Vì sao Thỏ đẻ con mà Lễ Phục sinh lại “toàn trứng”?

Thứ Hai, 02/04/2018, 12:36
Vào Lễ Phục sinh, chúng ta thường thấy sự xuất hiện của hai biểu tượng không thể tách rời là thỏ mẹ và những quả trứng sắc màu. Tuy nhiên, thực tế thì loài thỏ đẻ con chứ không hề đẻ trứng? Vậy nguồn gốc của hai biểu tưởng này đến từ đâu?
Thỏ và trứng là hai biểu tượng không thể tách rời trong dịp Lễ Phục sinh. 

Lễ Phục sinh (Easter) được xem là một trong những ngày lễ quan trọng nhất trong năm của người theo Kito giáo. Ngày lễ này không cố định mà thường diễn ra vào một ngày chủ nhật giữa 22-3 đến 25-4. Đây là ngày để những con chiên tưởng niệm sự kiện Chúa Jesus hồi sinh từ cõi chết trở về sau khi bị đóng đinh xử tử trên Thánh giá.

Vào ngày này, người ta thường trao tặng nhau những món quà như thỏi socola có hình thỏ mẹ, hay hình quả trứng được trang trí nhiều màu sắc. Và không phải tự nhiên mà thỏ và trứng lại gắn liền với nhau như vậy, mọi việc đều có lý do của nó.

Trứng Phục sinh

Những chiếc bánh ngọt được trang trí đặc biệt theo chủ đề Phục sinh. 

Từ khi khởi nguyên, con người đã luôn coi trứng là biểu tượng của sự sinh sôi nảy nở, đem đến sự bắt đầu diệu kỳ. Theo truyền thuyết, người phương Tây tin rằng Trái đất vốn được nở ra từ một quả trứng khổng lồ và các sinh vật bằng cách này hay cách khác cũng đều sinh ra từ quả trứng. Có lẽ vì vậy mà người ta thừa nhận trứng là một biểu tượng văn hóa không thể thiếu trong ngày lễ Phục sinh, mừng sự tái sinh của Chúa Jesus.

Ngoài ra, các nghiên cứu khảo cổ cũng chứng minh được rằng, người Ai Cập và Su-me cổ có tập tục trang trí trứng làm quà tặng từ ít nhất 5.000 năm về trước. Trong khi người Ai Cập và Ba Tư thường trao đổi trứng nhuộm bằng sơn đỏ để chào mừng mùa xuân, thì người Hy Lạp và La Mã đã sáng tạo vào thêm nhiều màu sắc khác nhau.

Từ đó đến nay, người ta thường tặng nhau những quả trứng “nhà làm”, tự trang trí các hoa văn, họa tiết sắc màu cho biểu tượng tái sinh này với hy vọng gia đình, người thân và bạn bè luôn gặp được may mắn và điều tốt đẹp nhất, gạt bỏ những điều không hay lại phía sau.  

Thỏ Phục sinh

Trên thực tế, loài thỏ chỉ sinh con chứ không hề đẻ trứng. Thế nhưng Thỏ Phục sinh lại là một câu chuyện khác. Trước hết, với khả năng sinh sản chóng mặt, thỏ cũng được coi là biểu tượng của sự sinh sản, sức sống dồi dào mạnh mẽ. 

Nhưng quan trọng hơn, hình ảnh thỏ gắn liền với một truyền thuyết về Ostara (còn gọi là Eastre). Đây là nữ thần của mùa xuân, người được lấy tên đặt cho tên của lễ Phục Sinh (Easter).

Thỏ Phục sinh tượng trưng cho sinh sôi nảy nở và sức sống mạnh mẽ. 

Chuyện kể rằng, thần Ostara có lần mang mùa xuân tới Trái đất muộn. Điều này khiến muông thú và mọi vật phải chịu cảnh giá lạnh. Khi Ostara tới, thần vô tình thấy một chú chim sắp chết vì hai cánh bị đóng băng. 

Cảm thương, Ostara bèn giải cứu, biến chú chim thành một con thỏ và giữ nó bên mình làm thú cưng. Ostara cũng ban cho thỏ con khả năng đẻ trứng cùng khả năng chạy rất nhanh. Thần Ostara muốn chú thỏ sẽ thay người tặng quà trẻ em khi xuân về.

Tuy nhiên, sau này, thỏ thần vô tình khiến Ostara nổi giận. Nó bị thần ném lên bầu trời, hóa vào chòm sao Lepus. Một năm, thỏ chỉ được xuống nhân gian một lần vào mùa xuân để tặng những quả trứng đáng yêu cho người dân dưới trần thế. Cũng từ đó, hình ảnh thỏ mang trứng trở thành một nét đặc biệt trong ngày lễ Phục Sinh của phương Tây.

Linh Đan (TH)
.
.
.