Vở diễn về thân phận nghệ sĩ “Dưới ánh đèn” trở lại trong Ngày Sân khấu Việt Nam
- Sân khấu xã hội hóa liệu có hồi sinh?
- Tại sao sân khấu xã hội hóa thăng trầm?
- NSƯT - Đại tá Trần Nhượng: Ước được vào một vai chính diện
- Đạo diễn, NSƯT Trần Nhượng: Tôi khổ về đường tình duyên
Chia sẻ về vở diễn và hoạt động kỷ niệm Ngày Sân khấu Việt Nam, NSND Trần Nhượng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Sân khấu Thử nghiệm kiêm Giám đốc Công ty Cổ phần Nhà hát Thử nghiệm Việt Nam cho biết, từ khi có quyết định của nhà nước chọn ngày giỗ Tổ truyền thống của ngành sân khấu 12/8 âm lịch làm Ngày Sân khấu Việt Nam, các hội nghề nghiệp và các đoàn nghệ thuật, các nhóm nghệ sĩ đều tổ chức rất nhiều các hoạt động để tôn vinh nghề của mình.
NSND Trần Nhượng và ê kíp thực hiện vở "Dưới ánh đèn" chia sẻ về chương trình Ngày Sân khấu Việt Nam và tác phẩm |
Năm nay, Câu lạc bộ Sân khấu Thử nghiệm và Công ty Cổ phần Nhà hát Thử nghiệm Việt Nam chọn vở “Dưới ánh đèn” để diễn trong ngày giỗ tổ nghề với mong muốn được mang “tiếng lòng” của người nghệ sĩ bước lên sân khấu. Các nghệ sĩ diễn về chính thân phận của mình. Đó không chỉ là những ánh hào quang trên sân khấu và người nghệ sĩ cũng không chỉ khóc trên sàn diễn…
Khai thác về chuyện đời cùng nhiều nỗi niềm của người nghệ sĩ sân khấu, tác phẩm “Dưới ánh đèn” từng mang về 2 Huy chương vàng, 1 Huy chương bạc cho các nghệ sĩ Liên hoan sân khấu kịch nói toàn quốc năm 2018. Do đạo diễn, NSND Trần Nhượng dàn dựng theo kịch bản của tác giả Chu Thơm, trong vở kịch, các nghệ sĩ cùng nhau “kể” một câu chuyện đơn giản nhưng cảm động.
Nghệ sĩ Quang Tèo và ca sĩ Long Nhật trong vở "Dưới ánh đèn" |
“Dưới ánh đèn” cũng được coi là cuộc thử nghiệm thú vị của đạo diễn, NSND Trần Nhượng bởi nhiều người được “chọn mặt gửi vàng” trogn vở diễn không phải là diễn viên kịch nói: Ca sĩ Long Nhật (TP.HCM) đóng nhân vật chính ca sĩ Bảo Long; NSƯT Tiến Quang (Quang Tèo) vào vai người cha của Bảo Long; nghệ sĩ Công Vượng vào vai bầu sô; nghệ sĩ cải lương Hồng Gấm vào vai ca sĩ Thanh Phượng (bạn gái của Bảo Long). Belly dancer Trịnh Huyền, người chưa hề diễn kịch và chỉ biết duy nhất múa bụng cũng có một vai người hâm mộ ca sĩ…
Vở "Dưới ánh đèn" của NSND Trần Nhượng |
Mặc dù vở diễn “Dưới ánh đèn” được giới chuyên môn ghi nhận, đánh giá cao về mặt chất lượng nghệ thuật và đã phục vụ đông đảo khán trên cả nước nhưng theo ê kíp thực hiện thì đến hiện tại, việc tổ chức các suất diễn cũng như duy trì hoạt động Câu lạc bộ sân khấu thử nghiệm đều dựa vào sự tự nguyện, đóng góp chung của các nghệ sĩ.
NSND Trần Nhượng còn cho biết, mặc dù hoạt động sân khấu xã hội hóa ở Thủ đô rất khó khăn nhưng hai đơn vị Câu lạc bộ sân khấu Thử nghiệm và Công ty Cổ phần Nhà hát Thử nghiệm Việt Nam vẫn tập hợp được một lực lượng các nghệ sĩ sân khấu của nhiều đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp và hoạt động tự do.
Cảnh trong vở "Dưới ánh đèn" |
Tại lễ kỷ niệm chào mừng Ngày Sân khấu Việt Nam do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức vào 25/9, Câu lạc bộ sẽ ủng hộ 40 triệu đồng cho các nghệ sĩ gặp khó khăn.
Đặc biệt, tối 27/9 trong chương trình lễ dâng hương giỗ tổ sân khấu và diễn vở kịch “Dưới ánh đèn”, Câu lạc bộ Sân khấu thử nghiệm sẽ tiếp tục ủng hộ 30 suất quà trị giá 120 triệu đồng cho các nghệ sĩ cao tuổi, các nghệ sĩ có hoàn cảnh khó khăn ở Trung ương, Hà Nội và một số tỉnh lân cận.
Tuy nhiên, cũng theo NSND Trần Nhượng thì lâu nay, các đơn vị sân khấu xã hội hóa như Câu lạc bộ sân khấu thử nghiệm, Công ty Cổ phần Nhà hát Thử nghiệm Việt Nam phải tự lực cánh sinh. Từ tập luyện đến biểu diễn đều phải thuê địa điểm. Việc duy trì hoạt động và dựng vở của 2 đơn vị xã hội hóa nói trên đều chỉ dựa vào sự nhiệt tình, đam mê nghề của các nghệ sĩ.
Hiện tại, đơn vị đang nỗ lực đề nghị Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cho thành lập Trung tâm Sân khấu thử nghiệm hoặc Nhà hát Thử nghiệm thuộc Hội. Các nghệ sĩ đang rất hy vọng, nguyện vọng này sẽ thành hiện thực để hoạt động thuận lợi hơn. Nghệ sĩ được thỏa mãn đam mê, có cơ hội cống hiến ngày càng nhiều tác phẩm sân khấu có giá trị nghệ thuật cao tới khán giả.