Tưởng nhớ đạo diễn Abbas Kiarostami kiểu… Salon Điện ảnh!

Chủ Nhật, 10/07/2016, 16:21

Abbas Kiarostami, đạo diễn quan trọng của điện ảnh Iran và điện ảnh thế giới qua đời hôm 4-7 vừa rồi thì tối qua, ngày 10-7, “A Taste of Cherry”, một trong những kiệt tác của ông được trình chiếu theo kiểu… salon dưới sự dẫn dắt của nữ đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp tại Hà Nội.

Tháng 7 được xem là tháng tưởng niệm huyền thoại đương đại Abbas Kiarostami. Nếu Hanoi Doclab giới thiệu “The wind will carry us” (Gió sẽ cuốn ta đi), Salon Điện ảnh TP.HCM giới thiệu “Where Is the Friend's Home?” (Nhà bạn tôi ở đâu) thì Salon Điện ảnh Hà Nội giới thiệu “A taste of Cherry” (tạm dịch: Mùi vị anh đào), tác phẩm đưa về Cành cọ vàng tại LHP Cannes 1997 cho ông.

"Điện ảnh khởi đầu với D.W.Griffifh, và kết thúc bằng Abbas Kiarostami" (Jean Luc Godard). 

Theo nữ đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, đây là “một ngụ ngôn tuyệt đẹp và tĩnh lặng về  đời sống, một câu chuyện của người đàn ông đi tìm người chôn mình, là một bài thơ muộn sầu đẹp đẽ nhất”. Vị đạo diễn này khiến chị “thật sự ngưỡng mộ vì ông đã tìm ra một cách vừa kì lạ vừa thôn tuệ, vừa kín đáo lại vừa rành rọt để kể về Đời – mà sự sống hay cái chết là một phần ở trong đó”.

Về bộ phim làm giới phê bình ngày đó rẽ làm 2 bên, bên mê đắm ngôn ngữ điện ảnh, bên bỉ bai không thương tiếc vì cho rằng đây là một bộ phim trống rỗng, vớ vẩn, đạo diễn của “Đập cánh giữa không trung” đã cảnh báo những khán giả của Salon Điện ảnh Hà Nội rằng “nó có thể khiến bạn buồn ngủ - buồn tẻ”.

Màu vàng chói, gắt của cảnh vật trong phim gợi một cảm giác gì đó trống rỗng.

Nguyễn Hoàng Điệp muốn giới thiệu bộ phim thuộc dòng phim arthouse (phim nghệ thuật) này như một phép thử đối với khán giả Hà Nội. Chị muốn thay đổi quan điểm cố hữu của nhiều người khi cho rằng, phim nghệ thuật thì vô cùng khó hiểu, phim tác giả thì... chỉ dành cho Tây. Chị khẳng định lại một lần nữa thông điệp, nghệ thuật dành cho tất cả mọi người, cái đẹp không dành cho một riêng ai.

Baddi, người đàn ông trung niên, giàu có, lái chiếc xe Range Rover chạy lòng vòng trên những con dốc mùa hạ vàng cháy, bụi bặm và quanh co để thuê một người… chôn mình. Thật đơn giản, đúng 6 giờ sáng, người được thuê chỉ cần đến miệng hố đã được đào sẵn trên một khoảng đất trống, gọi hai tiếng “Ông Baddi, ông Baddi”, nếu không có tiếng trả lời thì lấp đất chôn lại… và nhận được một số tiền công hậu hĩnh. Không một ai biết được lý do ông Baddi muốn chết là gì. Khuôn mặt ông vô cảm và đầy mơ hồ. Chiếc hố được đào sẵn kia cũng đầy mơ hồ, nó được nhắc đi nhắc lại liên tục nhưng không một ai trong chúng ta nhìn thấy hình hài nó ra sao. Kể cả kết thúc phim, khi ông Baddi đầm mình trong miệng hố để… chờ chết thì chúng ta vẫn không thấy chiếc hố ra sao bởi xung quanh là màn đêm đen kịt.

Một người lính trẻ đã hoảng sợ, bỏ chạy khi biết được ý định có phần điên rồ của ông Baddi. Người lính gác cho một công trường vắng vẻ từ chối vì không muốn bỏ đài quan sát và trở thành một người vô trách nhiệm. Anh chàng trường dòng không đồng ý với việc giúp đỡ một người tự sát vì điều đó trái với tín ngưỡng của anh ta. Rồi cuối cùng, ông Baddi cũng gặp được một người chịu giúp mình. Đó là ông Bagheri, một ông già người Thổ, người ngày xưa cũng từng vác dây thừng đi tìm một cây anh đào để treo lên làm thòng lọng - nhưng cuối cùng lại bỏ về nhà sau khi nếm hết quả anh đào mềm mại này đến quả anh đào ngọt ngào khác. Câu chuyện cứ thế, không đánh đố nhưng cứ lòng vòng, lòng vòng, thách thức sự kiên nhẫn của người xem và khiêu khích sự chờ đợi của khán giả.

Đêm hôm đó, Baddi đợi sẵn ở miệng hố và sáng ra, cũng không rõ ông già Bagheri có đến như lời hứa hay không. Phim kết thúc mở với nhiều tầng ý nghĩa được gợi ra.

Bộ phim “A taste of Cherry” là một mỹ cảm hoang mang. Một lần nữa, “to be or not to be”, lời độc thoại của Hamet trong vở kịch cùng tên của Shakespeare lại vang lên một cách mạnh mẽ trên “mảnh đất thuần khiết” Iran. Chúng ta là ai, chúng ta đang sống hay chúng ta đang tồn tại, những câu hỏi nhân sinh u hoài về đời sống của bản thân mỗi chúng ta.

Nguyễn Hoàng Điệp chia sẻ, cô có tham vọng mở ra một “rạp chiếu phim nhỏ, một sân sân khấu nhỏ giữa lòng Hà Nội”.

Salon Điện ảnh thuộc Salon Văn hóa Cà phê thứ Bảy - mô hình không gian văn hóa nghệ thuật phi lợi nhuận do nhạc sĩ Dương Thụ và một số người bạn, cộng sự sáng lập, gồm nhiều chương trình đa dạng ở các lĩnh vực như: âm nhạc, điện ảnh, kiến trúc… 

Hơn một tháng trở lại đây, Salon Điện ảnh Hà Nội dưới sự dẫn dắt của nữ đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp trở thành không gian điện ảnh kỳ lạ, độc đáo và mới mẻ ở thủ đô, thu hút đông đảo khán giả đến xem. Ngoài việc có cơ hội thưởng thức những bộ phim kinh điển, khán giả sẽ được nghe những trò chuyện với các vị khách mời xung quanh bộ phim.  Lần lượt những bộ phim xuất sắc của điện ảnh trong nước và thế giới đã được giới thiệu trong thời gian qua như “Đập cánh giữa không trung”, “Tôi là Cu-ba”, “Mối tình đầu”, “Cúc Đậu, Nửa đêm ở Pa-ri”, “Chuyến tàu mang tên dục vọng”, Mùi vị anh đào”… Nguyễn Hoàng Điệp chia sẻ, cô có tham vọng mở ra một “rạp chiếu phim nhỏ giữa lòng Hà Nội”.

Đậu Dung
.
.
.