Xét tặng danh hiệu cho nghệ sĩ: “Bỏ quên” người huấn luyện xiếc?
Trước đó, vào cuối tháng 5, NSƯT Lê Thể, nguyên Trưởng phòng Nghệ thuật Liên đoàn Xiếc Việt Nam, người từng tham gia cộng tác đào tạo với vai trò huấn luyện viên của trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam đã gửi đơn khiếu nại lên Vụ thi đua khen thưởng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Ngoài đề nghị Hội đồng xét duyệt xem xét lại quyết định, nghệ sĩ Lê Thể còn tố cáo nhiều tiết mục xiếc của ông đã bị “hô biến” thành tác phẩm của TS Hoàng Minh Khánh, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam. Các tác phẩm này đã đạt thành tích cao trong nhiều liên hoan, cuộc thi vài năm gần đây, được nhà trường xác nhận trong hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân cho TS Hoàng Minh Khánh. Hồ sơ này được Hội đồng cấp Bộ thông qua. Những phản ánh của nghệ sĩ Lê Thể gây nhiều tranh cãi trong dư luận.
Về việc này, Cục Nghệ thuật Biểu diễn, Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam, một số nghệ sĩ đồng nghiệp tham gia Hội đồng bình xét danh hiệu và cùng TS Hoàng Minh Khánh dàn dựng, biểu diễn các tác phẩm xiếc đoạt giải đã có văn bản xác nhận thành tích của ông Khánh, đồng loạt lên tiếng phản bác. Nhưng, điều đáng nói là dù bác bỏ tố cáo của nghệ sĩ Lê Thể song không ai không tiếc cho lão nghệ sĩ đã cống hiến cả cuộc đời cho nghệ thuật xiếc này.
NSƯT Lê Thể “xoay trần” huấn luyện học trò dù đã ở tuổi 78. |
Ngay trong những phút đầu tiên của buổi trao đổi với báo chí quanh lá đơn tố cáo của nghệ sĩ Lê Thể, ông Hoàng Minh Khánh cũng bày tỏ: “Tôi mới biết việc anh Lê Thể tố cáo tôi qua báo chí. Nhưng, là người lâu năm làm công tác đào tạo, gắn bó với nghệ thuật xiếc, hiểu rất rõ những khó khăn, vất vả, thiệt thòi của nghệ sĩ xiếc, tôi rất chia sẻ với bức xúc của nghệ sĩ nên luôn ủng hộ tuyệt đối cho nhau mỗi khi bình xét phong tặng danh hiệu nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân. Với những nghệ sĩ sống chết với nghề, không có lý do gì chúng tôi không ủng hộ”.
Cũng theo ông Hoàng Minh Khánh thì trước đây, việc đào tạo xiếc thực hiện theo cách nghề truyền nghề. Nghệ sĩ sáng tạo tiết mục, tập luyện, biểu diễn, sau đó truyền lại toàn bộ cho học trò. Nhưng đến nay, quy trình xây dựng tiết mục, đào tạo xiếc đã chính quy, bài bản hơn. Mỗi giáo viên phải đảm đương 4 chức năng gồm xây dựng đề án tiết mục (tác giả kịch bản), thiết kế sơ bộ đạo cụ tiết mục, huấn luyện kỹ năng kỹ xảo cho học sinh và dàn dựng tiết mục biểu diễn (đạo diễn).
Với một tiết mục xiếc hiện đại, mỗi người có thể đảm nhận 1 trong 4 công đoạn này. Tuy nhiên, hầu hết các cuộc thi, liên hoan chỉ có giải thưởng, huy chương dành cho tác giả kịch bản, nghệ sĩ biểu diễn, đạo diễn. Rất hiếm có cuộc thi nào trao giải riêng cho nghệ sĩ làm công tác huấn luyện.
Trong lá thư của nghệ sĩ xiếc Nguyễn Thị Trang viết, gửi kèm đơn khiếu nại của nghệ sĩ Lê Thể cũng phần nào cho thấy những cống hiến, thiệt thòi của nghệ sĩ huấn luyện. Cô chia sẻ rằng các nữ nghệ sĩ đã được nghệ sĩ Lê Thể dìu dắt từ những ngày chập chững vào nghề, chứng kiến ông không quản ngại thức khuya dậy sớm huấn luyện, chuẩn bị, kiểm tra từng đạo cụ cho trò. Khi tiết mục hoàn thiện, lão nghệ sĩ đã 78 tuổi đời này vẫn ròng rã theo các học trò đi tham gia các cuộc thi, biểu diễn phục vụ khán giả.
Chia sẻ về nghệ sĩ Lê Thể nói riêng, nghệ sĩ huấn luyện xiếc nói chung, NSƯT Trịnh Mạnh Hùng, một trong những nghệ sĩ xiếc lão luyện, đồng thời là huấn luyện của nhiều nghệ sĩ xiếc trẻ cho hay, nghệ sĩ huấn luyện xiếc hiện đang rất thiệt thòi. Nghệ sĩ dấn thân với nghề vẫn chấp nhận, coi như đặc thù của ngành.
Hầu hết các nghệ sĩ được hỏi đều thừa nhận NSƯT Lê Thể là một trong những người có công đóng góp xây dựng ngành xiếc Việt Nam, cụ thể là với Liên đoàn Xiếc Việt Nam ngay từ những năm đầu tiên thành lập. Nhưng, nhiều năm trước, vì không có nhiều cuộc thi, liên hoan nên nghệ sĩ ít có huy chương, giải thưởng để đáp ứng tiêu chí xét tặng danh hiệu, dù rằng, nghệ sĩ đó có thể có nhiều cống hiến, từng được đông đảo khán giả yêu mến.
Vì vậy, khi bình xét tặng danh hiệu cho nghệ sĩ ở cấp cơ sở, các thành viên trong Hội đồng đã bỏ phiếu bình chọn với hy vọng, ông sẽ được đặc cách như một số trường hợp xét tặng danh hiệu trước đây. Đáng tiếc, điều này đã không trở thành hiện thực.