Chiêm ngưỡng chú khỉ nhân bản vô tính đầu tiên trên thế giới

Thứ Sáu, 26/01/2018, 13:30
Lần đầu tiên trong lịch sử nghiên cứu, các nhà khoa học Trung Quốc đã ứng dụng thành công kỹ thuật nhân bản vô tính để tạo ra hai chú khỉ khỏe mạnh. 

Kể từ khi các nhà khoa học Scotland nhân bản vô tính thành công chú cừu Dolly vào năm 1996, nhiều loại động vật có vú khác cũng đã được thử nghiệm nhân bản, bao gồm cả chó, mèo và lợn. 

Thế nhưng những phương pháp tương tự không đem lại hiệu quả khi áp dụng lên loài linh trưởng như loài khỉ, The Guardian nhận định. Đó là lý do vì sao việc nhân bản vô tính thành công khỉ được coi là một bước đi đáng kể trong quá trình nghiên cứu kỹ thuật nhân bản vô tính.

Clip ghi lại hình ảnh hai chú khỉ được nhân bản vô tính thành công. Nguồn: Youtube

Nhà nghiên cứu Muming Poo thuộc Viện hàn lâm khoa học Trung Quốc tại Thượng Hải khẳng định: "Rào cản trong việc nhân bản vô tính các loài linh trưởng đã được vượt qua".

Sử dụng kỹ thuật từng áp dụng khi nhân bản chú cừu Dolly, các nhà khoa học tại Viện Khoa học thần kinh ở Thượng Hải đã thành công trong việc nhân bản vô tính hai chú khỉ dễ thương và khỏe mạnh, với tên gọi Hua Hua và Zhong Zhong. Hai chú khỉ đều đang ở trong khoảng 7 đến 8 tuần tuổi.

Hai chú khỉ đáng yêu này được nhân bản theo phương pháp "Chuyển nhân tế bào sinh dưỡng" – somatic cell nuclear transfer (SCNT). Đây là một kỹ thuật trong đó nhân của tế bào sinh dưỡng (tế bào sinh dưỡng là mọi loại tế bào của cơ thể trừ các dòng tế bào sinh dục tinh trùng và trứng), được chuyển vào trứng đã loại bỏ nhân. 

Lúc này, trứng có DNA hay vật chất di truyền của tế bào sinh dưỡng cho nhận. Khi nhận được những tín hiệu phù hợp, trứng này có thể phát triển như là trứng được thụ tinh.

Hình ảnh hai chú khỉ vô cùng khỏe mạnh. Ảnh: CAS

Hua Hua và Zhong Zhong là hai chú khỉ duy nhất được sinh ra và sống sót sau 6 lần mang thai, kết quả từ việc cấy 79 phôi được nhân bản vào 21 con đại diện. Hai chú khỉ khác cũng được nhân bản từ một loại tế bào khác, nhưng không sống sót.

Nhóm nghiên cứu tại Viện Khoa học Thần kinh Trung Quốc cho rằng công trình của họ sẽ giúp giới y khoa nghiên cứu bệnh tật trong quần thể khỉ giống nhau về mặt di truyền. 

Hai chú khỉ Zhong Zhong và Hua Hua. Ảnh: CAS

Tuy nhiên, nghiên cứu cũng mở ra cuộc tranh luận lớn. Chuyên gia nhân bản người Anh, Giáo sư Robin Lovell-Badge, đến từ Học viện Francis Crick ở London, lại lo sợ rằng điều này có thể dẫn đến việc nhân bản con người.

Phản ứng trước nhận định này, ông Muming Poo, thành viên nhóm nghiên cứu, khẳng định với báo giới: "Con người cũng là một loài linh trưởng. Rào cản về kỹ thuật để nhân bản vô tính các loài linh trưởng, kể cả con người, nay đã bị phá vỡ. Lý do chúng tôi phá vỡ rào cản trên là để tạo ra các mẫu động vật hữu ích cho y học và sức khỏe con người. Chúng tôi không có ý định áp dụng phương pháp này vào con người".

Theo ông Poo, mục đích nghiên cứu của nhóm ông là tạo ra nhiều con khỉ có bộ gene giống hệt nhau để sử dụng trong các nghiên cứu y khoa. 

Lam Ninh (T.H)
.
.
.