Xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT: Nhiều quy định thuận lợi hơn cho nghệ sĩ
- Điều chỉnh xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT nhưng vẫn còn nhiều “điểm nghẽn”
- Dự thảo xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT: Còn nhiều băn khoăn
Việc áp dụng Nghị định mới không chỉ kỳ vọng sẽ góp phần tháo gỡ những vướng mắc, thậm chí dẫn đến việc tổ chức lễ trao tặng danh hiệu cũng phải hoãn lại để giải quyết những kiến nghị bị cho là còn thiếu hợp lý trong quá trình xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT trong những đợt gần đây.
Tại Nghị định số 40/2021/NĐ-CP, nhiều quy định từng bị các nghệ sĩ phản ánh là còn chưa hợp lý trong xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT đã được điều chỉnh. Cụ thể, quy định về thời gian hoạt động nghệ thuật của nghệ sĩ tại Nghị định cũ chỉ tính từ thời điểm cá nhân tốt nghiệp một trường nghệ thuật chuyên nghiệp đến thời điểm xét hồ sơ đề nghị tặng danh hiệu tại Hội đồng cơ sở.
Với việc triển khai Nghị định mới về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT, nghệ sĩ biểu diễn có nhiều thuận lợi hơn. |
Nghị định 40 còn có thêm quy định, thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp của nghệ sĩ được tính từ khi cá nhân đủ 18 tuổi, hoạt động nghệ thuật tại một đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp đến thời điểm xét hồ sơ tặng danh hiệu tại Hội đồng cơ sở. Quy định này được cho là hợp lý hơn vì trong thực tế, có nhiều nghệ sĩ hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp từ trước khi tốt nghiệp…
Nhiều tiêu chuẩn xét tặng NSND, NSƯT khác cũng được thay đổi theo hướng có lợi hơn cho nghệ sĩ. Thay vì quy định thời gian hoạt động nghệ thuật từ 20 năm trở lên, riêng với nghệ sĩ xiếc, múa là 15 năm trở lên mới được xét tặng danh hiệu NSND như trước đây, Nghị định mới giữ nguyên về số năm nhưng cho phép tính cộng dồn. Tức là nghệ sĩ có thể hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp liên tục hoặc ngắt quãng, miễn là đảm bảo số năm theo quy định. Quy định thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp cho cá nhân được xét tặng danh hiệu NSƯT cũng được cộng dồn như thế.
Với các cá nhân có cống hiến nổi trội, tài năng nghệ thuật xuất sắc, thiếu giải thưởng theo quy định nhưng được Hội đồng các cấp thảo luận, đánh giá là trường hợp đặc biệt, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định, Nghị định 40 mở rộng đối tượng xét tặng hơn. Nghị định cũ chỉ xem xét các trường hợp nghệ sĩ là người cao tuổi có nhiều cống hiến, đóng góp trong lĩnh vực nghệ thuật và nghệ sĩ tích cực tham gia nhiều hoạt động phục vụ nhiệm vụ chính trị lớn của địa phương, đất nước.
Nghị định mới cho phép xem xét thêm trường hợp nghệ sĩ là giảng viên các trường đào tạo văn hóa, nghệ thuật chuyên nghiệp, đào tạo nhiều thế hệ sinh viên tham gia đạt giải thưởng cao tại các cuộc thi nghệ thuật chuyên nghiệp quốc tế.
Về tỷ lệ phiếu bầu của các thành viên trong các hội đồng xét tặng danh hiệu, mức quy định của Nghị định mới cũng thấp hơn. Thay vì quy định hồ sơ đủ tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu được ít nhất 90% tổng số thành viên Hội đồng cấp bộ, tỉnh bỏ phiếu bình chọn như trước đây, Nghị định mới giảm tỷ lệ bình chọn còn 80%...