Gặp nhạc sĩ hát ca khúc “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng”

Thứ Ba, 16/05/2023, 06:18

Sau nhiều lần lỡ hẹn, cuối cùng tôi cũng được gặp nhạc sĩ Trần Viết Bính khi ông từ Đồng Nai ra Hà Nội làm chương trình của VTV “Tự hào giai điệu Việt Nam” nhân dịp sinh nhật lần thứ 133 của Bác Hồ (19/5/1890 – 19/5/2023). Một nhạc sĩ Trần Viết Bính chân tình, gần gũi, cởi mở khiến cuộc gặp giữa chúng tôi quyến luyến chẳng muốn rời xa.

Dù đã ở tuổi 89 nhưng nhạc sĩ Trần Viết Bính vẫn còn rất khỏe khoắn qua từng cử chỉ, hành động, giọng nói và đặc biệt là trí nhớ của ông vẫn còn rất minh mẫn. Với ông, đợt ra Hà Nội lần này là niềm mơ ước ở tuổi xế chiều khi đã lâu lắm rồi ông mới được hít thở không khí của Thủ đô, được sống lại với ký ức một thời trai trẻ đầy sôi nổi và đam mê.

Gặp nhạc sĩ hát ca khúc “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng” -0
Nhạc sĩ Trần Viết Bính say sưa trên phím đàn.

Xưa nay công chúng mới chỉ biết nhạc sĩ Trần Viết Bính là người phổ nhạc bài thơ “Hạt gạo làng ta” nổi tiếng của nhà thơ Trần Đăng Khoa. Thế nhưng, cuộc đời nhạc sĩ quê lúa còn nhiều điều chưa được kể, trong đó có kỷ niệm được hát ca khúc “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng” của nhạc sĩ Phong Nhã cho Bác Hồ nghe. Dịp ấy, vào tháng 9/1946, cậu bé Trần Viết Bính mới 12 tuổi, là quản ca, Trung đội trưởng Đội thiếu niên tiền phong của Đội thiếu nhi Thái Bình được ra Hải Phòng hát đón Bác Hồ khi Người vừa trở về nước sau chuyến công tác dài ngày ở Pháp.

“Đội trống ra đón Bác ở cảng Hải Phòng. Đội ca đứng hai bên đường đón Bác đi bộ về chỗ ở. Trong lúc đứng đợi, tôi được một anh phụ trách cầm loa sắt dạy hát một bài hát có những ca từ: “Bác chúng em đã về A A A! Bác chúng em đã tới A A A!. Bác chúng em đã về mừng mừng mừng, mừng quá đi thôi…”. Thật tình lúc đó tôi không biết tác giả và người phụ trách dạy Đội thiếu nhi Thái Bình hát ca khúc này là nhạc sĩ Phong Nhã”, ông nhớ lại.

Niềm vui vẫn chưa dừng lại, ngày hôm sau ở một gian buồng rộng (là lớp học), đoàn thiếu nhi Thái Bình được hát cho Bác Hồ nghe trước khi Người về Hà Nội. Lúc ấy Trần Viết Bính là Trung đội trưởng Thiếu nhi và là quản ca nên đã được đại diện cho đội nói: “Chúng cháu xin được hát tặng Bác bài hát mới” và bài hát mới đấy chính là “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng”. “Khi chúng tôi hát đến câu “Bác chúng em dáng cao cao, người thanh thanh/ Bác chúng em mắt như sao, râu hơi dài” thì Bác lấy khăn chấm nước mắt. Sau khi tiết mục kết thúc, Bác xoa đầu tôi rồi căn dặn: “Các cháu hát hay lắm. Về nhà phải học giỏi, chăm ngoan, nghe lời ông bà, cha mẹ”.

Mãi sau này, nhạc sĩ Phong Nhã viết thư cho tôi mới nói rằng, Đội thiếu nhi Thái Bình chính là đội đầu tiên hát ca khúc này cho Bác Hồ nghe. Bởi bài hát này, nhạc sĩ Phong Nhã chỉ mới sáng tác cuối năm 1945, trong khi ngày đó phương tiện truyền thông còn rất hạn chế”, ông rưng rưng kể lại. Cũng theo nhạc sĩ Trần Viết Bính thì năm đó có nhiều đoàn thiếu nhi ở khu vực phía Bắc được về Hải Phòng hát cho Bác Hồ nghe, trong đó ở Đoàn Hưng Yên có nhạc sĩ Xuân Giao, khi ấy mới 14 tuổi. Có lẽ chính từ kỷ niệm đặc biệt ấy mà sau này, nhạc sĩ Xuân Giao sáng tác bài “Em mơ gặp Bác Hồ” đầy xúc động với ca từ giản dị, chân thành và đầy thành kính.

Gặp nhạc sĩ hát ca khúc “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng” -0
Đội Vàng Anh được chụp ảnh với Bác Hồ khi Người về thăm Nhà máy dệt Nam Định năm 1966 (nhạc sĩ Trần Viết Bính là người đứng phía sau Bác).

“Đội thiếu nhi hát cho Bác nghe năm ấy có lẽ đã về “gặp” Bác Hồ gần hết rồi. Tôi luôn coi đó là kỷ niệm đặc biệt của đời mình”, nhạc sĩ Trần Viết Bính bộc bạch. Một lần khác, nhạc sĩ Trần Viết Bính lại được hát cho Bác Hồ nghe, là vào năm 1963, khi ấy ông đã 29 tuổi và đang là phụ trách đội Vàng Anh (một đội cộng tác viên ca hát của Đài Tiếng nói Việt Nam do nhạc sĩ Phạm Tuyên và nhạc sĩ Mộng Lân trực tiếp giao bài). Hôm ấy, ông là người đệm đàn accordeon bài tổ khúc “Chúng em đã gặp chị Võ Thị Sáu” khi Bác Hồ về thăm Nhà máy dệt Nam Định. (Đây là bài hát ông viết năm 1961 và là một tiết mục “tủ” của đội Vàng Anh). Khác với lần trước, lần này, ông được Bác Hồ thưởng kẹo và được chụp chung tấm ảnh (mà đến nay còn giữ) với Bác từ lời đề nghị của Người. Cũng trong năm đó, đội Vàng Anh được mời lên Nhà hát Lớn Hà Nội biểu diễn bài hát này, sau đó được đến Đài Tiếng nói Việt Nam thu thanh với dàn nhạc đệm của Đài.

“Về lĩnh vực chuyên môn, tôi có giải thưởng lớn nhất là Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật nhưng tôi được Bác Hồ cho kẹo làm tôi suy nghĩ vui vui là đã được “Giải thưởng Hồ Chí Minh” rồi”, ông tươi cười nói. Hai lần được gặp Bác Hồ là nguồn động lực, sức mạnh tinh thần lớn lao để nhạc sĩ Trần Viết Bính nuôi dưỡng niềm đam mê với âm nhạc và ông đã phổ nhạc bài thơ “Hạt gạo làng ta” được nhiều người yêu thích. Bên cạnh sáng tác, ông cũng không ngại gian khó, vất vả lăn lộn đến các vùng sâu, vùng xa trong tỉnh Đồng Nai để dạy hát cho thiếu nhi cũng như tìm hiểu, sưu tầm, giới thiệu được gần 200 bản dân ca của 5 dân tộc thiểu số của tỉnh Đồng Nai (gồm dân tộc Mạ, Chơ Ro, Stiêng, Kơ Ho, Chăm Islam). Những công trình nghiên cứu của ông đã được trao giải thưởng của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai.

Hoạt động nghiên cứu, sáng tác, sưu tầm âm nhạc là một hành trình dài với nhiều khó khăn, thử thách nhưng nhạc sĩ Trần Viết Bính vẫn bền tâm, quyết chí theo đuổi với sức sáng tạo thăng hoa, bất tận, dồi dào. Hơn 40 năm sinh sống ở Đồng Nai nhưng hiện ông vẫn chưa có ngôi nhà của riêng mình, mỗi tháng gia đình ông vẫn chắt chiu, dành dụm từ số tiền lương hưu ít ỏi để trả tiền thuê nhà. Vậy mà, ông vẫn làm công việc mà thiên hạ gọi là việc “bao đồng” những mong làm sáng hơn, đẹp hơn văn hóa đa dạng và giàu bản sắc của vùng đất Đồng Nai đầy thương mến. Nghĩ về ông là nghĩ về một tấm gương lớn trong lao động, học tập và phấn đấu, là tinh thần tận hiến cho cho âm nhạc nói riêng và văn hóa dân tộc nói chung.

Nhạc sĩ Trần Viết Bính sinh năm 1934 tại thị xã Thái Bình (nay là thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình). Ông được kết nạp vào Hội Nhạc sĩ Việt Nam từ năm 1974. Từ năm 1981, ông đưa ra gia đình vào Đồng Nai sinh sống, công tác tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao tỉnh và giữ chức Quyền Giám đốc Trung tâm trước khi về hưu. Năm 2017, ông vinh dự được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật.

Ngô Khiêm
.
.
.