Câu chuyện thứ 212: Mẹ đừng chăm bẵm con trai mình như thế

Thứ Tư, 24/09/2014, 14:00

Kính thưa các cô chú ở tòa soạn Báo An ninh Thế giới Cuối tháng

Cháu có một nỗi băn khoăn day dứt đã nhiều năm nay. Đó là chuyện giữa cháu và mẹ cháu. Cháu không biết phải nói ra thế nào cho đúng, cho phải đạo hiếu làm con. Nhưng nếu cứ giữ mãi, chất chứa trong lòng thì cháu sợ cháu sẽ bị thần kinh trầm uất mất các cô chú ạ. Mỗi lần nghĩ đến chuyện này cháu buồn vô hạn. Một nỗi buồn không có lối thoát.

Thưa các cô, các chú! Mối quan hệ hiện tại của cháu và mẹ cháu là rất phức tạp, khó nói, khó phán xét. Cháu xin được kể tuần tự từ đầu đến cuối câu chuyện của cháu để các cô chú hiểu, và cho cháu lời khuyên, sự chỉ dạy cho tình huống hiện tại của cháu. Cháu là con trai độc nhất của mẹ cháu. Mẹ cháu có một cuộc hôn nhân không trọn vẹn. Bởi vậy, khi sinh ra, cháu là đứa trẻ không có được một cuộc sống may mắn như nhiều đứa trẻ khác là có một gia đình bình yên đúng nghĩa, có đủ đầy cả bố lẫn mẹ. Bố mẹ cháu yêu nhau từ thời sinh viên. Một cuộc tình theo như ông bà ngoại kể lại thì lẽ ra đã rất là đẹp. Bố mẹ cháu yêu nhau từ năm thứ 2 đại học. Ra trường, cả hai bố mẹ đều đi làm ở một Viện nghiên cứu quốc gia. Vừa vào đi làm được mấy tháng, bố cháu thi được học bổng đi làm thạc sỹ hai năm ở nước ngoài. Lúc đó bố mẹ cháu còn trẻ, mới ngoài 20 tuổi. Mẹ cháu động viên bố cháu. Hai bố mẹ mới ra trường, điều kiện còn khó khăn, tuổi còn trẻ. Giờ bố có được cơ hội vàng, phải tập trung tất cả cho việc phấn đấu sự nghiệp. Tình yêu càng thử thách càng bền chặt. Mẹ ở nhà chờ đợi bố, khi nào xong bằng thạc sỹ trở về, bố mẹ mới tổ chức đám cưới.

Tình yêu của bố mẹ cháu ngày càng lớn lên trong những năm tháng cách xa. Dù thời của bố mẹ cháu không phải là thời bao cấp ngày xưa, cuộc sống đã đổi mới, các mối quan hệ đã cởi mở phóng khoáng. Tình yêu cũng vì thế mà hiện đại hơn, nhiều lựa chọn hơn, không bị những ràng buộc cũ kỹ chi phối. Thế nhưng dù không ở gần nhau như những đôi lứa khác, song cả bố và mẹ cháu vẫn hướng về nhau trong mối tình nồng nàn chung thủy. Bố cháu hoàn thành chương trình thạc sỹ ở nước ngoài thì về nước và tổ chức đám cưới với mẹ. Mẹ cháu cũng là  một cán bộ nghiên cứu rất giỏi, rất có tương lai nhưng theo ông bà ngoại cháu kể lại thì mẹ đã chọn cách lùi phía sau bố để làm một người vợ hiền thảo, một người đàn bà dành tất cả sự nghiệp phấn đấu cho chồng. Sau khi cưới, mẹ mang thai rồi sinh con trai đầu lòng chính là cháu.

Khi cháu được 1 tuổi rưỡi thì bố cháu được chuyển công việc sang Bộ Ngoại giao và đi nước ngoài công tác thường xuyên. Thấy bố ngày một trưởng thành trong sự nghiệp, mẹ càng mừng, ông bà nội ngoại hai bên cũng hởi lòng hởi dạ. Nhưng cũng từ ngày bố chuyển sang đơn vị mới, tình cảm của bố mẹ cháu  bắt đầu rạn nứt. Thực ra, nói một cách công bằng và chính xác thì sự rạn nứt ấy chỉ bắt đầu từ một phía bố cháu mà thôi. Mẹ vẫn một lòng một dạ yêu bố, tin tưởng bố. Tình yêu của mẹ không đơn thuần là tình cảm an phận của một người đàn bà yêu chồng. Mẹ yêu bố bằng tình yêu có cả sự tôn thờ ngưỡng mộ chồng mình. Chính sự tôn thờ thái quá, yêu thương nhất mực, một dạ một lòng, nghe và tin lời bố, mà mẹ đã không một mảy may nhận ra trong tâm hồn chồng mình đã có những thay đổi kể từ ngày bố chuyển sang Bộ Ngoại giao. Mẹ cũng không hề nhận ra những giằng xé trong tâm hồn bố từ ngày bố có chuyện tình cảm ngoài luồng. Chỉ đến khi cô nhân tình trẻ, đồng nghiệp ít tuổi của bố ở Bộ Ngoại giao tìm đến nhà mẹ, quỳ thụp trước mẹ khóc lóc với đứa con của bố trong bụng cô ấy thì mẹ mới bổ ngửa ra.

Mẹ khuỵu xuống, ốm nặng mất một tháng, mái tóc đang xanh mướt rụng hơn phần nửa. Khi mẹ gượng dậy được, việc đầu tiên mẹ làm là viết đơn ly dị chồng. Hôn nhân của bố mẹ cháu tan vỡ mà ông bà hai bên, tất cả bạn bè, đồng nghiệp, người trong cuộc đều choáng váng không thể nào hình dung nổi. Bản thân cháu lúc đó cũng đã được 5 tuổi. Cháu cũng không hề phải chứng kiến một lần cãi vã của bố mẹ cháu cho đến khi bố mẹ cháu ra tòa. Trong ký ức non nớt của đứa trẻ 5 tuổi là cháu chỉ còn giữ lại được hình ảnh suốt cả một thời gian dài, bố cháu thường ngồi im lặng hút thuốc trong bóng tối của phòng khách. Mẹ không nói thêm lời nào với bố kể từ độ ấy. Mẹ cháu ôm cháu ngủ. Đêm nào, nước mắt của mẹ cũng chảy thấm ướt cả má cháu. Mà sau này, khi bố đã đi khỏi nhà, mất rất nhiều năm sau đó nước mắt mẹ vẫn chảy mỗi khi ôm cháu ngủ. Cả trong mơ, khi mẹ ngủ say, nước mắt mẹ vẫn cứ ướt tràn má. Cháu quen với những dòng nước mắt âm ấm trên má của mẹ, của cháu như nhớ một thói quen khi ngủ của hai mẹ con. Quen đến nỗi sau này, mỗi khi tỉnh giấc thấy má mẹ khô, thấy má mình không bị ướt bởi dòng nước mắt âm ấm, cháu  lại đùa mẹ: “Mẹ ơi, mẹ không còn khóc nữa là tim đã vui trở lại rồi hả mẹ”. Những lúc như vậy mẹ lại ôm cháu vào lòng.

Bố cháu cưới nữ đồng nghiệp trẻ, sinh thêm một em trai. Sau này ông bà ngoại nói hôn nhân của bố mẹ tan vỡ là do bố quá bế tắc trong chuyện tình cảm không thể xử lý được. Bố vẫn còn yêu thương mẹ nhiều, nhưng có một người phụ nữ trẻ còn yêu bố quyết liệt và chiếm đoạt bố hơn cả mẹ. Trong khi mẹ vì tổn thương mà rời xa bố thì người phụ nữ trẻ kia lại làm tất cả mọi thứ để tranh giành bố. Hôm ở tòa, bố khóc khi ký đơn ly hôn. Bố khóc nghĩa là bố còn thương mẹ nhiều. Bố ít khi về thăm cháu. Có lần hồi còn thơ bé, cháu nghe ông ngoại mắng mẹ là để bố nó về thăm con, không được đối xử nghiệt ngã với con trai mà tội nghiệp và thiệt thòi cho nó. Mẹ cháu trả lời: Con trai con cần tình yêu thương của mẹ nó là đủ đầy rồi. Ông đừng lo, con ở vậy nuôi cháu và dành hết tình cảm cho cháu. Bố nó đã có con trai mới, hãy để cho con trai con được bình yên bên con.

Mẹ cháu ở vậy nuôi cháu thật. Mọi yêu thương bây giờ mẹ trút hết cho con trai bé nhỏ. Từ bé cháu được ông bà bố mẹ rất nuông chiều. Ngoài đi làm, công việc ở cơ quan, mẹ dành hết thời gian để chăm sóc con trai, đưa đón con đi học. Mẹ có thể bỏ thời gian, mua sách vở, nghiên cứu các tài liệu nước ngoài, làm những món ăn cầu kỳ bổ dưỡng cơ thể, phát triển chiều cao, kích thích phát triển trí não cho cháu. Mẹ dạy cháu đọc sách, học ngoại ngữ và truyền cho cháu cảm hứng học tập. Mẹ đưa cháu đi học đàn, học vẽ, mẹ quyết tâm nuôi dạy cháu học giỏi, thành đạt.  Mẹ cũng làm thạc sỹ, phấn đấu giữ được một chức vụ nho nhỏ là giám đốc một trung tâm ở Viện nghiên cứu. Công bằng mà nói, những năm tháng ấu thơ, cháu không hề cảm thấy thiếu vắng bố hay cần phải có bố. Hình ảnh về bố vốn đã nhạt nhòa trong ký ức ít ỏi, giờ lại ngày càng mờ nhạt hơn trong trí óc thơ ngây của cháu. Từ bé cháu đã quen với một cuộc sống chỉ có hai mẹ con, quen với cuộc sống không có hình bóng bố. Mẹ yêu thương cháu đủ đầy đến mức cháu nghĩ làm sao cứ nhất thiết phải có bố mới là một đứa trẻ hạnh phúc. Mẹ đưa đón đi học, dành nhiều thời gian để chơi với cháu, tối đến mẹ ôm cháu ngủ. Buổi tối thì mẹ hầu như không vắng nhà bao giờ. Buổi tối là thời gian hạnh phúc ấm áp của cháu khi lúc nào đi ngủ cũng được rúc vào cánh tay mẹ, hít hà hơi ấm từ ngực mẹ, tóc mẹ, má mẹ. Khi nào mẹ phải đi công tác xa vài ngày hay một tuần, nếu rơi vào ngày hè, mẹ đều đưa cháu đi cùng. Nếu vào năm học không nghỉ được, thì hai mẹ con rất khổ sở vì nhớ nhau. Vắng mẹ cháu rất khó ngủ, thường thì bà ngoại phải sang nằm cùng, phải mất đến quá nửa đêm đến khi mệt quá cháu mới thiếp đi. Mỗi lần mẹ đi công tác là y như rằng, đêm nào mẹ cũng “nấu cháo” điện thoại với cháu, hỏi thăm, dặn dò đủ thứ. Ông bà ngoại vẫn mắng mẹ cháu là nuôi con như thế là làm hại con vì đứa trẻ mãi mãi cứ phụ thuộc vào mẹ mà không tự lập được. Con trai thì bám hơi mẹ, hợp mẹ nên nếu không dạy con tự lập, tách con ra thì hai mẹ con cứ bám nhau như sam à.  Mỗi lần ông bà mắng, mẹ cháu chỉ cười trừ. Hai mẹ con vẫn ôm nhau ngủ từ khi cháu lọt lòng mẹ cho đến ngay cả khi cháu đã lớn trưởng như chàng thanh niên. Với mẹ cháu, dù cháu có to xác đến đâu thì vẫn là con trai bé nhỏ của mẹ. Mẹ cháu không thể ngủ được khi không ôm cháu, vuốt ve hôn hít yêu thương cháu. Thiếu hơi ấm, vòng tay của mẹ, thiếu những cảm xúc yêu thương cụ thể của mẹ, cháu trằn trọc không ngủ được. Mẹ cháu vẫn giữ thói quen âu yếm cháu từ bé cho đến giờ. Cháu vẫn được mẹ cọ má, véo tai, vỗ lưng và nắn hai chân hai tay như hồi còn bé.

Cuộc sống của mẹ con cháu rất ổn, rất hạnh phúc cho đến khi cháu lớn lên, trưởng thành và lần đầu tiên biết đến cảm xúc khác biệt của tuổi mới lớn. Đó là năm cháu học lớp 11, cháu tròn 16 tuổi. Trong tiệc sinh nhật của mình, lần đầu tiên cháu xin mẹ không phải làm sinh nhật cho cháu mà để cháu tổ chức ở ngoài mời mấy người bạn thân. Mẹ đồng ý với một điều kiện chỉ được phép tổ chức tiệc ở nhà. Sinh nhật 16 tuổi, cháu mời 5 bạn trai và 3 bạn gái thân nhất của mình tới nhà. Đó là một bữa tiệc rất vui. Mẹ làm bánh pizza, mì Ý và bánh kem cho cháu. Mẹ không dự tiệc cùng chúng cháu mà mẹ vào phòng ngủ đọc sách nên chúng cháu tha hồ quậy. Tiệc sinh nhật tàn, mẹ dọn dẹp nhà cửa xong, lúc lên giường đi ngủ, mẹ ôm cháu vào lòng, vuốt ve cháu và hỏi: “Mẹ hỏi con trai mẹ nhé! Mẹ đoán trong số 3 bạn nữ đến dự tiệc sinh nhật của con, con thích một bạn đúng không”. Cháu rất vô tư, vì từ nhỏ có gì cũng chia sẻ với mẹ như bạn lớn. Cháu vờ trả lời ráo hoảnh: “Con chẳng thích ai cả”. Mẹ dí sát gương mặt của cháu vào mẹ và cười: “Con trai nói dối mẹ rồi, mẹ nằm đọc sách trong phòng ngủ mà mẹ cũng biết con thích cái Hương”. Cháu tròn mắt la lên: “Ôi sao mẹ tài thế”. Mẹ lẳng lặng không nói gì. Mẹ ôm cháu vào lòng, xoa xoa lên lưng cho cháu và bảo: “Con trai mẹ ngủ đi để mai còn đi học”. Đêm đó lần đầu tiên sau một khoảng thời gian dài, rất dài, cháu thấy trên má mình lại có dòng nước mắt âm ấm của mẹ thấm vào…

(Còn nữa)

Kính thư: Tạ Biên T. (phố Vạn Phúc, Hà Nội).

Lời người biên tập

Bạn đọc quý mến! Chúng ta vẫn thường nghe kể về những câu chuyện ngoài lề, những câu chuyện không chính thống được gọi bằng thuật ngữ: “Buôn chuyện” về những tình yêu thái quá, đặc biệt của người mẹ đối với con trai. Tình yêu đó đôi khi vượt quá ranh giới của tình mẫu tử thiêng liêng. Tình yêu đó đôi khi quá kỳ lạ, không biên giới, thậm chí quá đi thứ tình cảm thông thường của mẹ và con. Chúng ta vẫn thường nghe người này nhận xét người kia, bà mẹ này nhận xét bà mẹ kia bằng một câu đại loại như: “Bà này yêu con trai mình quá, yêu như yêu tình nhân vậy”. Hay: “Đừng có nuôi dạy con trai như sở hữu thế. Cứ như món của quý của riêng muốn làm gì thì làm vậy. Đừng có yêu con trai như yêu tình nhân đấy nhé…”.

Câu chuyện mẹ yêu con trai như yêu “tình nhân” trong nháy những tưởng chỉ có trong những câu chuyện phiếm ngoài lề giữa các bà mẹ buôn chuyện với nhau mà không xảy ra trong đời thực. Thế nhưng khi đọc bức thư của bạn Tạ Biên T., chúng tôi mới thấm thía một điều, không có gì là không thể xảy ra. Trong tình mẫu tử, thứ tình thiêng liêng máu mủ nhất nếu những người trong cuộc vì yêu thương quá mức, quá đà đã không thể cân bằng được chính xúc cảm của mình. Chính lòng yêu thương mù quáng của người mẹ đã trút gánh nặng tình cảm lên con cái của mình. Câu chuyện của bạn Tạ Biên T. còn dài, còn nhiều tình tiết và nhiều nội dung trong mối quan hệ tình cảm phức tạp này. Chúng tôi dành để bạn đọc theo dõi hết toàn bộ nội dung câu chuyện trước khi đưa ra những lời khuyên đối với bạn Tạ Biên T. Mời quý độc giả tiếp tục theo dõi phần còn lại của câu chuyện ở số báo sau.

.
.
.