Biến bãi giữa sông Hồng thành Công viên Văn hóa đa chức năng

Thứ Sáu, 24/11/2023, 16:24

Bãi giữa sông Hồng có thể trở thành một không gian đậm chất văn hóa Việt Nam, có ích và cuốn hút cộng đồng trong các hoạt động nghỉ ngơi, giải trí, góp phần khai thác dịch vụ du lịch ngày càng hấp dẫn, trở thành trục “xanh – sinh thái – văn hóa” giữa lòng Hà Nội. Đây là nhân định của nhiều nhà quản lý, chuyên gia tại hội thảo “Công viên Văn hóa đa chức năng tại bãi nổi giữa và bãi ven sông Hồng” (Công viên Văn hóa cảnh quan bãi giữa sông Hồng).

Hội thảo do Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Tạp chí Kiến trúc, Hội Kiến trúc sư Việt Nam phối hợp với UN – Habitat và UBND các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Long Biên, Tây Hồ tổ chức vào ngày 24/11, trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023.

Tạo lập không gian kiến trúc cảnh quan, văn hóa sáng tạo tại bãi giữa

Bãi nổi sông Hồng (bãi giữa) là vùng đất được phù sa bồi đắp trong nhiều năm, là một không gian xanh rộng lớn giữa Thủ đô, với diện tích khoảng 23ha. Khu vực bãi giữa thuộc địa giới quản lý của nhiều phường, gồm: Tứ Liên, Yên Phụ (Tây Hồ), Phúc Xá (Ba Đình), Phúc Tân, Chương Dương (Hoàn Kiếm), Ngọc Thụy (Long Biên)… Phần lớn diện tích bãi giữa nằm trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.

Theo Kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Bá Nguyên, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội, trước kia, diện tích bãi giữa thay đổi theo mùa do sự lên, xuống của nước lũ. Những năm gần đây, sông Hồng không xảy ra lũ lớn, mực nước sông Hồng hiếm khi lên cao, diện tích bãi giữa ít thay đổi hơn. Khu vực bãi giữa có cốt cao không bị ngập lụt. Các lạch cạn ven bờ có xu thế bồi khiến việc quản lý, khai thác, sử dụng khu vực bãi giữa bị xao nhãng, hàng chục ha để hoang hóa cho cỏ dại mọc, một phần bị chiếm dụng trái phép để canh tác rau màu. Từ lâu, nhiều ý kiến đã đề nghị thành phố nên khai thác không gian này.

Có thể biến Bãi Giữa sông Hồng thành Công viên Văn hóa đa chức năng -0
Tạo lập không gian kiến trúc cảnh quan, không gian văn hóa ở bãi giữa phải có sự kết nối với các kiến trúc có giá trị như Cầu Long Biên. 

Ông Nguyên cũng cho biết, việc nghiên cứu “Đề án xây dựng Công viên Văn hóa cảnh quan bãi giữa sông Hồng” là hết sức cần thiết, phù hợp với chủ trương, chỉ đạo của các cấp thẩm quyền, cụ thể hóa định hướng quy hoạch, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất, chống lấn chiếm, chống lại các yếu tố gây tác hại cho môi trường đô thị, đồng thời tạo dựng cảnh quan tự nhiên, đáp ứng nhu cầu thiết yếu nhất của người dân, góp phần đa dạng các loại hình du lịch, vận tải, phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, ông Nguyên cũng cho biết, việc xây dựng công viên đang gặp rào cản lớn là các quy định đảm bảo an toàn phòng chống lũ, đê điều… 

Góp phần tạo nền tảng phát triển bền vững cho ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô

Nhận định bãi giữa là một quỹ đất đáng quý từ thiên nhiên ban tặng cho Thủ đô, tương phản với không gian sống chật chội của khu vực nội thị, TS.KTS Phạm Tuấn Long, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho rằng, đây cũng là không gian duy nhất còn lại để có thể tạo dựng một không gian công cộng xanh, sinh thái và văn hóa đầy hấp dẫn cho cộng đồng. Khách du lịch đến Thủ đô không chỉ cảm nhận một không gian sống mật độ cao, tích tụ nhiều tầng văn hóa, mà còn được trải nghiệm một không gian mở của Hà Nội, nhìn ra sông, hướng tới không gian công viên xanh, sinh thái trên mặt nước.

Có thể biến Bãi Giữa sông Hồng thành Công viên Văn hóa đa chức năng -0
Hội thảo thu hút sự tham gia của đông đảo các nhà quản lý, kiến trúc sư.

Việc quản lý, khai thác không gian công cộng bãi giữa sông Hồng tạo thành điểm tham quan du lịch bổ trợ cho khu phố cổ, khu phố cũ Hà Nội, đồng thời góp phần giải quyết các vấn đề về quản lý, chống lấn chiếm đất bãi nổi giữa và bãi ven sông Hồng, khôi phục lại giao thông đường sông, cải thiện môi trường, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, phù hợp với Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tạo lập hình ảnh thành phố hiện đại và sinh thái hai bên sông Hồng, có bản sắc và truyền thống lâu đời, cùng với việc tôn trọng các khu vực bảo tồn, đặc biệt là đoạn đi qua đô thị trung tâm.

Chủ tịch UBND quận Long Biên – ông  Nguyễn Mạnh Hà cũng bày tỏ kỳ vọng, “Đề án xây dựng Công viên Văn hóa cảnh quan bãi giữa sông Hồng” sẽ giúp thay đổi diện mạo cảnh quan khu vực, giải quyết các vấn đề bất cập, đánh thức tiềm năng không gian công cộng rộng lớn. Cùng với đề án này, việc kiểm soát tốt hành lang thoát lũ, tạo dựng cảnh quan thân thiện với môi trường, đáp ứng sinh hoạt cộng đồng, gìn giữ bản sắc văn hóa Việt sẽ là nền tảng phát triển bền vững cho ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô.

TS.KTS Tạ Nam Chiến, Chủ tịch UBND quận Ba Đình đề xuất xây dựng Công viên sông Hồng. Trong đó, khu vực đầu tư mới có phạm vi toàn bộ bãi giữa và khu vực ven sông. Khu vực cải tạo chỉnh trang, bao gồm khu dân cư tập trung ngoài đê và các yếu tố kiến trúc có giá trị cần được kết nối như cầu Long Biên, chợ Đồng Xuân, tháp nước Hàng Đậu… thuộc khu phố cổ, phố cũ. Theo ông Chiến, Hà Nội nên tạo dựng các quảng trường khu vực bãi giữa, tạo các điểm nhấn về không gian, về thị giác để kết nối với các điểm nhấn đô thị có sẵn và cần tổ chức cuộc thi ý tưởng xây dựng Công viên Văn hóa đa chức năng tại khu vực bãi nổi giữa và bãi ven sông Hồng nhằm phát huy sức sáng tạo, các ý tưởng hay, độc đáo, khả thi để đưa sông Hồng xứng tầm là di sản của Thủ đô.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Đình Khuyến, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ cho rằng, để xây dựng không gian bãi giữa sông Hồng, cần làm tốt công tác quy hoạch, hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật liên quan, xây dựng lộ trình cụ thể và tranh thủ mọi nguồn vốn cho quá trình triển khai thực hiện. Theo ông Khuyến, việc xây dựng trục không gian cảnh quan sông Hồng là một quá trình khó khăn phức tạp và lâu dài, đòi hỏi nguồn lực rất lớn về tài chính và nhân lực… Những chính sách linh hoạt, phù hợp có thể giúp tháo gỡ khó khăn trong nguồn lực để hướng tới đầu tư xây dựng một không gian văn hóa công cộng đáng sống, tạo dấu ấn, bản sắc riêng cho Thủ đô Hà Nội.

Hoa Nguyễn
.
.
.