Trung tướng, nhà văn Hữu Ước với văn học nghệ thuật

Thứ Bảy, 14/10/2017, 16:50
Ngày 14-10, tại công viên Ước (Sóc Sơn, Hà Nội), Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam tổ chức tọa đàm “Trung tướng, nhà văn Hữu Ước với văn học nghệ thuật”. 

Đồng chí Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương và Giáo sư Hoàng Chương, Tổng Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam đồng chủ trì tọa đàm.

Đồng chí Nguyễn Thế Kỷ và Giáo sư Hoàng Chương tại buổi tọa đàm

Đến dự buổi tọa đàm có Thiếu tướng Mai Văn Hà, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị CAND, Giám đốc Trung tâm Phát thanh – Truyền hình – Điện ảnh CAND; lãnh đạo các Vụ, Cục, Tổng cục thuộc Bộ Công an và gần 200 nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà thơ, nhà văn hóa thuộc Hội Nhà văn Việt Nam và Chi hội Nhà văn Công an.

Thiếu tướng Mai Văn Hà, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị CAND, Giám đốc Trung tâm Phát thanh – Truyền hình – Điện ảnh CAND.
Thiếu tướng Mai Văn Hà trao tặng bó hoa chúc buổi tọa đàm thành công.

Phát biểu tại tọa đàm, Giáo sư Hoàng Chương cho biết: “Chúng tôi muốn chọn một số nghệ sĩ tiêu biểu để tổ chức tọa đàm, hội thảo nhằm tôn vinh, phát huy những sáng tác của họ, đồng thời cũng động viên những nghệ sĩ có tuổi đời, tuổi nghề cao và cống hiến cho sự nghiệp văn học nghệ thuật cách mạng. Lần này, chúng tôi chọn Trung tướng, nhà văn Hữu Ước, người lính dũng cảm trong chiến tranh chống Mỹ, nhà văn, nhà thơ và nhạc sĩ xuất sắc trong thời bình để trao đổi, đánh giá về những cống hiến của ông, biểu dương một nghệ sĩ – chiến sĩ của văn nghệ cách mạng”.

Giáo sư Hoàng Chương khẳng định: “Sự nghiệp sáng tác văn học nghệ thuật của Trung tướng, nhà văn Hữu Ước rất đáng nể phục. Từ văn, thơ, nhạc, họa đến sân khấu, điện ảnh, Hữu Ước đều có tác phẩm hay, ít người sánh kịp. Hy vọng sắp tới đây, Hữu Ước sẽ có thêm những bộ tiểu thuyết hay như “Kiếp người”, có nhiều bài thơ, bản nhạc hay như trong các tập “Hữu Ước ngẫu hứng thơ, nhạc” và những bức tranh đặc sắc như bức “Thân cò” mà anh đã tổ chức bán đấu giá được tiền tỷ để cứu trợ đồng bào bị thiên tai ở Tây Bắc trước đây”.

Phát biểu tại tọa đàm, đồng chí Nguyễn Thế Kỷ khẳng định: “Chúng ta đến với buổi tọa đàm hôm nay trước hết là đến với một người anh, một người bạn văn, một nghệ sĩ đa tài Hữu Ước. Cái làm nên một người nghệ sĩ đa tài, đa tình, đa danh, đa diện ở Hữu Ước bắt đầu là một chiến sĩ Biên phòng, một nhà báo. Từ chất liệu của đời sống, báo chí mà anh chuyển hóa thành văn học, thăng hoa thành nghệ thuật để có “Người đàn bà uống rượu”, “Vòng vây cô đơn”, “Khoảnh khắc mong manh”, “Kiếp người”, “Vòng xoáy”, “Vòng đời”, “Quả báo”, “Lời ru cỏ non”…

Đồng chí Nguyễn Thế Kỷ phát biểu tại buổi tọa đàm.

Buổi tọa đàm với hàng chục tham luận của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu hàng đầu Việt Nam đã góp phần khẳng định những đóng góp to lớn của nhà văn Hữu ước đối với văn học, nghệ thuật. 

Trình bày tham luận tại tọa đàm với nhan đề “Một cách nhìn về văn xuôi của nhà văn Hữu Ước”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Phó Tổng thư ký hội nhà văn Á - Phi chia sẻ: “Văn xuôi của nhà văn Hữu Ước có rất nhiều điều cần phải bàn đến. Nhưng trong tham luận này, tôi chỉ đề cập tới ba vấn đề: ngôn ngữ, hiện thực và bản lĩnh của một nhà văn”.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều trình bày tham luận

Nói về ngôn ngữ trong văn Hữu Ước, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhấn mạnh: “Nếu chúng ta đọc các tác phẩm văn xuôi của nhà văn Hữu Ước từ những tác phẩm đầu đời của ông, chúng ta đều thấy được sự hình thành hệ thống ngôn ngữ văn xuôi Hữu Ước đã bắt đầu từ những ghi chép, ký sự, truyện ngắn, kịch và cả thơ. Mỗi thể loại tôi vừa kể đều có ngôn ngữ hình ảnh riêng của thể loại đó nhưng tất cả các thể loại mà nhà văn Hữu Ước đã sáng tạo đều có một hệ tư duy và hệ ngôn ngữ thống nhất. Và có thể nói, đến bộ tiểu thuyết 3 tập “Kiếp người”, thì ngôn ngữ văn xuôi Hữu Ước đã hiển lộ rõ toàn bộ đặc điểm của nó. Các câu văn của nhà văn Hữu Ước ngắn, súc tích, nhiều động từ, tối giản các mỹ từ, trực diện… Và đặc biệt những đặc điểm này được thể hiện rất rõ trong lời thoại”.

Nói đến chủ đề “Hiện thực Hữu Ước”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ: “Một trong những nhà văn có quá nhiều hiện thực và là một hiện thực đa dạng đôi khi như là những bí mật của xã hội là nhà văn Hữu Ước. Nhưng có những nhà văn đã “chết” ngay trên cái mỏ vàng hiện thực của mình. Có những nhà văn đã bị hiện thực cuốn đi vô định và nhà văn đó hoàn toàn lệ thuộc vào hiện thực. Khi nhà văn lệ thuộc vào hiện thực thì vô tình anh ta đã tự tiêu diệt sự sáng tạo của mình. Nhà văn Hữu Ước đã đi qua được sự nguy hiểm ấy của chính thứ mà ông có quá nhiều. Đó là hiện thực”.

Bàn về chủ đề “Bản lĩnh Hữu Ước”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều khẳng định: “Dám đối mặt với hiện thực trong cuộc sống thường ngày là một bản lĩnh. Nhưng đưa hiện thực đó vào trang sách của mình và xử lý nó đòi hỏi bản lĩnh hơn. Nhà văn Hữu Ước đã hai lần bản lĩnh. Bản lĩnh với những gì xảy ra, hiện ra trong cuộc đời của chính ông và bản lĩnh đối mặt với những thăng trầm, những xấu – tốt, những giả - thật… một lần nữa trong những trang sách của mình. 

Như mọi chúng ta, nhà văn Hữu Ước là một con người, ông lắm người yêu và cũng không ít kẻ đố kị, ganh ghét cùng với những kẻ đã gián tiếp hoặc trực tiếp đày đọa ông. Đối với một nhà văn thiếu tính nhân văn thì tác phẩm của họ chính là cơ hội để họ có thể “thanh toán” món nợ đời. Nhưng đối với một nhà văn có tư tưởng và nhân văn như Hữu Ước, thì đó là cơ hội để nhà văn biến những điều tồi tệ thành một giá trị sống và giá trị của lòng nhân ái”.

Thượng tá, nhà thơ Phạm Khải, Phó Tổng Biên tập Báo CAND, Ủy viên hội đồng lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương (bên trái) cùng các đại biểu dự tọa đàm.

Trình bày tham luận tại tọa đàm, NSƯT, đạo diễn Lê Chức, Phó Chủ tịch, Trưởng ban Sáng tác, Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam khẳng định: “Có một dòng kịch bản, một trường phái – thể loại kịch sân khấu của ngành Công an Việt Nam, mà Hữu Ước trong phạm vi này là một “soái ca” có phẩm chất của một võ sĩ đạo Samurai Nhật Bản, biết tự trọng, tự thân nhận thức, tự trình bày – diễn giải minh bạch trong lễ đạo của ngành trước nhân dân và người xem… Kịch của Hữu Ước cần, rất cần cho sân khấu, như một “khoảng sân trời riêng” dành cho người con của đất nhãn lồng Hưng Yên này vùng vẫy, theo đúng tính cách bản ngã và bản lĩnh Hữu Ước. Và thực sự có hiệu năng trên sân khấu và hiệu quả thẩm nhận của người xem”.

NSƯT, đạo diễn Lê Chức, Phó Chủ tịch, Trưởng ban Sáng tác, Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam 

Nói về thơ Hữu Ước, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến chia sẻ: “Thơ Hữu Ước là vậy, anh mộc mạc, chân giản trong cách chọn từ, chọn chữ và không cầu kỳ thi hứng, cũng không ham luận bàn, triết lý xa xôi. Với anh, thơ nhiều khi chính là dòng tự cảm, tự kỷ trước hết rồi mới đến dòng tự sự, tự an nhiên”.

Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến.

Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến dẫn chứng: “Bài thơ “Thương anh” của nhà văn Hữu Ước viết đúng ngày nhà thơ Phạm Tiến Duật qua đời. Bằng những câu thơ chân thành, đồng cảm với nỗi đau day dứt, Hữu Ước đã khắc họa chân dung nhà thơ Phạm Tiến Duật ở một góc nhìn có tính thế sự - chiêm nghiệm với nhiều kỷ niệm về một Người – Thơ – Lớn: “… Cuộc sống bộn bề với trăm ngàn công việc/ Anh vẫn là đứa trẻ hồn nhiên/ Chẳng cần biết đến một thời oanh liệt/ Anh tặc lưỡi: Hào quang gì rồi cũng tắt/ Miễn là ta vẫn cứ là ta/ Một thi sĩ dại khờ giữa thế giới người khôn”.

Trung tướng - Nhà Văn Hữu Ước 

Nhà văn Hữu Ước quả thực là một trong những hình mẫu con người của công việc. Ông đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới. Rời vị trí quản lý ở Tổng cục Chính trị CAND và hệ thống báo chí hùng mạnh của lực lượng CAND, giờ đây, trên cương vị là Chủ tịch Chi hội nhà văn Công an, ông vẫn trăn trở để luôn có những đóng góp hết sức thiết thực, hiệu quả vào sự nghiệp văn học, nghệ thuật của lực lượng CAND nói riêng và của cả nước nói chung. Gần đây, dưới bộn bề công việc, ông vẫn miệt mài hoàn thành bộ tiểu thuyết “Kiếp người” 3 tập với khoảng 1.500 trang sách với hàng vạn bản in trên khắp cả nước. Sự thành công của nhà văn Hữu Ước là minh chứng cho sức lao động phi thường, là động lực để không ít các lớp nhà văn hôm nay soi rọi trên con đường văn chương, nghệ thuật.

Các nhà văn, nhà thơ trình bày tham luận của mình tại buổi tọa đàm.
Nhà văn Như Bình.
Ban tổ chức và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm cùng Trung tướng, nhà văn Hữu Ước.

Trung tướng, nhà văn Hữu Ước, Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, nguyên là Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị CAND; nguyên Tổng biên tập Báo CAND và nguyên Tổng biên tập truyền hình CAND. Hiện ông là Chủ tịch Chi hội Nhà văn Công an.

Các tác phẩm tiêu biểu của Trung tướng, nhà văn Hữu Ước:

Văn: Vòng vây cô đơn (truyện ngắn); Người đàn bà uống rượu (truyện ngắn); Đêm giông (truyện dài); Ký sự chọn lọc (tập ký); Kiếp người (tiểu thuyết 3 tập).

Kịch: Vòng xoáy (kịch nói); khoảnh khắc mong manh (kịch nói); Vòng đời (kịch nói); Quả báo (kịch nói); Vòng vây cô đơn (kịch nói); Người đàn bà uống rượu (kịch nói); Sếp rởm (hài kịch); Tiếng chuông chùa (kịch nói)…

Phim: Đêm giông (phim truyện nhựa); Cô gái si đa (2 tập, phim truyện nhựa); Người con gái đất đỏ (phim truyện nhựa); Tình yêu không có chân trời.

Hội họa: Hơn 150 bức tranh sơn dầu khổ lớn.

Thơ: Nốt trầm (tập thơ); … và giọt thời gian (tập thơ); Thơ chơi (tập thơ); Ngẫu hứng thơ (tập thơ); Một mình (tập thơ”…

Nhạc: Lời Bác – lời của non sông (hợp xướng); Mẹ tôi (ca khúc); Lời ru cỏ non; Lời hẹn hò cuối cùng; Một câu hò sông Hương; Chúng tôi, Người nghệ sĩ… và hàng chục ca khúc đặc sắc khác…


Cảnh Vũ - Chiến Thắng - Trần Ngọc
.
.
.