Biểu diễn nghệ thuật dịp Tết chuyển hướng ghi hình phát trực tuyến

Thứ Tư, 19/01/2022, 08:08

Trước diễn biến dịch bệnh COVID-19 phức tạp, nhiều đơn vị nghệ thuật, nghệ sĩ biểu diễn cho biết, các tiết mục, chương trình đặc sắc phục vụ khán giả sẽ vẫn được thực hiện. Tuy nhiên, thay vì tất bật chạy “show” biểu diễn phục vụ trực tiếp thì nhiều chương trình được đầu tư dàn dựng, ghi hình và phát trực tuyến hoặc phát sóng trên truyền hình.

Theo Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội, do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, TP Hà Nội sẽ không tổ chức bắn pháo hoa. Thay vào đó, nhiều chương trình nghệ thuật sẽ được dàn dựng và phát sóng trên các kênh truyền hình để chào đón năm mới. Gần nhất, chương trình nghệ thuật “Xuân yêu thương” của Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội do Nhà hát Chèo Hà Nội thực hiện đã được ghi hình.

Chương trình có sự tham gia biểu diễn của hàng trăm diễn viên, nghệ sĩ, người mẫu tại Hà Nội và nhiều giọng ca nổi tiếng như các ca sĩ Trọng Tấn, Anh Thơ, Hồng Ngọc, Mai Thi… Theo kế hoạch, chương trình sẽ được phát sóng từ 11-12 giờ ngày 30/1/2022 trên các kênh Style TV, Info TV… Ngoài ra, các đơn vị nghệ thuật trực thuộc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội sẽ có nhiều chương trình nghệ thuật phục vụ nhân dân trong dịp Tết. Các chương trình khi triển khai đều đảm bảo thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định.

Biểu diễn nghệ thuật dịp Tết chuyển hướng ghi hình phát trực tuyến -0
Nghệ sĩ Nhà hát múa rối Việt Nam biểu diễn “Múa rối du xuân với 5K”.

Chia sẻ về dàn dựng, biểu diễn chương trình phục vụ công chúng dịp đầu năm mới, NSND Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Nhà hát múa rối Việt Nam cho biết, xây dựng chương trình chủ đề Xuân là một trong những chương trình thường niên của nhà hát để diễn vào dịp Tết. Năm nay, nhà hát mong muốn mang tới cho khán giả một chương trình nghệ thuật đậm màu sắc tươi vui, đồng thời đan cài một vài tiết mục với đề tài phòng, chống dịch, nhắc nhở mọi người vui xuân nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn.

Mới nhất là chương trình “Múa rối du xuân với 5K”. Cũng theo NSND Nguyễn Tiến Dũng, nếu dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, các nghệ sĩ mong muốn sẽ có thêm nhiều chương trình nghệ thuật online, có sự chung sức từ cơ quan quản lý nhà nước, kết hợp phát trên sóng truyền hình và duy trì thường xuyên để phục vụ công chúng.

Ông Phạm Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam cũng cho hay, Nhà hát đang làm hậu kỳ chương trình giới thiệu nghệ thuật Tuồng đến với khán giả trẻ phát trên nền tảng youtube, tham gia một tiết mục trong chương trình “Xuân quê hương”. Ông Tuấn cũng cho rằng, trong điều kiện dịch bệnh thì làm tiết mục, chương trình phát online nhưng việc xây dựng chương trình biểu diễn nền tảng số chỉ là giải pháp tình thế. Với sân khấu truyền thống như Tuồng, Chèo, Cải lương  sẽ rất khó diễn online. Nhưng bên cạnh việc đi biểu diễn trực tiếp phục vụ khán giả, Nhà hát cũng sẽ hướng tới duy trì và đầu tư nhiều hơn cho các chương trình phát trực tuyến trên youtube, tạo điều kiện để các bạn trẻ tiếp cận, tìm hiểu về nghệ thuật Tuồng. 

Riêng NSND Tống Toàn Thắng, Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam còn cho biết, đơn vị đang kêu gọi tài trợ test nhanh, dự kiến biểu diễn vào mùng 6,7,8 Tết tại rạp Xiếc Trung ương với số lượng khán giả khiêm tốn từ 200 – 300 người. Mồng 2 Tết, Liên đoàn tổ chức diễn khai xuân dù xác định không thể bán vé được ngay và diễn mục đích để giữ “lửa nghề” cho nghệ sĩ. Liên đoàn còn dành 20 phút diễn chào mừng ngoài đường, phục vụ khách du xuân.           

N.H
.
.
.