Vực dậy sân khấu Hà Nội trong thời 4.0

Chủ Nhật, 08/12/2019, 16:52
Sân khấu Hà Nội hội tụ nhiều nghệ sĩ tài năng, được đào tạo trong nước và ngoài nước với trình độ chuyên môn cao, nhưng nhiều năm nay vẫn loay hoay, chưa thoát khỏi khủng hoảng. Làm thế nào để vực dậy sân khấu của Thủ đô, nơi vẫn được tự hào là sân khấu hàn lâm, chuyên nghiệp, hiện đại ?

PGS.TS Trần Trí Trắc cho rằng, sân khấu Hà Nội được hình thành có thể tính từ thời Lý - Trần. Suốt chiều dài lịch sử, qua những thăng trầm của mình, sân khấu Hà Nội luôn là đỉnh cao mang tính kinh kỳ so với cả nước. Nhưng nền sân khấu của “nghệ sĩ – chiến sĩ”, nghệ thuật sân khấu Hà Nội hiện nay là con đẻ của cơ chế bao cấp xã hội chủ nghĩa. 

Sự tồn tại, sáng tạo, phát triển của nó luôn được đặt trong quy luật chính cơ chế bao cấp. Với xu hướng đẩy mạnh xã hội hóa, các đơn vị công lập dần tự chủ về kinh phí hoạt động và nhiều mặt khác, phần lớn các đơn vị sân khấu Hà Nội bước vào cơ chế thị trường với không ít lúng túng, khủng hoảng nhiều mặt, dẫn đến những sáng tạo hoài cổ, chưa phản ánh sâu sắc, sinh động những hiện thực lớn của đất nước. 

Các nghệ sĩ Hà Nội chưa nhận thức đủ và thể hiện được sự chuyển hóa lớn của hiện thực Hà Nội thời đại cách mạng khoa học công nghệ 4.0 trong cảm xúc sáng tạo của mình một cách tương xứng. Thực trạng này khiến sân khấu Thủ đô thiếu sức cạnh tranh với các loại hình văn hóa nghệ thuật mới, thiếu vắng khán giả và tự tạo ra trong mình mâu thuẫn: Mâu thuẫn giữa chính phẩm với thứ phẩm, giữa phục vụ chính trị với giải trí, giữa truyền thống với hiện đại...

Cảnh trong vở “Đôi mắt” – một trong số các tác phẩm nổi bật của Nhà hát Kịch Hà Nội.

NSƯT Đặng Tiến, một trong số những người gắn bó lâu năm với Nhà hát Múa rối Thăng Long chỉ ra một nghịch lý. Nhà hát là niềm tự hào của nhiều người làm sân khấu vì đến thời điểm này, đây là địa điểm sân khấu duy nhất biểu diễn  không có ngày nghỉ, với tần suất 5-6 buổi diễn mỗi ngày, phục vụ hơn nửa triệu khán giả, thực hiện 2.000 buổi diễn, doanh thu gần 50 tỷ đồng/năm. 

Thực tế, việc Nhà hát tiếp thu, chỉnh lý 17 trò rối nước cổ truyền tinh hoa cha ông để lại bằng các thủ pháp chuyên nghiệp về đạo diễn, âm nhạc, diễn xuất, nâng nghệ thuật cổ truyền dân gian lên 1 tầm cao mới giúp vị thế của nghệ thuật múa rối Thủ đô ngày càng chiếm được lòng tin của công chúng khán giả. Tuy nhiên, múa rối nước dân gian Việt Nam có hàng trăm trò. 

17 trò rối đang được biểu diễn, vẫn đang được yêu mến. Nhưng nếu cứ diễn đi diễn lại, cộng thêm sự phát triển không kiểm soát được chất lượng nghệ thuật của các trung tâm mang danh hoạt động nghệ thuật chỉ đặt nặng vào kinh doanh, thì Múa rối nước Việt Nam sẽ không thể hấp dẫn khán giả về lâu dài. Chưa kể, rạp biểu diễn được xây dựng trong những năm 90 của thế kỉ trước, chỉ có 300 chỗ ngồi trong rạp khiến sân khấu quá tải. 

Nhiều đoàn khách được sắp xếp thời gian từ trước, chỉ xem vào 1 ngày, giờ duy nhất, không đợi được, phải chấp nhận đến địa điểm khác, mặc dù họ biết rằng nơi đó không phải sân khấu rối chuyên nghiệp.  Đặc biệt, 95% người xem đều là khách quốc tế.  Khán giả trong nước rất ít đến xem và cũng chưa được quan tâm “nuôi dưỡng”.

Tác giả kiêm đạo diễn Hoàng Thanh Du cũng chỉ ra rằng, khán giả sân khấu của ngày hôm nay với những yêu cầu thúc bách, nhịp sống đầy sôi động, quen với ứng dụng công nghệ, sẽ thấy xa lạ, thậm chí khó chịu với những vở diễn giáo điều, khai thác yếu tố tâm lý quen thuộc, vở diễn xây dựng theo kiểu minh họa cho nội dung. 

Muốn khắc phục, sân khấu cần tăng nhanh tiết tấu, vở diễn không quá dài, thiên về nhìn hơn nghe. Hà Nội cần đổi mới, chấm dứt dựng, diễn các vở xa rời thực tiễn, giáo điều, tuyên truyền thái quá. 

Để sân khấu Hà Nội phát triển, chúng ta phải dũng cảm  thừa nhận và sửa lỗi ở tất cả các khâu sáng tạo ra tác phẩm sân khấu. Trong đó, người quản lý, lãnh đạo sân khấu  phải được đào tạo bài bản, có tư duy mới, hiện đại, bắt được nhịp với thế hệ khán giả có thị hiếu, thầm mĩ khác hẳn lớp người đi trước…          

N.H
.
.
.