con gái tật nguyền của mình được ông trời se cho mối duyên lành ngoài sức tưởng tượng…

Kính thưa các anh các chị trong Tòa soạn Báo An ninh thế giới Giữa tháng - Cuối tháng!

Sau khi bị gia đình hai bên quyết liệt ngăn cấm, không cho cha mẹ gặp nhau, mẹ lại không còn được lên thư viện đọc sách nữa, thú tiêu khiển yêu thích của mẹ, giúp cho mẹ vượt qua được những đau khổ và mặc cảm về thân phận, quên đi những khiếm khuyết thiệt thòi để vui sống giờ cũng bị bố mẹ của mẹ chặn đứt, nên cha rất khổ sở vì xót xa thương mẹ.

Từ đó, mỗi ngày sau giờ làm việc ở Nha Tài chính, cha lại đi bộ vòng qua nhà mẹ ở ngõ nhỏ trong phố Lê Văn Hưu để đứng dưới sân nhà mà ngó lên cửa sổ căn phòng trên tầng 2 của mẹ. 

Ngày xưa, ông bà ngoại được phân một căn hộ chừng 30m² ở trên tầng 2 của một biệt thự cũ có rất nhiều hộ gia đình cùng sinh sống. Muốn lên nhà, cả mấy hộ gia đình phải đi cầu thang chung…Cha cứ đứng lặng hàng giờ như thế dưới sân, ngó lên cửa sổ tầng 2 mong gặp được mẹ…. 

Nhiều lần, ông bà ngoại đi làm về, gặp cha ở đó, bà ngoại lại gạt nước mắt thương con gái mà chạy mau lên nhà, coi như không biết cha… Cha cứ hết đứng lại ngồi dưới gốc cây khế ở trong sân, hay thẫn thờ ngồi quán nước chè của bà cụ mù sống ngay trong khu nhà, mong gặp được mẹ, hoặc nghe được tin tức từ mẹ dù chỉ một chút khoảnh khắc nhỏ.

Nhưng làm sao cha gặp được mẹ chứ, bởi mẹ bị tật nguyền, hai chân đâu có đi lại được để mà tự do chạy xuống, hay đến bên cửa sổ để đưa mắt tìm cha. Mẹ biết ở dưới sân cha đang ngóng lòng tìm mẹ thì trong nhà ruột mẹ cũng muối xát và lửa đốt. Cổng nhà đi chung của cả khu ban ngày khoá im ỉm do mọi người đều đi làm. 

Cha cũng đi làm cả ngày, nếu cha có trốn việc chạy đến đây mong tận dụng cơ hội ông bà ngoại đi làm hết, cha chạy lên gặp mẹ, áp tai vào cửa nhà để nói chuyện với mẹ thì cũng không thể vì cổng chung có khoá, ai vào ra đều có chìa khoá riêng. Chờ đến tối tan sở làm thì ông bà ngoại về, cha cũng đâu có cơ hội được gặp mẹ.

Không hiểu sao, trong tình cảnh trớ trêu đó mà cô Lụa vẫn thương cha, vẫn âm thầm dõi theo mối tình trắc trở của cha và mẹ. Cô Lụa đã âm thầm nghĩ kế mang len đến nhờ mẹ đan áo, đan khăn… Chỉ có cô Lụa là khách hàng thuê đan len thì bà ngoại mới cho vào nhà. 

Với lại bà ngoại cũng đâu biết chuyện cô Lụa trước đây chính là người yêu của cha, được ông bà nội của cha lựa chọn ý trung nhân cho cha. Ngay cả mẹ cũng không hề biết cô Lụa vốn trước là người yêu của cha. Cô Lụa đi lại gặp mẹ được và qua cách gợi chuyện của cô Lụa, cô kể cô hay gặp một người thanh niên đứng dưới gốc khế bồn chồn ngó lên tầng trên, không biết chàng thanh niên ấy muốn gặp ai mà thường xuyên đến đây trồng cây si…

Nghe cô Lụa đưa chuyện, mẹ bật khóc.

Rồi chính mẹ đã kể cho cô Lụa nghe câu chuyện mối tình trớ trêu của mẹ với cha…

Từ đó cô Lụa là người liên lạc bí mật giữa mẹ với cha thông qua một bà già mù bán chè chén ở trước ngõ. Bản thân cha cũng không hề biết cô Lụa đang âm thầm dõi theo chuyện tình trắc trở của mình. Cha hay nhận được thư của mẹ từ bà già mù bán chè chén ở ngõ nhà… Những bức thư đẫm nước mắt như chuyện tình trong tiểu thuyết thứ 7…

Lại nói một chút về cô Lụa. Khi hai bên gia đình ngõ ý tác thành cô Lụa cho cha tôi thì lúc đó cha tôi mới 16, cô Lụa lên 13. Thời xưa gái thập tam, nam thập lục là đã coi như đến tuổi cập kê… Cha và cô Lụa chính thức tìm hiểu nhau khi cha bắt đầu tốt nghiệp Tú tài vào làm việc ở Nha Tài chính Đông Dương. 

Năm đó cha 18 tuổi, cô Lụa đã 15 tuổi. Hai năm sau thì cha gặp mẹ và yêu mẹ… chuyện tình của cha và cô Lụa kết thúc từ đó. Thế nhưng cô Lụa sau khi tan vỡ mối tình với cha có lẽ cô cũng chưa thể lành vết thương tình để mà mở lòng với ai, dù mối tình với cha cũng mới chỉ thoảng qua như gió như mây. 

Cô rất quý cha, vì hai gia đình thân nhau, cha và cô Lụa lớn lên bên nhau ở phố Hàng Đào, từ bé đã chơi thân với nhau rồi nên từ tình bạn chuyển biến thành tình yêu, ranh giới đó cũng nhạt nhòa lắm. 

Chỉ đến khi cha gặp mẹ, những rung động sâu thẳm và dữ dội của hai tâm hồn nhạy cảm gặp nhau, cha mới nhận ra rằng thứ tình mà cha dành cho cô Lụa trước nay chỉ là tình bạn hoặc nhỉnh hơn tình bạn bè một chút…

Từ ngày chia tay nhau, cha cũng muốn tránh mặt không gặp cô Lụa. Bản thân cô Lụa dù nhà cùng một phố, cách nhau dăm ba cửa hàng lụa nhưng cô cũng tránh mặt cha. Nếu nhìn thấy cha đi làm về từ xa, thể nào cô Lụa cũng bỏ quầy chạy vào nấp sau tải lụa… ngậm ngùi chờ cho bóng cha khuất hẳn vào nhà thì cô mới lại ra ngồi bán hàng.

Cô Lụa làm liên lạc viên tình yêu cho cha với mẹ vì cô Lụa thương cho mối tình của cha mẹ hay vẫn còn vương vấn với cậu thiếu niên công tử thì không ai hiểu rõ ngoài chính cô Lụa. Chỉ biết cuối tuần cô đến nhận hàng, đưa len cho mẹ, kèm những bức thư của cha gửi ở hàng nước bà mù lên cho mẹ, và đồng thời đưa thư của mẹ qua bà mù cho cha… 

Một thời gian, thấy mẹ buồn bã ngẩn ngơ, gầy rộc đi vì thương nhớ cha, cô Lụa đã hiến kế cho mẹ sao không tìm cách lấy chìa khoá cổng và chìa khoá nhà đánh thêm một chiếc nữa cho cha tiện tìm cách lẻn vào với mẹ.

Kế của cô Lụa hiến, đã đánh trúng con tim đang ngập giông bão vì yêu của mẹ. Chính cô Lụa đã giúp mẹ đi đánh thêm chìa khoá và bỏ vào phong thư qua bà hàng nước mù để đưa cho cha. 

Nhờ đó mà cha mẹ đã có những phút giây bên nhau dẫu hiếm hoi, ngắn ngủi nhưng vô cùng hạnh phúc… Ngày đó cha yêu mẹ đến mức, sẵn sàng làm mọi cách để cưới được mẹ và để cho hai bên gia đình phải chấp nhận mối tình của cha.

Mẹ mang thai tôi, đứa con đầu lòng của cha và mẹ giữa lúc mối tình đang bị hai bên triệt để cấm đoán. Khi mẹ mang thai rồi, cha quyết tâm chờ ông bà ngoại đi làm về xin lên nhà để nói rõ sự tình… Ông bà ngoại ngất lên ngất xuống vì thương mẹ và hoảng sợ.

Nhưng trước sự chân thành và tha thiết của cha, ông bà ngoại đã bị thuyết phục bởi những tình cảm mãnh liệt của cha đối với mẹ. Thú thực, ông bà ngoại cũng xúc động, mừng tủi ơn trời bởi con gái tật nguyền của mình được ông trời se cho mối duyên lành ngoài sức tưởng tượng…

Nhưng ông bà nội thì kiên quyết từ cha nếu cha quyết tâm rước cô gái tật nguyền về làm vợ. Thà họ không có con, còn hơn thêm một đứa con tật nguyền về nhà…

Thế là ông bà ngoại bất đắc dĩ phải đứng ra tác thành cho cha và mẹ nên duyên vợ chồng… Khi ấy mẹ đang mang thai tôi, bình thường mọi sinh hoạt đã phải có người lo, giờ bụng mang dạ chửa, mẹ rất khó khăn trong sinh hoạt. 

Ông bà ngoại bảo cha dọn về ở với nhà vợ, vì thực sự lúc đó ông bà nội đã từ rồi, và đuổi cha ra khỏi nhà, cha cũng không có chỗ nào để ở trong lúc mẹ sắp sinh. Thế nhưng cha kiên quyết từ chối. Cha dốc toàn bộ tiền lương để mua một mảnh đất ở bên kia cầu Long Biên… cha hứa cha sẽ làm cho mẹ một ngôi nhà mà mở cửa ra đã thấy sông Hồng trước mặt.

Khi mẹ mang thai tôi, cha đã về thưa chuyện với ông bà nội nhưng không được chấp nhận. Bà nội khóc hết nước mắt vì thương cha. Còn ông nội thì nỗi đau đớn thất vọng vì sự lựa chọn của con trai làm cho ông điêu đứng... 

Tuy nhiên ông bà là những người có học, có nhận thức cao nên kiên quyết từ chối cuộc hôn nhân của cha nhưng không nỡ làm khó cha khi cha quyết định dập đầu tạ lỗi với ông bà nội để sang bên kia cầu Long Biên mua đất dựng nhà lập nghiệp ở riêng… 

Suốt mấy tháng liền, cha cóp lương mua từng cây tre và tự dựng nhà. Được sự giúp đỡ của mấy người bạn, cuối cùng cha cũng dựng nên được nếp nhà tranh 3 gian gọn gàng xinh xắn trên bãi bồi giữa bốn bề đồng không mông quạnh bốn mùa ngập nước sông Hồng dâng cao. Cha mang mẹ sang nhà mới và bắt đầu một cuộc sống như trong tiểu thuyết "một mái nhà tranh hai trái tim vàng".

Cha ngày hai bữa đạp xe qua Hà Nội đi làm, và vẫn giữ công việc ở Nha Tài chính Đông Dương để đảm bảo nguồn lương nuôi cả nhà. Mẹ mang bầu nặng nề mệt mỏi không còn nhận hàng len thủ công về đan. Ông bà ngoại đều đang đi làm nhà nước, không ai có thể bỏ việc sang bên kia để giúp đỡ mẹ. Cha đi làm, mẹ phải tự mình ở nhà xoay xở. Cha liên lạc với một bà mụ đỡ đẻ quanh vùng đó, nếu có chuyện thì ngay lập tức thuê xe tay kéo mẹ sang nhà hộ sinh Hoàn Kiếm rồi báo tin để cha về… 

Cũng may giữa cha và mẹ có một tình yêu dài rộng như sông bể, nên bao khó khăn, cha mẹ đều cắn răng vượt qua…

Điều đặc biệt nhất là thỉnh thoảng cô Lụa bỏ cửa hàng trên phố cho người làm, rồi đạp xe sang Gia Lâm thăm mẹ. Mỗi lần sang cô Lụa đèo túi to túi nhỏ đồ ăn thức uống, hoa quả hàng phố, và không quên mang hàng cho mẹ khi nào thích thì giở ra đan cho đỡ buồn… 

Cô Lụa tâm lí đến nỗi khi biết mẹ sắp sinh, cô thường đi xin vải thừa vải vụn ở nhà may quen trên phố mang sang cho mẹ cắt may đồ sơ sinh chuẩn bị đón đứa con trong bụng chào đời. 

Mẹ ở bên đó mênh mông sông nước, làng xóm xa lạ chưa quen nên buồn. Với lại mẹ tật nguyền không đi lại được, cả ngày ru rú trong nhà nên lại càng hiếm người nói chuyện. Chị em gặp nhau vài tiếng đồng hồ mừng vui bao nhiêu chuyện rơi cả nước mắt vì cảm động. 

Cô Lụa không nói tên thật với mẹ, chỉ bảo tên là Đào. Mẹ chỉ biết cô Lụa tên Đào, nên cha đi làm về, mẹ lại hay kể chuyện cô Đào bạn thân và tốt với mẹ cho cha nghe. Và cũng chỉ đến khi cha mẹ nên duyên vợ chồng, mẹ mới kể tỉ mỉ cặn kẽ cho cha nghe chuyện cô Đào giúp mẹ liên lạc với cha qua bà hàng nước mù trước ngõ như thế nào. 

Nhờ có cô Đào hiến kế đánh thêm chìa khoá, cha mẹ mới gặp gỡ nhau, nên duyên vợ chồng. Cha nghe chuyện mẹ kể về cô Đào, cảm kích lắm, chỉ mong một lần gặp mặt cô Đào để tạ mối ơn nghĩa to lớn này.

Cha biết mẹ sống một mình trong ngôi nhà sẽ buồn nên cha hứa sẽ trồng cho mẹ một khu vườn đầy cây ăn quả và hoa… Cha nói sẽ cố gắng trồng và chăm bón thật nhanh, làm sao cho khu vườn sẽ nở đầy hoa khi đón con đầu lòng… Cha hứa và làm thế thật. Cha múc đất ở bãi bồi ven sông về đắp lên khu vườn rộng. Cha thuê cả thợ trong làng làm vườn… Cha trồng xung quanh vườn chủ yếu là các loại cây ăn quả. Còn bao bọc trong khu vườn là những luống rau xanh ngắt và hoa. Cha trồng cả vườn hoa đào và hoa hồng, hoa thược dược, hoa violet cho mẹ… 

Nhưng nhiều nhất vẫn là hoa đào và hoa hồng. Hoa đào vào dịp Tết mới nở rộ, còn hoa hồng trổ hoa quanh năm thơm ngào ngạt. Tất nhiên hồi mới trồng, cha cũng phải thuê người gầy giống và chăm bón… 

Cha nói với tôi, ngày mẹ trở dạ sinh tôi, cây đào tết bói lứa hoa đầu tiên, và một mình nó trổ bông trong vườn cây đang còn nhú lá. Cây đào cha mua gốc lớn trên làng hoa Ngọc Hà, khi mang về đã bói nụ. Cha trồng cây đào cổ này bên cửa sổ nơi mẹ ngồi đan len và khâu quần áo cho con. Cha muốn, ngay cả khi cha đi làm bận không có nhà thì mở cửa sổ ra mẹ đã có thể ngồi đọc sách và trò chuyện cùng hoa...

(Còn nữa)
Hoàng Hoa (Hà Nội)

Lời Ban biên tập

Kính thưa quý độc giả!

Khi đặt bút viết những dòng này kể lại câu chuyện khó tin nhưng có thật trên để kết thúc chuyên mục đã tồn tại 18 năm qua, người giữ chuyên mục này không khỏi bồi hồi xúc động. Một câu chuyện tình của cha quá đẹp đẽ đã mang lại những nhiệm màu cho cuộc đời của một thiếu nữ tật nguyền. 

Và bởi vậy, lòng người viết, khi nhả chữ, vẫn run lên với những gì đẹp đẽ nhất, sáng trong nhất, ấm áp nhất đã xảy ra trong cuộc đời của họ, sưởi ấm và lấp đầy những thiếu thốn khiếm khuyết trong cuộc đời của họ mà người viết được chứng kiến. Có thể nói đó là một câu chuyện tình tay ba như trong tiểu thuyết của người cha bà Hoàng Hoa…

Cuộc đời này, trong đâu đó những góc khuất sâu thẳm, không phải chỉ có u ám, đen tối, chỉ có cay đắng, nhọc nhằn… mà sáng lên những ánh sáng tinh khiết của đời sống. 

Những ánh sáng lộng lẫy đó, chỉ có thể bắt nguồn từ tình yêu, từ những thiện lành từ trái tim con người mang lại. Con người là chủ nhân duy nhất tạo ra tất cả những cung bậc cảm xúc của đời sống… do đó nguồn năng lượng mà họ tạo ra cũng bắt nguồn từ căn cốt của chính con người họ.

Kính mời quý độc giả đón đọc tiếp kỳ cuối câu chuyện "Mẹ đã sống một cuộc đời lộng lẫy" trên chuyên mục "Những chuyện khó tin nhưng có thật" cuối cùng, phát hành cuối tháng 12 năm 2018. Trân trọng.

ANTG GT số 131
.
.
.