Vai trò của Bác Hồ, Đảng Cộng sản Việt Nam với VHNT thế kỷ XX

Thứ Hai, 03/02/2020, 16:07
Ngày 3-2, tại Thư viện Quốc gia Việt Nam, Hà Nội, đã diễn ra buổi tọa đàm Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam với sự nghiệp văn hóa - văn học nghệ thuật (VHNT) Việt Nam. 

Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Triển lãm sách kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. Giáo sư Phong Lê, nguyên Viện trưởng Viện Văn học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam là diễn giả.

Tại buổi tọa đàm, Giáo sư Phong Lê đã chia sẻ với các đại biểu, nhà nghiên cứu, các tác giả, bạn đọc nhiều tri thức mới về lãnh tụ Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam với sự nghiệp văn hóa - VHNT Việt Nam. Giáo sư khẳng định, trước thời điểm thành lập Đảng vào năm 1930, phải nói đến hai thời điểm gắn với hành trình tìm đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc. 

Đó là năm 1911, Nguyễn Ái Quốc rời Tổ quốc ra đi, năm 1920, Người tìm ra con đường cứu nước khi đọc “Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của Lênin tại Paris. Sự nghiệp viết của Nguyễn Ái Quốc đã bắt đầu từ Bản yêu sách 8 điểm gửi Hội nghị Vécxây (1919), báo Le Paria (1921 - 1924), Bản án chế độ thực dân Pháp (1925), Đường Kách mệnh (1927)… Sau đó là mốc lịch sử năm 1945 với Cách mạng Tháng Tám và Bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

GS Phong Lê trao đổi với các nhà nghiên cứu, tác giả và bạn đọc tại Hà Nội ngày 3-2

Các mốc lịch sử gắn với các sự kiện trên là sự ra đời của một nền văn học cách mạng - hiện đại Việt Nam, thay cho nền văn học trung đại kéo dài hơn 1.000 năm. Mùa gặt đầu tiên của nó gắn với thời điểm trước và sau năm 1945, chứa đựng nội dung yêu nước và chủ nghĩa nhân văn, khẳng định quyền sống trong độc lập, tự do, hạnh phúc cho hơn 25 triệu người dân Việt.

Chủ nghĩa yêu nước trong văn học - nghệ thuật Việt Nam phát triển lên đỉnh cao trong 30 năm (1945 - 1975) làm nên một trong số những nền văn học tiên phong chống đế quốc của thế giới thế kỷ XX. Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến chống Pháp năm 1945 và  kêu gọi chống Mỹ cứu nước năm 1966 của Bác đã động viên toàn dân tộc lên đường. Trong nhiều thế hệ nhà văn Việt Nam, không ai từ chối ra trận. Nhờ thế, nhiều chục tác phẩm lớn ra đời trong các giai đoạn này và chúng ta có nền văn học chiến tranh chống đế quốc tiên phong – nền văn học yêu nước. 

Trong lịch sử, chưa có giai đoạn nào nền văn học yêu nước lại phát triển rực rỡ như thế. Nền văn học chống đế quốc, với nội dung gắn kết chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng, để lại nhiều tên tác phẩm, tác giả xuất hiện liên tục qua các thời điểm 1945, 1954, 1960, 1975. Rất nhiều bộ tiểu thuyết lớn của văn học Việt Nam đã được viết trong thời kỳ này. Nhà văn Nguyên Hồng viết tiểu thuyết “Cửa biển” gần 3.000 trang, 4 tập, mỗi tập hơn 500 trang: “Sóng ngầm,  Cơn bão đã đến, Thời kỳ đen tối,  Khi đứa con ra đời. Nguyễn Đình Thi viết bộ “Vỡ bờ”… 

Buổi tọa đàm thu hút sự quan tâm của khá đông bạn đọc

Đến nay, các tư liệu về 2 cuộc chiến tranh kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ ngồn ngộn trong các tác phẩm văn học nghệ thuật. Dù rằng, các nhà văn thời kỳ này chỉ khiêm tốn nói rằng họ là người thư ký của thời đại, ghi chép cho con cháu sau này. Trên hành trình lịch sử ấy, văn hóa - VHNT tiếp tục có được những “mùa màng” bội thu, có nhiều tác phẩm có giá trị phản ánh và dự báo trên cơ sở những trải nghiệm lịch sử và trách nhiệm công dân của nhà văn. Những tên tuổi rất quan trọng trong thời kỳ này phải kể đến các nhà văn Nguyễn Minh Châu, Ma Văn Kháng, Nguyễn Khải, Nguyễn Huy Thiệp… Các tác phẩm của họ có tính dự báo rất lớn, tác động đến xã hội. 

“VHNT đã hoàn thành chức năng là phản ánh bức tranh đời sống và dự báo xã hội. Những người có tâm, có tầm đã quan sát, tìm ra trong văn học nghệ thuật những bài học để điều hành đất nước”. GS Phong Lê khẳng định.


N.Hoa
.
.
.