Điện ảnh Việt Nam: Ì ạch bởi tư duy bao cấp

Thứ Bảy, 23/04/2016, 19:35
Điện ảnh Việt Nam đang có sự thay đổi mạnh mẽ với việc các hãng phim Nhà nước hoàn tất việc cổ phần hóa (trừ Hãng phim Tài liệu và khoa học). Với việc cổ phần hóa, Hãng phim Truyện Việt Nam, Hãng phim Giải phóng và Hãng phim Hoạt hình Việt Nam đều đã kết thúc nhiệm vụ lịch sử của mình. Hãng phim Truyện Việt Nam

Lễ trao giải Cánh diều vàng tối 20-4-2016 cũng là lần cuối cùng các MC xướng tên Hãng phim truyện Việt Nam và Hãng phim Giải phóng -hai hãng phim lớn nhất đã làm lên lịch sử điện ảnh nước nhà với hàng ngàn bộ phim, trong đó, hàng trăm tác phẩm xuất sắc đã giành các giải thưởng quốc tế và quốc gia.

Từng sở hữu những tên tuổi đạo diễn như NSND Phạm Văn Nam, NSND Hải Ninh, NSND Trần Phương, NSND Huy Thành … các ngôi sao màn bạc danh giá như NSND Thế Anh, NSND Trà Giang, NSND Lâm Tới, Hãng phim Truyện Việt Nam đã làm nên những tác phẩm điện ảnh kinh điển như “Vợ chồng A Phủ”, “Chị Tư Hậu”, “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, “Nổi gió”, “Em bé Hà Nội” vv…

Cảnh trong phim Trúng số - phim giành giải Cánh diều vàng 2015.

Nhưng hơn 10 năm trước, Hãng đã bên bờ vực phá sản và ngày một khó khăn khi triền miên thua lỗ, dẫn đến thu nhập của người lao động giảm sút khi năm 2014, lương bình quân ở đây chỉ đạt 2,5 triệu đồng/người, chưa kể khoản lỗ tới 38,6 tỷ đồng và nợ 5,7 tỷ đồng tiền thuê đất.

Hãng phim Giải phóng với những bộ phim “Cánh đồng hoang”, “Mùa gió chướng” đã lay động trái tim hàng triệu khán giả, góp phần làm nên tên tuổi của đơn vị, thậm chí, đã có hơn 8 triệu lượt người xếp hàng để xem “Ván bài lật ngửa” vv…

Quá khứ vàng son của hai hãng phim trong nền điện ảnh là không thể phủ nhận. Nhưng khi rời “bầu sữa” bao cấp của Nhà nước, các Hãng phim Nhà nước hoặc “chết yểu” về tên tuổi, hoặc thoi thóp sống với những bộ phim chỉ làm “nhiệm vụ” tiêu tiền Nhà nước khi làm xong gần như “đắp chiếu” và không bán được vé.

Trong khi đó, với tuổi đời rất trẻ, lại không được ưu ái như các hãng phim Nhà nước, các hãng phim tư nhân đã nhanh chóng khẳng định vị trí với khán giả. Với cơ chế thông thoáng, nhanh nhạy, họ thu hút được đội ngũ sáng tạo, các đạo diễn gạo cội, các diễn viên ăn khách trong nước và quốc tế hợp tác.

Trong khi các hãng phim tư nhân vùn vụt phát triển, từ số lượng còn yếu thế, đến dần áp đảo trong các LHP Việt Nam và giải Cánh diều, thậm chí, bứt lên giành các giải thưởng lớn –điều trước đây có nằm mơ cũng không ai nghĩ tới khi bục vinh danh luôn thuộc về những “đứa con của cơ chế bao cấp”. Đặc biệt, nhiều phim tư nhân vừa giành được giải thưởng vừa bán được vé, trong khi hầu hết các phim Nhà nước dù có được tụng ca đủ lời, vẫn không thể ra rạp nổi. 

Cảnh trong “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” – phim do Nhà nước đặt hàng hãng phim tư nhân thành công cả về doanh thu lẫn giải thưởng.

Rõ ràng, cơ chế quyết định đến chất lượng phim, đã đòi hỏi phải thay đổi. Việc cổ phần hóa được rục rịch đặt ra hơn 10 năm trước nay mới thành hiện thực là không hề sớm.

Tất cả những điều này càng cho thấy, tư duy bao cấp không còn phù hợp. Sự can thiệp, tham gia của các hãng phim tư nhân, đại diện của một tư duy điện ảnh mới chắc chắn sẽ tác động để cùng làm thay đổi điện ảnh Việt Nam. Từ đó, từng bước phát triển song hành trên 2 chân: Vừa có tính nghệ thuật, vừa đạt được doanh thu.

Thực tế, với doanh số gần 100 tỷ, bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” do Nhà nước đặt hàng tư nhân đã xác nhận quan điểm “không thể có phim vừa làm nhiệm vụ tuyên truyền, vừa bán được vé” chỉ là bao biện. Vấn đề là chúng ta có người tài để làm được điều “2 trong 1” hay không mà thôi!

Thanh Hằng
.
.
.