Cần có chế tài đủ mạnh để “trị” nạn vi phạm bản quyền

Thứ Hai, 03/07/2023, 06:53

Thời gian vừa qua, vấn nạn tranh giả, tranh đạo nhái nói riêng, vi phạm bản quyền trong lĩnh vực hội họa nói chung diễn ra một cách tràn lan với quy mô và mức độ ngày càng phức tạp, tinh vi khiến không ít họa sĩ và những ai quan tâm đến nền mỹ thuật Việt Nam buồn bã, xót xa. Cần có chế tài đủ mạnh để làm lành mạnh hóa nền mỹ thuật nước nhà.

Nâng cao ý thức tôn trọng bản quyền

Để bảo vệ những tác phẩm hội họa của mình trước nạn vi phạm bản quyền, họa sĩ Bùi Trọng Dư đã lập nhóm “Phản đối xâm phạm bản quyền tác phẩm hội họa” trên mạng xã hội Facebook từ ngày 3/5/2019 (đến nay có gần 2.000 người tham gia), sau khi anh phát hiện nhiều công ty áo dài đã đạo nhái trái phép nhiều tác phẩm của mình cùng 7 họa sĩ khác lên áo dài để bán kinh doanh. Sự nỗ lực đấu tranh của 8 họa sĩ “nạn nhân” cùng sự đồng hành của luật sư và báo chí đã khiến các đơn vị áo dài phải xin lỗi nhận sai, xóa bỏ những mẫu áo dài sử dụng trái phép bản quyền tranh của các họa sĩ.

Cần có chế tài đủ mạnh để “trị” nạn vi phạm bản quyền -0
Bức sơn mài “Ao sen” của họa sĩ Bùi Trọng Dư từng bị ăn cắp để in trên áo dài.

Theo họa sĩ Bùi Trọng Dư, nhóm “Phản đối xâm phạm bản quyền tác phẩm hội họa” là nơi các họa sĩ có thể lên tiếng đấu tranh cho bản thân và bạn bè, lên án những hành vi vi phạm bản quyền. “May mắn là đã được nhiều nhà báo, luật sư ủng hộ nên mỗi khi có họa sĩ nào cần tư vấn thì đều có sự giúp đỡ. Tôi cũng không kỳ vọng gì lớn mà chỉ muốn thông qua trang này làm cho mọi người hiểu biết hơn về bản quyền, luôn có ý thức về bản quyền”, họa sĩ Bùi Trọng Dư nhấn mạnh.

Trao đổi với PV Báo CAND, nhà phê bình mỹ thuật Ngô Kim Khôi cho rằng, để ngăn chặn, đẩy lùi nạn xâm phạm bản quyền trong lĩnh vực mỹ thuật phải bắt đầu từ giáo dục. “Hiện nay, tôi cảm thấy vui mừng vì một số nhà trường, gia đình đã quan tâm đến việc đưa các em nhỏ đến bảo tàng để việc quan tâm đến thẩm mỹ thấm nhuần vào đầu óc con trẻ với ý niệm rằng cái đẹp là điều thiêng liêng. Đồng thời, cũng cần có sự tham gia tích cực và có trách nhiệm của các cơ quan truyền thông trong việc lên án tư duy sao chép, làm thay đổi suy nghĩ của thợ chép để họ thấy đó đơn thuần chỉ là một hành động ăn cắp”, nhà phê bình mỹ thuật Ngô Kim Khôi nhấn mạnh.

Nghiên cứu kỹ lưỡng khi xây dựng Luật Mỹ thuật

Là người nhiều năm nghiên cứu trong lĩnh vực hội họa, NSND Vương Duy Biên, Phó Chủ tịch chuyên trách Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng, về vấn đề bảo vệ quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Cục Bản quyền. Bên cạnh đó, Bộ còn có Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm rồi ở các địa phương có Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng quản lý ngành trên địa bàn. Tuy nhiên, ở các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đều không có đầu mối quản lý, các địa phương thậm chí không bố trí cán bộ theo dõi mảng này. Muốn quản lý được tốt thì trước hết phải có mạng lưới bao phủ, phải có bộ máy không chỉ ở Trung ương mà phải có sự vào cuộc ở cơ sở. 

“Bản quyền và tranh chấp bản quyền lúc nào, thời nào cũng xảy ra, mong rằng các cơ quan chức năng phải tích cực bảo vệ vì có bảo vệ được bản quyền mới bảo vệ được giá trị nghệ thuật (trắng-đen, thật-giả không lẫn lộn), nhất là trên lĩnh vực mỹ thuật. Hiện nay nhiều họa sĩ khi biết tác phẩm của mình bị xâm phạm bản quyền thì “tặc lưỡi” cho qua, theo tôi đó là không nên nhưng phải phản ứng một cách có văn hóa, phản ứng đúng nơi, đúng chỗ”, NSND Vương Duy Biên nhấn mạnh.

Theo họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, bản thân mỗi tác giả phải hình thành thói quen đăng ký bản quyền để được Nhà nước bảo hộ vì thực tế thời gian qua nhiều trường hợp các họa sĩ không đăng ký bản quyền nên khi bị vi phạm thì không biết kêu ai. Hiện nay, Nghị định 131/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan quy định mức phạt tiền chỉ dựa vào hành vi (chứ không căn cứ vào mức độ gây thiệt hại của hành vi, không căn cứ vào giá trị số lượng hàng hóa sao chép lậu), dẫn đến mức xử phạt vi phạm hành chính còn nhẹ, chưa phù hợp, chưa tương xứng với mức độ gây thiệt hại của cá nhân, tổ chức vi phạm bản quyền. Và mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm của cá nhân là 250 triệu đồng, (đối với tổ chức là 500 triệu đồng) chưa đủ sức răn đe.

“Tôi được biết hiện nay Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đang dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 131 với những quy định chi tiết và rõ ràng hơn về các hình thức vi phạm bị xử phạt hành chính, cũng như phương án, hình thức khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm. Hy vọng Nghị định mới sớm được ban hành để hoạt động nghệ thuật nói chung và hoạt động mỹ thuật đi vào quy củ, nền nếp. Hiện nay điện ảnh đã có luật riêng, vì vậy tôi mong muốn Luật Mỹ thuật sẽ sớm được các cơ quan nghiên cứu, ban hành để theo kịp với sự phát triển của nền mỹ thuật Việt Nam đương đại”, họa sĩ Lương Xuân Đoàn mong mỏi.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, Luật Mỹ thuật ra đời có thể cung cấp cơ chế để xác định nguồn gốc và chứng minh tính hợp pháp của một tác phẩm nghệ thuật, bảo vệ quyền tác giả và ngăn chặn việc sao chép trái phép. Ngoài ra, nó có thể hỗ trợ việc tăng cường nhận thức về vấn đề này trong cộng đồng nghệ sĩ và khuyến khích sự sáng tạo, đổi mới trong ngành hội họa. Tuy nhiên, việc xây dựng và thực thi một Luật Mỹ thuật hiệu quả không phải là điều dễ dàng. Đòi hỏi sự cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo cân bằng giữa quyền lợi của nghệ sĩ và quyền tự do sáng tạo. Ngoài ra, việc xác định tính chất và giá trị nghệ thuật cũng có thể gặp khó khăn, đặc biệt khi đánh giá các tác phẩm nghệ thuật hiện đại và trừu tượng hay chú ý đến cả mỹ thuật trên môi trường số.

Ngô Khiêm
.
.
.