Nghề rèn xà gạc của người Mạ ở Lâm Đồng

Thứ Ba, 09/11/2021, 08:42

Trong cuộc sống sản xuất và tín ngưỡng tâm linh cộng đồng của bà con người Mạ ở xã Đồng Nai Thượng, huyện Cát Tiên (Lâm Đồng), chiếc xà gạc luôn giữ một vai trò đặc biệt quan trọng. Là con trai, nếu chưa biết rèn xà gạc thì chưa được coi là trưởng thành và thường không được những cô gái danh giá “bắt” về làm chồng.

Từ xa đã nghe tiếng kim loại va đập vào nhau vang lên chan chát. Đó là một trong những tay búa rắn rỏi, lành nghề bậc nhất ở xã Đồng Nai Thượng - ông Điểu KTốt (SN 1946) đang trổ tài rèn nông cụ sản xuất để phục vụ bà con địa phương. Hàng chục năm qua, đều đặn mỗi ngày, lò tôi thép thủ công của gia đình Điểu KTốt luôn trong trạng thái đỏ lửa.

Trước đây, nông cụ sản xuất của bà con người Mạ chủ yếu là xà gạc, cuốc, xẻng, liềm... thì nay, nghề rèn sản xuất ra nhiều dụng cụ kim khí với số lượng đa dạng hơn. Những thợ rèn người Mạ lành nghề ở xã Đồng Nai Thượng còn rèn, đúc cả một số bộ phận của các loại máy móc cơ giới sản xuất nông nghiệp như bộ phận làm đất, dàn lưỡi cày máy, thùng xe công nông, máy cày... Thậm chí, còn có người sáng chế ra một số máy móc đơn giản để hỗ trợ việc sản xuất cho bà con nông dân tiện lợi hơn.

Nhưng với người Mạ ở xã Đồng Nai Thượng, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng, thiêng liêng nhất vẫn là rèn xà gạc, một loại giống dao phát cỏ phổ biến trên thị trường. Với đồng bào nơi đây, mỗi chiếc xà gạc không đơn thuần chỉ là dụng cụ phục vụ việc phát rẫy, làm nương không thể thiếu trong mỗi gia đình. Hơn thế, xà gạc còn mang ý nghĩa tâm linh trong các sự kiện trọng đại của một đời người và tín ngưỡng cộng đồng.

vanhoa.jpg -0
Xà gạc gắn liền với lao động sản xuất và đời sống tâm linh của người Mạ ở Lâm Đồng.

Với người Mạ, xà gạc luôn hiện diện trong lễ đặt tên cho con, lễ trưởng thành, lễ ma chay, cầu mùa, mừng lúa mới, hội cồng chiêng... Đây được coi là một vật linh thiêng gắn liền với tín ngưỡng dân gian trong cộng đồng người Mạ. Để tôn vinh loại nông cụ này, trong lễ hiến sinh của người Mạ, thầy cúng thường lấy huyết của con vật bôi vào xà gạc, sau đó khấn mời Yàng (trời) và các vị thần linh về dự lễ hội. Sau nghi lễ, cây xà gạc lại được đặt lên bàn thờ, tuyệt đối không được dùng vào việc khác. Nó được lưu giữ cẩn thận từ đời này sang đời khác như một báu vật của dòng tộc, cộng đồng dân cư truyền đời thế tục.

Ông Điểu KTốt cho biết, với đàn ông người Mạ ở Lâm Đồng, mỗi người một nghề nhưng ai cũng phải biết rèn xà gạc. Để chuẩn bị lễ đặt tên cho con, người cha phải rèn một chiếc xà gạc nhỏ nhắn, hình thức tượng trưng để làm lễ vật dâng cúng thần linh, cầu mong đứa trẻ luôn được sự che chở của vị thần xà gạc, không cho các thần ác, ma quỷ quấy phá và phù hộ cho đứa trẻ hay ăn, chóng lớn, sau này trở thành chàng trai khỏe mạnh, cường tráng…

Khi cậu bé đến tuổi lao động, để chuẩn bị cho lễ trưởng thành, người cha lại đích thân rèn cho con trai mình một chiếc xà gạc thật đẹp và sắc. Trong nghi lễ người cha đặt chiếc xà gạc đó lên vai cậu con trai, với ý nghĩa cầu mong con trai mình sẽ biết rèn và mài những cây xà gạc thật sắc để phát được nhiều cái rẫy, săn được nhiều con thú và đan được nhiều cái gùi… cùng người cha gánh vác công việc của gia đình.

Người thợ lành nghề ở Đồng Nai Thượng khi rèn xà gạc thường đặt ra hai tiêu chí cơ bản để đánh giá một chiếc xà gạc tốt, đó là hình thức phải đẹp và lưỡi phải sắc bén. Thoạt nghe có vẻ rất đơn giản nhưng để đạt được hai tiêu chí này thì lại rất kỳ công và không phải người nào cũng làm được. Điều này phụ thuộc rất lớn vào kinh nghiệm, tài năng của người thợ rèn.

Ông Điểu KBên (SN 1973), ngụ thôn Bù Sa, xã Đồng Nai Thượng cho biết, để có một lưỡi xà gạc tốt phải chọn được loại thép có chất lượng cao. Khi cho vào lò tôi lửa phải đều, rèn thanh sắt thành lưỡi xà gạc là một quá trình đòi hỏi kỹ năng, kinh nghiệm và sự kiên trì của người thợ rèn. Để có một cây xà gạc hoàn chỉnh, một người thợ lành nghề ít nhất phải mất vài ngày nếu đã có đủ dụng cụ cần thiết. Khi lưỡi xà gạc hoàn thiện, việc tìm gốc lồ ô để làm cán cũng không kém phần kỳ công. Người thợ phải tìm bằng được gốc lồ ô vừa khít với phần chuôi xà gạc. Để có một cán xà gạc vừa ý, cây lồ ô phải thật già, cứng, đào được cả phần có gốc đẹp.

Bà Điểu Thị PRợt, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Nai Thượng, huyện Cát Tiên, Lâm Đồng cho biết, hiện tất cả 5/5 thôn trong xã đều có những thợ và lò rèn kim khí chuyên nghiệp. Rèn xà gạc thì hầu như chàng trai nào tới tuổi trưởng thành cũng biết làm. Với bà con người mạ, một chàng trai chưa rèn được xà gạc thì chưa được cộng đồng coi là trưởng thành và thường không được những cô gái danh giá chọn làm chồng. Theo UBND xã Đồng Nai Thượng, nhằm bảo tồn, phát huy nghề rèn truyền thống của người Mạ, xã đang có ý tưởng thành lập tổ hợp tác rèn đồ kim khí để duy trì nghề truyền thống và đa dạng hóa nông cụ sản xuất cho bà con.

“Tới đây, ngoài việc phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt hàng ngày thì sản phẩm rèn còn được chúng tôi hướng tới để phát triển du lịch. Đặc biệt, trong tương lai các lò rèn thủ công chính là những nơi tham quan cho du khách như nghề dệt thổ cẩm truyền thống…”, bà Điểu Thị PRợt, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Nai Thượng cho biết thêm.

Khắc Lịch
.
.
.