Công an phố cổ

Thứ Ba, 08/02/2022, 07:40

Tôi biết Phạm Quân tình cờ trong một buổi xuống Đội CSĐT tội phạm về ma túy – Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) làm việc, lấy tư liệu viết bài về công tác phòng, chống ma túy trên địa bàn quận cách đây ít năm.

Phạm Quân đeo cấp hàm Trung tá, là Đội phó, tên khai sinh là Phạm Cánh Quân. Dáng dấp thư sinh, nụ cười lành hiền, nói chuyện điềm đạm, Quân có vẻ giống giáo viên hơn là “lính chiến”. Quân nói rất ít về bản thân mà chỉ nhắc về thành tích, đóng góp chung của tập thể đội.

Bẵng đi chưa có dịp gặp lại, bất ngờ trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần, Quân báo tin chuẩn bị ra sách, cuốn ký sự “Công an phố cổ” viết về quãng thời gian anh công tác 6 năm tại Công an phường Hàng Trống từ khi mới ra trường. Thế nhưng dự định về một buổi ra mắt sách đã phải hoãn lại do cận Tết, bố của Phạm Quân không may mắc COVID-19.

Ngày 17/1/2022 tức ngày Rằm tháng Chạp, bố của Quân xét nghiệm dương tính với COVID-19. Tuy ông đã tiêm 2 mũi vaccine nhưng có tiền sử K phổi năm 2008 đã cắt một thùy trái nên bệnh khá nặng, chỉ số SPO2 chỉ hơn 80. Ông được nhập viện Đa khoa Sóc Sơn điều trị và Phạm Quân quyết định nhập viện cùng để chăm sóc bố, dù anh không thuộc diện F1 hay F2.

Theo kinh nghiệm của anh, trong suốt quá trình chăm sóc bố, ở cùng phòng với các F0, anh đều tuân thủ nghiêm 5K: Đeo khẩu trang N95 cả ngày kể cả khi đi ngủ, 2-3h dùng nước muối sinh lý xịt mũi, súc miệng và thường xuyên rửa tay sát khuẩn khi chạm vào các vật dụng trong phòng, hạn chế tối đa việc nói chuyện, tiếp xúc. Có lẽ do thể lực tốt, đã tiêm 3 mũi vaccine cùng với việc tuân thủ nghiêm 5K, 4 lần xét nghiệm, Quân đều âm tính. Sau 12 ngày chiến đấu với COVID-19, đúng ngày 29-1 tức ngày 27 Tết, bố của Quân được xuất viện. Bố sụt 8kg, con sụt 5kg. Không kịp tổ chức buổi ra mắt sách như đã hẹn nhưng quan trọng nhất, Phạm Quân đã đưa người cha bình an trở về nhà.

Không chỉ vượt qua dịch bệnh nguy hiểm để chăm sóc người cha thân yêu, tinh thần không quản khó khăn, vất vả và cả sự hi sinh thầm lặng của người chiến sĩ CAND đã được Trung tá Phạm Quân kể lại một cách chân thật, giản dị trong “Công an phố cổ”, từ ước mơ “Công an đi bắt quân gian” của trẻ thơ đến quá trình học tập, phấn đấu và rèn luyện để trở thành chiến sĩ CAND, được phân công về làm Cảnh sát hình sự tại Công an phường Hàng Trống, Công an quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Những câu chuyện hết sức sinh động và cuốn hút bởi được kể từ chính “người thật, việc thật” và được viết bằng ngòi bút của một người lính hình sự, tốt nghiệp chuyên ngành điều tra như Phạm Quân.

6 năm công tác giữ gìn an ninh trật tự, đấu tranh phòng, chống tội phạm trên địa bàn phường trung tâm của quận Hoàn Kiếm, nguồn tư liệu ngồn ngộn từ chính công việc hàng ngày của CBCS Công an cơ sở được Phạm Quân chuyển tải bằng thể loại Ký mang theo tâm trạng, cảm xúc của người viết, đồng thời là chính “người trong cuộc” đã mang lại cho người đọc sự gần gũi, tự nhiên và hấp dẫn.

Công an phố cổ -0
Trung tá Phạm Quân và ảnh bìa cuốn Ký “Công an phố cổ”.

Xuyên suốt trong gần 300 trang “Công an phố cổ” là những câu chuyện nhân văn “vì nhân dân phục vụ” của CBCS Công an phường Hàng Trống, Công an quận Hoàn Kiếm, trong đó có cá nhân Phạm Quân. Lính hình sự phường, mới ra trường, phạm vi chỉ giải quyết những vụ việc nhỏ nhưng với Phạm Quân, anh đã bước vào nghề bằng niềm đam mê công việc và tinh thần, thái độ hết sức nghiêm túc, tận tụy, cầu thị lắng nghe và ham học hỏi từ các thế hệ các anh, các chú trong đơn vị.

Học từ cách tiếp công dân của các cán bộ trực ban, học kinh nghiệm quản lý địa bàn của cán bộ Cảnh sát khu vực, Cảnh sát trật tự, học kinh nghiệm giải quyết công việc của chỉ huy đơn vị và các cán bộ Công an quận, Công an thành phố khi có phối  hợp... được Phạm Quân kể vừa chân thực, vừa dí dỏm trong “Trực ban tiếp công dân”, “Cảnh sát “dạo mát”, “Một nắm, ba quản”...

Làm việc ở Công an phường Hàng Trống, nơi có rất nhiều người nước ngoài làm việc và du lịch, từ những vụ việc phải giải quyết liên quan đến người nước ngoài, đặc biệt loại tội phạm trộm cắp, móc túi, để công việc được thuận lợi, Công an phường phải tận dụng những nhân viên nhà hàng, khách sạn trên địa bàn nhờ làm “phiên dịch”.

Không ngại nói về điểm yếu của bản thân, Phạm Quân kể lại: Có lần giải quyết người nước ngoài tụ tập hàng quán đêm tại phố Bảo Khánh – Hàng Hành quá giờ quy định, Quân dùng loa pin thông báo bằng tiếng Anh “Đã quá muộn rồi, xin mời các bạn về nhà thôi” nhưng do phát âm không chuẩn nên số người nước ngoài lăn ra cười.

Điều này càng thôi thúc người lính trẻ như Phạm Quân đăng ký học thêm ngoại ngữ buổi tối để trau dồi bản thân, xứng đáng là Công an phố cổ Hà Nội. Trong "Lời giới thiệu", nhà văn Nguyễn Bắc Sơn đã nhận xét: “Điều đáng trân trọng là Phạm Quân vừa làm vừa nghĩ suy. Không phải tính toán xem làm việc này được gì? Lợi gì? Làm hay không làm? Mà suy nghĩ để việc sau làm tốt hơn nên anh rút ra được bài học cho mình sau mỗi vụ việc”.

Phố cổ trong mắt du khách là những con phố buôn bán sầm uất, là những ngõ nhỏ phố nhỏ, là khoảng sân Nhà thờ Lớn thanh bình - một địa điểm check in yêu thích của giới trẻ, là Hồ Gươm linh thiêng với không gian nhẩn nha dạo bộ ngắm Tháp Rùa, ngắm cầu Thê Húc để tận hưởng vẻ đẹp của nơi “lắng hồn núi sông ngàn năm” của bất cứ du khách nào khi đặt chân đến Thủ đô. Thế nhưng để có được vẻ đẹp bình yên ấy là nỗ lực ngày đêm không nghỉ của  lực lượng Công an Thủ đô nói chung, trong đó có công sức không nhỏ của CBCS Công an quận Hoàn Kiếm, đặc biệt là Công an các phường trên địa bàn.

Hàng Trống là một phường trung tâm nhất của Hoàn Kiếm nên  đảm bảo an ninh trật tự, giữ gìn bình yên địa bàn cho người dân và du khách đối với CBCS Công an phường Hàng Trống vừa là vinh dự, vừa là trách nhiệm lớn lao. Được giao nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự tại khu vực sân Nhà thờ Lớn, có bao việc phức tạp mà Phạm Quân phải giải quyết nhưng dưới ngòi bút của người lính hình sự, đó lại là nơi cất giữ kỷ niệm, là “góc sân và khoảng trời” của trẻ em phố cổ và của chính anh.

Ngoài những vụ việc liên quan đến trẻ em hư, tội phạm trộm cắp, cưỡng đoạt tài sản của học sinh, những vụ gây rối, đánh nhau... thì khu Nhà thờ Lớn Hà Nội trong mắt lính hình sự Phạm Quân mang vẻ đẹp cổ kính, hoài niệm với gốc tích của các quán ẩm thực nổi tiếng như quán cháo gà bà Mỹ ở 47 Lý Quốc Sư, quán phở Hải 34 Ấu Triệu (cháu nội ông Tư “lùn”), quán cà phê sinh viên số 2 Nhà Thờ... Chuyện chi tiết về những quán ẩm thực này cho thấy sự quản lý sâu sát địa bàn cũng như độ thân thiện của những cán bộ Công an phố cổ với người dân trên địa bàn.

Trong mắt người chiến sĩ Công an phố cổ như Phạm Quân, mùa xuân chính là mùa đẹp nhất. Anh viết: “Vào sáng ngày Mùng Một Tết, không khí Xuân tràn về. Đi dạo trên phố cổ, quanh hồ Hoàn Kiếm là thích nhất. Thời tiết mát mẻ. Không gian thoáng đãng. Không có nỗi lo về các vụ việc mất an ninh trật tự. Không phải suy nghĩ về đối tượng lang thang bán tranh ảnh đeo bám khách nước ngoài... Khi đó, tôi sẽ thay quần áo đẹp sang chùa Bà Đá ngay đối diện Công an phường thắp một nén nhang. Sau đó tôi sẽ qua chùa Lý triều quốc sư, rồi đền vua Lê, đình Nam Hương. Vui nhất là dân quanh chùa hỏi thăm liên tục vì không mấy khi thấy cán bộ hình sự rỗi rãi có thời gian đi vãn cảnh đầu xuân...”.

Bản thân Phạm Quân đã bộc bạch trong cuốn “Công an phố cổ” rằng: “Ắt hẳn, ai đã từng công tác tại Công an quận Hoàn Kiếm đều có những kỷ niệm không bao giờ quên. Do mảnh đất linh thiêng Hồ Gươm, do con người phố cổ nơi đây đã tạo nên dấu ấn đặc biệt, hay cái gì khác, hiện tôi chưa thể giải thích nổi”.

Dành cả tuổi thanh xuân ở Công an cơ sở, hi vọng sau cuốn sách đầu tay “Công an phố cổ”, Trung tá Phạm Quân sẽ tiếp tục yêu và say nghề viết, như yêu công việc điều tra, giữ bình yên cuộc sống cho người dân mà anh đã lựa chọn.

Hương Vũ
.
.
.