Trao giải “Cây bút vàng” lần thứ 3 và phát động cuộc thi lần thứ 4

Thứ Tư, 04/04/2018, 08:13
Ngày 4-4, Chi hội Nhà văn Công an phối hợp với Nhà xuất bản CAND tổ chức Lễ tổng kết cuộc thi “Cây bút vàng” lần thứ 3 (giai đoạn 2015 -2017) và phát động cuộc thi “Cây bút vàng” lần thứ 4 (giai đoạn 2018 – 2020).

Đến dự buổi lễ có Thượng tướng - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận – Phê bình Văn học, Nghệ thuật Trung ương; đồng chí Hoàng Vĩnh Bảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Thượng tướng Lê Thế Tiệm, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an; Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; Thiếu tướng Mai Văn Hà, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị CAND; Thiếu tướng Nguyễn Hải Trung, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị CAND; Thiếu tướng Phạm Văn Dần, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng CAND (nay là Tổng cục Chính trị CAND); Trung tướng, nhà văn Hữu Ước, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị CAND, Chủ tịch Chi hội Nhà văn Công an; lãnh đạo một số Tổng cục, Vụ, Cục thuộc Bộ Công an cùng đông đảo các nhà văn trong và ngoài lực lượng Công an tham gia cuộc thi, tham dự buổi lễ.

Phát biểu tổng kết cuộc thi, Trung tướng, nhà văn Hữu Ước cho biết, cách đây 22 năm (1996) giải “Cây bút vàng” của Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam được tổ chức khi Tạp chí Văn hóa - Văn nghệ Công an chính thức ra mắt bạn đọc, nhằm thu hút và tập hợp các nhà văn và những người hoạt động văn hóa – nghệ thuật của nước nhà đến với lực lượng Công an bằng các tác phẩm văn học nghệ thuật. 

Tạp chí Văn hóa - Công an Văn nghệ Công an với giải “Cây bút vàng” lần thứ nhất cũng là “phát súng lệnh” để những người sáng tác văn học trong lực lượng Công an tập trung khai thác mảng đề tài an ninh trật tự với sự khích lệ cổ vũ của toàn lực lượng Công an, từ đó khắc họa nên hình tượng cao đẹp của người chiến sỹ Công an trên lĩnh vực văn hóa – nghệ thuật…

Thứ trưởng Nguyễn Văn Thành trao giải cho các tác giả đoạt giải Nhì.

Trung tướng, nhà văn Hữu Ước chia sẻ, để chuẩn bị cho cuộc thi lần thứ 3, Chi hội Nhà văn Công an và Nhà xuất bản CAND đã tổ chức và mở ba trại viết và đưa các nhà văn đi thực tế ở cả 2 miền Bắc – Nam. 

Cuộc thi này, Ban tổ chức đã nhận được hơn 200 tác phẩm dự thi, nhiều tác phẩm xuất sắc, tiêu biểu như: Tác phẩm “Đặc biệt nguy hiểm” của tác giả Nguyễn Như Phong; “Ký ức thời con gái” của tác giả Nguyễn Thị Cùng; “8 năm 4 tháng 24 ngày” của tác giả Lê Duy Nghĩa; “Lầm lạc” – tác giả Phù Ninh; “Mật mã cuối cùng” – Tác giả Kim Thị Mùa Đông và còn nhiều tác phẩm khác, đã tập trung khắc họa những hình ảnh đẹp về người chiến sĩ Công an tận trung với Đảng, tận hiếu với dân, mưu trí, dũng cảm, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc.

Ban sơ khảo và Hội đồng chung khảo cuộc thi là các nhà văn có uy tín của Hội nhà văn Việt Nam và của lực lượng Công an. Một điều đáng tiếc là cả 3 thể loại tiểu thuyết, ký và truyện ngắn Hội đồng chung khảo không tìm ra được giải nhất. 

Vì vậy với tổng số 23 giải cho 3 thể loại, Ban tổ chức quyết định trao 1 giải Nhì, 4 giải Ba và 4 giải Khuyến khích cho thể loại tiểu thuyết;  2 giải Nhì, 2 giải Ba và 1 giải Khuyến khích cho thể loại Ký và 8 giải Ba, 1 giải Khuyến khích cho thể loại Truyện ngắn.

Phát biểu tại buổi lễ, Thiếu tướng Mai Văn Hà, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị CAND nhấn mạnh: Tổng cục Chính trị CAND, Ban tổ chức cuộc thi “Cây bút vàng” lần thứ 3 rất tự hào và vui mừng là điểm đến tin cậy của các nhà văn, các cây bút trong và ngoài lực lượng CAND. 

Thông qua các tác phẩm văn học, Ban tổ chức cuộc thi muốn chuyển thông điệp về cái đẹp, tính nhân văn sâu sắc trong mọi khía cạnh công tác Công an được thể hiện qua hình tượng người chiến sĩ đấu tranh trên mặt trận giữ vững an ninh trật tự đến đông đảo độc giả, bên cạnh đó, tích cực vận động quần chúng nhân dân tham gia vào công tác đảm bảo an ninh trật tự cùng với lực lượng CAND giữ gìn bình yên cho mỗi căn nhà, mỗi khu xóm…

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Nguyễn Văn Thành khẳng định, thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Văn hóa, nghệ thuật cũng là một mặt trận, anh chị em văn nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận ấy”, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an luôn quan tâm chỉ đạo, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các văn nghệ sĩ phát huy hết tài năng, trí tuệ, cảm hứng để đồng hành cùng lực lượng CAND trong suốt 73 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành. 

Nhiều nhà văn, nhà báo tiêu biểu đã vượt lên khó khăn, gian khổ, vừa cầm bút, cầm súng, dồn hết tâm sức, trí tuệ để cho ra đời những tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, có sức sống mãnh liệt, trường tồn, đáp ứng yêu cầu thiết yếu về đời sống tinh thần của nhân dân; cổ vũ, động viên cán bộ, chiến sĩ CAND trong công tác, chiến đấu và góp phần xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp, hướng tới các giá trị Chân – Thiện –  Mỹ.

Tại buổi lễ, Thứ trưởng Nguyễn Văn Thành đã chính thức phát động cuộc thi viết “Cây bút vàng” lần thứ 4 trong thời gian 2018 – 2020 với 3 thể loại: kịch bản sân khấu, truyện ngắn và ký viết về hình tượng người chiến sỹ Công an và phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Thành khẳng định, cuộc thi “Cây bút vàng” lần thứ 4, giai đoạn 2018 – 2020 có rất nhiều ý nghĩa, trong đó, cuộc thi là một trong những hoạt động thiết thực kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống lực lượng CAND Việt Nam (19-8-1945 – 19-8-2020) và 15 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. 

Cuộc thi được Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam đặc biệt quan tâm; Bộ Công an sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các nhà văn thâm nhập thực tế, tiếp cận với các nguồn thông tin đa dạng, khơi dậy mọi nguồn lực sáng tạo để tạo nên nhiều tác phẩm văn học có chất lượng cao.

Đại tá, nhà văn Nguyễn Như Phong, nguyên Phó Tổng biên tập Báo CAND, Giải Nhì thể loại Tiểu thuyết:

“Người thúc giục tôi nhất viết cuốn này đó chính là Trung tướng, Nhà văn Hữu Ước. Sau khi tôi kể cho anh Ước nghe một câu chuyện thì anh ấy bảo tôi phải phát triển để viết thành tiểu thuyết. 

Tiểu thuyết “Đặc biệt nguy hiểm” của tôi viết về một doanh nhân xuất thân bần hàn, và đã phạm tội từ khi còn rất bé. Thế nhưng được sự giáo dục, cảm hóa, thương yêu của những người cán bộ, chiến sĩ Công an, đặc biệt là những cán bộ quản giáo đã cưu mang, giúp đỡ và sau này khi ra tù, anh ấy đã trở thành một người làm kinh tế giỏi. 

Trong quá trình cạnh tranh khốc liệt trên thương trường, anh ấy đã bị hàm oan, bị vu cho các tội tày đình và bị kết án tử hình. Sau đó, anh đã  đi tìm chứng cứ minh oan cho mình. Cuối cùng anh ấy đã được minh oan, còn những người gây nên nỗi oan khuất cho anh ấy đã phải trả giá trước pháp luật”.

Đại úy, Nhà thơ Trần Hoàng Thiên Kim, phóng viên Báo CAND, Giải 3 thể loại Ký:

“Những mùa Xuân bất tử trong nhà tù Côn Đảo” là một cuốn hồi ký do tôi chắp bút, viết về cuộc đời của Trung tướng Châu Văn Mẫn, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Cuốn sách viết về cuộc đời hoạt động cách mạng của ông, đặc biệt là giai đoạn ông bị giam cầm ở nhà tù Côn Đảo. Cuốn sách dày hơn 200 trang, tôi rất hạnh phúc vì cuốn sách của tôi đã được Giải 3, cuộc thi “Cây bút vàng” lần này. Tôi cảm thấy đây là một điều vinh hạnh và may mắn, là động lực để cho tôi phấn đấu hơn nữa trên con đường viết văn của mình”.

Các tác phẩm, tác giả đoạt giải:

Thể loại Tiểu thuyết

Giải Nhì, trị giá 30.000.000 đồng: Tác phẩm “Đặc biệt nguy hiểm” của Tác giả Nguyễn Như Phong

Giải Ba, mỗi giải trị giá 20.000.000 đồng:

Tác phẩm “Mật mã cuối cùng” của Tác giả Mùa Đông

Tác phẩm “Mật danh Đ9” của Tác giả Lại Văn Long

Tác phẩm “Nỗi niềm nghiệt ngã” của Tác giả Phan Quế

Tác phẩm “Những mùa ngâu” của Tác giả Ngô Thúy Nga

Giải Khuyến khích, mỗi giải trị giá 10.000.000 đồng:

Tác phẩm “Lầm lạc” của Tác giả Phù Ninh

Tác phẩm “Tốt đen” của Tác giả Nguyễn Hiếu

Tác phẩm “Keo đỏ” của Tác giả Vũ Quốc Khánh

Tác phẩm “Câu chuyện buồm nhỏ” của Tác giả Anh Chi

Thể loại Ký

Giải Nhì, mỗi giải trị giá 15.000.000 đồng:

- Tác phẩm “Ký ức thời con gái” của Tác giả Nguyễn Thị Cùng.

- Tác phẩm “8 năm 4 tháng 24 ngày” của Tác giả Lê Duy Nghĩa.

Giải Ba, mỗi giải trị giá 10.000.000 đồng:

Tác phẩm “Những mùa xuân bất tử trong nhà tù Côn Đảo” của Tác giả Trần Hoàng Thiên Kim.

Tác phẩm “Đòn phản gián” của Tác giả Lương Sỹ Cầm.

Giải Khuyến khích, trị giá 5.000.000 đồng, Tác phẩm “Chuyện quản giáo xin đất cho tử tù” của Tác giả Lê Va.

Thể loại Truyện ngắn:

8 Giải Ba, mỗi giải trị giá 10.000.000 đồng:

Tác phẩm “Đường biên giới màu đỏ” của Tác giả Tống Ngọc Hân

Tác phẩm “Nhành mai Yên Tử” của Tác giả Mai Vũ

Tác phẩm “Nước mắt sau cuộc chiến” của Tác giả Lê Thị Bích Hồng

Tác phẩm “Những trang nhật ký viết bằng nước mắt” của Tác giả Nguyễn Xuân Hải

Tác phẩm “Tấm thẻ” của Tác giả Phùng Văn Khai

Tác phẩm “Tấm huân chương” của Tác giả Phan Đình Minh

Tác phẩm “Đi qua những giấc mơ” của Tác giả Mai Thị Hồng Quế

Tác phẩm “Thợ rập” của Tác giả Phạm Thanh Khương

1 Giải Khuyến khích, trị giá 5.000.000 đồng, Tác phẩm “Kiên quyết không bắt” của Tác giả Trọng Nghĩa.

Vũ Cảnh
.
.
.