'Đánh thức' tour du lịch trải nghiệm trên sông Như Ý

Chủ Nhật, 25/10/2015, 08:47
Sông Như Ý có từ hơn 300 năm trước, với chức năng chia lũ từ sông Hương, thông thương trong việc đi lại bằng đường thủy và cung cấp nước cho các cánh đồng của Phú Vang, Hương Thuỷ (TP Huế).


Sông chảy qua nhiều ngôi làng cổ như Văn Khê, Chiết Bi, Ngọc Anh… về tận cầu Ngói Thanh Toàn, xã Thuỷ Thanh (Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên – Huế), một địa chỉ du lịch sinh thái hấp dẫn. Nhưng, do xây Đập Đá chắn ngang đầu nguồn sông Như Ý thông với sông Hương, nên dòng chảy không được khơi thông, khiến con sông trở nên tù hãm, lòng sông bị thu hẹp, ô nhiễm nghiêm trọng…

Nhiều năm qua, các nhà nghiên cứu văn hóa và người dân TP Huế đã có kiến nghị khơi thông sông Như Ý, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải, trả lại vẻ đẹp nên thơ của dòng sông. Nhưng, đến năm 2014, chính quyền tỉnh Thừa Thiên - Huế mới có kế hoạch đắp kè, tổ chức thu gom rác, khơi thông dòng chảy; đồng thời xây dựng hệ thống cống qua Đập Đá để thông nguồn nước từ sông Hương sang sông Như Ý. 

Du khách trải nghiệm tour du lịch trên sông Như Ý.

Dự án đã được thực hiện và sẽ hoàn thành vào cuối năm 2015... Công trình đang thi công nhưng dòng sông Như Ý đã có sự lưu thoát; nhiều đoạn sông người dân đã ý thức cùng tham gia khơi thông dòng chảy. Riêng ở xã Thuỷ Thanh, chính quyền và người dân hưởng ứng tích cực, không chỉ làm cho con sông đẹp, mà còn tổ chức hoạt động dịch vụ du lịch trải nghiệm trên con sông thơ mộng này. 

Chèo thuyền trên sông Như Ý, một dịch vụ du lịch đang hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Các công ty du lịch, lữ hành trên địa bàn đã nhanh chóng khảo sát và tổ chức tour du lịch trải nghiệm cùng với chính quyền xã Thuỷ Thanh và người dân. Hiện nay, trung bình mỗi tháng có trên 10 đoàn khách du lịch đăng ký trải nghiệm bằng thuyền trên sông Như Ý. 

Ông Mậu Hòa, Phó Chủ tịch UBND xã Thuỷ Thanh, báo tin vui: “Sau một thời gian  phối hợp với các công ty du lịch, lữ hành tổ chức tour du lịch trải nghiệm trên sông Như Ý, nhiều đoàn khách đăng ký tham quan và tỏ ý hài lòng. Chúng tôi đang nghiên cứu loại hình du lịch này để tổ chức và có kế hoạch cụ thể hơn. Làm sao để du khách đến Thuỷ Thanh, cầu Ngói Thanh Toàn không chỉ thăm chiếc cầu, nhà trưng bày nông cụ mà còn trải nghiệm các nghề đánh bắt tôm cá trên dòng sông, cùng với người dân trải nghiệm cuộc sống  nơi đồng quê thôn dã...”. 

Đúng như tâm sự của ông Hòa, du khách nước ngoài sau những chuyến trải nghiệm trên sông Như Ý đều rất hài lòng. Họ cho rằng, vừa ngắm cảnh thiên nhiên, vừa cùng người dân trải nghiệm cuộc sống đánh bắt cá qua các nghề kéo lưới, buông câu; tự tay mình bắt những con cá vừa mắc lưới để làm món nhâm nhi… thì còn gì thú vị hơn.

Đáng tiếc, tour du lịch này mới triển khai ở cuối sông Như Ý, đoạn qua xã Thuỷ Thanh với sự nỗ lực của chính quyền địa phương và Công ty Du lịch văn hoá – con người. Còn đoạn sông từ xã Thuỷ Vân lên Đập Đá, vẫn còn tình trạng ô nhiễm khi rác thải và bèo ken dày làm tắc dòng chảy ở nhiều đoạn sông.

Từ sự nỗ lực của xã Thuỷ Thanh và các công ty du lịch, thiết nghĩ loại hình du lịch trải nghiệm trên sông Như Ý là một tiềm năng hiện hữu mà tỉnh Thừa Thiên - Huế tập trung đầu tư khai thác sẽ có thêm một địa chỉ du lịch hấp dẫn. Thực hiện điều này thì sẽ có một ngày du khách đi thuyền tham quan dọc sông Như Ý, từ TP Huế và đến cầu Ngói Thanh Toàn, sẽ không còn là mơ ước...

Chiến Hữu
.
.
.