Ứng dụng công nghệ - “cứu cánh” của hoạt động nghệ thuật “thời COVID-19”
Sau 2 năm “sống chung” với COVID-19, công nghệ số đã không còn là giải pháp tình thế nhằm thích ứng với điều kiện, hoàn cảnh mới, tranh thủ được tối đa khoảng thời gian dịch bệnh tạm lắng.
Áp dụng công nghệ nhằm thúc đẩy hoạt động nghệ thuật biểu diễn đang trở thành giải pháp phát triển mang tính bền vững cho nhiều đơn vị nghệ thuật.
Được triển khai từ cuối năm 2019 và dự kiến kéo dài đến tháng 10/2021, với 24 chương trình, vở diễn được tổ chức sản xuất, biểu diễn, ghi hình phát sóng, livestream, đề án “Sân khấu truyền hình Hải Phòng” là một trong những “cứu cánh” cho nhiều nghệ sĩ, đơn vị nghệ thuật trong khoảng thời gian sân khấu khủng hoảng vì COVID-19.
Các đơn vị biểu diễn nghệ thuật truyền thống cũng chú trọng ứng dụng công nghệ hơn trong hoạt động chuyên môn. |
Theo Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng, sau 1 năm triển khai đề án, các đơn vị nghệ thuật của địa phương đã thực hiện 12 vở diễn được tập trung đầu tư cao cả về quy mô và chất lượng dàn dựng. Các vở diễn cũng rất đa dạng. Về đề tài lịch sử có các vở: "Khai sáng An Biên", "Đức Vương Ngô Quyền", "Hoàng Đế Tiền Lê", "Hào khí Bạch Đằng Giang", "Lời Sấm truyền từ quán Trung Tân". Khai thác tích truyện, mang yếu tố huyền thoại có “Một truyền tích Hoa Phương”. Đề tài chiến tranh cách mạng có “Di sản mùa xuân”. Ngoài ra còn có nhiều vở diễn mang đậm hơi thở của cuộc sống đương đại như: "Phong tỏa", "Người trong mắt bão", "Thành phố mặt trời lên", "Giấc mơ ếch xanh", "Tôi và chúng ta".
Trước khi phát sóng, các chương trình, vở diễn đều đã được phát trailer trước 7 ngày trên các kênh sóng vào các khung giờ khác nhau liên tục, nhiều lần để quảng cáo, giới thiệu về tác phẩm với nội dung và hình thức thể hiện phong phú. Ngoài việc tổ chức phát sóng trực tiếp, livestream, các tác phẩm sân khấu còn được phát lại nhiều lần trên tất cả các kênh của Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng.
Thống kê sơ bộ cho thấy đã có 15.000 người xem trực tiếp qua livestream. Mỗi chương trình có trên 10.000 lượt xem. Có gần 300 lượt khán giả chia sẻ chương trình trên trang cá nhân và có từ 1.000 đến 2.000 lượt like cho mỗi chương trình, vở diễn. Đáng chú ý, lượt chia sẻ và số like liên tục tăng dần ở các chương trình về sau. Tất nhiên, với các đơn vị nghệ thuật, nghệ sĩ tham gia chương trình thì hoạt động này đặt ra nhiều thách thức hơn, đặc biệt là trong các chương trình truyền hình trực tiếp.
Truyền hình trực tiếp tạo điểm nhấn, tính chuyên nghiệp và sự lan tỏa cho chương trình, vở diễn, thu hút sự chú ý và hứng thú hơn với người xem so với các chương trình ghi hình phát lại và tiết kiệm chi phí sản xuất. Nhưng hoạt động này cũng đòi hỏi việc luyện tập, biểu diễn của các diễn viên phải bài bản, công phu, chỉn chu và đặt ra cho diễn viên và cả êkíp hậu trường những thách thức, động lực để rèn luyện bản lĩnh, nâng cao trình độ diễn xuất, cập nhật ứng dụng khoa học công nghệ hơn.
Thực tế, sân khấu truyền hình đang tạo nhiều cơ hội để nghệ sĩ thỏa sức sáng tạo và tạo động lực để các nghệ sĩ, diễn viễn thể hiện niềm đam mê, rèn luyện, nâng cao kỹ năng diễn xuất, cống hiến cho nghệ thuật, cho công chúng trong bối cảnh dịch bệnh do COVID-19. Thay vì chỉ dựng vở, chương trình biểu diễn, lưu diễn phục vụ công chúng, 2 năm trở lại đây, Nhà hát Chèo Việt Nam bắt đầu tổ chức ghi hình làm tư liệu.
Theo NSND Nguyễn Thị Bích Ngoan, Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam, năm 2020, Nhà hát đã thực hiện ghi hình xong 100 làn điệu Chèo nhưng là về hát. Năm 2021, đơn vị làm 8 chương trình bảo tồn, ghi hình 7 chương trình truyền thống, làm 1 trích đoạn, mời các nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ lão luyện trong nghề tham gia để giữ lại làm tư liệu. Nhà hát còn đặt mục tiêu ghi hình từ 30 đến 60 làn điệu Chèo nhưng về âm nhạc.
NSND Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam cũng cho biết, vừa qua, đơn vị đã phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam quay 2 vở diễn sân khấu truyền hình. Sau khi 2 vở diễn phát sóng, được dư luận ủng hộ, nghệ sĩ rất phấn khởi, vì tác phẩm, tên tuổi nghệ sĩ được quảng bá trên truyền hình, số người xem nhiều.
Tuy nhiên, NSND Nguyễn Tiến Dũng cũng cho rằng, sân khấu truyền hình hiện nay mới chỉ là giải pháp tức thời. Về lâu dài, sân khấu phải cần khán giả trực tiếp, khán giả là yếu tố quan trọng trong đêm diễn. Tất nhiên, trong giai đoạn dịch bệnh có nhiều diễn biến phức tạp thì nghệ sĩ có tác phẩm, được biểu diễn, được thăng hoa trên sân khấu đã là điều đáng quý.
Đồng quan điểm với NSND Nguyễn Tiến Dũng, NSƯT Xuân Bắc, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam cho rằng, biểu diễn trực tiếp trên sân khấu khác hẳn với biểu diễn truyền hình. Biểu diễn sân khấu chỉ tồn tại khi có khán giả đến sân khấu.
Cũng theo NSƯT Xuân Bắc thì sân khấu truyền hình hiện nay cũng là một giải pháp cho các đơn vị nghệ thuật. Tuy nhiên, ứng dụng công nghệ để thu hút khán giả, vượt qua khó khăn do COVID-19 cần đẩy mạnh các hoạt động phối kết hợp hoạt động biểu diễn với công nghệ nhiều hơn, rộng hơn nữa.
Ví dụ, riêng với công tác truyền thông, quảng bá, Nhà hát Kịch Việt Nam đang khởi động tổ chức 2 êkíp. Trong đó, 1 nhóm chuyên về làm trên Youtube, 1 nhóm làm Tiktok. Mỗi nhóm đưa ra kế hoạch, nội dung, trong đó có cả nội dung hình ảnh, nội dung giải trí, nội dung về luyện tập, hoạt động và xây dựng hình ảnh cá nhân của các diễn viên Nhà hát. Đích thân lãnh đạo Nhà hát kết hợp với các đơn vị hàng đầu về công nghệ hỗ trợ các nhóm này…
Ngay với cơ quan quản lý, cụ thể là Cục Nghệ thuật Biểu diễn và các đơn vị phối hợp tổ chức các liên hoan, hội diễn toàn quốc năm 2020 cũng đã có bước chuyển đáng kể khi triển khai livestream nhiều chương trình phục vụ công chúng. Ý tưởng về xây dựng Nhà hát online cũng được đề xuất từ năm 2020.
Dù đến thời điểm hiện nay, Nhà hát online chưa thành hiện thực nhưng Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn, ông Trần Hướng Dương cũng cho hay, Cục đã có kế hoạch, tiếp cận công nghệ số để làm việc, xây dựng các chương trình nghệ thuật trên nền tảng công nghệ. Cục sẽ làm việc với đài truyền hình và các nhà hát để triển khai dàn dựng, biểu diễn các vở diễn, chương trình, phát trên sóng truyền hình.