Thu hơn 57 tỷ đồng tiền tác quyền âm nhạc
Ngày 14-1, tại TP Hồ Chí Minh, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) chi nhánh phía Nam đã họp tổng kết năm 2016.
- Thanh tra hoạt động của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam
- Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam bảo vệ quyền tác giả như thế nào?
Báo cáo tổng kết tại buổi lễ, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, Giám đốc VCPMC chi nhánh phía Nam cho biết, trong năm 2016, tổng số hợp đồng VCPMC phía Nam đã ký là 3.328 hợp đồng, ứng với số tiền đã thu là hơn 57 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2015.
Trong đó tiền sử dụng tác phẩm âm nhạc ở lĩnh vực website, ứng dụng nhạc và trung tâm chăm sóc sức khỏe có tỷ lệ tăng trưởng mạnh nhất: lần lượt là 87% và 96%. Ngược lại, số tiền tác quyền thu ở lĩnh vực băng đĩa, sách nhạc giảm đến 26% so với năm 2015.
Quang cảnh Lễ tổng kết. |
Năm 2016, bộ phận Pháp chế của Trung tâm cũng đi vào hoạt động với nhiệm vụ chính là giải quyết các vấn đề pháp lý, xử lý các hành vi xâm phạm quyền tác giả. Bộ phận này đã hỗ trợ tích cực cho Phòng Cấp phép rà soát, kiểm tra và đã xử lý nhiều trường hợp vi phạm trong các lĩnh vực kinh doanh dịch vụ có sử dụng âm nhạc như: truyền thông, biểu diễn, sao chép băng đĩa nhạc, nhà hàng, quá cà phê... Đặc biệt, nhiều tác giả đã có ý thức bảo vệ quyền lợi, thông báo các vụ xâm phạm tác phẩm của mình để Trung tâm kịp thời xử lý.
Trong năm 2017, nhiệm vụ trọng tâm của VCPMC là tiếp tục phối hợp với các cơ quan quản lí nhà nước ở các địa phương để đảm bảo thực thi quyền tác giả đồng bộ và triệt để hơn, bắt kịp các xu hướng mới. Đồng thời tiến hành phối hợp với các luật sư lập hồ sơ, lập bằng chứng khởi kiện một số trường hợp xâm phạm quyền tác giả.