“Tỏa 2” – Lát cắt trẻ trung của nghệ thuật đương đại Việt Nam

Thứ Hai, 11/06/2018, 12:00
Triển lãm “Tỏa 2” của Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA) đã đưa khán giả đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác trước các tác phẩm của 10 nghệ sĩ trẻ, một làn gió mới mà VCCA mang đến cho cộng đồng nghệ thuật Việt Nam.


Triển lãm “Tỏa 2” trưng bày 34 tác phẩm của 10 gương mặt nghệ sĩ triển vọng do Tiến sĩ Mizuki Endo – Giám đốc Nghệ thuật VCCA đồng thời là giám tuyển triển lãm – lựa chọn, bao gồm: Nguyễn Nghĩa Cương, Hà Phước Duy, Tạ Minh Đức, Phạm Hà Hải, Triệu Minh Hải, Lê Phi Long, Nguyễn Đức Phương, Vũ Đức Trung, Lương Trung, Vũ Ngọc Vĩnh.

Với các tác phẩm thuộc nhiều ngôn ngữ nghệ thuật như tranh, điêu khắc, video và sắp đặt, không gian trưng bày VCCA dưới “bàn tay” sắp xếp của giám tuyển Mizuki Endo khoác lên mình một diện mạo mới. “Tỏa 2” được sắp xếp tinh tế như một cuộn phim, có mở đầu, kết thúc, có diễn biến nhanh chậm, song không đơn thuần là một “dòng chảy” thị giác mà người xem còn có thể tương tác với tác phẩm theo những cách khác nhau.

Điểm đầu tiên thu hút những ánh nhìn là khu vực cửa sổ trưng bày (window display), với series 3 tác phẩm gốm tinh xảo của nghệ sĩ Triệu Minh Hải ngay khi đặt chân vào Triển lãm. 3 chiếc bình thân trắng với nét vẽ tay chuyển động xoáy cuộn như những vòng lặp mê hoặc.

Với sự tham gia của các họa sĩ trẻ thuộc nhiều trường phái khác nhau như hiện thực, trừu tượng, biểu hiện…, “Tỏa 2” cũng trưng bày nhiều tác phẩm tranh mang nhiều phong cách và chất liệu đa dạng như acrylic trên toan, sơn dầu, chì, sơn mài.

Triển lãm “Tỏa 2” còn chứng kiến sự tương tác giữa tác phẩm với kiến trúc đặc trưng của không gian trưng bày, làm nên những sắp đặt mang dấu ấn riêng ở VCCA. Đáng chú ý là tác phẩm sắp đặt đa chất liệu “Hic Domus Est Dei” (Đây là nhà của Thiên chúa) của nghệ sĩ Lê Phi Long – được tạo xếp từ những thân cây và gỗ dầm bỏ hoang. Công trình được tác giả “dịch chuyển” từ Đà Lạt, tái hiện gác chuông của nhà thờ do các nhà truyền giáo Pháp dựng vào những năm 1930, mang theo những ẩn ý về lịch sử và tín ngưỡng.

Không thể bỏ qua Sky Dome – một trong những địa điểm thu hút nhất tại VCCA – khu vực mái vòm được thiết kế như một giếng trời khổng lồ nằm ở vị trí chính giữa trung tâm với không gian mở, tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên. Tại “Tỏa 2”, giếng trời này trưng bày các tác phẩm nghệ thuật đương đại có ứng dụng những chất liệu và kỹ thuật truyền thống, bao gồm sắp đặt gốm “Vạn cảnh giai không” của nghệ sĩ Nguyễn Đức Phương và hai chuỗi tranh sơn mài trên gỗ của nghệ sĩ Vũ Đức Trung. Không gian nơi đây mang đến cho người xem cảm nhận về sự chuyển động của thời gian, sự giao thoa của quá khứ và hiện tại, hiện đại và truyền thống.

“Tỏa 2” bắt nguồn từ sự tâm huyết của VCCA và các nghệ sĩ lớp trước với nghệ sĩ trẻ, là kết quả của sự đối thoại và hòa quyện của nghệ thuật. Giám đốc Nghệ thuật VCCA Mizuki Endo ví triển lãm như một lát cắt trẻ trung, sinh động của nghệ thuật đương đại Việt Nam.

 "VCCA mong muốn giới thiệu những nghệ sĩ trẻ triển vọng đến với công chúng, mang tới cho khán giả những trải nghiệm mới về các tác phẩm chất lượng - 'Tỏa 2' là một luồng gió mới mà VCCA mong muốn mang đến cho cộng đồng nghệ thuật Việt Nam", ông chia sẻ.

Triển lãm “Tỏa 2” tiếp nối sự thành công của VCCA đối với dòng Triển lãm Giáo dục, đem tới cho công chúng cơ hội tìm hiểu sâu sắc hơn về các nghệ sĩ bậc thầy, thành danh hoặc triển vọng của nghệ thuật Việt Nam.

Sự kiện mở cửa tự do từ ngày 9/6 đến hết ngày 15-7-2018 tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA) ở B1 – R3, Vincom Mega Mall Royal City (72A Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội). Trong khuôn khổ triển lãm, VCCA sẽ tổ chức ba cuộc tọa đàm nghệ thuật với 10 tác giả vào ngày 16-6, 30-6, 15-7 cùng các hoạt động minishow, workshop. Chương trình chi tiết sẽ được cập nhật trên website và trang fanpage chính thức của trung tâm.

Giang Nguyễn
.
.
.