Viết về chiến tranh là sống trọn ký ức mình

Thứ Tư, 29/04/2020, 09:52
Nhà văn Trung Trung Đỉnh và nhà văn Bảo Ninh đã từng là những người lính tham chiến, đối với họ, chiến tranh không chỉ là lịch sử, mà chiến tranh, nó là máu thịt, là mất mát, hy sinh, là những giọt nước mắt...

Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ, nhưng những ngày 30-4 lịch sử luôn in đậm trong ký ức của những người lính. Nhà văn Trung Trung Đỉnh và nhà văn Bảo Ninh đã từng là những người lính tham chiến trong những ngày tháng cam go nhất của dân tộc, đối với họ, chiến tranh không chỉ là lịch sử, không chỉ là một chuyện để kể lại cho thế hệ hậu sinh, mà chiến tranh, nó là máu thịt, là mất mát, hy sinh, là những giọt nước mắt hạnh phúc của ngày đoàn tụ, thấm đẫm trên những trang văn, trong suốt cả cuộc đời...

1. Nhà văn Trung Trung Đỉnh: "Chiến tranh đã tạo ra nhiều câu chuyện cuộc đời"

Nhà văn Trung Trung Đỉnh năm nay đã ở tuổi thất thập cổ lai hy. Thời gian qua ông trải qua nhiều biến cố trong sức khỏe, bệnh tật nhưng ông bảo, điều may mắn nhất trong cuộc đời là ông vẫn vượt qua được những vận hạn để bây giờ đây, ông vẫn minh mẫn, khỏe mạnh để kể lại những vui buồn của một thời chưa xa về những năm tháng lịch sử đầy biến động của dân tộc.

Nhà văn Trung Trung Đỉnh (tên thật là Phạm Trung Đỉnh) sinh ra và lớn lên tại Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Năm 1968, khi học hết phổ thông, ông lên đường nhập ngũ Nam tiến và chiến đấu tại chiến trường An Khê và các địa bàn thuộc tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk lúc cuộc chiến tranh chống Mỹ đang trong giai đoạn ác liệt nhất. Ông kể lại: 

Tháng 3 năm 1975, ông được đơn vị cử đi học khóa chiếu bóng Quân khu 5 (Trà My - Quảng Nam). Học xong, ông được điều đến trạm khách của Quân khu chờ phục vụ chiến dịch, đi cùng hai đồng đội, một người Gia Rai, một người tộc Hrê. Ba anh em nằm chờ mãi thấy chán, đòi ra chiến dịch vì nghe nói chiến dịch lớn lắm. 

Song Trạm trưởng lệnh phải ở nguyên vị trí để chờ nhận máy chiếu bóng của Ukraine, đang chuyển từ ngoài Bắc vào để đi chiếu phục vụ các đơn vị chủ lực. Trong lúc chờ đợi thì ông và mấy đồng đội đi cùng đề xuất trạm trưởng cho vào rừng đi săn. Trạm trưởng rất mừng bởi trạm đang thiếu thực phẩm tiếp tế cho các đơn vị. 

Ông cấp cho mỗi người chừng 5-7 cân cả gạo lẫn muối và dặn: khi nào hòm hòm thì gùi ra hoặc bắn súng báo hiệu, Trạm sẽ cho người vào hỗ trợ. Những người lính hăng hái đi sâu vào rừng già để đi săn, đóng cọc dựng lều. Họ săn được kha khá heo rừng, hươu nai. Săn xong thì hong lên, phơi khô để dành trở về tiếp tế cho đồng đội. 

Sau nhiều ngày tháng, ông và đồng đội ở rừng nên hoàn toàn không biết rằng, đúng trong thời gian đó, quân ta đã bước vào chiến dịch Hồ Chí Minh. Có chiếc radio thì hết pin, không nghe được tin tức gì, mà cũng không thấy Trạm trưởng cho người vào dù đã bắn súng báo hiệu. 

“Ban đầu cũng hơi lo lắng vì xung quanh lặng như tờ, ngay cả máy bay địch trước vẫn lượn như cơm bữa, nay chẳng thấy đâu. Mấy anh em vác "chiến lợi phẩm" đi mò tới một ngôi làng người dân tộc gần đó nhưng xung quanh vẫn trống trơn, không có người, tìm khắp nơi, chúng tôi gặp được một ông già đang say rượu nằm dưới một gốc cây gần bến nước. 

Gọi cho ông tỉnh rượu để hỏi xem sự tình ra làm sao thì mãi ông mới buông được một câu: “Giải phóng lâu rồi sao chúng mày còn ở đây?”. Nhìn kỹ thì thấy  trên túi áo ông già cắm mấy cái cờ đuôi nheo màu đỏ. Ông nói trong hơi rượu: "Chúng tao vui quá, cả làng đi mừng chiến thắng hết rồi. Dân làng tao đang ở dưới Tam Kỳ hết rồi, tao về cho heo ăn thôi. Tiện thể vui quá làm chén nghỉ một chút!". 

Nhà văn Trung Trung Đỉnh kể trong sự hân hoan như nhớ lại từng chút cảm xúc của ngày ấy: "Chúng tôi vui mừng khôn xiết, xách ba khẩu AK chĩa lên trời kéo một tràng dài đến hết sạch đạn. Rồi bỏ cả đống thịt săn đã muối, đã sấy ở lại, ra quốc lộ, vẫy xe bộ đội về Đà Nẵng".

Nhà văn Trung Trung Đỉnh trong một lần trở lại chiến trường Tây Nguyên.

Sau này nhà văn Trung Trung Đỉnh gắn bó với trại viết Quân khu 5. Ông gắn bó máu thịt với đất và người Tây Nguyên. Ông cũng thừa nhận rằng, đó là mảnh đất đã làm nên con người ông, số phận ông và văn chương của ông. 

Ông yêu mảnh đất ấy đến mức có thể sử dụng thành thạo cả tiếng Ba Na - Gia Rai. Ông đã cho ra mắt các tiểu thuyết như "Lạc rừng", "Lính trận", "Ngược chiều cái chết", "Thung lũng đá hoa", "Người trong cuộc"... Sau này là những tác phẩm viết về đề tài hậu chiến, với những "Chuyện buồn Ngõ lỗ thủng", "Tiễn biệt những ngày buồn", "Bậc cao thủ"... 

Các tác phẩm của ông cũng đã đạt được nhiều giải thưởng danh giá như: Giải thưởng văn học ASEAN, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật (2007), Giải thưởng Bộ Quốc phòng...

Nhà văn Trung Trung Đỉnh cho rằng, cuộc đời ông dù trải qua nhiều công việc và nhiều cơ quan, nhưng trong thâm tâm, ông vẫn nhận mình là một nhà văn khoác áo lính và văn chương là định mệnh. 

Từ hồi để chỏm, cái khao khát trở thành một nhà văn đã được ông hun đúc, nhưng khi vào bộ đội, chứng kiến những ác liệt của chiến tranh, bom đạn, cả sự hy sinh của bao đồng đội thì mới thấm thía được hòa bình và vinh quang của ngày độc lập. 

Với một nhà văn, việc quan trọng nhất là phải đi (vốn sống), phải đọc (học thêm) và viết như chính rút ruột, nỗi lòng mình vào câu chữ. Ông là một thương binh, mang trên mình những dấu vết của chiến tranh, để tự nhắc mình rằng, ông đã nhiều lần chết hụt trong chiến tranh, thì nhiệm vụ của một người lính, cũng là cảm hứng sống của cuộc đời ông, là tái hiện khung cảnh chiến tranh theo một cách riêng để thế hệ sau hiểu được những ngày tháng xa xưa, cha ông mình đã sống và chiến đấu như thế để có một ngày ấm no, độc lập của hòa bình.

2. Nhà văn Bảo Ninh: "Ghi nhớ mọi ký ức về chiến tranh"

Nhà văn Bảo Ninh (SN 1952) tên thật là Hoàng Ấu Phương. Ông vào bộ đội năm 1969, chiến đấu ở mặt trận B3 Tây Nguyên. Từ 1976-1981, ông học đại học ở Hà Nội, sau đó làm việc ở Viện Khoa học Việt Nam. Từ 1984-1986, ông học Trường viết văn Nguyễn Du (Đại học Văn hóa Hà Nội), sau đó làm báo Văn nghệ Hội Nhà văn Việt Nam. 

Ông nổi tiếng với tác phẩm "Nỗi buồn chiến tranh" cùng nhiều tuyển tập truyện ngắn. Mới đây, ông công bố một số chương trong cuốn tiểu thuyết mới của mình trên ấn phẩm văn chương "Viết và đọc" với tên gọi "Đường về".

Trò chuyện với nhà văn Bảo Ninh, luôn cảm giác ông là người của những điều "xưa cũ". Trong ông, luôn có sự trắc ẩn của một người đã trót nặng nợ với văn chương, với chiến tranh, với cuộc đời nhiều biến động. 

Trở về sau chiến tranh, ông là một nhà văn thành công với tiểu thuyết "Nỗi buồn chiến tranh". Nó cũng trở thành một cuốn tiểu thuyết về chiến tranh Việt Nam thành công vượt bậc vì đã được dịch ra rất nhiều thứ tiếng trên thế giới như: Nga, Đức, Pháp, Hàn, Nhật, Trung Quốc... 

Có hàng trăm luận án, luận văn nghiên cứu về những vấn đề liên quan đến chiến tranh cách mạng Việt Nam thông qua "Nỗi buồn chiến tranh" của ông. "Nỗi buồn chiến tranh” đã đoạt giải thưởng Hội Nhà văn năm 1991 và cho đến nay vẫn được độc giả nhớ đến nhiều bởi giải thưởng ấy ghi dấu chặng đường năm năm trời đột khởi của văn học sau những năm tháng đổi mới. 

Nói về những ngày "nằm gai nếm mật", nhà văn Bảo Ninh chia sẻ rằng, tất cả mọi ký ức trong ông đều được ghi nhớ trọn vẹn. Ông kể: "Tôi nhớ, ngay buổi trưa, buổi chiều, buổi tối ngày toàn thắng đã rất nhiều cảm xúc xáo trộn tâm hồn anh bộ đội. 

Vinh quang rạng ngời, hạnh phúc tột đỉnh của bản thân mình, của đồng đội và đất nước. Mừng vui, ước mơ sau bao năm cũng đã trở thành hiện thực. Vì tôi là một nhà văn tham gia chiến trận nên tôi phải viết về nó như một phần đời sống của tôi. Chiến tranh và văn chương song hành. Trong khói lửa chiến tranh luôn sản sinh những tác phẩm văn học. 

Cuộc chiến chống Mỹ của Việt Nam cũng vậy. Cũng như các bạn hữu cùng thời, đa số nhà văn, nhà thơ thế hệ chúng tôi đều đã kinh qua chiến trận và viết về nó với tất cả nỗi lòng mình. Nghề văn là nghề chuyên nghiệp về sự ngẫm nghĩ. 

Nhà văn tự xem mình là kẻ có khả năng, có trách nhiệm và có ham thú đúc kết nhân tình thế thái đặng tìm ra cho bản thân mình và bạn đọc của mình những giá trị, những ý nghĩ vừa cố định, vừa đổi thay không ngừng của đời sống con người, một đời sống tuy ngắn ngủi và khá là ảm đạm, nhiều buồn đau và bất hạnh, song lại cũng hàm chứa vô cùng tận những lẽ đời đáng sống, những giá trị cao quý, những vẻ đẹp tuyệt vời, hạnh phúc và niềm vui...".

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.
.