Trao lại hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B và triển lãm “Kỷ vật thời thanh xuân”

Thứ Hai, 25/07/2022, 18:06

200 hồ sơ, hiện vật của cán bộ đi B được giới thiệu rộng rãi đến công chúng và 15 hồ sơ, hiện vật đã tìm lại được chủ nhân sau hàng chục năm được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Cục Văn thư Lưu trữ Nhà nước.

Chiều 25/7, tại Hà Nội, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Cục Văn thư Lưu trữ Nhà nước đã tổ chức lễ trao trả hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B và khai mạc triển lãm “Kỷ vật thời thanh xuân”. Đồng chí Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã đến dự, tham quan triển lãm.

Triển lãm và trao lại hồ sơ, hiện vật của cán bộ đi B -0
Đồng chí Lê Hải Bình và các đại biểu tại buổi lễ.
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư Lưu trữ Nhà nước cho biết, lễ trao hồ sơ, hiện vật của cán bộ đi B và triển lãm “Kỷ vật thời thanh xuân” nhằm phát huy giá trị khối tư liệu đang được bảo quản tại các Trung tâm lưu trữ quốc gia thuộc Cục Văn thư Lưu trữ Nhà nước.

Đây cũng là hoạt động thể hiện sự tôn vinh và tri ân đối với những người có công với đất nước; nâng cao ý nghĩa giáo dục và phát huy truyền thống cách mạng trong nhân dân, nhất là đối với thế hệ trẻ. Qua triển lãm, Ban Tổ chức mong muốn giới thiệu rộng rãi khối hồ sơ, kỷ vật nhằm thông tin để cán bộ đi B hoặc người thân sớm biết được và nhận lại hồ sơ kỷ vật của mình.

Triển lãm và trao lại hồ sơ, hiện vật của cán bộ đi B -0
Đại diện gia đình cán bộ đi B xúc động nhận lại hồ sơ, kỷ vật của người thân từ đồng chí Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư Lưu trữ Nhà nước.

Triển lãm “Kỷ vật thời thanh xuân” trưng bày 200 hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B theo 3 nội dung chính: Nhiệm vụ đặc biệt; Những kỷ vật biết nói; Khi cuộc chiến đi qua. Đây là hoạt động nhiều ý nghĩa trong dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ, thể hiện sự tôn vinh và tri ân đối với những người có công với đất nước, đồng thời phát huy nguồn sử liệu quý giá, gắn với cuộc đời của hàng vạn con người trong chiến tranh, khi đất nước bị chia cắt.

Qua các hồ sơ, kỷ vật tại triển lãm, công chúng có dịp tìm hiểu về một thời hào hùng của dân tộc, trong đó có rất nhiều lá đơn tình nguyện, nhiều tư liệu, trang viết đặc biệt thể hiện sự quyết tâm, tình nguyện của các cán bộ đi B sát cánh cùng đồng bào miền Nam kháng chiến…

Triển lãm và trao lại hồ sơ, hiện vật của cán bộ đi B -0
Hồ sơ của nhà thơ Nguyễn Mỹ - tác giả bài thơ "Cuộc chia ly màu đỏ".

Dịp này, Ban tổ chức cũng đã tổ chức trao lại hồ sơ, hiện vật của 15 cán bộ đi B, trong đó có hồ sơ của nhiều người nổi tiếng như nhà thơ Lê Anh Xuân, nhà văn Dương Thị Xuân Quý, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm… Hồ sơ và kỷ vật đặc biệt – chiếc nhẫn vàng của cán bộ đi B Lê Đình Khương cũng sẽ được trao lại cho thân nhân sau nhiều năm được bảo quản tại kho lưu trữ của Trung tâm.

Theo Cục Văn thư Lưu trữ Nhà nước, hiện tại, Cục đã xây dựng cơ sở dữ liệu để tra cứu trên mạng internet với hơn 72.000 hồ sơ cán bộ đi B không thuộc khối lực lượng vũ trang. Các cán bộ đi B hoặc thân nhân có thể tra cứu thông tin hồ sơ tại các địa chỉ:  http://ltqg3.luutru.gov.vn/hosodib2; http://ltqg3.luutru.gov.vn/hosodib1; http://ltqg3.luutru.gov.vn/hosodib/ hoặc tra cứu tại Phòng Đọc, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, số 34 Phan Kế Bính, phường Cống Vị, quận Ba Đình, TP Hà Nội. Số điện thoại tra cứu thông tin: 0912777035. Số điện thoại giao nhận kỷ vật: 091 7916161/0989977989.

Triển lãm và trao lại hồ sơ, hiện vật của cán bộ đi B -0
Hồ sơ, kỷ vật của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm.

Cán bộ đi B và gia đình nhận kỷ vật trực tiếp tại Trung tâm cần mang theo Chứng minh thư/Thẻ căn cước công dân hoặc Giấy ủy quyền có xác nhận của chính quyền địa phương (nếu là thân nhân của cán bộ đi B). Cán bộ đi B và thân nhân nhận bản sao hồ sơ có thể nhận trực tiếp tại Trung tâm hoặc gửi Đơn đề nghị cấp bản sao hồ sơ tới Trung tâm cùng với giấy tờ cá nhân có xác nhận của chính quyền địa phương. Toàn bộ thủ tục tra cứu và giao nhận hồ sơ, kỷ vật được thực hiện miễn phí.

N.Hoa
.
.
.